• [SV&KHPL] BÀN VỀ NGUYÊN TẮC TRANH TỤNG TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM

    Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả làm rõ khái niệm nguyên tắc tranh tụng, phân tích quy định của pháp luật TTHS, thực tiễn áp dụng nguyên tắc tranh tụng hiện nay và lí giải nguyên nhân của những hạn chế. Trên cơ sở đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật TTHS về nguyên tắc tranh tụng nhằm đảm bảo sự phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hình sự.

     

    Tóm tắt

    Trong khuôn khổ đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 theo chủ trương triển khai thi hành Hiến pháp 2013 và thực hiện chiến lược cải cách tư pháp về nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự (TTHS). Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả làm rõ khái niệm nguyên tắc tranh tụng, phân tích quy định của pháp luật TTHS, thực tiễn áp dụng nguyên tắc tranh tụng hiện nay và lí giải nguyên nhân của những hạn chế. Trên cơ sở đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật TTHS về nguyên tắc tranh tụng nhằm đảm bảo sự phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hình sự.

     

    1. Đặt vấn đề

    Sự ra đời của Hiến pháp mới 2013 đã mở ra bước ngoặt trong công cuộc cải cách tư pháp nước ta trên tầm sâu rộng. Số lượng lớn các văn bản luật được sửa đổi trong thời gian gần đây để phù hợp với nội dung của Hiến pháp mới và trong đó có cả BLTTHS đang ở giai đoạn dự thảo sửa đổi. Trong xu hướng xây dựng nền tư pháp hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế thì việc bảo vệ tối đa quyền con người và quyền công dân luôn được đặc biệt chú trọng. Với tinh thần ấy, nhằm nâng cao chất lượng của quá trình TTHS, xác định sự thật vụ án, đảm bảo tốt nhất yếu tố công bằng, khách quan trong xét xử và bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, trong Hiến pháp năm 2013 tại Khoản 5 Điều 103 quy định: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Hiến pháp là đạo luật gốc, văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất do vậy quy định nguyên tắc tranh tụng trong Hiến pháp là tiền đề để xây dựng và hoàn thiện các quy định về bảo đảm tính tranh tụng trong các văn bản pháp luật tố tụng nói chung và trong BLTTHS nói riêng.

    Nguyên tắc của TTHS là những tư tưởng chỉ đạo, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong xây dựng toàn bộ các chế định, quy phạm pháp luật TTHS. Vì vậy, sự hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản trong pháp luật mà ở đây là nguyên tắc tranh tụng đóng một vai trò kim chỉ nam trong xây dựng nhà nước pháp quyền đúng nghĩa. Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nêu rõ: "Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp". Nghị quyết 37/NQ-QH13 ngày 23/11/2012 tiếp tục khẳng định: “Kiểm sát viên phải chủ động, tích cực tranh luận, đối đáp tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự… Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các Tòa án tiếp tục đẩy mạnh việc tranh tụng tại phiên tòa”. Yêu cầu tăng cường tranh tụng được nêu trong Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 49 -NQ/TW của Bộ Chính trị không nên hiểu là yêu cầu thay đổi hệ thống tố tụng (từ hệ thống tố tụng thẩm vấn sang hệ thống hệ thống tố tụng tranh tụng), mà cần phải đựơc hiểu là yêu cầu cần phải tăng cường khả năng tranh luận dân chủ giữa các chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án, bảo đảm cho việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.[1]Không hiếm trường hợp khi đưa ra xét xử, các bên tranh tụng bày tỏ quan điểm không rõ ràng về chứng cứ chứng minh, Tòa án buộc phải xét hỏi để làm rõ, bảo đảm công bằng cho các bên đương sự. Do vậy, vẫn cần kết hợp giữa mô hình tố tụng xét hỏi và tố tụng tranh tụng.

    Trong điều kiện cụ thể về chính trị - luật pháp, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đồng thời tính đến các quy luật phát triển khách quan cho thấy đây là thời điểm thích hợp để luật hóa nguyên tắc tranh tụng và nâng lên thành một nguyên tắc cơ bản trong BLTTHS. Tuy nhiên, ở giai đoạn BLTTHS 2003 vẫn còn hiệu lực thì mô hình tố tụng ở nước ta còn mang nặng tính thẩm vấn, còn chứa đựng nguy cơ xâm phạm quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, bài viết đào sâu tìm hiểu về hoàn thiện nguyên tắc tranh tụng trong áp dụng thực tiễn vào mô hình tố tụng hình sự ở Việt Nam.

     

    2. Khái niệm và ý nghĩa của nguyên tắc tranh tụng trong TTHS

    2.1. Khái niệm về nguyên tắc tranh tụng trong TTHS

    Các nhà nghiên cứu lịch sử Nhà nước và Pháp luật thế giới chứng minh rằng tư tưởng về tranh tụng bắt nguồn từ ý tưởng của nhà triết học cổ đại nổi tiếng người Hy Lạp Plato. Ông cho rằng “bằng cách nói chuyện (đối thoại) về một điều gì đó trong một thời gian dài, một vài dấu hiệu hoặc hiểu biết sẽ xuất hiện và cả hai bên sẽ cùng nhìn ra sự thật”.[2]Ý tưởng này của Plato được các luật gia Hy Lạp cổ đại phát triển và xây dựng thành là một trong những nguyên tắc cơ bản của TTHS ở nhà nước Hy Lạp cổ đại. Sau đó, nguyên tắc này được đưa vào áp dụng ở La Mã và các quốc gia cổ đại khác ở Châu Âu với tên gọi “thủ tục hỏi đáp liên tục”.[3] 

    Dưới góc độ nghiên cứu của bài viết, nhóm tác giả phân tích tranh tụng được xem xét như một nguyên tắc trong TTHS. Trong khoa học pháp lý tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm nguyên tắc tranh tụng.

    Theo TS. Hoàng Thị Quỳnh Chi cho rằng: “Nguyên tắc tranh tụng đề cao vai trò của luật sư, của cá nhân và đặc biệt đề cao các quyền cơ bản của con người. Thẩm phán chỉ đóng vai trò trọng tài khách quan và công minh, ra phán quyết dựa trên cơ sở chứng cứ mà các bên chứng minh tại phiên tòa. Nguyên tắc tranh tụng đòi hỏi việc chứng minh phải được thực hiện công khai ngay tại phiên tòa, dưới sự giám sát của Bồi thẩm đoàn và Thẩm phán luôn phải chịu trách sức ép từ bên đối tụng. Vì vậy, mục đích của các bên trong tranh tụng là phải tự chứng minh được lý lẽ phải thuộc về mình, nếu không họ sẽ là người thua cuộc”.[4]Quan điểm này thể hiện vai trò của tranh tụng, đồng thời nêu lên được thế đối trọng giữa ba bên tại phiên toà. Tuy nhiên, quan điểm này còn hạn chế ở chỗ chỉ xem xét nguyên tắc tranh tụng ở giai đoạn xét xử tại phiên toà mà không bao quát hết các giai đoạn tố tụng.

    Tác giả Nguyễn Đức Mai trong bài viết “Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự” nêu quan điểm: “Nguyên tắc tranh tụng được hiểu là những tư tưởng chỉ đạo, nguyên lí, các định hướng chi phối toàn bộ quá trình tố tụng hoặc một số giai đoạn nhất định của tố tụng hình sự được ghi nhận trong các văn bản pháp luật”.[5] Định nghĩa này chỉ cho thấy nguyên tắc tranh tụng mang nội hàm như nguyên tắc cơ bản của pháp luật TTHS, nhưng chưa thể hiện rõ được bản chất bình đẳng ba bên của tính tố tụng trong TTHS.

    Với góc nhìn toàn diện hơn, trong bài viết của TSKH. Lê Văn Cảm và Nguyễn Huy Phượng nêu rõ: “Nguyên tắc tranh tụng của luật TTHS là tư tưởng chủ đạo và định hướng cơ bản được ghi nhận trong luật thông qua các quy phạm pháp lý, đồng thời là một quá trình được thể hiện chủ yếu bằng thủ tục tranh luận của các bên tại phiên toà sau khi đã nghiên cứu đầy đủ và toàn diện các chứng cứ trên cơ sở dân chủ, bìnhđẳng với nhau, độc lập và tách riêng ba chức năng - buộc tội, gỡ tội (bào chữa) và xét xử vụ án hình sự để xác địnhsựthật khách quan nhằm bảo đảm cho Toà án đưa ra phán quyết tương ứng có hiệu lực pháp lý một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật, góp phần bảo vệ vững chắc quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong hoạt động tư pháp hình sự”.[6]

    PGS.TS Nguyễn Thái Phúc cũng trình bày quan điểm bao quát được đầy đủ nội dung của nguyên tắc tranh tụng như sau: “Tranh tụng được nhìn nhận như là một quá trình tồn tại, vận động, đấu tranh nhằm phủ định lẫn nhau giữa hai chức năng cơ bản (chức năng buộc tội và chức năng bào chữa) là hai chức năng có định hướng ngược chiều nhau, đối trọng nhau, có quyền ngang nhau trong việc bảo vệ ý kiến, lập luận, lợi ích của mình và phản bác ý kiến, lập luận, lợi ích của phía bên kia mà đỉnh điểm của quá trình này diễn ra tại phiên toà sơ thẩm trước Toà án có vai trò là trọng tài”.[7]

    Như vậy, có nhiều quan niệm về nguyên tắc tranh tụng trong TTHS với các cách tiếp cận khác nhau. Nhận ra rằng, mỗi cách tiếp cận đều có yếu tố hợp lý riêng. Sự đa dạng trong nghiên cứu và đổi mới cải tiến quan điểm có thể nhìn nhận sự việc ở mọi khía cạnh giúp chúng ta tiếp cận chân lý khách quan. Theo quan điểm cá nhân của nhóm tác giả cho rằng: Nguyên tắc tranh tụng là tư tưởng chỉ đạo, định hướng cho tất cả các giai đoạn của quá trình TTHS mà trong đó các chức năng buộc tội, bào chữa và xét xử tách biệt nhau và độc lập. Đặc biệt tại phiên toà xét xử, Toà án đóng vai trò là trọng tài ra phán quyết dựa trên kết quả tranh luận công khai và cơ sở chứng cứ mà các bên chứng minh tại phiên tòa.

    2.2. Ý nghĩa của nguyên tắc tranh tụng trong TTHS

    Nguyên tắc tranh tụng giúp đảm bảo sự thật vụ án thông qua tranh tụng tại các giai đoạn trước xét xử cũng như giai đoạn xét xử. Bởi vì tranh tụng làm cho các yếu tố của vụ án như chứng cứ, lời khai,… của các bên rõ ràng, đồng thời cũng tìm ra điểm mâu thuẫn của chứng cứ. Điều này là căn cứ để tìm ra sự thật dưới những cách nhìn khác nhau đem lại cái nhìn toàn diện về vụ án.

    Việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự nhằm đảm bảo quyền con người và quyền công dân. Khi chức năng gỡ tội được nâng cao sẽ bình đẳng hơn với chức năng buộc tội của cơ quan buộc tội. Từ đó, làm giảm các vụ án oan sai, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Bởi lẽ, tác động to lớn của hoạt động xét xử đem đến cho xã hội, bản thân người bị buộc tội là rất lớn, quyền tự do thân thể, tính mạng, tài sản,… và có những quyền khi mất đi sẽ không thể phục hồi được nên chúng ta cần thực sự cẩn trọng khi đưa ra một phán quyết sao cho đúng người, đúng tội.

    Hơn nữa, trong một nhà nước pháp quyền thì tính dân chủ và nhân đạo trong các chủ trương, chính sách của nhà nước phải được cụ thể hóa vào pháp luật. Chính vì thế, đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội, luôn suy đoán theo hướng có lợi cho người bị buộc tội phản ánh tính nhân văn sâu sắc trong hệ thống pháp luật. Điều này phù hợp với tinh thần nhân quyền ngày càng được đề cao cũng như phản ánh xu hướng phát triển chung về mặt lập pháp trên thế giới.

     

    3. Nguyên tắc tranh tụng trong pháp luật TTHS Việt Nam và thực tiễn áp dụng

    3.1. Nguyên tắc tranh tụng trong pháp luật TTHS Việt Nam

    Hiến pháp 2013 là một bản Hiến pháp tiến bộ vì nó đã mở rộng các quyền tự do của công dân hơn, đặc biệt đây là bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta ghi nhận nguyên tắc tranh tụng tại Khoản 5 Điều 103 quy định: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”.Sự ghi nhận này thể hiện mạnh mẽ việc nâng cao yếu tố tranh tụng trong các vụ án. Đây là tiền đề để chúng ta cụ thể hóa bằng các luật chuyên ngành nhằm phù hợp với sự vận động của xã hội, phản ánh đúng sự thay đổi của kiến trúc thượng tầng phù hợp với cơ sở hạ tầng của nước ta. Điều này dẫn đến sự cần thiết phải điều chỉnh hàng loạt các luật cho phù hợp với quy định của Hiến pháp mới trong đó tiêu biểu là BLTTHS.

    Nền tảng mô hình tố tụng hình sự nước ta là mô hình tố tụng thẩm vấn nhưng có một số yếu tố tranh tụng. Hiện nay, BLTTHS Việt Nam chưa quy định nguyên tắc tranh tụng nhưng các quy định của BLTTHS đã có những quy định thể hiện và đảm bảo thực hiện việc tranh tụng trong TTHS… như “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” (Điều 9 BLTTHS), nguyên tắc: “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo” (Điều 11 BLTTHS), nguyên tắc: “Thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia” (Điều 15 BLTTHS), “Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” (Điều 16 BLTTHS), nguyên tắc: “Xét xử công khai” (Điều 18 BLTTHS), nguyên tắc: “Bảo đảm quyền bình đẳng trước Toà án” (Điều 19 BLTTHS). Qua đó chứng minh nguyên tắc tranh tụng là mắt xích rất cần thiết trong hệ thống các nguyên tắc cơ bản của một hệ thống TTHS dân chủ và tiến bộ.

    Tuy nhiên, BLTTHS 2003 còn đưa ra các quy định về quyền và nghĩa vụ của bên bị buộc tội còn nhiều hạn chế. Bên bị buộc tội thường có trình độ pháp luật thấp hơn so với bên bị gỡ tội và họ khó có khả năng thực hiện các quyền này trên thực tế nên họ rất cần sự trợ giúp của người bào chữa. Tuy nhiên, các quyền của người bào chữa cũng gặp không ít các vấn đề khó khăn trong thu thập chứng cứ, cung cấp chứng cứ,…. Ví dụ, theo Điều 58 BLTTHS, người bào chữa chỉ có quyền hỏi khi được sự đồng ý của Điều tra viên, tương tự với Khoản 2 Điều 66 thì chỉ có Tòa án, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát mới có thẩm quyền đánh giá chứng cứ. Điều này thể hiện sự bất bình đẳng trong các quy định của pháp luật về quyền của bên gỡ tội. Như vậy, trong BLTTHS nước ta đã có một số quy định tranh tụng nhưng còn mờ nhạt.

    3.2. Thực tiễn áp dụng quy định của Pháp luật tố tụng hình sự về nguyên tắc tranh tụng 

    a. Những thành tựu đạt được

    Một là, tính tranh tụng ngày càng được quan tâm góp phần giảm thiểu các vụ án oan sai. Bằng chứng là tỷ lệ án hình sự bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán lần lượt là 0,8% (năm 2011); 0,6% (năm 2012); 0,7 (năm 2013) và 0,6 (năm 2014).[8] Điều này thể hiện cải cách tư pháp đã có những tác động tích cực đến nhận thức của đội ngũ thẩm phán trong công tác xét xử. Vì vậy các án oan sai đã được khắc phục rõ nét.

    Hai là, hoạt động tranh tụng được đề cao thể hiện thông qua việc tăng nhanh của đội ngũ luật sư. Theo thống kê đến năm 2013 cả nước có 63 đoàn luật sư trải khắp 63 tỉnh thành trong cả nước và đến ngày 15/9/2014 có 11.285 người được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và 3408 tổ chức hành nghề luật sư. [9] Đội ngũ Luật sư được tăng cường mạnh mẽ là tiền đề cho việc nâng cao nhận thức pháp lý của nhân dân và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tranh tụng tại tòa án cũng như các giai đoạn khác của vụ án hình sự vì đây là đội ngũ trợ giúp kiến thức pháp lý và đóng vai trò là người bào chữa bảo vệ cho quyền lợi của các bị can, bị cáo.

    b. Những mặt hạn chế

    Một là, mặc dù trình độ pháp lý của Thẩm phán được nâng cao, tuy nhiên kinh nghiệm công tác và năng lực xét xử không đồng đều đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa thì đội ngũ thẩm phán còn hạn chế về trình độ. Đồng thời đạo đức của thẩm phán cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tranh tụng nói riêng và chất lượng xét xử nói chung. Ngoài ra, vì mang tính quyền lực nhà nước nên nhiều Hội đồng xét xử đã vô tình quên đi vai trò “cầm cân nảy mực” của mình mà thực hiện cả chức năng buộc tội vốn thuộc quyền công tố của Kiểm sát viên. Hội đồng xét xử chủ yếu căn cứ vào hồ sơ vụ án do Cơ quan điều tra cung cấp. Theo thống kê ba năm từ 2011 đến năm 2013 toàn quốc thụ lý 211.745 vụ án với 375.437 bị cáo. Trong số đó đã xét xử sơ thẩm: 186.212 vụ/ 324.925 bị cáo Tòa chấp nhận quan điểm của Viện kiểm sát là: 180.000 vụ/ 186.212 vụ đã xét xử, chiếm 96,6%.[10]Mục đích thẩm vấn công khai tại phiên tòa là làm sáng tỏ những vấn đề còn mâu thuẫn nhưng không ít các thẩm phán còn thiếu dân chủ dùng bản cung để đe dọa bị cáo chẳng hạn như hỏi “Nếu không có tội sao bị cáo ký tên vào biên bản…?”

    Hai là, còn một số Kiểm sát viên thiếu chủ động, nhạy bén, không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chủ yếu trình bày dựa vào bản luận tội, cáo trạng mà không chú trọng đến tranh luận với luật sư. Bởi lẽ các Kiểm sát viên nghĩ rằng bản án sẽ được tuyên theo hồ sơ. Hơn nữa, về chỗ ngồi của Viện kiểm sát hiện nay đa phần là trên bục và cao hơn vị trí của luật sư, mọi người có tâm lý nghĩ Kiểm sát viên cao hơn luật sư và vì kiểm sát còn thực hiện quyền giám sát tính hợp pháp của phiên tòa và công tố mang quyền lực nhà nước. Hiện nay có mô hình bố trí lại chỗ ngồi của Kiểm sát viên với luật sư ngang nhau theo thí điểm tại Đà Nẵng là một sự tiến bộ lớn cần được nhân rộng bởi lẽ “chỗ ngồi” trong phiên tòa hình sự thể hiện trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng.[11]Tuy nhiên, không chỉ về phía buộc tội mà cả bản thân bên gỡ tội cũng còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là đội ngũ luật sư, còn nhiều luật sư chỉ gửi bài bào chữa mà không tham gia phiên tòa tranh tụng vì nhận quá nhiều án cũng lúc. Dẫn đến việc đầu tư nghiên cứu hồ sơ và thời gian chưa hợp lý. Đặc biệt là các trường hợp luật sư bào chữa theo chỉ định chỉ làm việc cho có chứ chưa thực sự tâm huyết với việc bào chữa.

    Ba là, nguyên tắc đảm bảo quyền nhờ người khác bào chữa của người bị tam giam, tạm giữ, bị can, bị cáo chưa được thực thi hiệu quả. Xương sống của nguyên tắc tranh tụng chính là tính đối trọng của hai chức năng buộc tội và gỡ tội. Tuy nhiên, hiện nay khoảng 80% các phiên tòa hình sự ở Việt Nam thiếu người bào chữa thực hiện chức năng gỡ tội để có thể làm đối trọng với các cơ quan buộc tội của nhà nước. Rõ ràng những cơ quan nhà nước chuyên môn sẽ có kiến thức hơn những người bị buộc tội mà người bị buộc tội  lại thiếu sự giúp đỡ từ phía các luật sư thì hầu như bản án chỉ phán quyết dựa trên quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng. Điều này dễ dẫn đến oan sai trong công tác xét xử điển hình như vụ án: Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Đinh Quang Điền (Đăk Lăk),….

