Trong phạm vi bài viết này, tác giả làm rõ khái niệm ly thân, nêu một số những bất cập thực tiễn liên quan đến ly thân và tham khảo, phân tích yếu tố tích cực của chế định ly thân trong BLDS Cộng hoà Pháp để áp dụng giải quyết những bất cập tồn tại liên quan đến ly thân tại Việt Nam.

 

Tóm tắt

Pháp luật Việt Nam hiện nay không trực tiếp quy định về ly thân nhưng trên thực tế nhiều cặp vợ chồng đã lựa chọn giải pháp ly thân (ly thân thực tế) để giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, những ảnh hưởng về quyền và nghĩa vụ liên quan đến nhân thân và tài sản trong thời kỳ ly thân còn chứa đựng những yếu tố bất cập nếu pháp luật chưa điều chỉnh rõ ràng về vấn đề này. Qua đó cho thấy đời sống thực tế sống động, vận động phức tạp hơn rất nhiều. Trong phạm vi bài viết này, tác giả làm rõ khái niệm ly thân, nêu một số những bất cập thực tiễn liên quan đến ly thân và tham khảo, phân tích yếu tố tích cực của chế định ly thân trong BLDS Cộng hoà Pháp để áp dụng giải quyết những bất cập tồn tại liên quan đến ly thân tại Việt Nam.

 

1. Đặt vấn đề

Ly thân là một trong các dấu hiệu phản ánh tình trạng khủng hoảng trong hôn nhân, theo cách hiểu thông thường thể hiện mối quan hệ vợ chồng bị rạn nứt, một trong hai người, hoặc cả hai người không còn muốn sống chung với nhau nữa mặc dù trên phương diện pháp lý họ vẫn đang là vợ chồng, đang trong mối quan hệ hôn nhân.Ly thân có thể diễn ra trong những không gian hoàn toàn riêng biệt như tách nhà, thuê nhà ra ở riêng hoặc vẫn chung sống dưới một mái nhà theo kiểu sống chung nhưng ăn ngủ riêng, hoặc sống chung, ăn chung nhưng ngủ riêng.... Hiện nay tại Việt Nam, trong Luật Hôn nhân và gia đình (sau đây sẽ gọi tắt là HNGĐ) năm 2014 vẫn chưa thật sự ghi nhận chế định ly thân.

Hiện tượng ly thân không phải là điều mới mẻ tuy nhiên những hậu quả phát sinh từ ly thân lại chưa được pháp luật điều chỉnh toàn diện. Đã không ít lần Dự thảo Luật HNGĐ sửa đổi đã từng đề xuất luật hoá chế định ly thân nhưng các lập pháp Việt Nam vẫn còn những mối e ngại, chưa chủ động để nhìn thẳng sự vận động thực tế của xã hội về ly thân, và còn chưa đánh giá đúng tác động của sự thiếu hụt chế định ly thân đểghi nhận nội dung này một cách chính thức. Ngay trong Mục 1 của Thông báo số 26-TB/TW ngày 9/5/2011 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng về sơ kết chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí Thư (khoá IX) về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” đã kết luận một trong những tồn tại của gia đình xuất hiện ngày càng nhiều và chậm được khắc phục là ly thân.

Tuy nhiên, trong luật pháp của một số quốc gia khác, bên cạnh quy định cho vợ chồng được quyền ly hôn còn công nhận quyền ly thân của vợ chồng. Chế định ly thân được xem là một chế định bắt kịp với thực tế cuộc sống hôn nhân vợ chồng đồng thời thể hiện được tinh thần luật hoá đạo đức khi quy định nghĩa vụ cưu mang lẫn nhau về vật chất bằng tài sản riêng và chăm sóc về tinh thần cho bên có tình trạng bệnh nặng, khốn khó ngay trong thời kỳ ly thân.[1]

Theo thống kê hiện nay cho thấy, có tới hơn 90% các cuộc ly hôn đều trải qua giai đoạn ly thân.[2]Trên thực tế, việc sống ly thân giữa vợ chồng vẫn thường xảy ra mà không được pháp luật điều chỉnh rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của hai bên nên dễ gây ra nhiều khó khăn, hệ lụy cho cả hai người và cho xã hội. Các vấn đề như nghĩa vụ nuôi dưỡng, giáo dục con chung trong thời kỳ ly thân,căn cứ xác định tài sản chung, tài sản riêng phát sinh trong thời kỳ ly thân, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đối với các loại tài sản tương ứngcòn chưa được quy định một cách thoả đáng.

