• [GƯƠNG MẶT THÁNG 3] BÍ THƯ ĐOÀN KHOA LUẬT QUỐC TẾ - NHIỆT HUYẾT LÀ ĐỦ SỨC HY SINH!

    Đam mê, nhiệt huyết từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường, đến bây giờ khi đã trở thành một giảng viên bộn bề với công tác nghiên cứu, giảng dạy, ngọn lửa với màu áo xanh ấy vẫn không hề thuyên giảm. Trở thành Bí thư Đoàn khoa, Thầy lại tiếp tục dành thời gian, bằng tất cả lòng nhiệt thành để dẫn dắt những thế hệ nối tiếp viết nên câu chuyện về những người làm công tác Đoàn.

    THÔNG TIN:

    Đồng chí Lê Minh Nhựt

    Chức vụ: Bí thư Đoàn khoa Luật Quốc tế, Giảng viên khoa Luật Quốc tế

    Châm ngôn sống: “Tuổi trẻ giống như một cơn mưa rào, cho dù bị cảm vẫn muốn quay lại để được ướt mưa thêm một lần nữa”.

    Sở thích: Đọc sách, chạy bộ,…

     

    - Cơ duyên nào mà khi về công tác tại Trường Thầy lại tiếp tục gắn với công tác Đoàn?

    Thật ra thì Thầy đã làm công tác Đoàn từ rất lâu rồi. Từ thời cấp 3, Thầy đã hoạt động ở xã Đoàn địa phương và bây giờ vẫn còn giữ liên lạc. Năm vừa rồi, Thầy vừa được nhận danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” của tỉnh Tây Ninh. Còn ở môi trường Đại học, ngay từ năm nhất Thầy đã rất yêu thích hoạt động Đoàn. Các bạn biết không, tiền thân của Ban Truyền thông Đoàn trường bây giờ chính là Ban Quản trị website mà Thầy là một trong những người đầu tiên thành lập ra nó.

     

    “Điều quan trọng nhất là người Cán bộ Đoàn phải nhiệt huyết thì mới giữ được ngọn lửa trong mình cháy mãi.”

     

    - Khi nhắc đến người Cán bộ Đoàn, hình ảnh của họ trong mắt Thầy hiện lên như thế nào?

    Đó phải là một người biết nhiều thứ, có thể gánh vác, đương đầu được với nhiều thứ. Người đó phải có trách nhiệm, năng nổ, nhiệt tình còn câu chuyện làm tốt đến đâu thì đó lại là kỹ năng riêng của mỗi người. Nhưng điều quan trọng nhất là người Cán bộ Đoàn phải nhiệt huyết thì mới giữ được ngọn lửa trong mình cháy mãi.

     

    “Nhiệt huyết là đủ sức để hy sinh.”

     

    - Thầy định nghĩa như thế nào về nhiệt huyết của người Cán bộ Đoàn?

    Nhiệt huyết là đủ sức để hy sinh. Hy sinh nhiều thứ: thời gian cho gia đình, cho chuyện tình cảm, cho những nhu cầu cá nhân để dành thời gian đó cho hoạt động Đoàn. Khác với các bạn Đoàn viên khác chỉ là người tham gia, người Cán bộ Đoàn còn phải lên ý tưởng, kế hoạch rồi chuẩn bị trước, trong và cả sau chương trình nên rất vất vả, cần nhiều nhiệt huyết và cũng phải hy sinh rất nhiều.

     

    “Cán bộ Đoàn là gì? Được gì và mất gì?”

     

    - Điều gì đã giúp Thầy giữ được nhiệt huyết với công tác Đoàn từ đó tới giờ, thưa Thầy?

    Đó là bản thân mình xác định được mục tiêu của mình. Lần trước, trong Đại hội Đại biểu Đoàn khoa Luật Quốc tế lần IX, Thầy rất tâm đắc với một câu trong clip của các bạn trong Ban Chấp hành: “Cán bộ Đoàn là gì? Được gì và mất gì?” Đúng vậy, làm Đoàn các bạn sẽ không nhận được cái lợi ích vật chất hiện hữu trước mắt đâu. Cái quan trọng mà các bạn nhận được khi làm Đoàn đó là các bạn có cơ hội được rèn luyện bản thân mình, tôi luyện để trưởng thành hơn, phát triển nhiều kỹ năng hơn. Đối với Thầy là như vậy.

    - Thầy có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi được giao đảm nhận chức vụ Bí thư Đoàn khoa Luật Quốc tế nhiệm kỳ 2017 - 2019 không?

    Cảm thấy hồi hộp lắm! Vừa vui, vừa lo lắng. Đảm nhận vị trí mới thì trách nhiệm nặng nề hơn. Bây giờ không chỉ là một người Đoàn viên nữa mà đã ở vai trò, vị trí khác, đặc biệt lại là người định hướng tư tưởng, đường lối của sinh viên nên tâm thế sẽ rất khác. Mình cũng phải lo lắng nhiều thứ hơn.

    - Thầy có đánh giá như thế nào về đội ngũ Ban Chấp hành Đoàn khoa - những người cộng sự, người bạn đồng hành của Thầy trong nhiệm kì tới?

    Ban Chấp hành nhiệm kỳ IX chỉ có hai bạn mới vào thôi nên hầu như các bạn đều có kinh nghiệm, trẻ, nhiệt huyết và sáng tạo. Đặc biệt, khoa Luật Quốc tế là một khoa rất đặc biệt, năng động và vui tươi. Các bạn làm việc cũng rất hiệu quả, rất hiểu nhau. Điều này khiến Thầy cảm thấy rất yên tâm về đội ngũ Ban Chấp hành của mình.     

    - Thầy đánh giá như thế nào về những thuận lợi và thách thức của bản thân trong nhiệm kì sắp tới?

    Thuận lợi là Thầy có một đội ngũ Ban Chấp hành dày dặn kinh nghiệm và sinh viên khoa mình cũng rất nhiệt tình, năng nổ trong các hoạt động phong trào, học thuật, đặc biệt là về tiếng Anh. Còn khó khăn thì đó là vấn đề kiêm nhiệm cùng lúc nhiều công tác, việc giảng dạy và nghiên cứu chi phối rất nhiều nên nhiều chương trình cũng không thể sắp xếp theo dõi sát sao các bạn được. Còn lại thì Thầy vẫn cố gắng sắp xếp được, cộng với việc mình tâm huyết, dành nhiều thời gian cho công tác hơn thì mọi thứ sẽ được giải quyết.