    Bốn là, sự thiếu bình đẳng về quyền giữa bên bào chữa và bên buộc tội được thể hiện qua việc đánh giá chứng cứ, xét hỏi tại phiên tòa, lấy lời khai của người bị tam giữ, bị can. Vẫn có trường hợp yêu cầu của luật sư và bị cáo không được xem xét và trả lời  Ngoài ra, theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 58 BLTTHS 2003 thì người bào chữa có quyền có mặt khi lấy khai, hỏi cung và chỉ được hỏi nếu Điều tra viên đồng ý. Thực tế do tâm lý lo ngại người bào chữa sẽ cản trở hoạt động điều tra nên Cơ quan điều tra thường gây khó khăn cho luật sư chẳng hạn như trì hoãn, thay đổi lịch hỏi cung nhiều lần, rườm rà trong thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Do vậy hiện có rất ít người bào chữa có thể tham gia bảo vệ quyền lợi của người bị buộc tội trong giai đoạn điều tra.

    Cuối cùng là, đảm bảo quyền tự bào chữa của bị can, bị cáo dù đã được ghi nhận trong BLTTHS 2003 tại Điểm e Khoản 2 Điều 50 nhưng thực tế các đối tượng trên không có khả năng thực hiện quyền luật định này do xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật và sự thiếu hụt cơ chế để thực hiện quyền này trên thực tế: “Pháp luật cho phép bị cáo có quyền tự bào chữa nhưng lại không quy định các thiết chế cần thiết để đảm bảo thực hiện quyền tự bào chữa đó. Về nguyên tắc muốn tự bào chữa cho mình đồng thời thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng tại Tòa thì bị cáo phải được đọc và nghiên cứu hồ sơ, đối chất với các nhân chứng chống lại mình trước khi mở phiên tòa. Có như vậy thì bị cáo mới nắm bắt được các tình tiết, chứng cứ của vụ án để có cơ sở đối đáp với Kiểm sát viên”.[12]

    3.3. Nguyên nhân của sự hạn chế tính tranh tụng trong TTHS

    Với nhiều nguyên nhân khách quan về mặt lập pháp, điều kiện xã hội Việt Nam cho đến chủ quan về mặt nhận thức của các chủ thể tham gia tố tụng đã dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm khá phổ biến và đáng lo ngại trong thực tiễn tranh tụng hình sự.

    Thứ nhất, về mặt khách quan, quy định Tòa án có chức năng khởi tố vụ án hình sự theo Điều 13, Điều 104 của BLTTHS là chưa thật sự phù hợp với chức năng của Tòa án trong TTHS là xét xử. Khởi tố vụ án hình sự tuy chưa phải là buộc tội đối với một người cụ thể nhưng đó là nhiệm vụ thuộc về chức năng buộc tội. Theo quy định hiện hành bên Tòa án vừa giữ chức năng xét xử và khởi tố vụ án sẽ không đảm bảo tính trung lập giữa hai chức năng bào chữa và buộc tội.

    - Tại Khoản 2 Điều 207 BLTTHS quy định trình tự xét hỏi đầu tiên thuộc về Tòa án rồi mới đến Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Hoạt động này nằm ngoài chức năng xét xử theo nguyên tắc tranh tụng bởi lẽ Tòa án là trọng tài, dựa trên tất cả các chứng cứ, kết quả tranh luận tại phiên tòa giữa hai bên buộc tội và bào chữa mà ra phán quyết. Đồng thời, quy định này cũng hạn chế tính chủ động, tích cực trong khai thác chứng cứ qua quá trình xét hỏi giữa hai bên buộc tội và bào chữa bởi vì hội đồng xét xử có quyền ưu tiên trong thứ tự xét hỏi nên những thông tin này có thể đã xét hỏi rồi nên các bên sẽ không cần hỏi lại nữa.

    - Điều 10 của BLTTHS quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng trong đó có Tòa án, điều này dễ gây hiểu nhầm Tòa án cũng thuộc về bên buộc tội. Để đảm bảo cho việc tranh tụng tại phiên tòa diễn ra dân chủ, bình đẳng, khách quan thì cần phải xác định rõ vai trò của hội đồng xét xử tại phiên tòa là người trọng tài giữa bên buộc tội và bên bào chữa để phán quyết về vụ án.

    - Theo mô hình tố tụng nước ta vẫn duy trì chức danh Kiểm sát viên thay vì Công tố viên. Ngoài chức năng công tố thì Kiểm sát viên đồng thời giữ quyền kiểm sát đối với hoạt động tố tụng theo Khoản 1 Điều 37 BLTTHS. Quy định này tạo thế không cân bằng giữa ba bên là xét xử, buộc tội và bào chữa theo nguyên tắc tố tụng vì bên buộc tội là Viện kiểm sát được thi hành quyền giám sát đối với bên xét xử. Điều này không tạo ra sự độc lập trong xét xử mà cụ thể là giữa Viện kiểm sát và Tòa án.

    - Cả trên phương diện pháp lý và thực tiễn, người bào chữa chưa được đảm bảo các cơ hội để trở thành một bên bình đẳng với bên buộc tội trong việc thực hiện chức năng bào chữa của mình. Ví dụ tại Điều 58 BLTTHS hạn chế người bào chữa chỉ được hỏi người bị tạm giữ, bị can nếu được Điều tra viên đồng ý. Quy định này gây bất lợi cho người bào chữa trong việc tiếp cận, thu thập chứng cứ qua lời khai ban đầu có giá trị vì khi đó bị can, bị cáo chưa bị tác động nhiều về sức ép tâm lý qua các quá trình điều tra của cơ quan điều tra. Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 66 BLTTHS quy định thẩm quyền đánh giá chứng cứ thuộc về Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Hội thẩm, hoặc nói cách khác thẩm quyền này chỉ thuộc về bên buộc tội và bên xét xử, điều này không công bằng đối với bên bào chữa.

    - Theo BLTTHS 2003 thì Điều tra viên, Kiểm sát viên có quyền chủ động triệu tập người làm chứng quy định tại Điều 133, Điểm a Khoản 4 Điều 55. Tuy nhiên, pháp luật TTHS lại chưa thừa nhận tính hợp pháp đối với người làm chứng do người bào chữa hoặc bị can, bị cáo yêu cầu. Điều này là bất lợi lớn đối với người bào chữa vì tính tranh tụng công bằng tại phiên tòa khó được bảo đảm và do vậy không đảm bảo được quyền con người cho những đối tượng bị buộc tội.

    - Các quyền của bị cáo, bị can được nêu tại Khoản 2 Điều 49 và Khoản 2 Điều 50 không quy định quyền thu thập chứng cứ của bị can, bị cáo trong trường hợp họ không có người bào chữa và cho thấy sự khó khả thi trên thực tế quyền tự bào chữa của bị can, bị cáo tại Điểm e Khoản 2 các Điều 49, 50.

    - Xét về yếu tố xã hội do tiếp nhận nền tư pháp của các nước châu Âu lục địa và ảnh hưởng từ nền kinh tế bao cấp trước đây nên Việt Nam xây dựng mô hình tố tụng mang đậm bản chất thẩm vấn. Ở khía cạnh khác do trình độ pháp lý của các cán bộ tư pháp chưa đủ đáp ứng nên phải áp dụng mô hình thẩm vấn để tránh bỏ lọt tội phạm.

    Thứ hai, về mặt chủ quan, xuất phát từ nhận thức của các chủ thể tiến hành tố tụng. Bản chất của trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của người bị buộc tội trước Nhà nước mà các cơ quan tiến hành tố tụng là các cơ quan nhà nước nên có xu hướng bảo vệ cho quyền lợi của Nhà nước, kết tội dựa trên hồ sơ án chứ chưa thật sự tôn trọng kết quả tranh tụng tại Tòa án. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại định kiến về đổi mới tư duy pháp lý cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến nâng cao tính tranh tụng trong TTHS hiện nay ở nước ta. Mặt khác, về nhận thức của người bào chữa cũng chưa thực sự chủ động trong vận dụng các quyền luật định, một số luật sư còn thiếu kỹ năng tranh tụng cần thiết.

     

    4. Kiến nghị

    Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn cũng như quá trình thể chế hóa các quy định dân chủ và tiến bộ, chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung BLTTHS 2003 theo hướng như sau:

    Thứ nhất, cần ghi nhận nguyên tắc tranh tụng là một nguyên tắc cơ bản của BLTTHS do tầm quan trọng của nguyên tắc trong việc bảo vệ quyền con người và đảm bảo đi đúng hướng đối với tinh thần cải cách tư pháp. Hơn nữa, việc luật hóa tranh tụng trở thành nguyên tắc cơ bản là phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn hội nhập hiện nay khi quyền con người ngày càng được chú trọng.

    Thứ hai, mở rộng các quyền thu thập chứng cứ cho người tham gia tố tụng. Bởi lẽ chứng cứ là một trong những căn cứ vững chắc, khách quan để định tội, định khung hình phạt cho nên nếu chứng cứ chỉ được thu thập từ các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) như hiện nay là chưa đáp ứng yêu cầu của nguyên tắc tranh tụng. Ngoài ra, để bảo đảm quyền tự bào chữa trên thực tế thì pháp luật nên cho phép bị can, bị cáo có quyền được đọc và nghiên cứu hồ sơ vụ án, cũng như được yêu cầu bổ sung chứng cứ nếu thấy trong hồ sơ vụ án còn thiếu. Điều này giúp các bên chủ động thực hiện quyền cũng như có ý kiến lập luận, bác bỏ yêu cầu của bên kia khi trình bày trong phiên xét xử.

    Thứ ba, cần quy định Tòa án không có nghĩa vụ chứng minh tội phạm thay thế cho quy định tại Điều 10 BLTTHS 2003. Việc chứng minh tội phạm thuộc về trách nhiệm của cơ quan buộc tội là Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, còn việc chứng minh các yếu tố gỡ tội thuộc về người bào chữa, bị can, bị cáo. Nên quy định trình tự hỏi tại phiên tòa như sau: Kiểm sát viên sẽ hỏi trước, sau đó đến người bào chữa và cuối cùng còn những gì chưa rõ thì Hội đồng xét xử sẽ hỏi sau cùng. Ở đây, Tòa án chỉ là người trọng tài ở giữa xét xử, ra bản án dựa vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa và thông qua tại phòng nghị án.

    Thứ tư, ghi nhận nguyên tắc tranh tụng không chỉ dừng lại ở giai đoạn xét xử mà cần mở rộng cả các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Yếu tố tranh tụng tập trung cao nhất ở giai đoạn xét xử thể hiện qua hoạt động tranh luận. Tuy nhiên, tranh tụng không chỉ xuất hiện ở giai đoạn xét xử mà nó xuất hiện đồng thời với buộc tội, gỡ tội. Bởi có buộc tội thì có nhu cầu gỡ tội để thu thập chứng cứ, chứng minh lý lẽ, phản biện. Vậy nên việc ghi nhận như tại Điều 26 dự thảo BLTTHS 11/8/2015 “Đảm bảo tranh tụng trong xét xử” là vẫn chưa khái quát hết được vai trò của nguyên tắc tranh tụng, Do đó, việc quy định nguyên tắc tranh tụng tồn tại từ giai đoạn điều tra sẽ góp phần đảm bảo chân lý khách quan của vụ án, làm cơ sở để loại trừ các sai phạm tư pháp như: bức cung, nhục hình,… làm sai lệch hồ sơ vụ án.

    Thứ năm, xuất phát từ sự bình đẳng giữa hai bên buộc tội và bào chữa, nhằm đảm bảo tính công bằng trong xét xử của Tòa án, chúng ta cần quy định chức năng giám sát hoạt động tư pháp cho một cơ quan khác độc lập với các bên và Viện kiểm sát sẽ chỉ giữ vai trò công tố trong các vụ án hình sự. Đồng thời, nhóm tác giả kiến nghị bỏ quyền khởi tố vụ án hình sự của Tòa án theo quy định tại Điều 13, Điều 104 BLTTHS 2003 bởi lẽ Tòa án cần khách quan trong công tác xét xử và tránh thiên về chức năng buộc tội như hiện nay.

    Cuối cùng, cần nâng cao hơn nữa trình độ cũng như ý thức tranh tụng của các chủ thể trong pháp luật tố tụng hình sự nhằm phát huy tối đa và đúng vai trò của họ trong vụ án hình sự, góp phần giảm thiểu các vụ án oan sai. Các chủ thể tiến hành tố tụng không chỉ chú ý đến các tình tiết buộc tội mà quên xử đúng người đúng tội, không làm oan người vô tội, góp phần bảo vệ tinh thần nghiêm minh của pháp luật, thể hiện sự tôn trọng quyền con người trong các vụ án hình sự./.

     
     

    [1]Hoàng Thị Quỳnh Chi, “Bàn về tranh tụng trong Tố tụng hình sự”, Viện khoa học kiểm sát VKSNDTC, [http://www.vksndtc.gov.vn/tin-chi-tiet-5290] (truy cập lần cuối ngày 18/10/2015)

    [2]Khoa Luật Trường Đại học Cannor Mỹ (2003), Tạp chí Thông tin khoa học xét xử, (01), tr.10.

    [3]Thẩm phán Elisabeth Pelsez (2002), Kỷ yếu hội thảo “Một số nội dung về nguyên tắc tố tụng xét hỏi và tranh tụng. Kinh nghiệm của Pháp trong việc tuyển chọn, bồi dưỡng, bổ nhiệm, quản lý thẩm phán.”, Nhà pháp luật Việt – Pháp.

    [4]Hoàng Thị Quỳnh Chi, “Bàn về tranh tụng trong Tố tụng hình sự”, Viện khoa học kiểm sát VKSNDTC, [http://www.vksndtc.gov.vn/tin-chi-tiet-5290] (truy cập lần cuối ngày 18/10/2015)

    [5]Nguyễn Đức Mai (1996), “Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự”, Tạp chí Luật học, (01), tr 23.

    [6]Lê Văn Cảm và Nguyễn Huy Phượng (2011), “Hoàn thiện nguyên tắc tranh tụng trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam theo tinh thần cải cách tư pháp”, Tạp chí Kiểm sát, (13), tr.43.

    [7]Nguyễn Thái Phúc (2008), “Vấn đề tranh tụng và tăng cường tranh tụng trong TTHS theo yêu cầu của cải cách tư pháp”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (08), tr.58.

    [8]Chánh án Trương Hoà Bình nói về những nghi án oan đang được “xét lại”,

    [9]Đoàn Hữu Sơn, Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự Việt Nam, tr45.

    [10] Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của các Tòa án tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội nhiệm kỳ VIII (bản tóm tắt), 25/10/2013.

    [11]Dương Hằng, “Đà Nẵng: Đổi mới vị trí ngồi tại phiên xử”, Pháp luật tp, [http://phapluattp.vn/phap-luat/da-nang-doi-moi-vi-tri-ngoi-tai-phien-xu-4035] (truy cập lần cuối ngày 18/10/2015)

    [12]Nguyễn Thị Thúy Hằng (2014), “Một số kiến nghị góp phần thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tranh trụng tại phiên tòa hình sự”, Tạp chí Tòa án nhân dân,  (11), tr.01

     

    CHUNG THỊ HÂN - HUỲNH THY

    Read More

  • [SV&KHPL] NHÂN QUYỀN TRONG CÁC BẢN HIẾN PHÁP VIỆT NAM

    Trong một nhà nước dân chủ, nhân quyền vẫn luôn chiếm một vị trí trung tâm, được bảo vệ trước quyền lực của nhà nước. Do vậy, dù là ở hoàn cảnh nào thì nhân quyền luôn được đề cao thông qua việc được quy định cụ thể trong Hiến pháp và ngày càng được hoàn thiện hơn để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, tình hình đất nước, và cả thế giới.

     

    1. Dẫn nhập

    Liên Hợp Quốc chính thức công nhận khái niệm nhân quyền vào năm 1948 với sự ra đời của Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người. Trong đó, thuật ngữ Nhân quyền được hiểu một cách đơn giản nhất là quyền con người: “những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người”.

    Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ có viết: “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng rằng tạo hoá đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc” . Như vậy, quyền con người – dù được nhìn nhận dưới góc độ nào, đều được hiểu là những quyền tự nhiên cơ bản của con người, không thể bị tước đoạt, chiếm giữ bởi bất cứ ai và bất cứ thế lực nào.

    Nhìn nhận được vấn đề trên, các bản Hiến pháp của Việt Nam đều ghi nhận và bảo đảm quyền con người một cách tối đa. Sau các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992 thì Hiến pháp 2013 đã có sự kế thừa một cách chọn lọc và ghi nhận quyền con người ở một tầm cao mới. Qua bài viết “Nhân quyền trong các bản Hiến pháp Việt Nam”, chúng tôi hy vọng sẽ mang lại một cái nhìn toàn diện về quyền con người trong các bản Hiến pháp, đặc biệt là Hiến pháp 2013, cho quý độc giả.

     

    2. Khái niệm nhân quyền

    Nhân quyền (hay còn gọi là quyền con người) được hiểu là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào[1].

    Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền: “Nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người”[2]

    Tại Việt Nam, quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu lợi ích tự nhiên, vốn có khách quan của con người được bảo vệ và ghi nhận trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế.[3]

     

    3. Quy định về nhân quyền trong các bản Hiến pháp Việt Nam

    3.1 Hiến pháp 1946

    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Hiến pháp 1946 là Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà [....] dân tộc Việt Nam đã có mọi quyền tự do [....] phụ nữ Việt Nam đã được ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền cá nhân của công dân”.

    Hiến pháp năm 1946 được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 09/11/1946 với 7 chương và 70 Điều. Trong đó, chương “Quyền và nghĩa vụ của công dân” được xếp thứ 2 gồm 18 Điều và đặt nghĩa vụ trước quyền lợi. Điều 7 Hiến pháp lần đầu tiên ghi nhận quyền bình đẳng trong lịch sử dân tộc trong đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất.[4]Ngoài ra, Hiến pháp cũng quy định đàn bà ngang quyền với đàn ông trên mọi phương diện, có quyền tự do ngôn luận, quyền tư hữu tài sản được bảo đảm,... Đặc biệt tại Điều 21 ghi nhận: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia”. Tuy nhiên, do là bản Hiến pháp đầu tiên nên Hiến pháp 1946 cũng có những hạn chế nhất định như: đồng nhất quyền con người với quyền công dân, nền sơ học cưỡng bách và không học phí,.... đó là lý do vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Bản Hiến pháp chưa hoàn toàn, nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó đã tuyên bố với thế giới, nước Việt Nam là một nước độc lập. Hiến pháp đó đã tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó đã tuyên bố với thế giới: phụ nữ đã được đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng chung mọi quyền tự do của một công  dân... Hiến pháp đó cũng đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các dân tộc”.

    3.2 Hiến pháp 1959

    Như đã đề cập ở phần trên, Hiến pháp 1946, Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Nhà nước ta đã hoàn thành sứ mệnh của nó, nhưng so với tình hình và nhiệm vụ cách mạng mới bấy giờ, nó cần được bổ sung và thay đổi. Vì vậy, trong kỳ họp lần thứ VI, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khoá I đã quyết định sửa đổi Hiến pháp 1946 và thành lập Ban dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Ngày 18-12-1959, tại kỳ họp thứ XI Quốc hội khoá I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc báo cáo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Ngày 31-12-1959, Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp sửa đổi và ngày 01-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố Hiến pháp.

    Hiến pháp năm 1959 bao gồm 10 chương 112 Điều, trong đó Quyền và Nghĩa vụ của công dân được quy định tại chương III (thay vì chương II như Hiến pháp 1946) bao gồm 21 Điều (từ Điều 22 đến 42). So với Hiến pháp 1946 thì Hiến pháp 1959 đã bổ sung những quy định mới về quyền con người như: Quyền khiếu nại tố cáo với cơ quan Nhà nước (Điều 29), Quyền làm việc (Điều 30), Quyền nghỉ ngơi (Điều 31). Bên cạnh quy định quyền, Hiến pháp 1959 cũng quy định cụ thể những nghĩa vụ cơ bản của công dân. Một điều đáng lưu ý, Hiến pháp 1946 đề cao vai trò của nhân dân trong quá trình lập hiến, theo đó nhân dân có quyền phúc quyết Hiến pháp – phúc quyết để thực thi quyền làm chủ đất nước và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia[5]. Tuy nhiên, Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 sau này đều bãi bỏ quyền này. Đây là một quyền dân chủ trực tiếp rất quan trọng của công dân và nên được khôi phục lại.