Ly thân là vấn đề thực tiễn, là giải pháp được nhiều cặp vợ chồng lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn khi họ chưa muốn ly hôn và vì vậy, luật HNGĐ không thể né tránh. Đặc biệt, ly thân là giải pháp rất hữu ích cho cộng đồng người Công giáo vì theo giáo lý, họ không được phép ly hôn. Bên cạnh đó, ly thân còn là một biện pháp giúp các bên vợ, chồng tránh tình trạng bạo lực gia đình, tạo điều kiện cho vợ chồng có thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiến tới quyết định ly hôn. Quy định về ly thân còn giúp làm minh bạch hóa các giao dịch dân sự, kinh tế do một bên vợ, chồng thực hiện, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của các con, các thành viên khác trong gia đình.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tự do định đoạt trong quan hệ vợ chồng, theo kịp sự vận động khách quan từ thực tế cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng Việt Nam hiện nay; đồng thời góp phần công khai, minh bạch về tình trạng hôn nhân và hòa nhập với xu hướng chung của luật pháp nhiều quốc gia trên thế giới (Pháp, Đức, Thụy Điển, Thái Lan, Philippines, Singapore,…) thì việc quy định chế định ly thân là cần thiết.

Với bài viết này, tác giả đào sâu tìm hiểu về chế định ly thân, phân tích tầm quan trọng của chế định ly thân cho thấy chế định này rất cần được pháp luật công nhận và điều chỉnh.

 

2. Khái quát về ly thân

2.1 Khái niệm ly thân

Về khái niệm ly thân, theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 tại Điều 8 khoản 10 nêu rằng: “Ly thân là tình trạng pháp lý, theo đó vợ chồng không có nghĩa vụ sống chung với nhau do cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của hai vợ chồng hoặc của vợ, chồng”. Tuy nhiên, hạn chế của định nghĩa này so với pháp luật các nước như Pháp, Anh là chưa đề cập đến nghĩa vụ chung thuỷ, giúp đỡ tương trợ nhau ngay cả khi trong thời kỳ ly thân.

Phản biện khái niệm trên tác giả Phan Thị Vân Hương - Trần Minh Tuấn, Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao cho rằng việc không cùng chung sống của vợ chồng không nên quan niệm là tình trạng pháp lý trong khái niệm ly thân. Ngoài ra, hai tác giả cho rằng với quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình cho phép người bị bạo lực có quyền yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc cũng như có biện pháp xử lý đối với người có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở, và do đó đã có thể bảo vệ được quyền lợi của người yếu thế nếu mâu thuẫn vợ chồng xảy ra nên chế định ly thân là chưa thật sự cần thiết khi có mâu thuẫn vợ chồng. Nếu ghi nhận ly thân thì không nên quy định một bên có quyền xin ly thân, chỉ nên quy định nếu vợ chồng cùng có yêu cầu công nhận thỏa thuận ly thân thì giải quyết.[3]

Tuy nhiên, tác giả bài viết không đồng tình với quan điểm trên vì nó cho thấy đây là sự thiếu sót của pháp luật:

Thứ nhất, sống chung không nên hiểu là một nghĩa vụ pháp lý. Theo Khoản 2 Điều 15 Luật cư trú quy địnhvợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau nếu có thoả thuận.Như vậy, ngay cả khi chưa ly thân thì vợ, chồng vẫn có quyền không cùng nơi cư trú, hoặc không cùng hộ khẩu với nhau, vấn đề này do hai vợ chồng tự thỏa thuận.

Thứ hai, không phải mọi trường hợp ly thân đều xuất phát từ hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở nên áp dụng Luật Phòng chống bạo lực gia đình không giải quyết được tận gốc của vấn đề.

Thứ ba, việc quy định chỉ được ly thân khi đạt được sự thoả thuận của cả hai vợ chồng sẽ ảnh hưởng đến quyền hợp pháp của một bên vợ hoặc chồng nếu bên còn lại không đồng ý ly thân nhằm trốn tránh xác định trách nhiệm với con chung hoặc nhằm trục lợi từ khối tài sản chung để cầm cố, thế chấp.  