    - Có khi nào Thầy cảm thấy áp lực khi phải cân bằng giữa việc nghiên cứu, giảng dạy và tham gia hoạt động không?

    Dĩ nhiên. Như Thầy có chia sẻ là mình cảm thấy khá lo lắng khi đảm nhận vị trí này. Đó là áp lực từ việc phải cùng lúc kiêm nhiệm nhiều thứ, vừa giữ hình ảnh trước các bạn sinh viên, vừa làm tròn trách nhiệm của một cán bộ, giảng viên đối với Nhà trường, với khoa về công tác nghiên cứu và giảng dạy.

               

    “Cái thời mà cơ sở vật chất rất ít, nhưng giá trị về tinh thần thì rất nhiều!”

     

    - Trong quá trình hoạt động Đoàn Thầy có kỉ niệm nào đáng nhớ muốn chia sẻ cùng các bạn sinh viên không?

    Thật ra Thầy vào làm việc với Đoàn khoa mới có 01 tháng, nên cũng chưa cộng tác nhiều với các bạn. Nhưng nhìn các hoạt động gần đây các bạn làm thì có thể dễ dàng nhận thấy nét dễ thương và sự nhiệt tình từ các bạn.

    Kể về kỷ niệm mà Thầy nhớ nhất, có sẽ là vào thời điểm mới thành lập Ban Quản trị website. Chương trình đầu tiên mà Thầy phụ trách truyền thông khi còn ở Ban Quản trị website cộng tác với khoa Luật Thương mại chính là Miss Law 2010. Các bạn hình dung, thời đó mình làm gì có máy ảnh cơ hay trang thiết bị tốt như bây giờ, lúc đó máy ảnh mình dùng là của Nhà trường đã dùng qua mấy nhiệm kỳ và để lại cho Ban. Lúc đó có phần thi catwalk của các thí sinh, đi rất nhanh đâu có đứng lại cho mình chụp mà chụp một bức là phải đợi máy lưu lại rất lâu. Thế nên để có những bức ảnh đẹp là phải có cả một đội ngũ phía sau người cầm máy để canh, chỉnh sửa, chọn góc. Thầy nhớ hôm đó chương trình kết thúc lúc 12 giờ đêm và cả đội phải thức đến tận 3 giờ sáng để hoàn tất tin bài để sáng hôm sau đăng cho kịp. Đó là một kỉ niệm đẹp mà đến bây giờ Thầy vẫn nhớ. Cái thời mà cơ sở vật chất rất ít, nhưng giá trị về tinh thần thì rất nhiều!  

    - Với tư cách là một người Bí thư Đoàn khoa thì Thầy đã xác định những trọng tâm hoạt động gì của Đoàn khoa trong nhiệm kì mới?

    Một trong những điểm tồn tại của Đoàn khoa trong nhiệm kì VIII là công tác phát triển Đảng. Đây sẽ là một trong những trọng tâm mà không những Thầy mà toàn bộ Ban Chấp hành Đoàn khoa đang cố gắng để giúp đỡ các bạn có thể phát triển Đảng sớm. Ngoài ra, Đoàn khoa cũng tập trung vào việc phát triển khả năng ngoại ngữ hay nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Chính vì vậy mà sắp tới Đoàn khoa cũng dự định tổ chức một cuộc thi học thuật là một cuộc thi mô phỏng Hội nghị của Liên hợp quốc để các bạn làm quen với cách làm việc, trang bị cho các bạn kỹ năng nghiên cứu, tranh biện và lập luận.

               

    “Những chương trình của Đoàn khoa Luật Quốc tế luôn mang một màu sắc rất riêng, rất Quốc tế mà các khoa khác không thể lẫn vào được.”

     

    - Đoàn khoa Luật Quốc tế có những nét đặc trưng gì so với những Đoàn khoa khác?

    Chắc chắn những chương trình của Đoàn khoa Luật Quốc tế luôn mang một màu sắc rất riêng, rất Quốc tế mà các khoa khác không thể lẫn vào được. Các yếu tố nước ngoài, khả năng về ngoại ngữ được đưa vào các chương trình nhiều hơn. Nổi bật là Olympic Quốc tế, hay các cuộc thi mô phỏng mô hình Hội nghị Liên hợp quốc,…

               

    “… một khi chương trình đã để lại dấu ấn trong lòng các bạn, thì nó đã thành công rồi, và các danh hiệu khác chắc chắn cũng sẽ tự đến thôi.”

     

    - Trong nhiệm kỳ mới này, Thầy kỳ vọng điều gì ở Đoàn khoa Luật Quốc tế?

    Kỳ vọng thì rất nhiều. Nhưng điều quan trọng nhất có lẽ là hy vọng Ban Chấp hành trong nhiệm kỳ mới sẽ để lại được dấu ấn riêng trong lòng sinh viên. Chương trình thành công là có thể làm cho các bạn sinh viên nhớ đến chứ không quan trọng những danh hiệu khác. Mà Thầy nghĩ rằng, một khi chương trình đã để lại dấu ấn trong lòng các bạn, thì nó đã thành công rồi, và các danh hiệu khác chắc chắn cũng sẽ tự đến thôi.

     - Còn về phía Đoàn trường,  Thầy có kỳ vọng gì về Đoàn trường nhiệm kỳ 2017 - 2019?

    Về phía Đoàn trường thì Thầy hy vọng trong thời gian sắp tới, Đoàn trường sẽ cố gắng hỗ trợ, chỉ đạo sâu sát hơn trong các công tác của Đoàn khoa. Đồng thời cũng mong Đoàn trường sẽ lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư nguyện vọng mà các Đoàn cơ sở gửi gắm.

    - Trước thềm Đại hội Đại biểu Đoàn trường lần thứ IX nhiệm kỳ 2017 – 2019 sắp diễn ra, Thầy có lời chúc gì muốn gửi đến Đại hội?

    Đối với Đại hội sắp tới, Thầy chúc Đại hội sẽ diễn ra thành công tốt đẹp! Hy vọng Đại hội sẽ tìm ra những gương mặt sáng giá để nâng đỡ, chèo lái công tác Đoàn của trường Đại học Luật càng ngày càng phát triển và vững mạnh!