    Với sự thay đổi của nền kinh tế - xã hội, Hiến pháp 1959 ra đời phần nào đã khắc phục được những hạn chế của Hiến pháp năm 1946 - những điều khoản không còn phù hợp với tình hình. Hiến pháp 1959 có thể xem như là một bước tiến mới trong quy trình kỹ năng lập hiến Việt Nam.

    3.3 Hiến pháp 1980

    So với Hiến pháp 1946 và 1959 thì nhân quyền trong Hiến pháp 1980 ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn về kỹ thuật lập pháp. Quy định ở các Điều luật ngày càng cụ thể hơn, đồng thời tiếp thu có chọn lọc và kế thừa các quy định từ các bản Hiến pháp trước đó. Một ví dụ về việc kế thừa và phát triển kỹ năng lập pháp qua các bản Hiến pháp về nhân quyền, mà cụ thể là về quyền bình đẳng, được thể hiện qua các bản Hiến pháp như sau: nếu như Hiến pháp năm 1946 quy định tại Điều 6 đến Điều 9 trong đó có các nội dung là: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá. Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình. Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung. Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” thì đến Hiến pháp năm 1980, đối với Quyền bình đẳng nam, nữ (Điều 63), Hiến pháp bổ sung bốn điểm mới: một là, Nhà nước và xã hội có nghĩa vụ chăm lo nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và nghề nghiệp của phụ nữ để phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội; hai là, Nhà nước cần hoạch định chính sách lao động phù hợp với điều kiện của phụ nữ; ba là, xã viên hợp tác xã cũng được hưởng phụ cấp sinh đẻ; bốn là, Nhà nước và xã hội phải chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, các nhà ăn công cộng và những cơ sở phúc lợi khác. Không chỉ là nội dung ngày càng hoàn thiện mà số lượng các điều khoản ở Hiến pháp 1980 cũng nhiều hơn so với bản Hiến pháp trước. Nếu trước đây, ở Hiến pháp năm 1946 chỉ có 18 Điều quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân thì ở Hiến pháp năm 1959 là 21 Điều và Hiến pháp năm 1980 là 29 Điều.

    Mặc dù ở Hiến pháp 1980 có những điểm tiến bộ hơn trong việc ghi nhận nhân quyền so với hai bản Hiến pháp trước, tuy nhiên, ở bản Hiến pháp này, ta vẫn thấy một số bất cập như khi quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân vẫn còn hạn chế, cách quy định các quyền trong Hiến pháp 1980 theo tư duy cũ, thể hiện tư tưởng “Nhà nước ban phát quyền” cho dân. Tuy nhiên, theo tinh thần Hiến pháp của các nước phát triển thì các quyền con người là bẩm sinh, vốn có của mỗi cá nhân con người, không ai có thể vi phạm và không chủ thể nào có thể ban phát. Nhà nước phải có trách nhiệm thừa nhận và đảm bảo những quyền đó được thực hiện trên thực tế. Như vậy, cách tiếp cận của Hiến pháp nước ta hoàn toàn khác với cách tiếp cận Hiến pháp của các nước phát triển. Một điểm hạn chế nữa ở bản Hiến pháp này là không thừa nhận sở hữu cá nhân. Có lẽ do quan niệm quá giản đơn và vội vàng nên các Hiến pháp năm 1959 và năm 1980 đã không thừa nhận sở hữu tư nhân. Trong những năm chiến tranh, quy định này có tác dụng rất lớn cho việc vận động nhân dân tập trung sức người, sức của vì sự thắng lợi của công cuộc kháng chiến. Tuy nhiên khi bước sang công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế thì quy định như trên lại là nguồn gốc cho sự cào bằng và thờ ơ với tư liệu sản xuất, dẫn đến tình trạng lãng phí của công, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý tài sản, nạn tham ô công quỹ tràn lan và trở nên phổ biến. Hiến pháp 1980 cần khắc phục điểm yếu này và thể hiện nhận thức mới về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.

    3.4 Nhân quyền trong Hiến pháp 1992

    Hoàn cảnh đất nước thay đổi, đang trên đà quá độ lên chủ nghĩa xã hội, có những quy định về vấn đề nhân quyền trong Hiến pháp 1980 đã không còn phù hợp nữa mà buộc phải thay đổi bằng một bản Hiến pháp mới phù hợp hơn với tình hình đất nước lúc bấy giờ - Hiến pháp 1992. Có thể nói, những bản Hiến pháp càng về sau thì càng “ưu việt” hơn các bản Hiến pháp trước đó. Về hình thức thể hiện, các quyền và nghĩa vụ được ghi nhận trong Hiến pháp 1992 với kỹ thuật lập pháp chuẩn xác hơn. Lần đầu tiên, thuật ngữ “quyền con người” được thừa nhận trong Hiến pháp (ba bản Hiến pháp trước đồng nhất quyền con người với quyền công dân). Ngôn ngữ thể hiện chặt chẽ, phản ánh đúng hiện thực khách quan, bỏ đi một số câu chữ mang tính nhân văn nhưng không phù hợp với thực tiễn.

    Số lượng các quyền và nghĩa vụ ghi nhận trong chương về Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng có bước phát triển, không chỉ so với ba bản Hiến pháp trước mà còn so với Hiến pháp của các nước. Nếu Hiến pháp 1946 có 28 Điều về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Hiến pháp 1959 có 21 Điều, Hiến pháp 1980 có 28 Điều thì Hiến pháp 1992 có 34 Điều trên tổng 147 điều của toàn bộ Hiến pháp. So riêng với Hiến pháp 1980 thì Hiến pháp 1992 chỉ giữ lại 4 Điều không sửa chữa, 26 Điều phải sửa đổi, bổ sung và thêm 4 Điều mới với sự sắp xếp hợp lý hơn. Cũng chính vì việc tăng các Điều luật hơn so với các bản Hiến pháp trước đó mà quyền công dân ở Hiến pháp 1992 được mở rộng hơn so với 3 bản Hiến pháp trước. Ví dụ, quyền sở hữu tài sản của công dân được ghi nhận một cách khái quát hơn (Điều 58).

     Dung lượng và những thay đổi về hình thức đó thể hiện kỹ thuật lập hiến ngày một nâng cao theo nguyên tắc luật phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan và có tính khả thi. Cũng như các bản Hiến pháp năm 1946, 1959 hay 1980, các quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp 1992 đã được bổ sung và cụ thể hóa hơn để đi đến hoàn thiện. Các quyền cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 1980 đã được chỉnh lý lại cho phù hợp với điều kiện thực tế của thời kỳ của quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp năm 1992 đã thừa nhận quyền tư hữu như là một trong những quyền cơ bản nhất của công dân. Việc xác định lại quyền tư hữu của công dân - một trong những quyền cơ bản nhất của con người, là một nội dung căn bản nhất của bản Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới và nhận thức lại các quy luật khách quan của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là những thành công trong việc ghi nhận về nhân quyền trong Hiến pháp Việt Nam.

    Tuy vậy, trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, những quy định về nhân quyền của Hiến pháp 1992 đã có một số điều không còn phù hợp cần thay đổi nó thể hiện qua các bất cập sau:

    Thứ nhất, quyền con người đồng nghĩa với quyền công dân như quy định ở Điều 50 của Hiến pháp 1992 là thiếu chính xác, dễ gây nên sự hiểu lầm rằng ở Việt Nam, chỉ công dân Việt Nam mới có quyền con người, còn những người ngoại quốc thì không. Việc quy định như vậy đã trái với quy định về nhân quyền của thế giới, bởi lẽ nhân quyền là quyền tự nhiên, bất kì ai sinh ra cũng có mà không bị phân biệt giới tính, dân tộc…

    Thứ hai, có thể nhận thấy trong các quy định của Hiến pháp Việt Nam là nhân quyền được quy định theo cách thức được Nhà nước thừa nhận. Điều này dễ gây hiểu nhầm rằng Nhân quyền là một quyền được Nhà nước ban phát cho người dân. Các quy định này rất dễ nhận thấy trong chương về Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp Việt Nam, như các Điều 53, Điều 54, 56, 57, 58... của Hiến pháp năm 1992 đều quy định dưới dạng Nhà nước thừa nhận các quyền cho công dân một cách chủ quan duy ý chí, không phải là người dân được hưởng các quyền đó một cách mặc nhiên. Cách quy định này hoàn toàn khác cách tiếp cận của Hiến pháp các nước phát triển. Quyền của công dân là những quyền thuộc về tạo hóa ban cho con người, không ai có thể vi phạm hay có quyền ban phát cho người khác. Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo cho những quyền đó được thực hiện trên thực tế. Đây là điểm quan trọng, cần đặc biệt lưu ý khi sửa đổi Hiến pháp 1992.

    3.5 Nhân quyền – điểm sáng mới trong Hiến pháp 2013

    Sau chặng đường hơn 10 năm đổi mới, hoàn cảnh cảnh đất nước thay đổi nên việc thay đổi Hiến pháp là một điều cần thiết để phù hợp hơn với tình hình hiện tại. Có thể nói, Di sản hiến định mà Hiến pháp năm 1946 để lại cho các Hiến pháp sau - Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và 2013 là rất lớn. Mỗi Hiến pháp đều ghi nhận cốt lõi những điều khoản về Nhân quyền trong Hiến pháp. Thế nhưng, qua mỗi giai đoạn các bản Hiến pháp đã bộc lộ những thiếu sót mà các nhà lập pháp chưa dự liệu được để Hiến pháp trở nên phù hợp với thực tiễn. Để đáp ứng những thiếu sót đó, bản Hiến pháp 2013 ra đời và đặc biệt là khi quy định về nhân quyền, nhân quyền được coi là điểm sáng[6]trong Hiến pháp 2013.

    Trong bản Hiến pháp 2013 có 11 chương, 120 Điều. Trong đó, chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là chương có Điều luật nhiều nhất, gồm 36 Điều (từ Điều 14 đến Điều 49). Đây là chương quan trọng vì nói đến lập hiến là nói đến mối quan hệ giữa công dân và các cơ quan Nhà nước. Quyền con người được quy định trong chương II của Hiến pháp 2013, được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại chương V của Hiến pháp năm 1992 (Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân). So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 bổ sung nhiều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều này được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu như:

    Một là, đưa vị trí chương "Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân"  từ chương V trong Hiến pháp năm 1992 về chương II trong Hiến pháp 2013. Việc thay đổi vị trí nói trên không đơn thuần là sự thay đổi về bố cục mà là một sự thay đổi về nhận thức. Với quan niệm đề cao chủ quyền nhân dân trong Hiến pháp, coi nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước, thì quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phải được xác định ở vị trí quan trọng hàng đầu trong một bản Hiến pháp. Việc thay đổi này là sự kế thừa Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp của nhiều nước trên thế giới, thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

    Mặc dù Hiến pháp năm 1992 đã thừa nhận thuật ngữ “quyền con người” - thông qua quy định “quyền con người về chính trị, dân sự và kinh tế, văn hóa, xã hội được thể hiện trong quyền công dân” tại Điều 50, Hiến pháp năm 1992 lại chưa phân biệt rạch ròi được quyền con người với các quyền cơ bản của công dân.  Khắc phục thiếu sót đó, Hiến pháp năm 2013 đã có sự phân biệt giữa “quyền con người” và “quyền công dân”. Trong Hiến pháp sửa đổi, khi nói đến quyền con người thì dùng từ “mọi người”, khi nói đến công dân Việt Nam thì dùng từ “công dân”. Quy định này thể hiện sự phát triển quan trọngvề nhận thức và tư duy trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp. Theo quy định tại Điều 14, không ai được tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền, ngoại trừ các trường hợp cần thiết nói trên do Luật định. Như vậy, Hiến pháp sửa đổi quy định: việc hạn chế quyền con người, quyền công dân dứt khoát phải được quy định bằng Luật, không phải bằng văn bản dưới luật.

    Hai là, Hiến pháp mới bổ sung một số quyền mới, thể hiện bước tiến mới trong việc mở rộng và phát triển quyền, phản ảnh kết quả của quá trình đổi mới gần 30 năm qua ở nước ta. Đó là Quyền sống (Điều 19), Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 20), Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, Quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43). Việc ghi nhận các quyền mới này hoàn toàn phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, thể hiện nhận thức ngày càng rõ hơn về quyền con người và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện quyền con người.

    Ba là, kỹ thuật lập hiến có nhiều đổi mới. Cách thể hiện có những điều riêng quy định về nguyên tắc như Điều 14, Điều 15. Các nhà lập hiến đã tham khảo các Điều ướcquốc tế mà Nhà nước ta là thành viên để nội dung các cách diễn đạt đảm bảo sự tương thích. Ngoài ra, quyền con người không chỉ đề cập ở chương II mà ở nhiều chương khác như chương về Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân. Như vậy, bộ máy nhà nước được lập ra để bảo vệ quyền con người. Cách tiếp cận quyền con người này thể hiện sự kế thừa và tiếp thu quan điểm tiến bộ của các nước trên thế giới.

     

    4. Kết luận

    Trong một nhà nước dân chủ, nhân quyền vẫn luôn chiếm một vị trí trung tâm, được bảo vệ trước quyền lực của nhà nước. Do vậy, dù là ở hoàn cảnh nào thì nhân quyền luôn được đề cao thông qua việc được quy định cụ thể trong Hiến pháp và ngày càng được hoàn thiện hơn để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, tình hình đất nước, và cả thế giới.

    Có thể nói, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân, là sự kết tinh của tinh thần dân chủ, đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền trong thời kỳ mới. Việc hiến định, hiện thực hóa quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp sửa đổi là sự tiếp nối, kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, đồng thời chuyển hóa sâu sắc nhiều nội dung, tinh thần các Công ước quốc tế về quyền chính trị, dân sự, quyền kinh tế, văn hóa, nhân quyền…; tạo nền tảng pháp lý cao nhất bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được thực hiện, đáp ứng mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”./.

     

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1.     Giáo trình Luật Hiến pháp trường Đại học Luật TPHCM.

    2.     Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013.

    3.      GS - TS. Nguyễn Đăng Dung, Cách tiếp cận hay là cách thức quy định nhân quyền trong Hiến pháp, Đại học quốc gia Hà Nội.

    4.      Vũ Đình Hoè - Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam: Một mô hình mới - Hiến pháp dân tộc và dân chủ,Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, Văn phòng Quốc hội, Nxb. Chính trị Quốc gia.

    5.      Nguyễn Bình An, Hiến pháp với vấn đề nhân quyền, Luận văn thạc sỹ ngành Lý luận và lịch sử Nhà nước và pháp luật, Khoa Luật ĐH Luật Hà Nội.

    6.      Hoàng Văn Hảo, Hiến pháp Việt Nam với vấn đề quyền con người, quyền công dân, 2001.

    7.     Tuyên ngôn độc lập Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, lời nói đầu bản Tiếng Việt trong các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội.

    8.      Các tài liệu và website khác có liên quan.

     

    [1]http://vi.wikipedia.org/

    [2]Giáo trình về quyền con người

    [3]Giáo trình Lý luận và pháp luật về Quyền con người, khoa Luật Đại Học Quốc gia Hà Nội, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội, 1999

    [4] Điều 7 Hiến pháp 1946 quy định: “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình”.

    [5] Điều 21 Hiến pháp1946

    [6]TS. Đinh Xuân Thao trả lời Thông tấn xã Việt Nam, http:/www.vietnamplus.vn/, truy cập ngày 08/10/2014

     

    NGUYỄN PHÚC THIỆN

    Read More

  • [SV&KHPL] NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG CHẾ ĐỊNH TÒA ÁN NHÂN DÂN TRONG HIẾN PHÁP 2013

    Trải qua hơn hai mươi năm tồn tại, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế. Để phù hợp hơn với thực tiễn công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, cũng như tiếp tục xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, thực sự trở thành Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Quốc hội đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp.

     

    Sau khoảng thời gian thảo luận sôi nổi tại nghị trường cũng như tiếp thu ý kiến của toàn thể nhân dân, Quốc hội đã chỉnh lý, hoàn thiện và thông qua bản Hiến pháp sửa đổi vào ngày 28/11/2013.

    Trong lần sửa đổi này, Hiến pháp 2013 với nhiều quy định mới đã thể hiện được bước tiến trong tư duy lập hiến Việt Nam. Đặc biệt là tại khoản 3, Điều 2 quy định:“Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Như vậy, quyền lực Nhà nước không chỉ là sự thống nhất, phân công, phối hợp mà còn kiểm soát lẫn nhau. Đó là cơ sở cho việc quy định cụ thể các chế định về tổ chức bộ máy nhà nước trong đó có chế định Tòa án nhân dân.

    Hiến pháp 2013 chỉ dành 5 Điều để quy định về Tòa án nhân dân (từ Điều 102 đến Điều 106, giảm 6 Điều so với Hiến pháp 1992), nhưng đã thể hiện sâu sắc bản chất, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động cơ bản của Tòa án nhân dân. Nghiên cứu những quy định về Tòa án nhân dân, tác giả nhận thấy nhiều điểm mới như sau:

    Một là, Hiến pháp 2013 đã khẳng định quyền tư pháp thuộc về Tòa án. Quan sát các bản Hiến pháp trước đây của Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy, ngoài Hiến pháp 1946 tại Điều 63 có quy định cơ quan tư pháp bao gồm Tòa án các cấp thì các bản Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 dường như không nói rõ cơ quan nào thực hiện quyền tư pháp. Bởi lẽ, sau khi có thêm chế định Viện Kiểm sát nhân dân thì bắt đầu xuất hiện sự ngập ngừng với nhiều quan điểm về việc có nên cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng thực hiện quyền tư pháp hay không? Đến Hiến pháp 2013 thì quyền tư pháp đã chính thức được khẳng định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (khoản 1, Điều 102). Với quy định này, chúng ta đã xác định rõ, chỉ có Tòa án nhân dân mới là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, thực hiện chức năng xét xử; mới có quyền đưa ra phán quyết về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp theo quy định của pháp luật và về các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc xử lý các vi phạm pháp luật bằng chế tài Nhà nước, giải quyết các tranh chấp bằng quyền lực Nhà nước đều thuộc thẩm quyền của Tòa án[1]. Tòa án thực hiện quyền tư pháp là phù hợp với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, vì trong Nhà nước pháp quyền thì quyền tư pháp về bản chất là quyền xét xử. Việc quy định Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp là đã thể hiện đúng bản chất đó. Trong khi đó, Viện Kiểm sát là cơ quan thực hiện quyền công tố và là một bên tham gia tố tụng, nên nếu quy định Viện Kiểm sát cũng thực hiện quyền tư pháp là không phù hợp[2].

     

    Hai là, so với các bản Hiến pháp trước đây thì Hiến pháp năm 2013 đã “bỏ ngõ” cách thức tổ chức Tòa án mà chỉ quy định “Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định” (Khoản 2, Điều 102). Quy định như thế là hợp lý,bởi vì chúng ta đang thảo luận về cách thức tổ chức Tòa án mới, phù hợp hơn so với cách thức tổ chức Tòa án theo mô hình đơn vị hành chính.

    Lâu nay, trong tư duy của nhiều người có quan niệm Tòa án chỉ là cơ quan xét xử giống như một “ngành” chuyên môn như các Bộ, ngành khác. Theo cách tư duy đó thì Tòa án nhân dân tối cao được xem như một cơ quan “Bộ” ở Trung ương; các Tòa án nhân dân cấp tỉnh được xem như một cấp sở, ngành cấp tỉnh; Tòa án nhân dân cấp huyện được xem như một phòng cấp huyện của chính quyền địa phương; Thẩm phán được nhìn nhận như một dạng công chức hành chính. Đây là một nhận thức sai lầm. Tòa án phải được hiểu đúng đắn là một thiết chế đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ của nhánh quyền tư pháp quốc gia để bảo vệ công lý; và vì vậy, cho dù Tòa án được thành lập ở cấp nào, địa phương nào thì Tòa án cũng không phải là cơ quan của địa phương[3].