Đến với pháp luật Cộng hoà Pháp thì chế định ly thân (Séparation de Corps) được quy định tại Điều 296 BLDS Cộng hoà Pháp. Ly thân được hiểu là sự giảm độ gắn kết quan hệ vợ chồng, theo đó, hệ quả quan trọng nhất là sự hủy bỏ nghĩa vụ chung sống giữa vợ và chồng, trong khi những nghĩa vụ khác như nghĩa vụ chung thủy, nghĩa vụ tương trợ giúp đỡ nhau vẫn phải được duy trì giữa hai vợ chồng. Việc ly thân theo quy định của pháp luật Pháp, do tòa án ra quyết định trên cơ sở những căn cứ và điều kiện giống như căn cứ và điều kiện ly hôn (vợ chồng ly thân, vợ chồng thống nhất chấm dứt hôn nhân, vợ chồng ly thân do lỗi của một bên hoặc ly thân do cuộc sống chung đã hoàn toàn chấm dứt).[4]Đây là một khái niệm tiến bộ ở chỗ đã thể hiện được yếu tố nhân văn bằng nghĩa vụ chăm sóc về vật chất và tinh thần trong một số điều kiện cụ thể đối với quan hệ vợ chồng thời kỳ ly thân. Tuy nhiên, việc ly hôn chỉ được thừa nhận hợp pháp trên cơ sở quyết định của Toà án, làm thủ tục tố tụng trong ly thân trở nên rườm rà hơn so với một số quốc gia cho phép hai bên tự thoả thuận thông qua văn bản tự chứng thư.

Theo pháp luật Vương quốc Anh thì ly thân (Separation) được hiểu là đình chỉ quyền và nghĩa vụ sống chung, chỉ còn để lại nghĩa vụ trung thành và không thể kết lập cuộc hôn nhân mới. Ly thân có thể là ly thân tư pháp (judicial separation) hay ly thân thuận ý (voluntary separation) được thực hiện bởi chứng thư ly thân (separation deed).[5]Khái niệm này gần giống tinh thần với pháp luật Cộng hoà Pháp, tuy nhiên, thủ tục mở rộng chấp nhận sự thuận ý hai bên chứng minh bởi chứng thư ly thân.

Như vậy, có nhiều khái niệm về ly thânvới các cách tiếp cận khác nhau phù hợp với đời sống thực tiễn và đặc thù của mỗi quốc gia. Từ những cách hiểu kể trên, tác giả cho rằng: “Ly thân là tình trạng hai bên vợ chồng vẫn chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân và có nghĩa vụ đối với con chung, tài sản chung và những nghĩa vụ khác trong quan hệ hôn nhân, nhưng không còn nghĩa vụ sống chung với nhau do cơ quan có thẩm quyền công nhận theo yêu cầu của hai vợ chồng hoặc của vợ, chồng.”

2.2 Đặc điểm của ly thân

Thứ nhất,đa số các nước có quy định về ly thân đều ghi nhận ly thân là quyền của vợ chồng nhằm giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân. Tuy nhiên cũng có rất ít nước như Ailen, Philippines,do không thừa nhận ly hôn, đã quy định ly thân như là giải pháp pháp lý bắt buộc khi vợ chồng phát sinh mâu thuẫn dẫn tới không thể sống chung.[6]

Thứ hai, đa số các nước quy định căn cứ ly thân được quy định tương tự như căn cứ ly hôn. Căn cứ ly hôn dựa trên quyết định, xem xét của cơ quan có thẩm quyền khi xét thấy tình trạng vợ chồng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Tương tự, vợ chồng ly thân khi đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được như hai bên không còn thương yêu, quý trọng nhau, có quan hệ ngoại tình, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau nên họ quyết định ly thân như giải pháp hoà giải tạm thời.

Thứ ba, về thủ tục ly thân. Pháp luật của một số nước như pháp luật Anh quy định ly thân là sự đồng thuận mang tính cá nhân, riêng tư giữa hai bên vợ, chồng, do đó thủ tục ly thân cũng không cần tuân theo một trình tự, thủ tục quá chặt chẽ mà chủ yếu dựa trên một văn bản thỏa thuận về ly thân, hay chứng nhận ly thân giữa hai vợ chồng để qua đó có thể dễ dàng xác định thời điểm bắt đầu ly thân và tạo điều kiện để giải quyết hậu quả của ly thân (trong trường hợp sau này hai bên muốn dẫn tới ly hôn). Chứng nhận ly thân là văn bản riêng tư mang tính cá nhân, không cần phải nộp cho bất cứ cơ quan Nhà nước nào. Chứng nhận này có thể được hủy bỏ tại bất kỳ thời điểm nào theo sự đồng thuận của hai bên. Hoặc, pháp luật của một số nước hoặc vùng lãnh thổ (Cộng hòa Pháp, Bang California của Hoa Kỳ, Philippines...) quy định ly thân phải theo thủ tục tố tụng thực hiện tại Tòa án. Việc ly thân chỉ có hiệu lực khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án.[7]

Thứ tư, về hậu quả pháp lý của ly thân. Việc ly thân không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân trước pháp luật, vợ chồng có quyền thỏa thuận về những hậu quả của ly thân (tình trạng sống tách biệt; quyền, nghĩa vụ về tài sản; quyền, nghĩa vụ đối với con; vấn đề cấp dưỡng cho nhau...) Tuy nhiên, có thể hai bên vẫn có trách nhiệm với nhau một số nghĩa vụ khác như: vẫn có nghĩa vụ trợ giúp lẫn nhau khi ly thân (BLDS Pháp), nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dạy và chăm sóc con chung, nghĩa vụ chungthủy giữa vợ chồng. Nói cách khác, trong giai đoạn ly thân vợ hoặc chồng không có quyền kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác vì họ vẫn người đang có vợ (hoặc có chồng).