    Xin cám ơn Thầy. Chúc Thầy thật nhiều sức khỏe và thành công.

     

     

    Nội dung và hình ảnh: Ban Truyền thông Đoàn trường

    Read More

  • [GƯƠNG MẶT THÁNG 3] CÔNG THỨC CỦA CÔ NÀNG CHỦ NHIỆM CLB CHO CUỘC SỐNG SINH VIÊN HOÀN HẢO

    Với nhiều thành tích cao trong học tập, đồng thời đảm nhiệm vị trí chủ nhiệm của CLB Phiên tòa tập sự, Lê Trần Quỳnh Thy không còn là một cái tên xa lạ đối với các bạn sinh viên. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của Quỳnh Thy về hành trình xây dựng nền tảng tri thức và hình ảnh của bản thân trong suốt bốn năm trên giảng đường đại học.

    Hãy kể tên một cuốn sách yêu thích của bạn?

    Một cuốn sách mà mình đang đọc và vô cùng tâm đắc đó là “Kỹ năng hành nghề luật sư” của tác giả Trương Nhật Quang. Đây cũng là một cuốn sách rất cần thiết cho sinh viên Luật, đặc biệt là các bạn định hướng tương lai sẽ trở thành luật sư.

     

    Quỳnh Thy trong mắt mọi người là một người như thế nào?

    Nếu tự nhận xét về bản thân, có lẽ mình là người làm việc chủ động, chịu khó, có khả năng huy động được điểm mạnh, điểm yếu của người khác trong công việc. Tuy vậy, mình có nhược điểm là chưa được quyết đoán, hay chần chừ và đôi khi quá cẩn thận. Điều này thường làm mình mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành một công việc hay đi đến một quyết định nào đó.

     

    Theo mình được biết thì ngoài CLB Phiên tòa tập sự, bạn không tham gia một CLB hay tổ chức nào khác trong trường? Có lý do gì cho sự lựa chọn này không?

    Đến với CLB Phiên tòa tập sự, đối với mình là một sự trùng hợp ngẫu nhiên bởi vì tới năm ba mình mới chính thức trở thành thành viên của CLB. Trước đó mình cũng đã tham gia trợ giúp một vài hoạt động nhưng chưa phải là thành viên chính thức.

    Thật ra vào năm nhất, mình còn theo học Khoa kiến trúc của trường Đại học Văn Lang song song với công việc học tập ở trường mình nên lúc đó mình không có nhiều thời gian. Nhưng sau đó mình nhận thấy rằng học chuyên tâm một cái sẽ tốt hơn và ban đầu việc học song song hai ngành cũng chỉ để quyết định con đường đi cho mình một cách chính xác nhất nên mình đã quyết định dừng việc học ở Khoa kiến trúc. Đến năm hai, sau khi đã quen dần với cách học ở trường, mình lại bắt đầu tìm kiếm chỗ thực tập nên không có điều kiện để tham gia các CLB mặc dù có rất nhiều CLB khiến mình thích thú, ví dụ như CLB Anh văn. Chỉ đến năm ba, khi đăng ký thử CLB Phiên tòa tập sự và đậu phỏng vấn thì lúc đó mình quyết định sẽ không tham gia thêm bất cứ một CLB nào khác nữa. Có lẽ chỉ tham gia Phiên tòa tập sự là do thời gian hay điều kiện của bản thân không cho phép nhưng có khi cũng là vì cái duyên đặc biệt nào đó của mình đối với CLB nữa. 

     

    Thách thức của bạn khi trở thành chủ nhiệm của CLB Phiên tòa tập sự là gì?

    Đối với bản thân mình, khó khăn lớn nhất chính là việc đưa ra quyết định. Chủ nhiệm chính là người đưa ra quyết định cuối cùng và phải luôn tự chịu trách nhiệm về quyết định đó. Trong CLB, mỗi khi có vấn đề nào đó nảy sinh sẽ luôn có nhiều chiều ý kiến khác nhau. Vai trò của một người chủ nhiệm khi đó là phải xem xét tất cả những quan điểm để đi đến quyết định sau cùng và phải luôn có lập luận, căn cứ cho những quyết định đó. Có như thế thì mọi người mới tin tưởng và mới đồng tâm hiệp lực với nhau trong công việc.

     

    Công thức của Quỳnh Thy cho một cuộc sống sinh viên hoàn hảo?

    Mình chỉ quan niệm đơn giản là làm sao khi ra trường, ta phải có đủ hành trang để bước vào đời. Vào năm nhất, năm hai, bên cạnh việc học thì chúng ta cần phải tham gia hoạt động xã hội và rèn luyện thể thao ở một chừng mực nhất định, dành thời gian tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn. Đến năm ba thì cũng là lúc chúng ta nên dành thời gian suy nghĩ xem mình muốn đi theo con đường nào để đến năm cuối mình có thể tiệm cận với mục tiêu của mình. Định hướng càng sớm sẽ càng vững, sau này sẽ không sợ mất 5 - 7 tháng sau tốt nghiệp để tìm việc. Năm cuối là khoảng thời gian hoàn thành mọi thứ để ra trường nhưng phải chủ động tranh thủ càng sớm càng tốt.   

     

    Trong tháng 3 này, Đoàn trường đang đẩy mạnh cuộc vận động Phong cánh sinh viên Luật, vậy định nghĩa theo bản thân bạn về phong cách sinh viên Luật là như thế nào?

    Phong cách sinh viên Luật, theo mình là tổng hòa của kiến thức, kỹ năng và hình ảnh. Đầu tiên, đã là sinh viên Luật thì kiến thức Luật phải thật vững. Hành vi phải phù hợp với những gì mình được học, lời lẽ cũng phải chuẩn, “nói có sách mách có chứng”. Về kỹ năng, sinh viên Luật phải rèn luyện kỹ năng thực hành pháp luật, kỹ năng mềm và cả những kỹ năng khác tương thích với công việc trong từng lĩnh vực cụ thể. Còn về hình ảnh, sinh viên Luật phải luôn ứng xử một cách văn minh, đúng luật, phải có nhân cách, đạo đức khi hành nghề, không làm trái với những gì mà chính bản thân mình đang bảo vệ. 

     

    - Vậy theo bạn, những vốn tri thức nào là không thể thiếu đối với sinh viên Luật trong bối cảnh hiện nay?