    Với cách thức tổ chức Tòa án theo mô hình đơn vị hành chính, tính đến ngày 30/6/2013, cả nước có 63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh, 700 Tòa án nhân dân cấp huyện (riêng Huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa có Tòa án)[4]. Hay nói cách khác, mỗi tỉnh đều có Tòa án, mỗi huyện đều có Tòa án. Tuy nhiên, không phải nơi nào số lượng vụ án cũng đồng đều nên nhiều nơi xảy ra tình trạng tồn đọng án, lại có nơi một năm chỉ giải quyết vài ba vụ án. Số lượng Tòa án cấp huyện như thế là quá lớn và sẽ có thể lớn hơn cùng xu hướng tăng lên của các đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập mới. Mặt khác, việc tổ chức Tòa án theo mô hình đơn vị hành chính vô hình chung đã hình thành tâm lý hạ thấp vị thế của Tòa án, đồng thời việc các Tòa án và Ủy ban nhân dân cúng tổ chức theo mô hình này thì Tòa án có thực sự độc lập hay không?

    Ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 49-NQ/TW về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Trong đó, đề ra nhiệm vụ đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, với mục tiêu là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao.

    Ngày 28/7/2010, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79-KL/TW về “Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Trong đó, xác định phương hướng tổ chức Toà án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm 4 cấp là Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân tối cao. Tòa án sơ thẩm khu vực không phụ thuộc vào địa giới hành chính, xét xử hầu hết các loại vụ án theo pháp luật về tố tụng; Tòa án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm các bản án đối với các bản án sơ thẩm của Tòa án sơ thẩm khu vực mà chưa có hiệu lực pháp luật, bị kháng cáo, kháng nghị; Tòa án nhân dân cấp cao xét xử các vụ án phúc thẩm các bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm đối với các Tòa án cấp dưới (Tòa án khu vực và Tòa án nhân dân cấp tỉnh); còn Tòa án nhân dân tối cao chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ kiểm tra, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, phát triển án lệ, hướng dẫn áp dụng pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử.

    Chính vì đã xuất hiện những nhận thức mới nên Hiến pháp năm 2013 chỉ phác họa khái quát về mô hình Tòa án nhân nhân dân, còn cách thức tổ chức ra làm sao thì sẽ để cho Luật Tổ chức Tòa án nhân dân cụ thể hóa.

    Cũng xin nói thêm, ngày 12/3/2014, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 92-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW. Theo đó, xác định tiếp tục thực hiện chủ trương tổ chức Tòa án nhân dân theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Tòa án nhân dân được tổ chức 4 cấp như Kết luận số 79-KL/TW. Đối với Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm, tiếp tục nghiên cứu xây dựng hai phương án: (i) Tổ chức theo khu vực như Kết luận số 79-KL/TW; (ii) Tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện; nghiên cứu, xác định rõ nội hàm và xây dựng cơ chế để Tòa án nhân dân thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp.

     

    Ba là, những nhiệm vụ của Tòa án đã được quy định một cách cụ thể. Đó là nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Khoản 3, Điều 102). Nếu để ý kĩ, chúng ta có thể nhận thấy thứ tự về những quyền lợi mà Tòa án phải bảo vệ không phải được sắp xếp tùy tiện mà có sự tỉ mỉ trong cách sắp đặt. Đầu tiên, Tòa án phải bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tòa án được ví như cái khiên vững chắc để che chở, bảo vệ mọi người; là cán cân duy trì và bảo đảm công bằng cho xã hội. Cái lý và cái tình phải được xem xét một cách cẩn trọng, bởi vì chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng khiến cho cán cân công lý bị mất thăng bằng lớn, và khi ấy sẽ xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân. Vì thế, việc tránh oan sai cũng như tránh bỏ lọt tội phạm, tránh phán xét một cách tùy tiện làm ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của các cá nhân, tổ chức là nhiệm vụ hàng đầu của Tòa án. Tiếp đó, Tòa án phải có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, hay nói cách khác là, phải trung thành với chế độ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang hướng đến.

     

    Bốn là, Hiến pháp 2013 đã khẳng định rõ hơn những nguyên tắc tố tụng mang tính hiến định[5]tại Điều 103. Đây là những nguyên tắc cơ bản nhất, dựa trên cơ sở sửa đổi, bổ sung các Điều 129, 130, 131, 132 Hiến pháp năm 1992; tiếp thu những quy định về quyền con người trong hoạt động tố tụng của các bản Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người (Universal Declaration of Human Rights – UDHR) năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights) năm 1966 mà Việt Nam là thành viên, cũng như tham khảo Hiến pháp của các nước bạn trên thế giới nhằm bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong hoạt động tố tụng, tăng cường hơn nữa tính độc lập trong hoạt động của Tòa án.

    Khoản 1, Điều 103 tiếp tục quy định việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, tuy nhiên đã bổ sung thêm trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn. Thủ tục rút gọn trong tố tụng nghĩa là, trong một số vụ án đơn giản thì việc xét xử có thể chỉ cần một Thẩm phán, không cần thiết phải có sự tham gia của cả Hội đồng xét xử; nhằm mục đích là tạo điều kiện cho việc giải quyết vụ án kịp thời, nhanh chóng, tiết kiệm nhưng cũng vẫn đảm bảo tính hiệu quả và hợp pháp.

    Để Tòa án thực sự là cơ quan độc lập, khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Trong các bản Hiến pháp trước đây, các nhà lập hiến cũng đã từng ghi nhận quy định này; và khi nghiên cứu về Hiến pháp nước ngoài, chúng ta có thể bắt gặp quy định này trong Hiến pháp của khá nhiều quốc gia. Ví dụ như Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 tại Điều 76 có quy định: “Tất cả Thẩm phán phải được độc lập trong khi thực thi quyền hạn của mình mà chỉ phải tuân thủ Hiến pháp và các luật”; Điều 249 Hiến pháp Thái Lan năm 1997 quy định: “Thẩm phán độc lập trong xét xử phù hợp với Hiến pháp và pháp luật”; hay như trong Hiến pháp năm 1998 của Quốc gia Fiji, tại Điều 118 nêu rõ: “Các Thẩm phán của Nhà nước độc lập với các nhánh lập pháp và hành pháp của Chính phủ”. Thẩm phán nếu muốn độc lập thực sự thì trước hết việc bổ nhiệm Thẩm phán phải công tâm, chính xác; lựa chọn cho được những người có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm, bảo đảm có đủ ý chí, quyết tâm bảo vệ công lý. Mặt khác, cần phải có các thể chế để buộc Thẩm phán phải chịu trách nhiệm về phán quyết của mình, thực hiện đúng đắn quyền tư pháp và nghiêm cấm các hành vi can thiệp vào hoạt động xét xử[6]

    Tôn trọng, bảo đảm quyền con người là một nguyên tắc quan trọng. Trong những quyền con người cần được bảo vệ có quyền bí mật cá nhân, bí mật gia đình và quyền bào chữa. Khoản 1, Điều 21, Hiến pháp 2013 quy định:“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình”. Và khoản 4, Điều 31 cũng ghi nhận: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Trong phần hiến định các nguyên tắc hoạt động tố tụng, một lần nữa các quyền này đã được nhắc lại. Theo đó, “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín” (khoản 3, Điều 103) và “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm” (khoản 7, Điều 103). Cũng xin nói thêm về nguyên tắc công khai trong hoạt động xét xử thì tại khoản 2, Điều 31 đã quy định: “Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai”. Và tại Điều 10 bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người cũng từng ghi nhận: “Ai cũng được hưởng quyền bình đẳng, được xét xử công khai và công bằng bởi một Tòa án độc lập và vô tư trong việc quyết định về những quyền lợi và nghĩa vụ của mình cũng như bất cứ sự buộc tội nào đối với họ”.

    Tranh tụng là hoạt động của các bên tham gia xét xử đưa ra các quan điểm của mình và tranh luận lại để bác bỏ một phần hoặc toàn bộ quan điểm của phía bên kia. Tòa án được ví như người trọng tài quan sát hai bên, đánh giá toàn bộ nội dung vụ án một cách khách quan và đưa ra phán quyết cuối cùng trên cơ sở tranh tụng. Lần đầu tiên “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” đã được ghi nhận trong Hiến pháp (khoản 5, Điều 103). Việc hiến định nguyên tắc này là phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp mà chúng ta đang tiến hành. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới” đã quy định: "… Nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác... Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng của phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời gian quy định”. Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” tiếp tục khẳng định: “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Nghị quyết 37/NQ-QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội “Về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013” cũng yêu cầu: “Kiểm sát viên phải chủ động, tích cực tranh luận, đối đáp tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự… Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các Tòa án tiếp tục đẩy mạnh việc tranh tụng tại phiên tòa”.

    Việc ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong Hiến pháp sẽ là tiền đề cho công tác rà soát, bổ sung, sửa đổi các luật, bộ luật có liên quan như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Bộ luật Tố tụng Hình sự sắp tới. Trên cơ sở luật hóa nguyên tắc tranh tụng sẽ tạo một cơ chế thi hành trên thực tiễn, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả tranh tụng, nhằm phát huy tính dân chủ, công bằng; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân - đó cũng chính là mục đích chính của cơ quan tư pháp.

     

    Năm là, các Điều 104 và 105 đã quy định khái quát về Tòa án nhân dân Tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao. Theo đó, Tòa án nhân dân Tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định và thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.Nhiệm kỳ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội.Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức vànhiệm kỳ của Chánh án Tòa án khác do luật định; Chánh án Toà án nhân dân Tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Chế độ báo cáo công tác của Chánh án các Tòa án khác do luật định.Việc bổ nhiệm, phê chuẩn,miễn nhiệm, cách chức, nhiệm kỳ của Thẩm phán và việc bầu, nhiệm kỳ của Hội thẩm do luật định.

    Ý nghĩa lý luận của các quy định này nhằm đề cao địa vị pháp lý của Thẩm phán, đặc biệt là địa vị pháp lý của Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Bởi vì, chính đội ngũ Thẩm phán là những người trực tiếp giải quyết, xét xử các loại vụ án và thực hiện quyền tư pháp. Chất lượng giải quyết, xét xử và thực hiện quyền tư pháp của các Thẩm phán là biểu hiện của nền công lý của quốc gia. Do đó, họ được xã hội thừa nhận có địa vị pháp lý cao và được tôn trọng là phù hợp với tiến bộ xã hội và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Ý nghĩa thực tiễn của quy định này là nhằm xác định Thẩm phán là Thẩm phán của quốc gia, không phụ thuộc vào địa phương nào, đó là đảm bảo hoạt động của Thẩm phán là nhân danh Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    Đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thì quy định của Hiến pháp nêu trên bao hàm ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao sẽ có số lượng hạn chế so với số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hiện nay. Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm và được Quốc hội phê chuẩn. Thủ tục này tương tự như thủ tục bổ nhiệm, phê chuẩn các thành viên Chính phủ (Bộ trưởng). Do vậy, Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao phải là những người ưu tú nhất trong hệ thống Tòa án và cơ quan tư pháp, có nhiều kinh nghiệm trong công tác giải quyết xét xử các loại vụ án, có uy tín cao trong các cơ quan tư pháp và trong xã hội và thực sự là biểu tượng của công lý của Nhà nước[7].

     

    Sáu là, Hiến pháp mới cũng đã dành hẳn Điều 106 để nói về hiệu lực pháp luật của các bản án, quyết định của Tòa án phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơquan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Điều 106 này thực ra là được kế thừa, có sửa đổi và bổ sung từ Điều 136 Hiến pháp năm 1992 và có ý nghĩa khẳng định tính cưỡng chế của các bản án đã có hiệu lực pháp luật, làm tiền đề cho việc thi hành án. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đưa các bản án, quyết định Tòa án ra thi hành là rất khó khăn và phức tạp, vì thế để quy định này của Hiến pháp “đi vào cuộc sống” thì đòi hỏi chúng ta phải cụ thể hóa một cách chi tiết trong các văn bản pháp luật (chẳng hạn như trong các Luật Thi hành án) nhằm tạo ra một cơ chế tối ưu, hiệu quả hơn về công tác thi hành án.

    Như vậy, khi tìm hiểu về chế định Tòa án nhân dân trong Hiến pháp 2013, chúng ta có thể nhận thấy nhiều điểm mới đã được ghi nhận. Tất cả những điểm mới này đều xuất phát từ tư tưởng Nhà nước pháp quyền, tôn trọng quyền con người, quyền công dân; xuất phát từ yêu cầu cải cách tư pháp, dựa trên nhiều quan điểm mới của Đảng ta. Đồng thời, sau khi hiến định những điểm mới này thì trước mắt, hàng loạt các văn bản luật, bộ luật có liên quan sẽ được sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thế hóa Hiến pháp và áp dụng Hiến pháp trên thực tế./.

     


    [1]PGS.TS Trần Văn Độ, Quy định của Hiến pháp về Tòa án nhân dân.

    [2]Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến của nhân dân và của các vị đại biểu Quốc hội (ngày 17/10/2013), tr. 25.

    [3]Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, Độc lập tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm cho Tòa án thực hiện đúng đắn quyền tư pháp.

    [4]Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo Tổng kết thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002, tr. 4.

    [5]PGS-TS Trương Đắc Linh, NCS Nguyễn Mạnh Hùng, Những điểm mới cơ bản trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

    [6]Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, Độc lập tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm cho Tòa án thực hiện đúng đắn quyền tư pháp .

    [7]Nguyên phó Chán án Tòa án nhân dân Tối cao Trần Văn Tú, Các quy định về Tòa án nhân dân trong Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và hướng hoàn thiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

     

    THÁI MINH SƠN

    Read More

  • [SV&KHPL] CÁC BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC

    Tranh chấp trên biển Đông, trước hết là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nổi lên từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II và leo thang với mức độ khá nghiêm trọng, nhất là từ cuối thập niên đầu thế kỷ XXI.

     

    1. Các tranh chấp đang tồn tại trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc

    Tranh chấp trên biển Đông, trước hết là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nổi lên từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II và leo thang với mức độ khá nghiêm trọng, nhất là từ cuối thập niên đầu thế kỷ XXI.

    Ngoài hai quần đảo trên, tranh chấp biển Đông còn mở rộng ra cả vùng biển phía Nam đảo Trường Sa giữa 5 nước 6 bên gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei. Tháng 5/2009, Trung Quốc đưa ra yêu sách về vùng biển này nằm trong đường biên giới “lưỡi bò”, là vùng nước lịch sử do họ đơn phương tuyên bố sở hữu từ cuối năm 1947.[i] Ngoài ra, Trung Quốc còn thường xuyên cho các tàu hải giám và kiểm ngư, những tàu thuyền quân sự và cảnh sát trá hình vào những khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cản trở hoạt động thăm dò địa chấn của Việt Nam.[ii]

    Gần đây nhất, ngày 02/5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) vào định vị khoan tại vùng biển, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) của Việt Nam khoảng 120 hải lý, mà tại đó, Việt Nam được hưởng các quyền của một quốc gia ven biển theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Hơn nữa, chưa đầy hai tháng từ khi đặt giàn khoan HD 981, Trung Quốc điều thêm bốn giàn khoan nữa vào biển Đông.[iii]

    Như vậy, có thể thấy rằng, tranh chấp biển Đông trở nên phức tạp và bị đẩy lên mức độ ngày càng gay gắt trong những năm gần đây. Tranh chấp không chỉ bắt nguồn từ mâu thuẫn hay tồn tại tranh chấp về chủ quyền lãnh hải do lịch sử để lại và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế, mà còn xuất phát từ sự đan xen lợi ích, mưu cầu địa chính trị, trước hết là quản lý, kiểm soát tuyến hàng hải, hàng không chiến lược và nguồn tài nguyên giàu có, đặc biệt là dầu mỏ tại khu vực này. Vì vậy, tranh chấp biển Đông ngày nay không chỉ còn là xung đột giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ASEAN, mà đã trở thành một vấn đề quốc tế. Trong đó, tình hình giữa Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu xoay quanh bốn tranh chấp:

    Thứ nhất, tranh chấp chủ quyền Quần đảo Hoàng Sa;

    Thứ hai, tranh chấp chủ quyền Quần đảo Trường Sa;

    Thứ ba, tranh chấp nội vùng đường lưỡi bò;

    Thứ tư, tranh chấp về việc hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

     

    2. Các giải pháp giải quyết tranh chấp biển Đông theo pháp luật quốc tế

    Về phương diện khoa học luật quốc tế, các quốc gia không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, mà phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Điều 33 Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định, hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế là một nghĩa vụ pháp lý của tất cả các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế. Căn cứ vào bản chất, thẩm quyền và thủ tục giải quyết tranh chấp, các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế có thể được chia làm hai nhóm cơ bản:[iv]

    Thứ nhất, các biện pháp giải quyết tranh chấp mang tính ngoại giao, gồm các biện pháp đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, giải quyết trước các tổ chức quốc tế bằng các hiệp định khu vực, với đặc điểm cơ bản là giải quyết tranh chấp bằng đối thoại, thương lượng thông qua các diễn đàn, Hội nghị quốc tế do các bên tranh chấp hoặc bên thứ ba tổ chức. Có thể kể đến là các tổ chức quốc tế liên chính phủ như ASEAN, Liên minh Châu Âu, Liên minh Châu Phi,… Kết quả giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp này thường là các nghị quyết, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế hoặc các cam kết và các điều ước quốc tế được các bên tranh chấp ký.

    Thứ hai, các biện pháp giải quyết tranh chấp bằng tài phán. Các biện pháp này có đặc điểm là giải quyết tranh chấp theo trình tự, thủ tục tố tụng tư pháp, thông qua hoạt động xét xử với kết quả giải quyết tranh chấp là các phán quyết của Tòa án quốc tế hoặc Trọng tài quốc tế có giá trị chung thẩm, bắt buộc các bên liên quan phải tuân thủ và thực hiện.

    Ngoài hai nhóm biện pháp trên, một biện pháp mới không được đề cập trong Hiến chương nhưng được áp dụng rất nhiều trong thực tiễn là môi giới giải quyết tranh chấp. Nghĩa là, các cá nhân có uy tín lớn trong quan hệ quốc tế như Nguyên thủ quốc gia, Tổng thư ký hoặc nguyên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc được các bên tranh chấp đề nghị đứng ra thuyết phục để các bên gặp gỡ, tiếp xúc nhằm giải quyết tranh chấp.

    Bên cạnh Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước 1982 đã dành ra 9 điều và 4 phụ lục để quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp. Trong khuôn khổ Công ước 1982, Điều 287 quy định bốn cơ quan giải quyết tranh chấp: (1) Tòa quốc tế về Luật biển được thành lập theo Phụ lục VI; (2) Tòa án Công lý quốc tế; (3) Tòa Trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VIII, để giải quyết một hay nhiều tranh chấp đã được quy định rõ trong đó; (4) Tòa trọng tài quốc tế được thành lập theo Phụ lục VII. Một lưu ý rằng, nếu các bên trong tranh chấp không chọn trước hay không thỏa thuận được cơ quan giải quyết tranh chấp nào trong bốn cơ quan trên, thì phải dùng đến Tòa trọng tài quốc tế. Nghĩa là, nếu các bên không có tuyên bố trước hoặc có thỏa thuận khác, biện pháp giải quyết bằng Tòa trọng tài quốc tế mặc nhiên được áp dụng.

     

    3. Biện pháp giải quyết tranh chấp mà Việt Nam đã áp dụng

    Trước những tranh chấp biển Đông với Trung Quốc vốn tồn tại nhiều thập kỷ, Việt Nam đã và đang kiên trì theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp mang tính ngoại giao, cụ thể là đàm phán song phương, đàm phán đa phương.

    Riêng với tranh chấp liên quan đến giàn khoan HD 981, cho đến nay, Việt Nam đã hai lần gửi thư lên Liên Hợp Quốc vào ngày 28/5[v] và ngày 06/6[vi], kèm theo Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tiếp tục duy trì giàn khoan HD 981 và các tàu hộ tống trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 03/0, Việt Nam tiếp tục gửi thư lên Liên Hợp Quốc đề nghị lưu hành văn bản phản đối Trung Quốc như là những tài liệu chính thức của Đại hội đồng LHQ.[vii]

    Hơn nữa, Việt Nam đang nỗ lực để tối đa hóa vai trò của ASEAN, cân nhắc đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế và thúc đẩy hợp tác với các cường quốc khác để tăng cường vị thế và tạo lợi thế trong cân bằng với Trung Quốc trên biển Đông.