2.3 Mục đích, ý nghĩa của ly thân

Chế định ly thân ra đời nhằm thực hiện ba mục đích chính đó là: giải quyết mâu thuẫn của vợ chồng, tạo căn cứ pháp lý điều chỉnh về nhân thân, tài sản và con trong khi hôn nhân của họ chưa chấm dứt và đảm bảo sự minh bạch, công khai trong các giao dịch dân sự.[8]

Về ý nghĩa, ly thân được coi như một là phương thức giúp vợ chồng có thêm thời gian nhìn nhận lại mối quan hệ hôn nhân, giảm thiểu những căng thẳng, xung đột gay gắt giữa vợ chồng, để cho các bên có thời gian suy ngẫm, nhìn nhận lại bản thân, hướng tới sự hòa hợp, đoàn tụ. Khác với ly hôn, ly thân là giai đoạn “quá độ”, giúp vợ chồng có thời gian suy nghĩ để chọn đúng hướng giải quyết cuộc hôn nhân đang rạn nứt. Quy luật tâm lý đã chỉ ra rằng, tất cả mọi tình cảm của con người đều đi theo chiều hướng suy giảm dần theo thời gian. Sự tức giận cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nỗi tức giận có thể mười phần, nhưng sau thời gian ly thân, người ta có thời gian và khoảng không riêng tư để suy nghĩ, để nguôi ngoai thì nỗi tức giận sẽ giảm xuống còn hai đến ba phần. Đặc biệt, trong thời gian này, nếu cả hai bên có sự trợ giúp về tâm lý, có thể là anh chị em trong gia đình hay bạn bè thân thiết, hoặc những chuyên gia tâm lý thì khả năng hôn nhân đổ vỡ sẽ giảm đi ít nhiều.[9] Tuy nhiên, ly thân chỉ là giải pháp hữu hiệu với những ai có thiện chí hàn gắn đổ vỡ, vun đắp gia đình, biết nhìn nhận phần lỗi của mình và tha thứ lỗi của người vợ, chồng. Có thể thấy đây là phương thức giúp vợ chồng bảo vệ quyền của mình. Tức là nếu vợ chồng cảm thấy cuộc sống hôn nhân không như ý… nên cần có thời gian sống riêng để suy nghĩ có nên ly hôn hay không thì họ có quyền ly thân. Luật Hôn nhân và gia đình nên quy định ly thân với tư cách là một quyền mới trong hôn nhân và gia đình.

Ý nghĩa thứ hai của tạo ra chế định ly thân là làm đơn giản hoá thủ tục ly hôn về sau: nếu sau thời gian ly thân mà cặp vợ chồng vẫn quyết định ly hôn thì cần xem bản công chứng về ly thân/ quyết định ly thân của Toà án như một bằng chứng về nỗ lực cố gắng hàn gắn của hai bên nhưng không thành. Khi đã có chứng cứ này thì tòa án không nên tiến hành thêm bước hòa giải nữa. Việc quy định về ly thân theo hướng trên, ngoài tác dụng bảo đảm giá trị pháp lý, giúp đơn giản hóa thủ tục ly hôn.

Ngược lại, việc ly thân cũng làm thuận tiện việc hai bên muốn xác lập lại tình trạng sống chung. Bởi khi ly hôn, có thể sau một thời gian các cặp vợ chồng lại thấy vẫn còn tình cảm với nhau, hoặc vì thương con cái mà muốn kết hôn lại. Lúc đó, họ phải làm lại từ đầu. Còn với chế định ly thân, khi suy nghĩ của hai người thực sự chín chắn, vẫn muốn tiếp tục đời sống hôn nhân thì vẫn về sống với nhau một cách dễ dàng.

 

3. Sự cần thiết công nhận chế định ly thân tại Việt Nam 

3.1 Yêu cầu của thực tiễn trong việc công nhận chế định ly thân

Phải nói rằng trong đời sống hôn nhân thì số ly thân ngày càng có xu hướng gia tăng[10], nhưng đồng thời đây lại là giai đoạn làm phát sinh nhiều hậu quả phức tạp, không rõ ràng về nhân thân, tài sản và con chung vì chưa có pháp luật quy định vấn đề này ở nước ta.  