     Ngoài kiến thức chuyên ngành trong sách vở, sinh viên Luật cũng phải chú trọng rèn luyện kiến thức về ngoại ngữ và tin học. Tin học thì chỉ cần cố gắng học hỏi và thực hành thì sẽ không mấy khó khăn. Việc học ngoại ngữ thì cần nhiều thời gian hơn, cho nên bắt tay vào học từ sớm như năm nhất hay năm hai sẽ không bao giờ là thừa. Càng ngày mọi công việc hay nghiên cứu đều cần đến ngoại ngữ và nó cũng quyết định cơ hội việc làm của bản thân bạn.

     

    Bạn nhận thấy hiện nay khi rời giảng đường Đại học sinh viên Luật thiếu những kỹ năng gì?

    Theo mình, điều sinh viên Luật thiếu nhất có lẽ là kỹ năng áp dụng kiến thức vào thực tế. Bởi vì khác với làm các bài tập tình huống ở trường, khi phải giải quyết một vụ việc trong thực tế hành nghề chúng ta phải biết kết hợp nhiều luật và văn bản khác nhau cùng một lúc. Vậy nên kỹ năng nghiên cứu khi đó cũng rất quan trọng. Hơn nữa, một kỹ năng khác mà mình nghĩ sinh viên thường thiếu sót chính là kỹ năng viết và nói. Không phải đơn thuần là viết như khi trình bày đáp án trong bài thi hay nói như khi phát biểu trên lớp, thảo luận cùng bạn bè. Nói và viết ở đây là đối với những lĩnh vực chuyên môn cụ thể, là trình bày, tư vấn cho khách hàng, trình bày quan điểm của mình với các luật sư đồng nghiệp khác. Nói và viết để bày tỏ quan điểm bản thân nhưng cũng phải biết lắng nghe. Lắng nghe từ các anh chị đi trước là vô cùng quan trọng vì họ có kiến thức, và đặc biệt là kinh nghiệm nhiều hơn, người ta luôn có những cái hay để mình học hỏi.

     

    Nhiều người cho rằng thời đại học thì chỉ nên tập trung tiếp thu, bồi dưỡng kiến thức còn việc rèn luyện phong cách, lối sống thì đợi đến lúc làm nghề va chạm thực tế rồi cũng chưa muộn, bạn nghĩ như thế nào về quan điểm này?

    Có thể quan điểm này đúng với một số bạn nhưng nhìn chung nếu có cơ hội trải nghiệm và rèn luyện sớm vẫn tốt hơn. Mọi thứ đều cần kinh nghiệm. Nếu chưa hề có kinh nghiệm gì thì sau này khi ra trường, chúng ta sẽ mất một khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng nữa để làm quen. Còn đối với những bạn đã đi làm trước đó rồi thì việc này vừa hỗ trợ được việc học vừa giúp các bạn có sẵn phong cách, kỹ năng phù hợp, không mất thời gian để hòa nhập lại nữa. Hơn nữa, mỗi năm sẽ có hàng ngàn sinh viên mới ra trường thâm nhập vào thị trường tuyển dụng nên thời gian như vậy thôi cũng chính là cơ hội.

     

    Bạn thấy sinh viên Luật có nên sớm trải nghiệm cơ hội thực tập không? Những được và mất của sinh viên trong hành trình trải nghiệm thực tiễn như vậy?

    Mình nghĩ lựa chọn thực tập vào thời điểm nào là tùy thuộc vào định hướng của mỗi người nhưng nhìn chung, không nên đi thực tập từ quá sớm. Đối với chuyên ngành Luật chỉ nên bắt đầu thực tập khi mà mình đã có đủ kiến thức và kỹ năng ở một mức độ nhất định, bởi vì bản thân việc thực tập chính là quá trình áp dụng những điều đã học vào thực tế. Chưa có đủ kiến thức và kĩ năng thì áp dụng vì vậy cũng sẽ rất khó khăn. Nếu từ năm nhất hay năm hai mà các bạn đi thực tập thì mình nghĩ chủ yếu sẽ không được làm những công việc liên quan đến Luật. Đến năm ba, năm tư, khi mình đã có vốn kiến thức ổn định rồi, những quan điểm về lý luận cũng tương đối rồi thì việc học và đi thực tập sẽ tác động qua lại, tương trợ lẫn nhau.

    Nói về chuyện được và mất, đối với mình, có lẽ thứ đánh mất duy nhất chính là thời gian. Khoảng thời gian bình thường dành cho việc học tập và sinh hoạt sẽ bị bó hẹp lại. Nhưng phải xác định nếu việc đi thực tập thực sự giúp ích cho mình thì hãy quyết định trải nghiệm. Còn nếu đi thực tập mà ở đó mình cũng không giúp đỡ hay học tập được gì thì đổi lại đó mới chính là hoang phí thời gian. Khi sinh viên đi thực tập, phần lớn là chưa có lương lại tốn thêm tiền xăng xe nhưng theo mình đó không phải là sự mất mát đáng kể so với những gì việc thực tập đem lại.

     

    Quỳnh Thy sau khi nhận học bổng GES (*) đã khác gì so với Quỳnh Thy trước đây?

    Sau khi nhận được học bổng, bắt đầu ngay từ việc học của mình ở trường cũng khác. Cách mà mình làm bài tập, thuyết trình trước lớp, trả lời câu hỏi của thầy cô đều mang tính khoa học hơn. Mình hiểu được cái mà người nghe luôn muốn nghe chính là kết quả chính xác và cụ thể chứ không phải là những câu trả lời chung chung. Còn đối với làm việc nhóm thì mình đã học được cách lên kế hoạch cụ thể, có dàn ý phân công cho mỗi người, có đề tài chủ đề trong mỗi buổi nên hiệu quả làm việc cũng được cải thiện. Ngoài ra, kỹ năng trình bày, nghiên cứu mình học được từ thực tiễn cũng hỗ trợ rất nhiều cho việc học ở trường. Một vấn đề quan trọng nữa là GES giúp mình định hướng rõ ràng hơn về nghề nghiệp tương lai. Khi đã xác định được mình mong muốn làm trong lĩnh vực gì thì việc học của mình cũng sẽ tập trung và chuyên sâu hơn.

     

    Trong khoảng thời gian đồng hành cùng học bổng GES, tri thức hay phong cách là thứ mà bạn học tập được nhiều hơn?