     

    4. Biện pháp hiệu quả để giải quyết tranh chấp biển Đông

    Trước tình hình tranh chấp căng thẳng đang leo thang trên biển Đông, một số chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, khi các giải pháp chính trị ngoại giao mà Việt Nam đã, đang và sẽ kiên trì áp dụng nhưng không hiệu quả thì giải pháp giải quyết bằng các tài phán là cần thiết, vì đây cũng là một trong những biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp quốc tế đã được quy định tại Điều 33 của Hiến chương LHQ.[viii]

    Thứ nhất, với nội dung giải thích và áp dụng Công ước 1982 trong hai tranh chấp HD 981 và “đường lưỡi bò”, cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước sẽ được sử dụng. Theo đó, có 4 cơ quan được liệt kê là (1) Tòa quốc tế về Luật biển được thành lập theo Phụ lục VI; (2) Tòa án Công lý quốc tế; (3) Tòa Trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VIII để giải quyết một hay nhiều tranh chấp đã được quy định rõ trong đó; (4) Tòa Trọng tài quốc tế được thành lập theo Phụ lục VII.

    Đối với cơ quan thứ nhất và cơ quan thứ hai - Tòa án Quốc tế về Luật biển và Tòa án Công lý Quốc tế, hai tòa này không có thẩm quyền đương nhiên để thụ lý và giải quyết các vụ việc tranh chấp giữa các quốc gia. Để xác lập thẩm quyền của hai cơ quan này, Việt Nam và Trung Quốc phải ký một điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế để đồng ý hai tòa này trên xem xét, giải quyết tranh chấp giữa hai bên. Vì vậy, trở ngại lớn nhất của Việt Nam là liệu Trung Quốc có chấp nhận thẩm quyền trên hay không.

    Liên hệ đến thực trạng tranh chấp trên biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết bất kỳ điều ước quốc tế song phương và cũng không gia nhập bất kỳ điều ước quốc tế đa phương nào có quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp tại Tòa án Công lý quốc tế hay Tòa án Quốc tế về Luật biển. Mặt khác, cả Việt Nam và Trung Quốc cũng chưa có bất kỳ tuyên bố đơn phương nào về việc chấp nhận thẩm quyền giải quyết tại hai Tòa này.

    Vì vậy, có thể thấy rằng, tính khả thi của việc khởi kiện Trung Quốc tại Tòa án Công lý quốc tế hoặc Tòa án Quốc tế về Luật biển là không cao.

    Đối với cơ quan thứ ba - Tòa Trọng tài đặc biệt, tòa này có thẩm quyền tiến hành các cuộc điều tra và xác lập các sự kiện từ nguồn gốc của vụ tranh chấp.[ix]Các khuyến nghị của tòa này không có giá trị quyết định mà chỉ là cơ sở để các bên tiến hành xem xét lại những vấn đề làm phát sinh tranh chấp. Do đó, tranh chấp “đường lưỡi bò” và HD 981 không thể được giải quyết tại Tòa Trọng tài đặc biệt.

    Đối với biện pháp cuối cùng – Tòa Trọng tài quốc tế, Việt Nam có một thuận lợi là cơ quan này mặc nhiên được áp dụng. Tuy nhiên, Công ước cũng đưa ra một ngoại lệ cho cơ chế mặc nhiên này, đó là một bên trong tranh chấp có thể bảo lưu bằng cách tuyên bố không chấp nhận quyền tài phán bắt buộc trong Công ước trong các trường hợp sau: (1) Tranh chấp biên giới biển, vịnh lịch sử (sea boundary, historic bays); (2) Các hoạt động quân sự; thi hành quyền cảnh sát (law enforcement) về nghiên cứu biển và nghề cá; (3) Tranh chấp đã nhờ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thụ lý.[x]

    Sau khi ký kết Công ước, Trung quốc đã gửi công hàm ngày 25/8/2006 tuyên bố không chấp nhận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo ba biệt lệ trên.[xi]Như vậy, khi xem xét thẩm quyền của cơ quan tài phán bắt buộc theo Công ước 1982 trong tranh chấp liên quan đến HD 981 và “đường lưỡi bò”, phải trả lời câu hỏi tranh chấp có thật sự thuộc một trong ba biệt lệ như Trung Quốc khẳng định hay không để đi đến kết luận vụ việc có thể được đưa ra Tòa Trọng tài.

    Theo quan điểm của Trung Quốc từ vụ kiện với Philippines, “đường lưỡi bò” thuộc về “biên giới quốc gia" qua “lịch sử 2000 năm” của Trung Quốc, tức thuộc biệt lệ (1). Philippines không hề tranh cãi gì về biên giới quốc gia, mà chỉ nhắc đến vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc từ “đường lưỡi bò” đã được xác lập mà không có cơ sở pháp lý. Việt Nam cũng có thể vận dụng quan điểm về vùng đặc quyền kinh tế của Philippines như trên.

    Bên cạnh đó, đối với HD 981, thực chất tranh chấp ở đây là: giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước nào.[xii]

    Vì vậy, trong cả hai tranh chấp “đường lưỡi bò” và HD 981, Việt Nam có thể bác bỏ được quan điểm của Trung Quốc và xác lập thẩm quyền của cơ quan tài phán bắt buộc theo Công ước 1982. Do đó, Việt Nam có thể đưa tranh chấp “đường lưỡi bò” và HD 981 ra giải quyết tại Tòa Trọng tài quốc tế. Đây là đề xuất cho việc giải quyết tranh chấp về việc giải thích và áp dụng Công ước 1982.

    Thứ hai, đối với tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cần lưu ý rằng những tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước 1982. Như vậy, Việt Nam có thể cân nhắc đưa vụ việc ra giải quyết tại Tòa án Công lý quốc tế. Tuy nhiên, cơ chế giải quyết tại Tòa án Công lý quốc tế thì không đơn giản. Như đã trình bày ở trên, tòa này chỉ có thể giải quyết tranh chấp nếu Việt Nam khởi kiện và Trung Quốc cũng chấp nhận giải quyết hoặc, Việt Nam và Trung Quốc thỏa thuận đồng yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp thì tòa án mới có thẩm quyền giải quyết. Đây là khả năng rất khó xảy ra trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, trong rủi ro luôn tiềm ẩn cơ hội, nếu Việt Nam có động thái khởi kiện và Trung Quốc không chấp nhận giải quyết vụ kiện này tại Tòa án Công lý quốc tế, thì có thể coi đây là dấu hiệu Trung Quốc đuối lý để chúng ta tích cực đấu tranh trên các phương tiện truyền thông, tạo hiệu ứng gián tiếp nhằm cô lập Trung Quốc về ngoại giao về vấn đề biển Đông.

    Tựu chung lại, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng các biện pháp giải quyết tranh chấp bằng tài phán để đưa giải pháp hiệu quả nhất, bên cạnh đó, việc phối hợp với biện pháp ngoại giao nên được ưu tiên áp dụng. Biển Đông nổi sóng hay yên bình đang là một vấn đề được tất cả các quốc gia trong khu vực và thế giới quan tâm. Chuỗi những diễn biến trong tranh chấp trên biển Đông đã đưa vấn đề vượt ra ngoài phạm vi khu vực. Vì vậy, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp pháp lý, Việt Nam cần kết hợp với chính sách ngoại giao cương quyết nhưng không kém phần mềm dẻo, linh hoạt, phân biệt và tranh thủ sự ủng hộ của các của chủ thể cũng như dư luận quốc tế để không chỉ ngăn ngừa căng thẳng leo thang đến “bên miệng hố chiến tranh”, mà còn nhanh chóng đạt được một kết quả chính đáng, phù hợp với căn cứ lịch sử và pháp luật quốc tế./.

     

    [i]PGS. TSKH. Trần Khánh, Tranh chấp biển Đông - Tìm biện pháp hiệu quả để giải quyết tranh chấp biển Đông, 2014, http://www.hcmulaw.edu.vn/hcmulaw/

    [iii] An Bình, Trung Quốc ồ ạt đưa thêm 4 giàn khoan dầu vào biển Đông, 2014, http://dantri.com.vn/

    [iv]TS. Ngô Hữu Phước, Luật Quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010, tr. 514-515.

    [v] Xem thêm Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc, http://www.vietnamplus.vn/

    [vi] Xem thêm Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc, http://www.vietnamplus.vn/

    [vii] Xem thêm Việt Nam Đề Nghị LHQ Lưu Hành Văn Bản Phản Đối Trung Quốc, 2014, http://www.tienphong.vn/

    [viii] Bài phỏng vấn TS. Ngô Hữu Phước, Kiện Trung Quốc Ra Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế Về Luật Biển, 2014, http://plo.vn/

    [ix]Điều 5.1, Phụ lục VIII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

    [x]Điều 298, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

    [xi]Nguyên văn là “Trung Quốc bảo lưu điều khoản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài liên quan đến việc giải thích và áp dụng Điều 15, 74 và 83 liên quan đến biên giới biển, các vịnh lịch sử hay chủ quyền, hoạt động quân sự hay thực thi pháp luật, hay các vấn đề mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thẩm quyền.” Xem thêm TS. Lê Nết, Philippins kiện Trung Quốc theo Công ước LHQ về Luật Biển: Góc nhìn của Trọng tài Quốc Tế về đường lưỡi bò, 2014, http://baodautu.vn/

    [xii]Nguyễn Thái Linh và Dương Danh Huy, Cần đưa Trung Quốc ra Tòa, 2014,http://www.thanhnien.com.vn

     

    TRẦN NGỌC LINH TÂM - CLC35

    Read More

  • [SV&KHPL] MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NỘI QUY LAO ĐỘNG THEO PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG VIỆT NAM HIỆN HÀNH

    Tóm tắt

    Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh thể hiện trong nội quy lao động. Theo pháp luật lao động hiện hành ở nước ta, nội quy lao động chính là hình thức pháp lý duy nhất của kỷ luật lao động. Chính vì vậy, quá trình quản lý, điều hành của người sử dụng lao động (NSDLĐ) có hiệu quả hay không, đồng thời đảm bảo được quyền lợi chính đáng của người lao động (NLĐ) hay không phần lớn sẽ phụ thuộc vào nội quy lao động. Dưới góc độ lý luận pháp lý, những quy định về nội quy lao động và xử lý kỷ luật lao động trong Bộ luật Lao động (BLLĐ 2012) vẫn tồn tại một số bất cập nhất định như hình thức, nội dung, đăng ký nội quy lao động; thời hiệu, trình tự thủ tục xử lý kỷ luật lao động. Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ trình bày quan điểm về các vấn đề pháp lý nêu trên cũng như đưa ra hướng hoàn thiện.

    Labor discipline means regulations on compliance with time requirements, technology and production and business administration as stipulated in the internal working regulations. According to the current Vietnamese Labor Law, internal working regulations is the only legal form of labor discipline. Therefore, whether the employer’s management and control process is effective or not and the employee’s legitimate rights is protected or not depends on internal working regulations. In legal perspective, the provisions relating to internal working regulations and handling violations of labor discipline in Vietnamese Labor Code still have some particular problems regarding to internal working regulations’ form, content, registration; labor discipline’s statute of limitations and procedure. Within the scope of this article, the author shall present these legal issues and petition for their solutions.

     

    1. Nội quy lao động

    1.1. Hình thức của nội quy lao động

    Khoản 1 Điều 119 BLLĐ 2012 quy định: “Doanh nghiệp sử dụng từ 10 lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản”. Có thể suy luận rằng doanh nghiệp có dưới 10 lao động có thể ban hành nội quy lao động bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Theo tác giả, mốc 10 lao động ở đây xuất phát từ quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp[1]. Sở dĩ, pháp luật lao động không “khắt khe” về hình thức trong trường hợp này xuất phát từ cơ cấu tổ chức không phức tạp của hộ kinh doanh dẫn đến việc quản lý, điều hành sẽ đơn giản hơn rất nhiều ngay khi nội quy chỉ được ban hành bằng lời nói. Quy định này cũng nhằm giảm bớt gánh nặng cho những NSDLĐ quy mô nhỏ như hộ kinh doanh, khi việc ban hành một bản nội quy chỉ mang tính hình thức.

    Tuy nhiên, nội quy được ban hành bằng lời nói cũng ẩn chứa nhiều rủi ro trong trường hợp xảy ra tranh chấp, khi mà căn cứ chứng minh sự tồn tại của nội quy bằng lời nói sẽ gây khó khăn đáng kể. Cụ thể, việc xử lý kỷ luật lao động chỉ có thể được thực hiện đối với hành vi vi phạm được quy định trong nội quy lao động[2]. Như vậy, nội quy lao động bằng lời nói sẽ gây khó khăn trong việc xử lý kỷ luật nói riêng và giải quyết các tranh chấp nói chung giữa NSDLĐ và NLĐ trên thực tế.

    Tham khảo, Luật Lao động Trung Quốc[3], chúng ta thấy mặc dù không quy định cụ thể hình thức của nội quy lao động nhưng tại Điều 4 của Luật này thì người sử dụng lao động phải thiết lập và hoàn thiện nội quy cho phù hợp với pháp luật và đảm bảo được quyền và lợi ích cho người lao động. Từ đó có thể thấy rằng, chỉ có hình thức nội quy bằng văn bản mới đảm bảo được nguyên tắc trên.

    Chính vì thế, theo quan điểm của tác giả, mặc dù pháp luật không cấm hình thức lời nói cho nội quy lao động, NSDLĐ vẫn nên “phòng thủ” cho mình nội quy lao động dưới hình thức văn bản để tránh những tranh chấp phát sinh sau này.

    1.2. Nội dung nội quy lao động

    Theo quy định tại Khoản 2 Điều 119 BLLĐ 2012, nội quy lao động không được trái với pháp luật lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan. Bên cạnh việc quy định những nội dung chủ yếu như thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, trật tự tại nơi làm việc, an toàn lao động,… thì nội dung về các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất là nội dung quan trọng không thể thiếu trong nội quy lao động. Vì đây chính là căn cứ duy nhất để NSDLĐ tiến hành xử lý kỷ luật lao động khi xảy ra vi phạm. Theo hướng dẫn tại Khoản 5 Điều 27 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì: “Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động, hình thức xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất: Danh mục hành vi vi phạm, mức độ vi phạm tương ứng với các hình thức xử lý kỷ luật lao động; mức độ thiệt hại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại”. Tức là các hành vi vi phạm, hình thức xử lý kỷ luật được quy định cụ thể chi tiết cùng với từng mức độ vi phạm tương ứng. Tuy nhiên, việc quy định chi tiết này là không bắt buộc đối với NSDLĐ.

    Xem xét Khoản 5 Điều 4 Nghị định 41/1995/NĐ-CP hướng dẫn Điểm đ Khoản 1 Điều 83 BLLĐ 1994: “Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động, hình thức xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất: Người sử dụng lao động có trách nhiệm cụ thể hoá từng loại hành vi vi phạm, mức độ vi phạm; các hình thức xử lý vi phạm kỷ luật lao động; xác định các loại trách nhiệm vật chất, mức độ thiệt hại, phương thức bồi thường phù hợp với đặc điểm của đơn vị, với thoả ước lao động tập thể (nếu có) và không trái pháp luật”. Như vậy, với quy định cũ thì việc quy định chi tiết là trách nhiệm bắt buộc đối với NSDLĐ. Điều này thực chất giúp cho việc xử lý kỷ luật lao động chính xác và dễ dàng hơn, giảm bớt những tranh chấp. Tuy nhiên, quy định hiện hành chỉ mang tính tham khảo và không bắt buộc đối với NSDLĐ nên có thể dẫn đến hậu quả là NSDLĐ quy định sơ sài, gây khó khăn trong việc xử lý kỷ luật cũng như xác định trách nhiệm vật chất. Ngoài ra, việc quy định không cụ thể từng loại hành vi vi phạm cũng gây khó khăn cho chính người lao động bởi họ cũng không rõ đâu là giới hạn cho những hành vi của mình. Đến khi có hành vi vi phạm, bị NSDLĐ xử lý kỷ luật thì lại xảy ra tranh chấp, gây khó khăn cho cả đôi bên.

    Chính vì vậy, theo quan điểm của tác giả, BLLĐ hiện hành nên kế thừa quy định của BLLĐ 1994 quy định những nội dung buộc phải có trong nội quy và NSDLĐ phải có trách nhiệm quy định cụ thể những hành vi vi phạm, hình thức và mức độ xử lý kỷ luật để giảm thiểu những tranh chấp, khó khăn trong quá trình xử lý kỷ luật lao động.

    1.3. Ban hành nội quy lao động

    Khoản 3 Điều 119 BLLĐ 2012 quy định: “Trước khi ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở”. Và theo Khoản 3 Điều 121 BLLĐ 2012 thì trong hồ sơ đăng ký nội quy lao động thì phải có biên bản góp ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Có thể thấy luật quy định khá chặt chẽ về việc lấy ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện quy định này tại doanh nghiệp chỉ mang tính hình thức, qua loa. Mặt khác, hiện nay có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không thành lập công đoàn cơ sở, do đó Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở sẽ thực hiện việc góp ý ban hành nội quy lao động[4]. Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không phải là đơn vị trực thuộc nên sẽ không thể bảo vệ NLĐ một cách tuyệt đối khi xem xét các quy định trong nội quy lao động, bởi nội quy lao động của từng doanh nghiệp còn phụ thuộc vào tình hình, ý chí cụ thể của NSDLĐ trong doanh nghiệp đó.

    Công đoàn, với chức năng cơ bản và trọng tâm hàng đầu là đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ[5], thì việc tham gia ý kiến về nội quy lao động là hết sức cần thiết. Do đó, công đoàn cơ sở cần thiết được thành lập cũng như cần thực hiện chức năng bảo vệ NLĐ một cách triệt để hơn trong quá trình ban hành nội quy lao động.

    1.4. Đăng ký nội quy lao động và hiệu lực của nội quy lao động

    Khoản 1 Điều 120 BLLĐ 2012 quy định: “Người sử dụng lao động phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh”. Như vậy, nội quy lao động của doanh nghiệp phải được đăng ký tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (“Sở LĐTBXH”) thì mới có hiệu lực. Trong trường hợp NSDLĐ sử dụng dưới 10 người lao động, NSDLĐ có thể ban hành nội quy lao động bằng lời nói và theo quy định của pháp luật hiện hành, nội quy lao động bằng lời nói không phải đăng ký với cơ quan nhà nước. Sở dĩ khi NSDLĐ sử dụng từ 10 lao động trở lên thì phải có nội quy lao động bằng văn bản. Bởi vì chỉ có nội quy lao động bằng văn bản thì mới có thể đăng ký với cơ quan nhà nước theo thủ tục quy định. Vì vậy NSDLĐ không có nghĩa vụ đăng ký nôị quy lao động nếu được ban hành bằng lời nói.

    Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp nội quy doanh nghiệp dù đã được đăng ký tại Sở LĐTBXH nhưng vẫn tồn tại những quy định trái với pháp luật, mà theo Khoản 2 Điều 119 BLLĐ 2012 “nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Nguyên nhân của thực trạng này là do số lượng doanh nghiệp thành lập ngày càng nhiều, nhu cầu đăng ký nội quy tăng gây áp lực cho cơ quan có thẩm quyền trong khi đội ngũ cán bộ thực hiện công tác kiểm tra, rà soát tính hợp pháp của nội quy lao động còn hạn chế. Hơn nữa, về nguyên tắc, nội quy lao động có hiệu lực sau thời hạn 15 ngày[6]kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký nội quy lao động. Trường hợp phát hiện ra nội quy lao động có nội dung trái pháp luật thì Sở LĐTBXH phải thông báo, hướng dẫn NSDLĐ sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại trong thời hạn 7 ngày làm việc[7]kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký nội quy lao động. Do đó, nếu Sở LĐTBXH không có thông báo hay hướng dẫn gì về sai sót trong nội quy thì sau 15 ngày, nội quy lao động có hiệu lực bất kể nội quy đó có hay không có điều khoản trái luật.

    Như vậy trong trường hợp nếu có tranh chấp xảy ra liên quan đến hiệu lực nội quy lao động thì Sở LĐTBXH có chịu trách nhiệm hay không? Pháp luật hiện hành không quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh trong trường hợp nội quy đã có hiệu lực nhưng sau đó phát hiện ra nội quy trái luật. Theo nguyên tắc, NSDLĐ khi ban hành nội quy cũng phải tuân thủ pháp luật về lao động và pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, nếu loại trừ trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp này thì quả thực không công bằng cho doanh nghiệp. Vì Sở LĐTBXH là cơ quan có thẩm quyền xem xét và kiểm tra tính hợp pháp của nội quy nên bản thân cơ quan này cũng phải chịu một phần trách nhiệm cho hành vi của mình.