Thứ nhất, thực tế có rất nhiều lý do để một cặp vợ chồng không muốn ly hôn dù có nhiều mâu thuẫn, tình cảm đã cạn kiệt. Chẳng hạn như vì danh dự, uy tín cá nhân, vì lo con cái hụt hẫng nếu sống thiếu cha hoặc mẹ. Có trường hợp vợ chồng đã sống với nhau đến lúc bạc đầu mới thấy tình nghĩa đã không còn nhưng không thể đưa nhau ra tòa xin ly hôn vì không muốn mọi người biết, người theo đạo Công giáo thì còn bị ràng buộc bởi giáo lý.... Và do không thể ly hôn nên họ đành chọn giải pháp ly thân. Tuy nhiên, vì pháp luật hiện hành không có quy định điều chỉnh vấn đề này nên quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong giai đoạn sống ly thân không có cơ sở để giải quyết.

Không phải cứ để chuyện ly thân trong im lặng, nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật thì sẽ giải quyết được mâu thuẫn và giúp bảo vệ quyền, lợi ích cho các bên trong quan hệ hôn nhân. Khi vợ, chồng cứ phải giấu kín chuyện ly thân với chính những người thân trong gia đình và những người xung quanh thì cuộc sống trở nên hết sức căng thẳng, họ buộc phải sống cùng những chiếc mặt nạ khó chịu, dai dẳng. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, khi vợ chồng ly thân không cho ai biết, không muốn pháp luật can thiệp công khai và vẫn sống chung với nhau nhưng những lúc không thể giải quyết được mâu thuẫn có thể dẫn đến xâm phạm nhân phẩm vợ, chồng hay trút giận lên đầu con cái thì tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Thứ hai, trong thời gian ly thân, nhiều người đã tìm cách tẩu tán, hợp thức hóa tài sản chung thành tài sản riêng, hoặc trong thời ly thân mà người chồng/vợ góp vốn làm ăn với người thứ ba nhưng lợi nhuận thu được không nhằm mục đích phục vụ nhu cầu đời sống chung của gia đình và sau đó thua lỗ, nợ nần, dẫn đến bên còn lại bị buộc trách nhiệm cùng trả nợ vì giữa vợ chồng chưa có thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Bên cạnh đó, có trường hợp dù đã ly thân thực tế, không có cuộc sống chung giữa vợ, chồng và tài sản của mỗi bên được tạo ra là độc lập, nhưng vì pháp luật không thừa nhận ly thân nên tài sản này được xem là tài sản chung dù bên còn lại không có công sức đóng góp. Điều này dẫn đến hậu quả bất lợi cho người vợ hoặc chồng muốn thế chấp, chuyển nhượng tài sản này vẫn phải được sự đồng ý của bên kia.[11]

Thứ ba, vì vấn đề ly thân chưa được pháp luật quy định nên nhiều người đã lợi dụng tình trạng này để trốn tránh trách nhiệm cấp dưỡng đối với con cái khi vợ, chồng không sống gần nhau[12], và cũng khó đảm bảo quyềnđược chăm sóc tốt nhất cho người con khi không thểxác định người có nghĩa vụ trực tiếp nuôi con.[13]

3.2 Kiến nghị về ghi nhận chế định ly thân

Đầu tiên, có một sự mâu thuẫn lớn giữa Luật HNGĐ không có chế định ly thân nhưng khi xét xử, Tòa án lại công nhận tình trạng ly thân và dùng làm căn cứ để cho ly hôn. Theo Điều 56 Khoản 1 Luật HNGĐ 2014 thì khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Và để giải thích thế nào là đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được thì tại Điểm a.2 Mục 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP [14] có quy định rằng nếu thực tế cho thấy vợ, chồng đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục vẫn tiếp tục sống ly thân thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

Thứ hai, có nhận định cho rằng quy định cho phép chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân tại Điều 38 Luật HNGĐ 2014 cũng chính là một hình thức gián tiếp của ly thân nên không cần thiết phải có thêm chế định ly thân trong Luật HNGĐ nữa. Theo quan điểm của tác giả thì không thể đồng nhất hai quy định này vì nó có sự khác nhau như sau:

Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo qui định của pháp luật không làm thay đổi quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng và quan hệ giữa cha mẹ và con. Ly thân là vấn đề tác động tới quan hệ nhân thân dù không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng nhưng chấm dứt nghĩa vụ sống chung với nhau, thậm chí có cả quan hệ tài sản vì nếu không có thoả thuận khác, khi ly thân hợp pháp sẽ dẫn tới biệt sản; nhưng đối với chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân chỉ tác động tới quan hệ tài sản.