    Có lẽ mình học được nhiều về phong cách, kỹ năng. Kiến thức học được ở sách vở là một chuyện còn việc áp dụng kiến thức đó thế nào trên thực tế hoàn toàn là dựa vào kỹ năng. Thực tiễn sẽ đan xen và phức tạp hơn nhiều, vì vậy nếu mình nắm chắc kỹ năng hay phương pháp thì hoàn toàn có thể giải quyết tốt. Hơn nữa mình là luật sư trẻ, ít kinh nghiệm nên phải luôn có phong cách thật chủ động, không ngồi một chỗ chờ để có việc. Quan hệ giao tiếp hòa đồng với đồng nghiệp cũng rất quan trọng vì vừa giúp tạo dựng mối quan hệ vừa giải tỏa những áp lực để có một giai đoạn thực tập vui vẻ và thoải mái hơn.

     

    Trường ta đang tưng bừng không khí kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Trường và 85 năm ngày thành lập Đoàn TNCS HCM, bạn có muốn gửi lời chúc gì đến Trường và Đoàn trường nhân hai sự kiện đặc biệt này không?

    Đến thời điểm này mình vẫn luôn tự hào vì là một sinh viên trường Đại học Luật TP. HCM. Nhân dịp này, mình muốn gửi lời tri ân và cảm ơn quý thầy cô vì đã tận tụy giảng dạy biết bao thế hệ sinh viên. Mong các thầy cô sẽ ngày càng gặt hái được nhiều thành công để trường Đại học Luật TP. HCM tiếp tục vững danh là trung tâm đào tạo về pháp luật lớn nhất ở miền Nam và thậm chí là vươn ra toàn quốc và khu vực.

     

    Bạn có mong muốn, kỳ vọng điều gì ở hoạt động của Đoàn trường trong tương lai không?

    Mình chỉ mong muốn rằng hoạt động Đoàn sẽ luôn tăng cường tính thực tế và hiệu quả. Các chương trình được tổ chức chất lượng và đáp ứng nhu cầu thiết thực thì chắc chắn sẽ thu hút nhiều hơn nữa sinh viên tham gia.

     


    (*) Học bổng GES (Globalized Era Scholarship – Học bổng Kỷ Nguyên Hội nhập) là một chương trình học bổng uy tín dành cho các bạn sinh viên năm cuối chuyên ngành luật ở Hà Nội và TP. HCM. Ngoài được hỗ trợ tài chính, những sinh viên tham gia học bổng còn nhận được sự giúp đỡ tích cực của một mạng lưới những văn phòng, công ty luật và luật sư danh tiếng cũng như những cựu GES-ers.

     

     Họ và tên: Lê Trần Quỳnh Thy

     Lớp: CLC 37B

     Chức vụ: Chủ nhiệm CLB Phiên tòa tập sự (nhiệm kỳ 2015 – 2016), Lớp trưởng lớp CLC 37B.

     Thành tích:

     - Học bổng khuyến khích học tập của trường ở tất cả các học kỳ của khóa K37,

     - Học bổng Lawrence S. Ting (2013 – 2014 và 2015 – 2016),

     - Giải ba cuộc thi “Sinh viên Luật lên tòa 2014”,

     - Danh hiệu “Sinh viên giỏi” (năm học 2014 – 2015),

     - Danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” (2015),

     - Học bổng APS (2015),

     - Học bổng GES,

     - TOEIC 890,

     - JLPT: N4, v.v 

     

    BỘ PHẬN NỘI DUNG

    Read More

  • [GƯƠNG MẶT THÁNG 3] CUỘC TRÒ CHUYỆN VỚI TÂN BÍ THƯ ĐOÀN KHOA “LÁ CỜ ĐẦU”

    Làm công tác Đoàn, chúng tôi thấu hiểu những đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ luôn đi cùng với những giọt mồ hôi ướt đẫm của người tiên phong. Có những đêm thức tận ba giờ sáng, có những giờ phút luôn khắc khoải nỗi lo âu… Tất cả đều là vì thành công của những chương trình hoạt động phục vụ, hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên. Nhưng ở con người đó, vẫn luôn nhìn thấy trên môi nụ cười và niềm lạc quan.

    THÔNG TIN
    Đồng chí Ngô Gia Hoàng
    Chức vụ: Bí thư Đoàn khoa Luật Thương mại, Giảng viên môn Luật Đất đai - Khoa Luật Thương mại
    Châm ngôn sống: “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”.
    Sở thích: nghe nhạc, đọc sách, chơi thể thao và đặc biệt là đi du lịch.

     

    - Cơ duyên nào đưa Thầy gắn bó với công tác Đoàn và phong trào thanh niên? 

    Thật ra thì từ khi về trường công tác, mình tập trung vào công việc giảng dạy là chính nên cũng ít có thành tích trong công tác Đoàn. Nhưng thời sinh viên thì mình từng là Ủy viên Ban chấp hành Đoàn khoa Luật Thương mại. Thời sinh viên từng là Cán bộ Đoàn, cũng có kinh nghiệm, cộng với niềm đam mê cũng như nhiều năm gắn bó nên mình thấu hiểu được những khó khăn cũng như là những niềm vui, thú vị trong công tác. Hơn thế nữa khi quay trở lại khoa thì mình cũng là giảng viên trẻ, cũng cố gắng hết sức để xung phong đi đầu và góp sức duy trì thế mạnh của Đoàn khoa Luật Thương mại, xứng đáng là đơn vị giành lá cờ đầu trong phong trào Đoàn - Hội.

    - Cách giữ ngọn lửa nhiệt huyết trong quá trình hoạt động công tác Đoàn của Thầy là gì?

    Thật ra áp lực về cân đối thời gian trong quá trình công tác thì mình đã phải đối mặt trong thời sinh viên khi vừa phải phân phối thời gian học tập mà cũng phải vừa đảm nhận các hoạt động Đoàn nhưng mình đã cân bằng tốt trong mọi việc nên bây giờ cũng có một ít kinh nghiệm trong quá trình phân bố thời gian làm việc. Ngoài ra, mình còn có được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía các Thầy, Cô và đặc biệt là từ gia đình, nhất là vợ mình vẫn luôn ủng hộ mình tham gia công tác. Điều đó khiến mình có động lực trong công việc hơn.

     

      "Một người Cán bộ Đoàn, mình nghĩ trước hết họ phải là một người theo sát và gần gũi với sinh viên."

