Nếu bạn vượt qua được những khó khăn ở chỗ thực tập bằng quyết tâm, bằng nỗ lực của bản thân thì tất cả những việc đó sẽ giúp bạn trưởng thành hơn rất nhiều.

1. Thay đổi bản thân từ bên trong cho tới bên ngoài
 
Trước hết là vấn đề trang phục. Bạn không thể diện quần bò, áo phông kết hợp với đôi giày thể thao năng động, đeo balo theo phong cách "xì tin" đến cơ quan được. Thay vào đó là quần áo công sở đi kèm túi xách lịch sự.
 
 
Rồi đến cách đi đứng, ăn nói, giao tiếp cũng khác. Nếu trước đây với bạn bè, bạn nghĩ gì nói nấy, không sợ lo mất lòng ai, cứ thẳng như ruột ngựa, volume to hay bé đều được. Nếu gấp gáp chuyện gì thì chạy bạt mạng. Còn khi đến chỗ thực tập, bạn cần phải nghĩ trước khi nói, âm lượng đủ nghe, câu nói đầy đủ chủ, vị ngữ, rõ ràng, rành mạch, không thể bla, bla... được. Nói chung có thể tóm lại ở ba từ "đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên".
 
2. Học cách thay đổi các thói quen sinh hoạt, giờ giấc
 
Đã là sinh viên thì phải ngủ nướng, nếu bạn học chiều thì sáng phải chín, mười giờ mới dậy, ăn trưa kiêm luôn ăn sáng. Tối đến ôm laptop chát chit, chém gió với bạn bè, lướt web, đọc truyện, xem phim tới 1, 2 giờ mới đi ngủ là chuyện bình thường, rồi thì cao su, muộn giờ học, trốn tiết. Giờ đã đi thực tập, mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Hằng ngày bạn phải đi/về đúng giờ và ngày ngày 8 tiếng ở cơ quan dù làm việc hay chỉ là đọc tài liệu. Chỉ như vậy thôi cũng đủ tối về làm cho bạn mệt bơ phờ rồi. 
 
Chính vì vậy mà trong thời gian này bạn cần phải thay đổi thói quen giờ giấc sinh hoạt của mình sao cho phù hợp.
 
3. Học cách chủ động, không biết thì phải hỏi
 
Tâm lý của tất cả các bạn sinh viên khi mới thực tập là “sợ” và “ngại”. Các bạn sợ kiến thức của mình không đủ, kinh nghiệm làm việc chưa có, môi trường mới, con người mới, lại toàn những người lớn tuổi hơn mình, mình sẽ không biết làm gì, nói gì khi được giao việc. Các bạn ngại nói, ngại hỏi. Cái gì không biết cũng im lặng, tự mày mò, ngồi đọc tài liệu đến phát chán mà đôi khi chẳng hiểu mình đang đọc cái gì. Rồi được một, hai hôm thì viện lí do xin ở nhà đọc. Nhưng…

 

 
Chúng ta là những người trẻ tuổi, ai cũng biết, các bạn chỉ là những sinh viên năm cuối, chưa đi làm, chưa có kinh nghiệm. Đây chính là điểm mạnh của ác bạn, cũng là một lí do chính đáng khi bạn muốn hỏi mọi người về các vấn đề mình muốn tìm hiểu. Thế nên cái gì không biết thì phải hỏi, nếu cứ im lặng và cố tình giấu dốt thì bạn sẽ chẳng biết thêm được gì và làm được gì cả. 
 
Được giao việc, bạn không biết bắt đầu từ đâu, không biết làm thế nào, thì nên mạnh dạn nói ra, nhờ người giúp đỡ, chỉ dẫn. Không hiểu chỗ nào thì hỏi cho đến khi thực sự hiểu thì thôi. Nhưng bạn cũng cần phải biết lựa chọn thời gian thích hợp để hỏi, đừng thấy người khác đang bận tối mắt tối mũi mà lăm xăm cầm tập tài liệu đến hỏi. 
 
Thực trạng là rất nhiều bạn sinh viên than phiền “đến đó chẳng làm gì, suốt ngày chỉ đọc tài liệu đến phát chán”. Các bạn phải thấy rằng, các cô chú, anh chị ở đấy đều có công việc riêng của mình và họ cũng rất bận. Nếu bạn cảm thấy đọc tài liệu “đủ rồi, chán rồi ” thì chủ động tự tìm đến họ hỏi, đề nghị giao việc khác cho mình. Bạn đừng cứ ngồi ì ra đó và chờ họ đến hỏi mình trước. Chủ động học hỏi là cách nhanh nhất để bạn có thể bắt nhịp được với công việc.
 
4. Học cách kiềm chế, kiên nhẫn
 
Đi thực tập, không phải ai cũng may mắn được giới thiệu hay tìm được nơi thực tập như ý. Nhiều bạn thấy rằng những ngày đầu thực tập phải làm mấy việc “vặt vãnh” như  pha trà, rót nước, dọn dẹp, phô tô tài liệu, in ấn… thì đâu phải đi thực tập. Đi thực tập thì phải làm những thứ “oai” hơn cơ, đúng với chuyên ngành mình học cơ. Nên tỏ ra bất mãn. 
 
Bạn đi thực tập mà không sẵn sàng làm bất cứ việc gì được giao, không chấp nhận được gian khổ, không có sự quyết tâm làm việc thì bạn sẽ không thể thành công được. Bất kỳ công việc gì cũng sẽ có ích cho bạn, có thể chưa phải ngay bây giờ, mà là sau đó. Sếp sẽ rất dễ nhận ra và đánh giá bạn là người như thế qua những công việc “nhỏ nhặt” ấy. 
 
Chưa kể đến việc thường xuyên xảy ra ở các công ty, cơ quan là chuyện “ma cũ bắt nạt ma mới”. Bạn mới chân ướt chân ráo đến chỗ làm. May mắn gặp được các anh chị tốt bụng, cởi mở, tận tình chỉ dẫn  thì không sao. Cũng có không ít bạn mới ngày một, ngày hai đã bị “sai bảo” quay như chong chóng, rồi “ăn mắng” như cơm bữa là chuyện bình thường. Kế đến là những lời bàn ra tán vào, đàm tiếu sau lưng. Rằng mình là  “COCC” (Con ông cháu cha), quen biết nên mới được vào đây…
 
Có thể ở nhà bạn là tiểu công chúa, tiểu hoàng tử, không phải đụng chân đụng tay vào việc gì, trên lớp hay ở nhà chẳng có ai nặng lời với bạn. Nhưng ở chỗ thực tập thì mọi chuyện hoàn toàn khác. 
 
Và nếu bạn vượt qua được những khó khăn ở chỗ thực tập bằng quyết tâm, bằng nỗ lực của bản thân thì tất cả những việc đó sẽ giúp bạn trưởng thành hơn rất nhiều.
 
Theo Lethuy248 / Trí Thức Trẻ
 

Tags