Ngoài ra, mục đích của ly thân là một giải pháp tạm thời để giải quyết phương diện tình cảm, giải tỏa xung đột vợ chồng, tạo cho họ có một khoảng thời gian cần thiết để cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định có ly hôn hay không. Còn chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân là nhằm giải quyết vấn đề tài sản để ổn định quan hệ hôn nhân, đảm bảo lợi ích về tài sản của vợ, chồng các thành viên gia đình.

Về hệ quả liên quan đến chế độ tài sản cũng khác nhau giữa chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân và ly thân. Theo Khoản 1 Điều 14 Nghị định 126/2014/NĐ-CP thì việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định. Còn đối với quy định về ly thân sẽ làm chấm dứt quan hệ tài sản chung vì án ly thân.

Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó có thể xem rằng cho phép chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như là một biện pháp tháo gỡ tạm thời, giải quyết bất cập về mặt tài sản trong thời kỳ ly thân thực tế.

 

4. Chế định ly thân trong Bộ luật dân sự Cộng hòa Pháp 

Xem xét sự phù hợp khi áp dụng thực tiễn trong xã hội Việt Nam, tác giả lựa chọn chế định ly thân trong pháp luật Cộng hoà Pháp để trình bày như là một sự tham khảo cho pháp luật Việt Nam khi lập pháp về vấn đề này vì hai lý do. Thứ nhất, xuất phát từ cấu trúc thượng tầng pháp luật giữa Việt Nam và Pháp đều thuộc hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa (Civil law). Thứ hai, chế định ly thân trong BLDS Cộng hoà Pháp được đánh giá là hoàn thiện và tiến bộ cả về mặt kỹ thuật lập pháp và nội dung cùng với sự ra đời từ rất sớm so với thế giới khi quy định chế định ly thân trong BLDS Napoleon 1804.

Đi sâu vào tìm hiểu nguồn gốc ra đời chế định ly thân trong pháp luật Cộng hoà Pháp bắt nguồn từ mặt tôn giáo. Theo giáo lý Thiên Chúa giáo, những đôi vợ chồng theo đạo không được phép ly hôn vì hôn nhân là sự kết hợp bởi Chúa và không thể phân ly. Ly thân là giải pháp mà nhà làm luật đưa ra nhằm giảiquyết xung đột gia đình của những người theo công giáo như đã nói ở trên.[15]

Trong BLDS Pháp cũng có quy định về chế định ly thân rất rõ ràng tại Quyển thứ nhất về người, thiên VI, chương IV. Ly thân cụ thể được quy định (từ Điều 296 đến Điều 309) trong đó: mục một quy định về các trường hợp ly thân và thủ tục ly thân (từ Điều 296 đến Điều 298), mục hai quy định hệ quả pháp lý của việc ly thân (từ Điều 299 đến Điều 304), mục ba quy định về việc chấm dứt ly thân (từ Điều 305 đến Điều 309). Những tinh thần cốt lõi về chế định ly thân theo pháp luật Pháp gồm:

Một là, có thể tuyên bố ly thân theo yêu cầu của một trong hai vợ chồng, theo đó căn cứ ly thân và thủ tục ly thân thông qua Toà án đều giống như ly hôn[16], có thể là:

-  Ly thân theo thoả thuận chung.

-  Ly thân dựa trên yêu cầu được chấp thuận.

-  Ly thân vì hành vi sai trái.

-  Ly thân do không thể duy trì cuộc sống chung.[17]

Hai là, một số hậu quả pháp lý cụ thể của ly thân trong BLDS Pháp quy định như sau:

-  Ly thân không làm chấm dứt hôn nhân nhưng làm chấm dứt nghĩa vụ chung sống giữa vợ chồng (Điều 299)

-  Nếu vợ mang tên chồng thì có thể vẫn được giữ tên đó, nếu chồng ghi họ của vợ liền tên mình thì vợ có thể yêu cầu không cho chồng dùng họ của mình nữa (Điều 300)

-  Việc ly thân làm chấm dứt quan hệ tài sản chung (Khoản 4 Điều 1441). Từ khi ly thân dẫn tới biệt sản và chế độ tài sản được áp dụng là chế độ tài sản riêng (Điều 302) và tự chịu trách nhiệm đối với giao dịch trong khối tài sản riêng do mình xác lập hoặc tạo dựng sau ly thân. Nếu ly thân do thuận tình, vợ chồng có thể thỏa thuận về phương thức tách tài sản hoặc thanh lý tài sản chung trong văn bản thỏa thuận ly thân.