     

    - Hình tượng một người Cán bộ Đoàn trong mắt Thầy là như thế nào?

    Một người Cán bộ Đoàn, mình nghĩ trước hết họ phải là một người theo sát và gần gũi với sinh viên. Cán bộ Đoàn không phải là người có chức có quyền gì cả mà họ phải là người năng nổ, thật sự đam mê và biết dấn thân vào công việc với mục đích là phục vụ, hỗ trợ hết mình cho sinh viên đặc biệt là trong việc học tập.

    - Thầy có cảm xúc như thế nào khi chính thức đảm nhận cương vị Bí thư Đoàn khoa Luật Thương mại nhiệm kỳ 2017- 2019?

    Cảm xúc đầu tiên khi được đảm nhận vị trí này tất nhiên là cảm thấy tự hào. Cảm giác lúc trước mình từng làm công tác Đoàn thì giờ mình lại tiếp tục giữ cái nghiệp ấy. Nhưng thay vì trước đây mình là Ủy viên Ban chấp hành thì nay đã trở thành người đứng đầu của cả một đơn vị. Vậy nên bên cạnh cảm giác tự hào, sung sướng thì cũng là sự áp lực. Cũng rất dễ hiểu vì nhiệm kỳ qua Đoàn khoa đã làm rất tốt nên bây giờ ở cương vị này thì bản thân phải tiếp tục nỗ lực để duy trì được vị thế của Đoàn khoa Luật Thương mại.

     

    “… vẫn còn là một gương mặt mới, một cương vị lớn rõ ràng khác xa với vị trí một Ủy viên Ban chấp hành trước đây nên đòi hỏi phải có tầm nhìn xa hơn.”

     

    - Thầy có đánh giá gì về những thuận lợi cũng như khó khăn của bản thân Thầy trong vai trò một người Bí thư Đoàn khoa trong nhiệm kỳ mới?

    Về thuận lợi thì như mình đã nói, Đoàn khoa Luật Thương mại đã có một bộ máy đi vào hoạt động rất tốt. Các Ủy viên Ban chấp hành, các cộng tác viên phần đông đã có kinh nghiệm, lại năng động, sáng tạo nên mình có thể nhờ cậy vào đội ngũ đó mà tiếp tục phát huy thế mạnh của Đoàn khoa. Hơn thế nữa, bản thân mình còn có sự giúp đỡ rất nhiều của các Thầy Cô bên Chi ủy khoa. Có thể nói là các Thầy Cô có sự quan tâm rất sát sao đối với công tác Đoàn. Mọi cuộc họp của Đoàn khoa thì các Thầy Cô đều sắp xếp công việc để tham dự. Nên có thể nói đó cũng là động lực thúc đẩy mình phát triển trong công tác.

    Còn khó khăn thì thật lòng mà nói là có một chút áp lực bởi vì nhiệm kỳ trước họ làm rất tốt, bây giờ tới lượt mình, vẫn còn là một gương mặt mới, một cương vị lớn rõ ràng khác xa với vị trí một Ủy viên Ban chấp hành trước đây nên đòi hỏi phải có tầm nhìn xa hơn. Và một số các cán bộ mới từ Đại hội vừa qua cũng còn rất trẻ, tâm lý cũng chưa ổn định nên cần có thời gian để mọi thứ có thể đi vào guồng. Đặc biệt là các bạn K40, mới đây vẫn là cộng tác viên nên bây giờ tâm lý tham gia cũng còn là “cộng tác viên” (cười),chưa ý thức được rằng mình đã là Ủy viên Ban chấp hành, vị trí của mình đã khác nên cũng cần phải tập trung hơn.

    - Thầy đánh giá như thế nào về hoạt động của Đoàn khoa Luật Thương mại trong nhiệm kì vừa qua?

    Như mình đã nói, hoạt động của Đoàn khoa Luật Thương mại nhiệm kỳ vừa rồi rất thành công, minh chứng là danh hiệu Lá cờ đầu trong công tác Đoàn năm học 2015 – 2016 mà Đoàn khoa đã đạt được. Thành công đó là sự đóng góp công sức của tất cả mọi người khi đã tổ chức được những chương trình mang màu sắc riêng của Đoàn khoa Luật Thương mại như cuộc thi “Bóng đá nữ”, chương trình “Bao la tình mẹ”, cuộc thi “Bản lĩnh thương Luật”,… Hơn thế nữa, ai cũng biết, khoa Luật Thương mại là khoa vốn rất mạnh về mảng học tập và nghiên cứu khoa học mà nhiệm kỳ vừa rồi, Đoàn khoa đã có những cải biến để đưa nhiều chương trình học thuật và hoạt động nghiên cứu khoa học đến gần với sinh viên hơn, thu hút được nhiều sự quan tâm và tham gia của sinh viên.

    - Một vài nét về trọng tâm hành động của Thầy ở cương vị mới trong nhiệm kỳ 2017 -2019?

    Về trọng tâm hoạt động thì chắc chắn mình sẽ tiếp tục duy trì và phát huy các thế mạnh, đặc trưng của Đoàn khoa Luật Thương mại. Bên cạnh các thế mạnh về các hoạt động phong trào thì mình sẽ tập trung vào công tác học tập và nghiên cứu khoa học bởi vì đây là điểm đặc trưng nhất của khoa.

    - Thưa Thầy, Đoàn khoa Luật Thương mại có những hoạt động nổi bật nào trong Tháng thanh niên 2017?

    Tháng Thanh niên này, Đoàn khoa có 3 chương trình. Đầu tiên là chương trình “Bao la tình mẹ” - đây là chương tình lớn nhất, công phu nhất; tiếp theo là chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và sau đó là liên kết với câu lạc bộ Tiên phong để tổ chức một buổi tư vấn cho các bạn có nhu cầu kết nạp Đảng. Nhưng hiện nay, chúng mình đang cố gắng hết sức, dồn toàn tâm toàn lực để chuẩn bị cho chương trình “Bao la tình mẹ”.