    Về hướng giải quyết, tác giả có hai đề nghị như sau:

    Thứ nhất,về cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký nội quy. Như đã đề cập ở trên, nhu cầu đăng ký nội quy ngày càng tăng, chính vì thế thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ nên được chuyển xuống cơ quan quản lý về lao động cấp dưới trực tiếp (Phòng LĐTBXH) để giảm áp lực cho cơ quan cấp tỉnh đồng thời kéo dài thời hạn xem xét lên 10 ngày làm việc để việc kiểm tra tính hợp pháp của nội quy lao động được kỹ lưỡng và chính xác hơn, hạn chế những sai sót. Điều này cũng đã được áp dụng trong trường hợp các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thực hiện việc đăng ký nội quy lao động. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ ủy quyền cho Ban Quản lý khu công nghiệp thực hiện việc đăng ký nôị quy lao động[8]

    Thứ hai,về trách nhiệm của cơ quan quản lý lao động trong việc xem xét tính hợp pháp của nội quy. Trong trường hợp nội quy đã được xem xét hợp pháp và có hiệu lực thi hành mà sau đó phát hiện có điều khoản trái luật thì NSDLĐ và cơ quan có thẩm quyền đều phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra trên nguyên tắc thỏa thuận tùy theo mức độ sai sót của nội quy. Quy định như vậy nhằm nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của NSDLĐ trong việc ban hành nội quy, đồng thời đảm bảo cơ quan quản lý lao động các cấp có trách nhiệm hơn trong việc kiểm tra, xem xét nội quy đó.

     

    2. Kỷ luật lao động

    2.1. Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động

    Thứ nhất, về thời hiệu xử lý kỷ luật, BLLĐ 2012 quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là từ 6 tháng đến 12 tháng[9], kéo dài hơn so với BLLĐ 1994 là từ 3 tháng đến 6 tháng[10]. Thiết nghĩ sự thay đổi này là hợp lý vì thời hiệu xử lý kỷ luật theo luật cũ quá ngắn, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiến hành xử lý kỷ luật.

    Đối với các trường hợp tạm hoãn xử lý kỷ luật lao động, Khoản 2 Điều 124 BLLĐ 2012 quy định: “Khi hết thời gian quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 4 Điều 123, nếu còn thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động tiến hành xử lý kỷ luật lao động ngay, nếu hết thời hiệu thì được kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên. Khi hết thời gian quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 123, mà thời hiệu xử lý kỷ luật lao động đã hết thì được kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên”. Như vậy, nếu đã hết thời hạn tạm hoãn xử lý kỷ luật lao động mà thời hiệu xử lý kỷ luật lao động chỉ còn lại một ngày thì doanh nghiệp cũng không được phép kéo dài thêm 60 ngày nữa. Do đó, trong trường hợp hết thời hạn tạm hoãn xử lý kỷ luật lao động và thời hiệu xử lý kỷ luật còn lại quá ít, NSDLĐ nên linh hoạt và có sự chuẩn bị từ trước để kịp thời xử lý kỷ luật lao động.

    Thứ hai, về thời điểm bắt đầu tính thời hiệu xử lý kỷ luật, theo Khoản 1 Điều 124 BLLĐ 2012 thì thời hiệu được tính “kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm”. Luật quy định như vậy là vì có nhiều hành vi vi phạm đến khi phát hiện thì không còn nguy hiểm nữa. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc kiểm tra phát hiện hành vi vi phạm của NLĐ cũng dễ dàng đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trong trường hợp NLĐ cố tình che dấu hành vi vi phạm của mình. Do đó, tác giả đồng ý với quan điểm của Ts. Trần Hoàng Hải và Ths. Đỗ Hải Hà[11] về hai phương án xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu xử lý kỷ luật như sau: (i) vẫn quy định thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 3 tháng, nhưng tính từ ngày NSDLĐ phát hiện ra vi phạm; (ii) vẫn quy định thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tính từ ngày xảy ra vi phạm nhưng kéo dài độ dài thời hiệu. Ngoài ra, nên xem xét bổ sung quy định thời gian NLĐ cố tình che dấu hành vi vi phạm không được tính vào thời hiệu xử lý kỷ luật.

    2.2. Thủ tục xử lý kỷ luật lao động

    Theo Điểm b Khoản 1 Điều 123 BLLĐ 2012, việc xử lý kỷ luật lao động “phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở”. Như đã đề cập ở trên, tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở có chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp không thành lập Ban chấp hành công đoàn cơ sở, cộng với sự thiếu ý thức chấp hành đúng quy định của pháp luật về thủ tục xử lý kỷ luật lao động cho nên nhiều doanh nghiệp tiến hành xử lý kỷ luật không có sự tham gia của Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Điều này phát sinh vấn đề là nhiều NLĐ mặc dù bị xử lý kỷ luật với lý do chính đáng nhưng vì sai thủ tục nên khởi kiện doanh nghiệp, đặc biệt trong trường hợp xử lý kỷ luật sa thải sai thủ tục.

    Xét thấy sự có mặt của đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở là cần thiết và đúng như tinh thần của pháp luật lao động, NSDLĐ nên quan tâm hơn đến việc thành lập Ban chấp hành công đoàn tại doanh nghiệp của mình để hạn chế các vấn đề pháp lý phát sinh về sau.

    Theo quy định tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, trên nguyên tắc, cuộc họp xử lý kỷ luật lao động chỉ được tiến hành khi có mặt đầy đủ các thành phần tham dự được thông báo. Trường hợp NSDLĐ đã 03 lần thông báo bằng văn bản mà một trong các thành phần tham dự không có mặt thì NSDLĐ tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động. Việc quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, bởi lẽ hiện nay lao động làm việc tại các doanh nghiệp không chỉ là người lao động tại địa phương mà còn là người lao động từ các địa phương khác đến. Nhiều NLĐ không có địa chỉ cố định nên rất khó khăn cho doanh nghiệp khi gửi thông báo cho NLĐ (vì rất khó chứng minh được NLĐ có nhận được thông báo hay không). NLĐ có thể lợi dụng điều này để cố tình trốn tránh trách nhiệm cũng như khởi kiện doanh nghiệp vì xử lý kỷ luật sai thủ tục. Hơn nữa, trong trường hợp xử lý kỷ luật sa thải đúng căn cứ sa thải, NSDLĐ không muốn nhận lại NLĐ thì thủ tục gửi 03 lần văn bản là rất phức tạp đối với NSDLĐ. Thiết nghĩ, trước tình hình kinh tế thị trường, doanh nghiệp có nhiều vấn đề khác phải quan tâm, các nhà làm luật nên quy định NSDLĐ có thể tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động nếu đã 02 lần thông báo bằng văn bản mà một trong các thành phần tham dự không có mặt hoặc có thêm quy định để NSDLĐ có thể gửi 01 lần thông báo bằng văn bản và thoả thuận trên cơ sở tự nguyện với NLĐ về việc trả thêm một khoản tiền cho những lần tiếp theo không thông báo bằng văn bản.

    2.3. Xử lý kỷ luật sa thải

    2.3.1. Căn cứ xử lý kỷ luật sa thải

    Khoản 1 Điều 126 BLLĐ 2012 quy định về căn cứ xử lý kỷ luật sa thải như sau: “Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động”. Tuy nhiên, luật không giải thích rõ thế nào là “hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại nghiêm trọng”, dẫn đến việc khó xác định mức độ thiệt hại của hành vi vi phạm để xem xét xử lý kỷ luật sa thải.

    Theo tác giả, NSDLĐ nên quy định mức độ thiệt hại cụ thể trong nội quy lao động phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp mình để tránh các vấn đề phát sinh sau này.

    2.3.2 Hậu quả pháp lý của xử lý kỷ luật sa thải

    Hậu quả pháp lý của kỷ luật sa thải trái pháp luật được quy định giống với hậu quả pháp lý khi NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Cụ thể, Khoản 3 Điều 33 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định: “Trường hợp kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải trái pháp luật thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện các quy định các Khoản 1, 2, 3, và 4 Điều 42 Bộ luật Lao động”. Theo đó, NSDLĐ phải: (i) nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động; (ii) trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường, người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc; (iii) trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài tiền bồi thường và trợ cấp thôi việc, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động; (iv) trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

    Tuy nhiên, pháp luật không có sự phân biệt về hậu quả pháp lý giữa sa thải sai thủ tục và sa thải sai căn cứ, tức là ở cả hai trường hợp thì doanh nghiệp đều phải chịu hậu quả pháp lý “nặng” như nhau và tương tự như đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng quy định nghiêm khắc đối với trình tự thủ tục là để “tránh việc xử lý sai, xử lý nhầm […] hạn chế tối đa việc NSDLĐ lạm dụng quyền lực bỏ qua những bước trong quy trình, đưa ra quyết định bất lợi cho NLĐ”[12]. Tác giả đồng ý với quan điểm trên về khía cạnh đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của NLĐ và buộc các doanh nghiệp phải nghiêm túc, chú trọng hơn khi tiến hành các thủ tục xử lý kỷ luật. Thế nhưng, thực tế có rất nhiều trường hợp doanh nghiệp sa thải NLĐ là đúng căn cứ, nhưng do nóng vội nên không tuân thủ trình tự thủ tục sa thải như luật định. Trong trường hợp này, việc bắt doanh nghiệp phải gánh chịu hậu quả pháp lý như sa thải sai căn cứ là bất hợp lý. Ví dụ, ông Nguyễn Nga làm việc tại Công ty TNHH DV TM Kỷ Nguyên Thái Bình Dương. Ngày 26/8/2010, Công ty ra Quyết định số 16/QĐ.NSTBD sa thải ông với lý do: vi phạm nội quy công ty, lấy cắp và xúi đồng nghiệp lấy cắp xăng dầu. Ông Nga khởi kiện ra Toà án về quyết định “sa thải” của Công ty TNHH DV TM Kỷ Nguyên Thái Bình Dương. Bên phía Công ty cũng đã thừa nhận về việc ra Quyết định số 16/QĐ.NSTBD mà không tiến hành các thủ tục như luật định. Tại phiên sơ thẩm, Toà án đã chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Nga: huỷ Quyết định số 16/QĐ.NSTBD của Giám đốc Công ty TNHH Kỷ Nguyên Thái Bình Dương về việc “kỷ luật sa thải ông Nguyễn Nga” với lý do vi phạm nội quy lao động thường xuyên; ghi nhận sự tự nguyện của ông Nguyễn Nga về việc không quay lại công ty làm việc; buộc Công ty có trách nhiệm bồi thường cho ông Nguyễn Nga về tiền lương những ngày ông không được làm việc, tương ứng với 8 tháng 15 ngày là 12.350.769 đồng, 2 tháng tiền lương là 2.280.000 đồng, tiền trợ cấp thôi việc là 3.600.000 đồng và Công ty có trách nhiệm trả lại số tiền bảo hiểm cho ông Nguyễn Nga[13]. Trường hợp này nếu Công ty chứng minh được rằng nội quy doanh nghiệp có quy định và không trái pháp luật thì sa thải là đúng căn cứ. Trong trường hợp sa thải đúng pháp luật, vậy việc Toà án áp dụng cứng nhắc quy định của pháp luật buộc Công ty phải bồi thường cho ông Nga về tiền lương những ngày không làm việc vì lý do sai thủ tục sa thải là bất công với Công ty. Hành vi trộm cắp của NLĐ là một trong những căn cứ sa thải theo luật định và lỗi xuất phát từ phía NLĐ. Bản thân NSDLĐ là người chịu tổn thất, nhưng chỉ vì sai trình tự thủ tục sa thải mà phải bồi thường tiền lương cho những ngày NLĐ không làm việc. Hơn nữa, thực tế đã nảy sinh vấn đề là NLĐ dù bị sa thải với lý do chính đáng nhưng vẫn lấy lý do trình tự sa thải trái pháp luật để khởi kiện yêu cầu NSDLĐ bồi thường hoặc thậm chí cố ý kéo dài thời gian rồi sau đó mới khởi kiện nhằm đòi được nhiều tiền từ phía NSDLĐ. Mặt khác, trường hợp NLĐ vẫn muốn trở lại làm việc, doanh nghiệp vẫn phải miễn cưỡng nhận lại dù không muốn nhận lại NLĐ.

    Thiết nghĩ để đảm bảo công bằng hơn cho doanh nghiệp, trong trường hợp sa thải đúng căn cứ nhưng sai thủ tục thì hậu quả pháp lý đối với NSDLĐ phải nhẹ hơn so với trường hợp sai căn cứ. Cụ thể, NSDLĐ không phải nhận NLĐ trở lại làm việc và chỉ trả tiền bồi thường, trợ cấp thôi việc cho NLĐ mà không áp dụng quy định tại Khoản 3 Điều 33 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP./.

     


    [1] Khoản 1 Điều 49 Nghị định 43/2010/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/11/2015)

    [2]Khoản 3 Điều 128 BLLĐ 2012

    [3]Labour Law of the People''s Republic of China, 1995, Article 4: “The employer shall establish and perfect rules and regulations in accordance with law and guarantee that labourers enjoy labour right and fulfill labour obligations”.

    [4]Khoản 4 Điều 3 BLLĐ 2012

    [5]Giáo trình Luật lao động Việt Nam, 2012, Đại học Luật Hà Nội, tr.154

    [6]Điều 122 BLLĐ 2012

    [7]Khoản 3 Điều 120 BLLĐ 2012

    [8] Điểm đ Khoản 1 Điều 7 Thông tư 32/2014/TT-BLĐTBXH

    [9] Khoản 1 Điều 124 BLLĐ 2012

    [10] Điều 86 BLLĐ 1994

    [11]Trần Hoàng Hải & Đỗ Hải Hà (2010), “Góp ý hoàn thiện các quy định về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất theo Dự thảo Bộ luật Lao động”, Khoa học pháp lý, (04), tr.33

    [12]Nguyễn Thị Hoàn Yên (2015), Sa thải theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam, Khoá luận tốt nghiệp, TP.HCM, tr.60

    [13]Bản án số: 1031/2011/LĐ-PT ngày 24/08/2011 “v/v xử lý kỷ luật sa thải” của TAND TP.HCM.

     

    KỲ TÂN - DUY QUANG - CLC38B

    Read More

  • [SV&KHPL] SỰ CẦN THIẾT LUẬT HOÁ CHẾ ĐỊNH LY THÂN TRONG PHÁP LUẬT HÔN NHÂN GIA ĐÌNH VIỆT NAM

    Trong phạm vi bài viết này, tác giả làm rõ khái niệm ly thân, nêu một số những bất cập thực tiễn liên quan đến ly thân và tham khảo, phân tích yếu tố tích cực của chế định ly thân trong BLDS Cộng hoà Pháp để áp dụng giải quyết những bất cập tồn tại liên quan đến ly thân tại Việt Nam.

     

    Tóm tắt

    Pháp luật Việt Nam hiện nay không trực tiếp quy định về ly thân nhưng trên thực tế nhiều cặp vợ chồng đã lựa chọn giải pháp ly thân (ly thân thực tế) để giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, những ảnh hưởng về quyền và nghĩa vụ liên quan đến nhân thân và tài sản trong thời kỳ ly thân còn chứa đựng những yếu tố bất cập nếu pháp luật chưa điều chỉnh rõ ràng về vấn đề này. Qua đó cho thấy đời sống thực tế sống động, vận động phức tạp hơn rất nhiều. Trong phạm vi bài viết này, tác giả làm rõ khái niệm ly thân, nêu một số những bất cập thực tiễn liên quan đến ly thân và tham khảo, phân tích yếu tố tích cực của chế định ly thân trong BLDS Cộng hoà Pháp để áp dụng giải quyết những bất cập tồn tại liên quan đến ly thân tại Việt Nam.

     

    1. Đặt vấn đề

    Ly thân là một trong các dấu hiệu phản ánh tình trạng khủng hoảng trong hôn nhân, theo cách hiểu thông thường thể hiện mối quan hệ vợ chồng bị rạn nứt, một trong hai người, hoặc cả hai người không còn muốn sống chung với nhau nữa mặc dù trên phương diện pháp lý họ vẫn đang là vợ chồng, đang trong mối quan hệ hôn nhân.Ly thân có thể diễn ra trong những không gian hoàn toàn riêng biệt như tách nhà, thuê nhà ra ở riêng hoặc vẫn chung sống dưới một mái nhà theo kiểu sống chung nhưng ăn ngủ riêng, hoặc sống chung, ăn chung nhưng ngủ riêng.... Hiện nay tại Việt Nam, trong Luật Hôn nhân và gia đình (sau đây sẽ gọi tắt là HNGĐ) năm 2014 vẫn chưa thật sự ghi nhận chế định ly thân.

    Hiện tượng ly thân không phải là điều mới mẻ tuy nhiên những hậu quả phát sinh từ ly thân lại chưa được pháp luật điều chỉnh toàn diện. Đã không ít lần Dự thảo Luật HNGĐ sửa đổi đã từng đề xuất luật hoá chế định ly thân nhưng các lập pháp Việt Nam vẫn còn những mối e ngại, chưa chủ động để nhìn thẳng sự vận động thực tế của xã hội về ly thân, và còn chưa đánh giá đúng tác động của sự thiếu hụt chế định ly thân đểghi nhận nội dung này một cách chính thức. Ngay trong Mục 1 của Thông báo số 26-TB/TW ngày 9/5/2011 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng về sơ kết chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí Thư (khoá IX) về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” đã kết luận một trong những tồn tại của gia đình xuất hiện ngày càng nhiều và chậm được khắc phục là ly thân.

    Tuy nhiên, trong luật pháp của một số quốc gia khác, bên cạnh quy định cho vợ chồng được quyền ly hôn còn công nhận quyền ly thân của vợ chồng. Chế định ly thân được xem là một chế định bắt kịp với thực tế cuộc sống hôn nhân vợ chồng đồng thời thể hiện được tinh thần luật hoá đạo đức khi quy định nghĩa vụ cưu mang lẫn nhau về vật chất bằng tài sản riêng và chăm sóc về tinh thần cho bên có tình trạng bệnh nặng, khốn khó ngay trong thời kỳ ly thân.[1]

    Theo thống kê hiện nay cho thấy, có tới hơn 90% các cuộc ly hôn đều trải qua giai đoạn ly thân.[2]Trên thực tế, việc sống ly thân giữa vợ chồng vẫn thường xảy ra mà không được pháp luật điều chỉnh rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của hai bên nên dễ gây ra nhiều khó khăn, hệ lụy cho cả hai người và cho xã hội. Các vấn đề như nghĩa vụ nuôi dưỡng, giáo dục con chung trong thời kỳ ly thân,căn cứ xác định tài sản chung, tài sản riêng phát sinh trong thời kỳ ly thân, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đối với các loại tài sản tương ứngcòn chưa được quy định một cách thoả đáng.

    Ly thân là vấn đề thực tiễn, là giải pháp được nhiều cặp vợ chồng lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn khi họ chưa muốn ly hôn và vì vậy, luật HNGĐ không thể né tránh. Đặc biệt, ly thân là giải pháp rất hữu ích cho cộng đồng người Công giáo vì theo giáo lý, họ không được phép ly hôn. Bên cạnh đó, ly thân còn là một biện pháp giúp các bên vợ, chồng tránh tình trạng bạo lực gia đình, tạo điều kiện cho vợ chồng có thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiến tới quyết định ly hôn. Quy định về ly thân còn giúp làm minh bạch hóa các giao dịch dân sự, kinh tế do một bên vợ, chồng thực hiện, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của các con, các thành viên khác trong gia đình.

    Bên cạnh đó, để đảm bảo tự do định đoạt trong quan hệ vợ chồng, theo kịp sự vận động khách quan từ thực tế cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng Việt Nam hiện nay; đồng thời góp phần công khai, minh bạch về tình trạng hôn nhân và hòa nhập với xu hướng chung của luật pháp nhiều quốc gia trên thế giới (Pháp, Đức, Thụy Điển, Thái Lan, Philippines, Singapore,…) thì việc quy định chế định ly thân là cần thiết.

    Với bài viết này, tác giả đào sâu tìm hiểu về chế định ly thân, phân tích tầm quan trọng của chế định ly thân cho thấy chế định này rất cần được pháp luật công nhận và điều chỉnh.

     

    2. Khái quát về ly thân

    2.1 Khái niệm ly thân

    Về khái niệm ly thân, theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 tại Điều 8 khoản 10 nêu rằng: “Ly thân là tình trạng pháp lý, theo đó vợ chồng không có nghĩa vụ sống chung với nhau do cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của hai vợ chồng hoặc của vợ, chồng”. Tuy nhiên, hạn chế của định nghĩa này so với pháp luật các nước như Pháp, Anh là chưa đề cập đến nghĩa vụ chung thuỷ, giúp đỡ tương trợ nhau ngay cả khi trong thời kỳ ly thân.