-  Nếu ly thân do hai người cùng yêu cầu thì họ có thể ghi trong bản thỏa thuận khước từ quyền thừa kế mà họ được hưởng theo quy định của pháp luật (Điều 301) Tuy nhiên, nếu không có thoả thuận thì nếu một trong hai vợ chồng chết trong thời kỳ ly thân, người phối ngẫu còn sống sót vẫn giữ quyền hưởng di sản theo pháp luật.

-  Ngoài ra, nghĩa vụ trợ giúp và tôn trọng lẫn nhau vẫn tồn tại. Khi ly thân, một bên có nghĩa vụ cấp dưỡng cho bên có khó khăn, túng thiếu mà không tính đến lỗi của bên nào (Điều 303)

-  Những hậu quả khác của ly thân như hậu quả của ly thân (Điều 304). Ví dụ như nghĩa vụ trông nom, cấp dưỡng cho con chung theo Điều 288.

-  Ở Pháp, tình trạng ly thân có thể kéo dài vô thời hạn.

Ba là, quy định về chấm dứt ly thân cụ thể như sau:

-   Nếu vợ chồng tự nguyện về với nhau thì ly thân chấm dứt. Việc tự nguyện trở lại phải cuộc sống chung phải được xác nhận bằng công chứng thư hoặc bằng việc khai với viên chức hộ tịch (Điều 305)

-   Chế độ tài sản vẫn riêng biệt, trừ khi vợ chồng thỏa thuận một chế độ tài sản mới trong hôn nhân (Điều 305)

-   Theo yêu cầu của hai vợ chồng , bản ly thân sẽ được tự động chuyển thành ly hôn nếu việc ly thân kéo dài 03 năm (Điều 306)

-   Trong mọi trường hợp việc ly thân có thể chuyển thành ly hôn theo đơn của cả hai vợ chồng (Điều 307)

 

5. Kết luận

Hoàn thiện pháp luật HNGĐ nhằm điều chỉnh toàn diện và cụ thể những vấn đề liên quan đến quan hệ hôn nhân tồn tại trong đời sống thực tiễn thể hiện trình độ cao của kỹ thuật lập pháp. Sự hình thành chế định ly thân trong pháp luật một số quốc gia không nằm ngoài điều ấy. Cùng với sự vận động phát triển đa dạng của quan hệ hôn nhân, việc đòi hỏi có sự điều chỉnh bởi pháp luật là cần thiết, bởi nó giúp đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và đồng thời đặt cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong thực tiễn, giúp định hướng quan hệ hôn nhân hình thành đi theo mặt tích cực trong khuôn khổ pháp luật./.

 

[1]Điều 303 Bộ luật dân sự Pháp.

[2] Điểm 3.2 Mục II Báo cáo 153/BC-BTP về Tổng kết thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 của Bộ tư pháp.

[3]Phan Thị Vân Hương & Trần Minh Tuấn, “Một số ý kiến về chế định “Ly thân” trong dự thảo sửa đổi Luật HNGĐ”, [http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/Baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&article_details=1&item_id=35559277] (truy cập lần cuối ngày 11/11/2015)

[4] Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Từ điển thuật ngữ pháp luật Pháp- Việt, NXB từ điển Bách khoa, 2009, trang 828.

[5]Nguyễn Thế Kỷ, Phạm Quốc Toản, Lương Hữu Định, Từ điển pháp luật Anh - Việt (Legal dictionary English - Vietnamese), NXB Khoa Học Xã Hội, 1994, trang 370.

[6]Mục A Điểm 5 quy định về các quy định liên quan đến ly thân, Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về một số vấn đề lớn được quy định trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung luật hôn nhân và gia đình năm 2000.

[7]Mục A Điểm 5 quy định về các quy định liên quan đến ly thân, Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về một số vấn đề lớn được quy định trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung luật hôn nhân và gia đình năm 2000.

[8] Hội thảo Khoa học cấp Bộ về nhận diện những bất cập trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 từ góc nhìn thực tế, tổ chức ngày 12/7/2012 do Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã phối hợp với Viện Khoa học Pháp lý chủ trì.