    Nói đến “Bao la tình mẹ”, đó là một chương trình lớn và như bạn biết năm ngoái đã diễn ra rất thành công. Bạn có thể tưởng tượng, đội ngũ ban tổ chức năm ngoái đã có hai năm kinh nghiệm, mọi công tác tổ chức đã đi vào guồng của nó. Còn bây giờ với chúng mình thì ngoài Đại hội Đoàn khoa vừa rồi thì đây là chương trình lớn đầu tiên nên cũng rất lo lắng. Đây lại là chương trình bán vé, mặc dù việc bán vé chỉ để phục vụ cho việc tổ chức chương trình và cấp học bổng là chủ yếu. Đoàn khoa cũng phải đi liên hệ về vấn đề quyền tác giả, mời ca sĩ thậm chí còn phải bù thêm tiền tổ chức. Hơn thế nữa, mình còn phân công các bạn đi thu thập các confession, các lời góp ý từ các sinh viên về vấn đề tổ chức, về tiền vé để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, những bất cập phát sinh. Ngoài ra, trước đó Đoàn khoa còn tổ chức cuộc thi viết “Người mẹ của tôi”. Ngày hôm qua chấm bài xong tới tận 3 giờ sáng (cười). Lúc đầu thì sợ không có ai viết bài, thậm chí đã tính đến phương án hai sẽ sử dụng các bài viết năm ngoái, nhưng không ngờ thứ 4 chỉ có 30 bài nhưng đến thứ 6 lại có tới tận 100 bài gửi về mail. Một số bài thì sơ sài, nhưng nhiều bài cũng rất chất lượng, đặc biệt có những bài đọc cười ra nước mắt (cười).

     

      “Các bạn sinh viên nói chung và các Cán bộ Đoàn hiện nay nói riêng rất năng động, năng động hơn rất nhiều so với thời của chúng mình.”

     

    - Đánh giá của Thầy về hoạt động Đoàn hiện giờ so với hoạt động Đoàn thời Thầy còn là Ủy viên Ban chấp hành?

    Thay đổi rất nhiều, nhất là đội ngũ cán bộ. Các bạn sinh viên nói chung và các Cán bộ Đoàn hiện nay nói riêng rất năng động, năng động hơn rất nhiều so với thời của chúng mình. Hơn thế nữa, các bạn còn rất trẻ, có rất nhiều ý tướng đột phá trong tư duy khiến cho các chương trình được tổ chức có sự mới mẻ liên tục và chính vì sự đổi mới liên tục như vậy khiến cho hoạt động Đoàn ngày càng phát triển. 

    Còn một sự thay đổi nữa đó chính là về cơ sở vật chất. Nói chung là cơ sở vật chất thời của mình không được đầy đủ như bây giờ, tìm một nơi tổ chức chương trình cũng khó khăn. Như các bạn đã thấy, hiện nay chúng ta có hai cơ sở rất hiện đại, các chương trình hoạt động vì thế cũng thuận lợi hơn trong công tác tổ chức.

    - Cách nhìn nhận của Thầy về vai trò của tổ chức Đoàn đối với sinh viên?

    Như đã biết thì Đoàn thanh niên không chỉ là tổ chức tạo sân chơi cho sinh viên mà còn là tổ chức chính trị - xã hội. Nghĩa là bên việc tổ chức sân chơi cho sinh viên rèn luyện, sinh hoạt lành mạnh và phục vụ công tác học tập thì Đoàn thanh niên còn là tổ chức góp phần định hướng tư tưởng chính trị cho sinh viên. Như vậy, Đoàn vừa là tổ chức chính trị, vừa là tổ chức xã hội. Tổ chức Đoàn là tổ chức gương mẫu, đi đầu trong công tác dẫn dắt, định hướng sinh viên.

     

    “Mục tiêu lớn nhất trong nhiệm kỳ mà mình dẫn dắt đó là cố gắng hết sức để duy trì và giữ vững vị trí lá cờ đầu của Đoàn khoa.”

     

    - Thầy có kỳ vọng gì về Đoàn khoa Luật Thương mại trong nhiệm kỳ mà mình dẫn dắt?

    Mục tiêu lớn nhất trong nhiệm kỳ mà mình dẫn dắt đó là cố gắng hết sức để duy trì và giữ vững vị trí lá cờ đầu của Đoàn khoa. Trong trường hợp mà các Đoàn khoa khác xuất sắc hơn và xứng đáng với vị trí đó hơn thì Đoàn khoa Luật Thương mại sẽ cố gắng hoàn thành xuất sắc nhất các chương trình của mình.

    - Về phía Đoàn trường, Thầy kỳ vọng về Đoàn trường trong nhiệm kỳ mới?

    Mong rằng trong nhiệm kỳ tới, Đoàn trường sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Đoàn khoa, tiếp tục công tác chỉ đạo kịp thời để Đoàn khoa ngày càng phát triển. Và mình cũng mong rằng trong thời gian tới những hoạt động, phong trào mà Đoàn trường triển khai sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm của sinh viên cũng như là các đơn vị cơ sở hơn nữa.

    - Trong không khí chào đón Đại hội Đại biểu Đoàn trường nhiệm kỳ 2017 – 2019, Thầy có lời chúc gì muốn nhắn gửi đến Đại hội Đoàn trường?

    Chúc Đại hội thành công tốt đẹp, chọn lựa được những ứng cử viên hoàn toàn xứng đáng, có khả năng dẫn dắt hoạt động Đoàn nhằm đưa Đoàn trường phát triển đi lên để trở thành Lá cờ đầu trong công tác Đoàn toàn thành phố. Chúc cho Đại hội Đoàn trường diễn ra thuận lợi mà không có bất cứ sự cố gì xảy ra (cười) – đây là lời chúc thiết thực nhất.

    Xin cám ơn Thầy. Chúc Thầy thật nhiều sức khỏe và thành công.

     

    Nội dung và hình ảnh: Ban Truyền thông Đoàn trường

    Read More

  • [GƯƠNG MẶT THÁNG 3] ĐỒNG CHÍ ĐINH HÀ MINH – SÁT CÁNH CÙNG SINH VIÊN BẰNG SỰ THẤU HIỂU VÀ GHI NHẬN

    Cô Đinh Hà Minh – Bí thư Đoàn khoa Luật Hình sự nhiệm kỳ 2017 – 2019 gây ấn tượng mạnh với người đối diện bởi phong thái đĩnh đạc và vô cùng chân thành. Cô luôn mong muốn được sát cánh với sinh viên trong các hoạt động vì lợi ích tập thể, vì cộng đồng cũng như luôn trăn trở làm sao để đưa hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên đến gần hơn với sinh viên. Cùng lắng nghe những chia sẻ về quan niệm sống và quan niệm hoạt động của người nữ Bí thư đầy bản lĩnh này nhé!