    Phản biện khái niệm trên tác giả Phan Thị Vân Hương - Trần Minh Tuấn, Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao cho rằng việc không cùng chung sống của vợ chồng không nên quan niệm là tình trạng pháp lý trong khái niệm ly thân. Ngoài ra, hai tác giả cho rằng với quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình cho phép người bị bạo lực có quyền yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc cũng như có biện pháp xử lý đối với người có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở, và do đó đã có thể bảo vệ được quyền lợi của người yếu thế nếu mâu thuẫn vợ chồng xảy ra nên chế định ly thân là chưa thật sự cần thiết khi có mâu thuẫn vợ chồng. Nếu ghi nhận ly thân thì không nên quy định một bên có quyền xin ly thân, chỉ nên quy định nếu vợ chồng cùng có yêu cầu công nhận thỏa thuận ly thân thì giải quyết.[3]

    Tuy nhiên, tác giả bài viết không đồng tình với quan điểm trên vì nó cho thấy đây là sự thiếu sót của pháp luật:

    Thứ nhất, sống chung không nên hiểu là một nghĩa vụ pháp lý. Theo Khoản 2 Điều 15 Luật cư trú quy địnhvợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau nếu có thoả thuận.Như vậy, ngay cả khi chưa ly thân thì vợ, chồng vẫn có quyền không cùng nơi cư trú, hoặc không cùng hộ khẩu với nhau, vấn đề này do hai vợ chồng tự thỏa thuận.

    Thứ hai, không phải mọi trường hợp ly thân đều xuất phát từ hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở nên áp dụng Luật Phòng chống bạo lực gia đình không giải quyết được tận gốc của vấn đề.

    Thứ ba, việc quy định chỉ được ly thân khi đạt được sự thoả thuận của cả hai vợ chồng sẽ ảnh hưởng đến quyền hợp pháp của một bên vợ hoặc chồng nếu bên còn lại không đồng ý ly thân nhằm trốn tránh xác định trách nhiệm với con chung hoặc nhằm trục lợi từ khối tài sản chung để cầm cố, thế chấp.  

    Đến với pháp luật Cộng hoà Pháp thì chế định ly thân (Séparation de Corps) được quy định tại Điều 296 BLDS Cộng hoà Pháp. Ly thân được hiểu là sự giảm độ gắn kết quan hệ vợ chồng, theo đó, hệ quả quan trọng nhất là sự hủy bỏ nghĩa vụ chung sống giữa vợ và chồng, trong khi những nghĩa vụ khác như nghĩa vụ chung thủy, nghĩa vụ tương trợ giúp đỡ nhau vẫn phải được duy trì giữa hai vợ chồng. Việc ly thân theo quy định của pháp luật Pháp, do tòa án ra quyết định trên cơ sở những căn cứ và điều kiện giống như căn cứ và điều kiện ly hôn (vợ chồng ly thân, vợ chồng thống nhất chấm dứt hôn nhân, vợ chồng ly thân do lỗi của một bên hoặc ly thân do cuộc sống chung đã hoàn toàn chấm dứt).[4]Đây là một khái niệm tiến bộ ở chỗ đã thể hiện được yếu tố nhân văn bằng nghĩa vụ chăm sóc về vật chất và tinh thần trong một số điều kiện cụ thể đối với quan hệ vợ chồng thời kỳ ly thân. Tuy nhiên, việc ly hôn chỉ được thừa nhận hợp pháp trên cơ sở quyết định của Toà án, làm thủ tục tố tụng trong ly thân trở nên rườm rà hơn so với một số quốc gia cho phép hai bên tự thoả thuận thông qua văn bản tự chứng thư.

    Theo pháp luật Vương quốc Anh thì ly thân (Separation) được hiểu là đình chỉ quyền và nghĩa vụ sống chung, chỉ còn để lại nghĩa vụ trung thành và không thể kết lập cuộc hôn nhân mới. Ly thân có thể là ly thân tư pháp (judicial separation) hay ly thân thuận ý (voluntary separation) được thực hiện bởi chứng thư ly thân (separation deed).[5]Khái niệm này gần giống tinh thần với pháp luật Cộng hoà Pháp, tuy nhiên, thủ tục mở rộng chấp nhận sự thuận ý hai bên chứng minh bởi chứng thư ly thân.

    Như vậy, có nhiều khái niệm về ly thânvới các cách tiếp cận khác nhau phù hợp với đời sống thực tiễn và đặc thù của mỗi quốc gia. Từ những cách hiểu kể trên, tác giả cho rằng: “Ly thân là tình trạng hai bên vợ chồng vẫn chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân và có nghĩa vụ đối với con chung, tài sản chung và những nghĩa vụ khác trong quan hệ hôn nhân, nhưng không còn nghĩa vụ sống chung với nhau do cơ quan có thẩm quyền công nhận theo yêu cầu của hai vợ chồng hoặc của vợ, chồng.”

    2.2 Đặc điểm của ly thân

    Thứ nhất,đa số các nước có quy định về ly thân đều ghi nhận ly thân là quyền của vợ chồng nhằm giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân. Tuy nhiên cũng có rất ít nước như Ailen, Philippines,do không thừa nhận ly hôn, đã quy định ly thân như là giải pháp pháp lý bắt buộc khi vợ chồng phát sinh mâu thuẫn dẫn tới không thể sống chung.[6]

    Thứ hai, đa số các nước quy định căn cứ ly thân được quy định tương tự như căn cứ ly hôn. Căn cứ ly hôn dựa trên quyết định, xem xét của cơ quan có thẩm quyền khi xét thấy tình trạng vợ chồng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Tương tự, vợ chồng ly thân khi đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được như hai bên không còn thương yêu, quý trọng nhau, có quan hệ ngoại tình, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau nên họ quyết định ly thân như giải pháp hoà giải tạm thời.

    Thứ ba, về thủ tục ly thân. Pháp luật của một số nước như pháp luật Anh quy định ly thân là sự đồng thuận mang tính cá nhân, riêng tư giữa hai bên vợ, chồng, do đó thủ tục ly thân cũng không cần tuân theo một trình tự, thủ tục quá chặt chẽ mà chủ yếu dựa trên một văn bản thỏa thuận về ly thân, hay chứng nhận ly thân giữa hai vợ chồng để qua đó có thể dễ dàng xác định thời điểm bắt đầu ly thân và tạo điều kiện để giải quyết hậu quả của ly thân (trong trường hợp sau này hai bên muốn dẫn tới ly hôn). Chứng nhận ly thân là văn bản riêng tư mang tính cá nhân, không cần phải nộp cho bất cứ cơ quan Nhà nước nào. Chứng nhận này có thể được hủy bỏ tại bất kỳ thời điểm nào theo sự đồng thuận của hai bên. Hoặc, pháp luật của một số nước hoặc vùng lãnh thổ (Cộng hòa Pháp, Bang California của Hoa Kỳ, Philippines...) quy định ly thân phải theo thủ tục tố tụng thực hiện tại Tòa án. Việc ly thân chỉ có hiệu lực khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án.[7]

    Thứ tư, về hậu quả pháp lý của ly thân. Việc ly thân không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân trước pháp luật, vợ chồng có quyền thỏa thuận về những hậu quả của ly thân (tình trạng sống tách biệt; quyền, nghĩa vụ về tài sản; quyền, nghĩa vụ đối với con; vấn đề cấp dưỡng cho nhau...) Tuy nhiên, có thể hai bên vẫn có trách nhiệm với nhau một số nghĩa vụ khác như: vẫn có nghĩa vụ trợ giúp lẫn nhau khi ly thân (BLDS Pháp), nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dạy và chăm sóc con chung, nghĩa vụ chungthủy giữa vợ chồng. Nói cách khác, trong giai đoạn ly thân vợ hoặc chồng không có quyền kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác vì họ vẫn người đang có vợ (hoặc có chồng).

    2.3 Mục đích, ý nghĩa của ly thân

    Chế định ly thân ra đời nhằm thực hiện ba mục đích chính đó là: giải quyết mâu thuẫn của vợ chồng, tạo căn cứ pháp lý điều chỉnh về nhân thân, tài sản và con trong khi hôn nhân của họ chưa chấm dứt và đảm bảo sự minh bạch, công khai trong các giao dịch dân sự.[8]

    Về ý nghĩa, ly thân được coi như một là phương thức giúp vợ chồng có thêm thời gian nhìn nhận lại mối quan hệ hôn nhân, giảm thiểu những căng thẳng, xung đột gay gắt giữa vợ chồng, để cho các bên có thời gian suy ngẫm, nhìn nhận lại bản thân, hướng tới sự hòa hợp, đoàn tụ. Khác với ly hôn, ly thân là giai đoạn “quá độ”, giúp vợ chồng có thời gian suy nghĩ để chọn đúng hướng giải quyết cuộc hôn nhân đang rạn nứt. Quy luật tâm lý đã chỉ ra rằng, tất cả mọi tình cảm của con người đều đi theo chiều hướng suy giảm dần theo thời gian. Sự tức giận cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nỗi tức giận có thể mười phần, nhưng sau thời gian ly thân, người ta có thời gian và khoảng không riêng tư để suy nghĩ, để nguôi ngoai thì nỗi tức giận sẽ giảm xuống còn hai đến ba phần. Đặc biệt, trong thời gian này, nếu cả hai bên có sự trợ giúp về tâm lý, có thể là anh chị em trong gia đình hay bạn bè thân thiết, hoặc những chuyên gia tâm lý thì khả năng hôn nhân đổ vỡ sẽ giảm đi ít nhiều.[9] Tuy nhiên, ly thân chỉ là giải pháp hữu hiệu với những ai có thiện chí hàn gắn đổ vỡ, vun đắp gia đình, biết nhìn nhận phần lỗi của mình và tha thứ lỗi của người vợ, chồng. Có thể thấy đây là phương thức giúp vợ chồng bảo vệ quyền của mình. Tức là nếu vợ chồng cảm thấy cuộc sống hôn nhân không như ý… nên cần có thời gian sống riêng để suy nghĩ có nên ly hôn hay không thì họ có quyền ly thân. Luật Hôn nhân và gia đình nên quy định ly thân với tư cách là một quyền mới trong hôn nhân và gia đình.

    Ý nghĩa thứ hai của tạo ra chế định ly thân là làm đơn giản hoá thủ tục ly hôn về sau: nếu sau thời gian ly thân mà cặp vợ chồng vẫn quyết định ly hôn thì cần xem bản công chứng về ly thân/ quyết định ly thân của Toà án như một bằng chứng về nỗ lực cố gắng hàn gắn của hai bên nhưng không thành. Khi đã có chứng cứ này thì tòa án không nên tiến hành thêm bước hòa giải nữa. Việc quy định về ly thân theo hướng trên, ngoài tác dụng bảo đảm giá trị pháp lý, giúp đơn giản hóa thủ tục ly hôn.

    Ngược lại, việc ly thân cũng làm thuận tiện việc hai bên muốn xác lập lại tình trạng sống chung. Bởi khi ly hôn, có thể sau một thời gian các cặp vợ chồng lại thấy vẫn còn tình cảm với nhau, hoặc vì thương con cái mà muốn kết hôn lại. Lúc đó, họ phải làm lại từ đầu. Còn với chế định ly thân, khi suy nghĩ của hai người thực sự chín chắn, vẫn muốn tiếp tục đời sống hôn nhân thì vẫn về sống với nhau một cách dễ dàng.

     

    3. Sự cần thiết công nhận chế định ly thân tại Việt Nam 

    3.1 Yêu cầu của thực tiễn trong việc công nhận chế định ly thân

    Phải nói rằng trong đời sống hôn nhân thì số ly thân ngày càng có xu hướng gia tăng[10], nhưng đồng thời đây lại là giai đoạn làm phát sinh nhiều hậu quả phức tạp, không rõ ràng về nhân thân, tài sản và con chung vì chưa có pháp luật quy định vấn đề này ở nước ta.  

    Thứ nhất, thực tế có rất nhiều lý do để một cặp vợ chồng không muốn ly hôn dù có nhiều mâu thuẫn, tình cảm đã cạn kiệt. Chẳng hạn như vì danh dự, uy tín cá nhân, vì lo con cái hụt hẫng nếu sống thiếu cha hoặc mẹ. Có trường hợp vợ chồng đã sống với nhau đến lúc bạc đầu mới thấy tình nghĩa đã không còn nhưng không thể đưa nhau ra tòa xin ly hôn vì không muốn mọi người biết, người theo đạo Công giáo thì còn bị ràng buộc bởi giáo lý.... Và do không thể ly hôn nên họ đành chọn giải pháp ly thân. Tuy nhiên, vì pháp luật hiện hành không có quy định điều chỉnh vấn đề này nên quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong giai đoạn sống ly thân không có cơ sở để giải quyết.

    Không phải cứ để chuyện ly thân trong im lặng, nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật thì sẽ giải quyết được mâu thuẫn và giúp bảo vệ quyền, lợi ích cho các bên trong quan hệ hôn nhân. Khi vợ, chồng cứ phải giấu kín chuyện ly thân với chính những người thân trong gia đình và những người xung quanh thì cuộc sống trở nên hết sức căng thẳng, họ buộc phải sống cùng những chiếc mặt nạ khó chịu, dai dẳng. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, khi vợ chồng ly thân không cho ai biết, không muốn pháp luật can thiệp công khai và vẫn sống chung với nhau nhưng những lúc không thể giải quyết được mâu thuẫn có thể dẫn đến xâm phạm nhân phẩm vợ, chồng hay trút giận lên đầu con cái thì tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn.

    Thứ hai, trong thời gian ly thân, nhiều người đã tìm cách tẩu tán, hợp thức hóa tài sản chung thành tài sản riêng, hoặc trong thời ly thân mà người chồng/vợ góp vốn làm ăn với người thứ ba nhưng lợi nhuận thu được không nhằm mục đích phục vụ nhu cầu đời sống chung của gia đình và sau đó thua lỗ, nợ nần, dẫn đến bên còn lại bị buộc trách nhiệm cùng trả nợ vì giữa vợ chồng chưa có thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Bên cạnh đó, có trường hợp dù đã ly thân thực tế, không có cuộc sống chung giữa vợ, chồng và tài sản của mỗi bên được tạo ra là độc lập, nhưng vì pháp luật không thừa nhận ly thân nên tài sản này được xem là tài sản chung dù bên còn lại không có công sức đóng góp. Điều này dẫn đến hậu quả bất lợi cho người vợ hoặc chồng muốn thế chấp, chuyển nhượng tài sản này vẫn phải được sự đồng ý của bên kia.[11]

    Thứ ba, vì vấn đề ly thân chưa được pháp luật quy định nên nhiều người đã lợi dụng tình trạng này để trốn tránh trách nhiệm cấp dưỡng đối với con cái khi vợ, chồng không sống gần nhau[12], và cũng khó đảm bảo quyềnđược chăm sóc tốt nhất cho người con khi không thểxác định người có nghĩa vụ trực tiếp nuôi con.[13]

    3.2 Kiến nghị về ghi nhận chế định ly thân

    Đầu tiên, có một sự mâu thuẫn lớn giữa Luật HNGĐ không có chế định ly thân nhưng khi xét xử, Tòa án lại công nhận tình trạng ly thân và dùng làm căn cứ để cho ly hôn. Theo Điều 56 Khoản 1 Luật HNGĐ 2014 thì khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Và để giải thích thế nào là đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được thì tại Điểm a.2 Mục 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP [14] có quy định rằng nếu thực tế cho thấy vợ, chồng đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục vẫn tiếp tục sống ly thân thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

    Thứ hai, có nhận định cho rằng quy định cho phép chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân tại Điều 38 Luật HNGĐ 2014 cũng chính là một hình thức gián tiếp của ly thân nên không cần thiết phải có thêm chế định ly thân trong Luật HNGĐ nữa. Theo quan điểm của tác giả thì không thể đồng nhất hai quy định này vì nó có sự khác nhau như sau:

    Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo qui định của pháp luật không làm thay đổi quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng và quan hệ giữa cha mẹ và con. Ly thân là vấn đề tác động tới quan hệ nhân thân dù không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng nhưng chấm dứt nghĩa vụ sống chung với nhau, thậm chí có cả quan hệ tài sản vì nếu không có thoả thuận khác, khi ly thân hợp pháp sẽ dẫn tới biệt sản; nhưng đối với chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân chỉ tác động tới quan hệ tài sản.

    Ngoài ra, mục đích của ly thân là một giải pháp tạm thời để giải quyết phương diện tình cảm, giải tỏa xung đột vợ chồng, tạo cho họ có một khoảng thời gian cần thiết để cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định có ly hôn hay không. Còn chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân là nhằm giải quyết vấn đề tài sản để ổn định quan hệ hôn nhân, đảm bảo lợi ích về tài sản của vợ, chồng các thành viên gia đình.

    Về hệ quả liên quan đến chế độ tài sản cũng khác nhau giữa chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân và ly thân. Theo Khoản 1 Điều 14 Nghị định 126/2014/NĐ-CP thì việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định. Còn đối với quy định về ly thân sẽ làm chấm dứt quan hệ tài sản chung vì án ly thân.

    Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó có thể xem rằng cho phép chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như là một biện pháp tháo gỡ tạm thời, giải quyết bất cập về mặt tài sản trong thời kỳ ly thân thực tế.

     

    4. Chế định ly thân trong Bộ luật dân sự Cộng hòa Pháp 

    Xem xét sự phù hợp khi áp dụng thực tiễn trong xã hội Việt Nam, tác giả lựa chọn chế định ly thân trong pháp luật Cộng hoà Pháp để trình bày như là một sự tham khảo cho pháp luật Việt Nam khi lập pháp về vấn đề này vì hai lý do. Thứ nhất, xuất phát từ cấu trúc thượng tầng pháp luật giữa Việt Nam và Pháp đều thuộc hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa (Civil law). Thứ hai, chế định ly thân trong BLDS Cộng hoà Pháp được đánh giá là hoàn thiện và tiến bộ cả về mặt kỹ thuật lập pháp và nội dung cùng với sự ra đời từ rất sớm so với thế giới khi quy định chế định ly thân trong BLDS Napoleon 1804.

    Đi sâu vào tìm hiểu nguồn gốc ra đời chế định ly thân trong pháp luật Cộng hoà Pháp bắt nguồn từ mặt tôn giáo. Theo giáo lý Thiên Chúa giáo, những đôi vợ chồng theo đạo không được phép ly hôn vì hôn nhân là sự kết hợp bởi Chúa và không thể phân ly. Ly thân là giải pháp mà nhà làm luật đưa ra nhằm giảiquyết xung đột gia đình của những người theo công giáo như đã nói ở trên.[15]

    Trong BLDS Pháp cũng có quy định về chế định ly thân rất rõ ràng tại Quyển thứ nhất về người, thiên VI, chương IV. Ly thân cụ thể được quy định (từ Điều 296 đến Điều 309) trong đó: mục một quy định về các trường hợp ly thân và thủ tục ly thân (từ Điều 296 đến Điều 298), mục hai quy định hệ quả pháp lý của việc ly thân (từ Điều 299 đến Điều 304), mục ba quy định về việc chấm dứt ly thân (từ Điều 305 đến Điều 309). Những tinh thần cốt lõi về chế định ly thân theo pháp luật Pháp gồm:

    Một là, có thể tuyên bố ly thân theo yêu cầu của một trong hai vợ chồng, theo đó căn cứ ly thân và thủ tục ly thân thông qua Toà án đều giống như ly hôn[16], có thể là:

    -  Ly thân theo thoả thuận chung.

    -  Ly thân dựa trên yêu cầu được chấp thuận.

    -  Ly thân vì hành vi sai trái.