[9]“Khoảng lặng ly thân”,Báo Phụ Nữ, [http://news.zing.vn/Khoang-lang-ly-than-post31658.html] (truy cập lần cuối lúc 19.30, ngày 11/11/2015)

[10] “Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, nguyên Chánh án TAND quận Bình Thạnh, người có thâm niên xét xử án ly hôn cho biết thêm trên 50% các trường hợp ly hôn đều đã có thực tế ly thân trước đó.”, Luật hoá chuyện ly thân, [http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:bbjbyAdb13AJ:duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_TAILIEU/Attachments/1006/Lu%25E1%25BA%25ADt_h%25C3%25B3a_chuy%25E1%25BB%2587n_ly_th%25C3%25A2n.doc+&cd=1&hl=vi&ct=clnk](truy cập lần cuối lúc 10.30 ngày 30/11/2015)

[11] Trường hợp của vợ chồng anh Thuấn (TP.Thanh hóa) là một ví dụ liên quan đến rắc rối về tài sản trong thời gian ly thân. Hai vợ chồng anh Thuấn và chị Hương đã ở trong tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” từ nhiều năm nay. Một thời gian sau, chị Hương đi xuất khẩu lao động và hai người cũng không ra tòa làm thủ tục ly hôn. Tuy nhiên, trong thời gian ly thân này, chị Hương có gửi tiền về để mẹ đẻ mua hộ một mảnh đất. Chị không biết rằng theo luật thì khi hai người ra tòa ly hôn, chị có phải chia số tài sản mà mình dành dụm được trong thời gian hai vợ chồng sống ly thân hay không. (Tuệ Khanh, Luật Việt Nam cần có chế định về "ly thân", http://www.baomoi.com/Luat-Viet-Nam-can-co-che-dinh-ve-ly-than/c/10921391.epi,  truy cập lần cuối 15/11/ 2015.)

[12]. Trường hợp ly thân giữa chị Hoàn (Cần Thơ) với anh Thiện là một thí dụ về trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng  đối với con chung. Hai vợ chồng sống với nhau gần 10 năm và có 2 cô con gái. Hai năm gần đây, do vợ chồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn nên chị Hoàn dẫn theo 2 con chung đành phải về ở nhờ nhà mẹ đẻ, nhưng không ly hôn. Tuy nhiên, trong thời gian sống ly thân này, anh Thiện không hề có một nghĩa vụ nào đối với việc nuôi 2 con nhỏ. Trên danh nghĩa, anh ta vẫn là chồng chính thức của chị Hoàn nên chị không thể nhờ tòa án yêu cầu chồng chu cấp tiền bạc nuôi con. (Tuệ Khanh, Luật Việt Nam cần có chế định về "ly thân", http://www.baomoi.com/Luat-Viet-Nam-can-co-che-dinh-ve-ly-than/c/10921391.epi,  truy cập lần cuối 15/11/ 2015)

[13]Có trường hợp khi vợ chồng ly thân thực tế, người vợ sống ở Hà Nội, người chồng sống ở Đà Nẵng và nhất trí để người chồng nuôi con nhỏ. Sau một thời gian, người vợ cho rằng người chồng không chăm sóc, giáo dục con tốt và nên đòi nuôi con, nhưng người chồng không đồng ý. Người vợ gửi đơn đến Tòa án yêu cầu giải quyết, nhưng Tòa án từ chối thụ lý vì Luật không quy định về ly thân nên không có cơ sở giải quyết vấn đề giao con cho ai nuôi; trong khi đó, cũng không có đủ căn cứ để hạn chế quyền của người cha. Để giải quyết vấn đề này, buộc người vợ phải chọn giải pháp ly hôn để được quyền nuôi con của mình. (Trích Điều 4 Mục II, Báo cáo 157/BC-BTP ngày 16/7/2013 của Bộ tư pháp Về việc tiếp thu và giải trình ý kiến của Hội đồng thẩm định đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.)

[14]“Xác định thuộc tính còn hiệu lực của văn bản”, Bộ Tư pháp, [http://www.moj.gov.vn/vbpq/Pages/View_Propertes.aspx?ItemID=27522]  (truy cập lần cuối 07/12/2015.)

[15]“Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) Nên hay không nên quy định vấn đề ly thân?”, Báo Công lý _ Cơ quan ngôn luận của Toà án nhân dân tối cao, [http://congly.com.vn/phap-luat/dien-dan-cong-ly/luat-hon-nhan-va-gia-dinh-sua-doi-nen-hay-khong-nen-quy-dinh-van-de-ly-than-36368.html](truy cập lần cuối ngày 30/11/2015)

[16]Điều 296 BLDS Cộng hoà Pháp.

[17]Cục Thông tin pháp lý và hành chính Bộ Tư pháp, Séparation de corps, cổng thông tin chính thức của cơ quan hành chính Pháp [https://www.service-public.fr/particuliers/vosdroits/F980](truy cập lần cuối ngày 30/11/2015)

 

HUỲNH THỊ BẢO TRÂN - QT

Tags