    -  Ly thân do không thể duy trì cuộc sống chung.[17]

    Hai là, một số hậu quả pháp lý cụ thể của ly thân trong BLDS Pháp quy định như sau:

    -  Ly thân không làm chấm dứt hôn nhân nhưng làm chấm dứt nghĩa vụ chung sống giữa vợ chồng (Điều 299)

    -  Nếu vợ mang tên chồng thì có thể vẫn được giữ tên đó, nếu chồng ghi họ của vợ liền tên mình thì vợ có thể yêu cầu không cho chồng dùng họ của mình nữa (Điều 300)

    -  Việc ly thân làm chấm dứt quan hệ tài sản chung (Khoản 4 Điều 1441). Từ khi ly thân dẫn tới biệt sản và chế độ tài sản được áp dụng là chế độ tài sản riêng (Điều 302) và tự chịu trách nhiệm đối với giao dịch trong khối tài sản riêng do mình xác lập hoặc tạo dựng sau ly thân. Nếu ly thân do thuận tình, vợ chồng có thể thỏa thuận về phương thức tách tài sản hoặc thanh lý tài sản chung trong văn bản thỏa thuận ly thân.

    -  Nếu ly thân do hai người cùng yêu cầu thì họ có thể ghi trong bản thỏa thuận khước từ quyền thừa kế mà họ được hưởng theo quy định của pháp luật (Điều 301) Tuy nhiên, nếu không có thoả thuận thì nếu một trong hai vợ chồng chết trong thời kỳ ly thân, người phối ngẫu còn sống sót vẫn giữ quyền hưởng di sản theo pháp luật.

    -  Ngoài ra, nghĩa vụ trợ giúp và tôn trọng lẫn nhau vẫn tồn tại. Khi ly thân, một bên có nghĩa vụ cấp dưỡng cho bên có khó khăn, túng thiếu mà không tính đến lỗi của bên nào (Điều 303)

    -  Những hậu quả khác của ly thân như hậu quả của ly thân (Điều 304). Ví dụ như nghĩa vụ trông nom, cấp dưỡng cho con chung theo Điều 288.

    -  Ở Pháp, tình trạng ly thân có thể kéo dài vô thời hạn.

    Ba là, quy định về chấm dứt ly thân cụ thể như sau:

    -   Nếu vợ chồng tự nguyện về với nhau thì ly thân chấm dứt. Việc tự nguyện trở lại phải cuộc sống chung phải được xác nhận bằng công chứng thư hoặc bằng việc khai với viên chức hộ tịch (Điều 305)

    -   Chế độ tài sản vẫn riêng biệt, trừ khi vợ chồng thỏa thuận một chế độ tài sản mới trong hôn nhân (Điều 305)

    -   Theo yêu cầu của hai vợ chồng , bản ly thân sẽ được tự động chuyển thành ly hôn nếu việc ly thân kéo dài 03 năm (Điều 306)

    -   Trong mọi trường hợp việc ly thân có thể chuyển thành ly hôn theo đơn của cả hai vợ chồng (Điều 307)

     

    5. Kết luận

    Hoàn thiện pháp luật HNGĐ nhằm điều chỉnh toàn diện và cụ thể những vấn đề liên quan đến quan hệ hôn nhân tồn tại trong đời sống thực tiễn thể hiện trình độ cao của kỹ thuật lập pháp. Sự hình thành chế định ly thân trong pháp luật một số quốc gia không nằm ngoài điều ấy. Cùng với sự vận động phát triển đa dạng của quan hệ hôn nhân, việc đòi hỏi có sự điều chỉnh bởi pháp luật là cần thiết, bởi nó giúp đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và đồng thời đặt cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong thực tiễn, giúp định hướng quan hệ hôn nhân hình thành đi theo mặt tích cực trong khuôn khổ pháp luật./.

     

    [1]Điều 303 Bộ luật dân sự Pháp.

    [2] Điểm 3.2 Mục II Báo cáo 153/BC-BTP về Tổng kết thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 của Bộ tư pháp.

    [3]Phan Thị Vân Hương & Trần Minh Tuấn, “Một số ý kiến về chế định “Ly thân” trong dự thảo sửa đổi Luật HNGĐ”, [http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/Baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&article_details=1&item_id=35559277] (truy cập lần cuối ngày 11/11/2015)

    [4] Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Từ điển thuật ngữ pháp luật Pháp- Việt, NXB từ điển Bách khoa, 2009, trang 828.

    [5]Nguyễn Thế Kỷ, Phạm Quốc Toản, Lương Hữu Định, Từ điển pháp luật Anh - Việt (Legal dictionary English - Vietnamese), NXB Khoa Học Xã Hội, 1994, trang 370.

    [6]Mục A Điểm 5 quy định về các quy định liên quan đến ly thân, Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về một số vấn đề lớn được quy định trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung luật hôn nhân và gia đình năm 2000.

    [7]Mục A Điểm 5 quy định về các quy định liên quan đến ly thân, Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về một số vấn đề lớn được quy định trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung luật hôn nhân và gia đình năm 2000.

    [8] Hội thảo Khoa học cấp Bộ về nhận diện những bất cập trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 từ góc nhìn thực tế, tổ chức ngày 12/7/2012 do Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã phối hợp với Viện Khoa học Pháp lý chủ trì.

    [9]“Khoảng lặng ly thân”,Báo Phụ Nữ, [http://news.zing.vn/Khoang-lang-ly-than-post31658.html] (truy cập lần cuối lúc 19.30, ngày 11/11/2015)

    [10] “Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, nguyên Chánh án TAND quận Bình Thạnh, người có thâm niên xét xử án ly hôn cho biết thêm trên 50% các trường hợp ly hôn đều đã có thực tế ly thân trước đó.”, Luật hoá chuyện ly thân, [http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:bbjbyAdb13AJ:duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_TAILIEU/Attachments/1006/Lu%25E1%25BA%25ADt_h%25C3%25B3a_chuy%25E1%25BB%2587n_ly_th%25C3%25A2n.doc+&cd=1&hl=vi&ct=clnk](truy cập lần cuối lúc 10.30 ngày 30/11/2015)

    [11] Trường hợp của vợ chồng anh Thuấn (TP.Thanh hóa) là một ví dụ liên quan đến rắc rối về tài sản trong thời gian ly thân. Hai vợ chồng anh Thuấn và chị Hương đã ở trong tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” từ nhiều năm nay. Một thời gian sau, chị Hương đi xuất khẩu lao động và hai người cũng không ra tòa làm thủ tục ly hôn. Tuy nhiên, trong thời gian ly thân này, chị Hương có gửi tiền về để mẹ đẻ mua hộ một mảnh đất. Chị không biết rằng theo luật thì khi hai người ra tòa ly hôn, chị có phải chia số tài sản mà mình dành dụm được trong thời gian hai vợ chồng sống ly thân hay không. (Tuệ Khanh, Luật Việt Nam cần có chế định về "ly thân", http://www.baomoi.com/Luat-Viet-Nam-can-co-che-dinh-ve-ly-than/c/10921391.epi,  truy cập lần cuối 15/11/ 2015.)

    [12]. Trường hợp ly thân giữa chị Hoàn (Cần Thơ) với anh Thiện là một thí dụ về trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng  đối với con chung. Hai vợ chồng sống với nhau gần 10 năm và có 2 cô con gái. Hai năm gần đây, do vợ chồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn nên chị Hoàn dẫn theo 2 con chung đành phải về ở nhờ nhà mẹ đẻ, nhưng không ly hôn. Tuy nhiên, trong thời gian sống ly thân này, anh Thiện không hề có một nghĩa vụ nào đối với việc nuôi 2 con nhỏ. Trên danh nghĩa, anh ta vẫn là chồng chính thức của chị Hoàn nên chị không thể nhờ tòa án yêu cầu chồng chu cấp tiền bạc nuôi con. (Tuệ Khanh, Luật Việt Nam cần có chế định về "ly thân", http://www.baomoi.com/Luat-Viet-Nam-can-co-che-dinh-ve-ly-than/c/10921391.epi,  truy cập lần cuối 15/11/ 2015)

    [13]Có trường hợp khi vợ chồng ly thân thực tế, người vợ sống ở Hà Nội, người chồng sống ở Đà Nẵng và nhất trí để người chồng nuôi con nhỏ. Sau một thời gian, người vợ cho rằng người chồng không chăm sóc, giáo dục con tốt và nên đòi nuôi con, nhưng người chồng không đồng ý. Người vợ gửi đơn đến Tòa án yêu cầu giải quyết, nhưng Tòa án từ chối thụ lý vì Luật không quy định về ly thân nên không có cơ sở giải quyết vấn đề giao con cho ai nuôi; trong khi đó, cũng không có đủ căn cứ để hạn chế quyền của người cha. Để giải quyết vấn đề này, buộc người vợ phải chọn giải pháp ly hôn để được quyền nuôi con của mình. (Trích Điều 4 Mục II, Báo cáo 157/BC-BTP ngày 16/7/2013 của Bộ tư pháp Về việc tiếp thu và giải trình ý kiến của Hội đồng thẩm định đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.)

    [14]“Xác định thuộc tính còn hiệu lực của văn bản”, Bộ Tư pháp, [http://www.moj.gov.vn/vbpq/Pages/View_Propertes.aspx?ItemID=27522]  (truy cập lần cuối 07/12/2015.)

    [15]“Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) Nên hay không nên quy định vấn đề ly thân?”, Báo Công lý _ Cơ quan ngôn luận của Toà án nhân dân tối cao, [http://congly.com.vn/phap-luat/dien-dan-cong-ly/luat-hon-nhan-va-gia-dinh-sua-doi-nen-hay-khong-nen-quy-dinh-van-de-ly-than-36368.html](truy cập lần cuối ngày 30/11/2015)

    [16]Điều 296 BLDS Cộng hoà Pháp.

    [17]Cục Thông tin pháp lý và hành chính Bộ Tư pháp, Séparation de corps, cổng thông tin chính thức của cơ quan hành chính Pháp [https://www.service-public.fr/particuliers/vosdroits/F980](truy cập lần cuối ngày 30/11/2015)

     

    HUỲNH THỊ BẢO TRÂN - QT

    Read More

  • [SV&KHPL] VIỆC TRUNG QUỐC HẠ ĐẶT TRÁI PHÉP GIÀN KHOAN HẢI DƯƠNG 981 TRÊN VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ VÀ THỀM LỤC ĐỊA CỦA VIỆT NAM NHÌN DƯỚI GÓC ĐỘ PHÁP LUẬT BIỂN VIỆT NAM

    Các cơ sở pháp lý được hình thành trong quá trình dựng nước, giữ nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội mà nổi bật trong số đó là Luật Biển Việt Nam 2012, sẽ luôn là một thành trì vững chãi làm nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm đối với biển, đảo Việt Nam.

     

    1. Cơ sở pháp lý của việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa.

    Thế kỷ XX được thế giới xem là thế kỷ của đại dương với nhiều văn bản lịch sử được thông qua nhằm điều hòa và giải quyết mối quan hệ giữa các quốc gia trong việc xác định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cũng như phương thức giải quyết các tranh chấp về biển. Ở đó, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) được xem như là “Bản Hiến pháp cho Đại dương” – xác định một cách cụ thể quyền và nghĩa vụ của các quốc gia có biển hoặc không có biển, phát triển hoặc đang phát triển, tạo một hành lang pháp lý ổn định, lâu dài, mang tính toàn cầu và góp phần quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh thế giới. Không nằm ngoài xu thế chung đó, ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam khóa IX đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước.

    Thực hiện Nghị quyết này, việc xây dựng Luật Biển Việt Nam trở thành một vấn đề cấp bách và cần thiết nhằm nội luật hóa quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Trước đó, nhìn theo chiều dài xuyên suốt lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc cũng như trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta có thể thấy sự hiện diện của nhiều văn bản pháp lý quy định về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, khẳng định quyết tâm bám biển và chinh phục biển của nhân dân Việt Nam qua từng thời kỳ khác nhau.

    Khi nước ta vừa giành được độc lập, ngày 02/7/1976, tại kỳ họp I, Quốc hội khóa VI đã quyết định đổi tên nước thành nước CHXHCN Việt Nam. Theo đó, Nhà nước CHXHCN Việt Nam hoàn toàn có nghĩa vụ, quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 12/5/1977, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ra tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tiếp đó, tháng 12/1981, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách trắng “Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa – lãnh thổ Việt Nam”. Gần 1 năm sau, ngày 12/11/1982, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ra Tuyên bố về hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam. Đến ngày 09/12/1982, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ký Quyết định số 193-HĐBT thành lập huyện Trường Sa trực thuộc tỉnh Đồng Nai. 2 ngày sau - 11/02/1982, Chính phủ ký tiếp Quyết định số 194-HĐBT về việc thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

    Cùng với các văn bản trên, Luật Biên giới quốc gia có hiệu lực từ ngày 01/01/2004 cũng là một văn bản pháp lý cực kỳ quan trọng, xác định một cách cụ thể biên giới quốc gia của nước CHXHCN Việt Nam là “đường và mặt đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa,…”. Luật gồm 6 chương 41 Điều, trong đó có 14 Điều trực tiếp quy định về vấn đề biển, đảo Việt Nam. Cụ thể các Điều nêu rõ các bộ phận cấu thành biên giới quốc gia trong đó có các cụm từ đảo, quần đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, vùng biển; chế độ pháp lý, quy chế quản lý và bảo vệ vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (Điều 2); xác định nội thủy (Điều 7), lãnh hải (Điều 9), đưa ra khái niệm vùng nước lịch sử (Điều 8),…

    Thực hiện việc pháp điển hóa các văn bản trên, trải qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội khóa X, XI, XII với nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII ngày 21/06/2012 Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam với số phiếu tán thành là 99.8%. Với Luật Biển Việt Nam 2012, nước ta đã mở ra một bước ngoặt lớn cho biển, đảo Việt Nam trong thời kỳ mới, khẳng định vai trò quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông, thực hiện một cách nghiêm túc nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế. Ngoài ra, Luật Biển 2012 còn là sự hiện diện của việc tiếp nối những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; là cơ sở pháp lý tối quan trọng để xác định các vùng biển Việt Nam để từ đó làm nền tảng vững chắc cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, góp phần phát triển ổn định kinh tế biển, đảo Việt Nam.

    Với 7 chương và 55 Điều, Luật Biển Việt Nam đã ghi nhận và khẳng định cụ thể về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hãi, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển và bảo vệ biển, đảo.

    Như vậy, có thể khẳng định Nhà nước Việt Nam đã có những cơ sở pháp lý vững chắc để khẳng định chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa và việc khẳng định chủ quyền này là phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

    2. Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam – Nhìn dưới góc độ Luật Biển Việt Nam 2012.

    Trong những ngày đầu tháng 5 năm 2014, khi Luật Biển Việt Nam đã đi vào cuộc sống được hơn 1 năm, thì hơn 90 triệu người dân Việt Nam lại mang chung một nỗi lo về sự bành trướng chủ quyền trên biển của các nhà cầm quyền Trung Quốc khi họ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Theo đó, ngày 02/5/2014, giàn khoan Hải Dương 98l được thả trôi tại tọa độ 15 độ 29 phút 58 giây vĩ Bắc - 111 độ 12 phút 06 giây kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Tiếp đó, 03/5/2014, trên trang thông tin điện tử của mình, Cục Hải sự Trung Quốc đã đưa cảnh báo hàng hải số 14033 về việc giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) “tác nghiệp tại Nam Hải” từ ngày 02/5/2014 đến ngày 15/8/2014, cấm tất cả các loại phương tiện không được xâm nhập vào khu vực HD-98l hoạt động trong phạm vi bán kính 1 hải lý. Phạm vi này được tăng lên 3 hải lý kể từ ngày 05/5/2014, sau khi Bộ Ngoại giao nước ta lên tiếng kịch liệt phản đối.

    Hành động này của Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, làm tổn hại đến hòa bình, ổn định, an ninh khu vực, làm căng thẳng hóa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế của Trung Quốc - một cường quốc trên thế giới. Nhìn từ Luật Biển Việt Nam 2012, hành vi của nhà cầm quyền Trung Quốc là hành động trái phép, đe dọa chủ quyền, an ninh của Việt Nam. Sau đây, xin trình bày những luận điểm về hành vi trái phép của Trung Quốc dưới góc độ pháp luật biển Việt Nam như sau:  

    Thứ nhất, việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu vào trong thềm lục địa Việt Nam 80 hải lý là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được Công ước về luật biển của Liên Hợp Quốc 1982 ghi nhận và được cụ thể hóa trong Luật Biển Việt Nam 2012.

    Theo Điều 15 Luật Biển Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế là vùng hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở, là vùng tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam. Trong vùng này, Nhà nước ta có quyền thực hiện quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên và các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế. Đồng thời, Nhà nước có quyền tài phán quốc gia về việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Để Nhà nước thực hiện có hiệu quả quyền chủ quyền và quyền tài phán, Luật Biển quy định Nhà nước ta luôn tôn trọng các quyền tự do hàng hải, hàng không; đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác mà không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Biển còn quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt các thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên cơ sở các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan.

    Đối với thềm lục địa, trên cơ sở Công ước 1982, Điều 17 Luật Biển Việt Nam xác định “thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa”. Trong vùng này, Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác tài nguyên. Đây là quyền mang tính chất đặc quyền, không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được thực hiện quyền này nếu không được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam. Tại vùng này, Nhà nước tôn trọng quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác của các quốc gia khác mà không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam. Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt thiết bị và công trình ở thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hợp đồng ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam.

    Căn cứ theo những quy định này, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại tọa độ 15 độ 29 phút 58 giây vĩ Bắc - 111 độ 12 phút 06 giây kinh Đông, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý từ ngày 02/5/2014 khi chưa được bất kỳ sự đồng ý nào từ phía Chính phủ Việt Nam là hành động đơn phương, bất hợp pháp, xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam mà trực tiếp là xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam – vùng biển mà Nhà nước Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để xác lập quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia về các hoạt động thăm dò, khai thác, quản lý, bảo tồn tài nguyên như đã liệt kê ở phần trên.

    Thứ hai, song song việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, để thực hiện mục đích của mình, nhà cầm quyền Trung Quốc còn huy động hơn 120 tàu, trong đó có các tàu quân sự; máy bay yểm trợ để đe dọa, uy hiếp, làm hư hỏng nặng các tàu chấp pháp của lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam và các tàu đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam. Trong khi đó, phía lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam phát loa tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam để phù hợp với pháp luật biển và thông lệ quốc tế. Dưới góc độ pháp luật quốc tế, hành vi trên của Trung Quốc là hành vi vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia; nguyên tắc hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế; nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau; nguyên tắc cấm sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ thực hiện tận tâm các cam kết quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển mà Trung Quốc là thành viên, và hơn nữa là một cường quốc, phải gương mẫu chấp hành và thực hiện một cách nghiêm túc.

    Dưới góc độ pháp luật Việt Nam, Điều 37 Luật Biển Việt Nam quy định về các hành vi bị cấm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Căn cứ theo điều này thì hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan của nhà cầm quyền Trung Quốc cùng với việc sử dụng tàu quân sự, chiến đấu cơ đã vi phạm khoản 1 – không được tiến hành các hoạt động đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam và khoản 4 – lắp đặt trái phép công trình nhân tạo.

    Như vậy, hoàn toàn có đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý để khẳng định hành vi hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng Luật Biển Việt Nam 2012 – “một đạo luật chuyên ngành về biển”, là cơ sở pháp lý cực kỳ quan trọng để điều chỉnh mọi hoạt động khai thác, quản lý, và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển mà Việt Nam đã xác lập hoàn toàn phù hợp với các quy định tại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. 

    3. Kết luận

    Xin khẳng định lại một lần nữa, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm pháp luật quốc tế mà trực tiếp là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, vi phạm nghiêm trọng Luật Biển Việt Nam 2012, đi ngược lại đạo lý, truyền thống hợp tác, hữu nghị cùng phát triển đã tồn tại nhiều năm của nhân dân hai nước.

    Lịch sử Việt Nam là một quyển sách dày mà trong đó có rất nhiều trang minh chứng cụ thể, rõ ràng về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa. Bên cạnh đó, các cơ sở pháp lý được hình thành trong quá trình dựng nước, giữ nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội mà nổi bật trong số đó là Luật Biển Việt Nam 2012, sẽ luôn là một thành trì vững chãi làm nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm đối với biển, đảo Việt Nam. Do đó, từ hàng trăm năm nay, mỗi người dân Việt Nam khi lớn lên đã hằn sâu trong nhận thức của mình rằng: Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa là của Việt Nam.

     


    [1] Nhận định của Tommy TB Koh – Chủ tịch Hội nghị Liên Hiệp Quốc lần thứ III về Luật Biển

    [2] Tính đến ngày 03/7/2014

     

    Nội dung: LÂM TRỌNG KHA - QT 36

    Read More

Tags