     

    THÔNG TIN:

    Đồng chí Đinh Hà Minh

    Chức vụ: Bí thư Đoàn khoa Luật Hình sự, Giảng viên khoa Luật Hình sự

    Châm ngôn sống: Chỉ làm những gì mình thích

    Sở thích: “ăn chơi”

    - Lý do gì khiến một người với tấm bằng Thạc sĩ Luật Thương mại Quốc tế như Cô giờ lại chọn trở thành giảng viên của khoa Luật Hình sự?

    Phải nói đây là một cơ duyên. Ngày xưa khi Cô học cử nhân ở khoa Luật Quốc tế xong thì muốn theo học chương trình liên kết của Trường nhưng chương trình này chỉ đào tạo Thạc sĩ Luật Kinh tế và Thạc sĩ Luật Thương mại Quốc tế. Trước giờ Cô lại không yêu thích lắm về Luật Kinh tế nên chon học ngành còn lại vì không còn sự lựa chọn nào khác. Sau này về Trường, khi được hỏi về niềm đam mê thật sự thì Cô mới nhận ra mình đặc biệt thích khoa Luật Hình sự. Mặc dù điểm các môn Hình sự của Cô không hề cao (cười) nhưng Cô bị thu hút và cuốn theo các tình tiết cũng như thủ đoạn gây án của tội phạm. Thế là Cô được đưa về khoa Luật Hình sự, gắn bó đến thời điểm này là gần 04 năm rồi và giờ đây Cô có thể khẳng định sự lựa chọn của mình là hoàn toàn không sai.

     

    - Cơ duyên nào đã đưa Cô gắn bó với công tác Đoàn và phong trào thanh niên?

    Thực ra cũng chẳng có gì đặc biệt để gọi là cơ duyên đâu, bởi vì để được gắn bó với công tác Đoàn như bây giờ thì Cô cũng phải được sự cất nhắc của Lãnh đạo khoa, bên cạnh đó là sự tín nhiệm của các bạn sinh viên nữa. Khi còn là sinh viên, Cô chưa cảm nhận được sâu sắc về các hoạt động của Đoàn cũng như ý nghĩa mà hoạt động Đoàn mang tới, thấy các bạn hoạt động thì chỉ nghĩ: “Ừ, cũng vui!” Nhưng sau đó lại thấy bản thân mình cũng có nhiều thứ phải lo nên thành ra dần dần Cô cũng không để ý lắm.

    Đến khi bắt đầu giảng dạy và tiếp xúc với sinh viên, Cô mới bắt gặp những hình ảnh có thể coi là khá đối lập. Đó là đa số các bạn sinh viên ngồi nghe giảng trên lớp rất ngoan, đôi lúc có phần hơi thụ động, nhút nhát nhưng khi đến với một môi trường với các hoạt động được tổ chức hoành tráng hay những hoạt động giúp đỡ cộng đồng thì chính các em đó lại rất năng động, các em như trở thành một con người khác vậy. Rồi nhìn thấy hình ảnh các em ướt đẫm mồ hôi dưới trời nắng gắt, chạy ngược xuôi trong mưa, hay thậm chí bị la mà vẫn vui vẻ, vẫn tiếp tục hoạt động, Cô nhận ra, dù đắng cay ngọt bùi, các em vẫn cứ vô tư hồn nhiên mà tận hưởng, trải nghiệm. Cái mà các em hướng tới có lẽ là một thứ lớn lao hơn, vì mục đích tập thể, vì cộng đồng. Lúc đó, Cô có một cảm xúc rất dạt dào và Cô bắt đầu cảm thấy ấn tượng với phong trào Đoàn. Cũng từ đó mà Cô bỗng nhen nhóm ý muốn được sát cánh, được hòa nhâp được vào bầu không khí đó.

     

    - Trong quá trình hoạt động, có kỉ niệm nào mà Cô cảm thấy nhớ nhất không?

    Theo quan niệm của bản thân, Cô nghĩ một kỉ niệm đáng nhớ trong thời gian hoạt động thì đó chắc hẳn sẽ là một sự kiện, hay có thể nói là “sự cố” thì sẽ thuyết phục hơn. Vì chỉ khi có gì đó nằm ngoài tầm kiểm soát của mình thì mình sẽ nhớ nhất đúng không? (cười) Nhưng Cô lại chưa được gặp một sự cố nào lớn lao cả. Có lẽ tới thời điểm này, chương trình cô nhớ nhất chính là “Tri ân thầy cô” do Khoa Luật Hình sự tổ chức trong hai năm vừa qua. Mặc dù không có kinh phí nhưng các bạn sinh viên đã tự đóng góp lại, rồi tự trang trí, tự gấp hạc giấy suốt mấy ngày, mấy đêm liền. Đứng ở tư cách là một người làm nghề giáo, Cô đã vô cùng bất ngờ và cảm động. Qua đây, Cô chỉ muốn nói rằng, có thể đôi lúc các em nghĩ Thầy Cô sẽ không hiểu nhưng thực sự Thầy Cô luôn thấu hiểu và ghi nhận sự đóng góp của các em. Cũng vì vậy cho nên đến thời điểm này phong trào Đoàn vẫn rất được ưu ái, được quan tâm. Và Cô tin đó chính là nhờ một phần công sức của các bạn làm Đoàn.

     

    “Để là một Cán bộ Đoàn phải có hai đức tính, đó là sự dũng cảm và tinh thần trách nhiệm."

     

    - Hình tượng một người Cán bộ Đoàn trong mắt Cô là như thế nào?

    Theo quan điểm cá nhân thì Cô nghĩ rằng một Cán bộ Đoàn phải có hai đức tính, đó là sự dũng cảm và tinh thần trách nhiệm. Dũng cảm là để mình dám dấn thân, dám thử thách, dám tiên phong, vượt qua được những khó khăn. Còn tinh thần trách nhiệm là để cho sự tiên phong, sự dấn thân của mình không trở nên “phá hoại” (cười) và sự đóng góp của mình mới trở nên có ích.

     

    “… chỉ cần nhìn các bạn sinh viên hớn hở trong một giây phút đó thôi thì những mệt nhọc hay những bực bội trước đó cũng tự nhiên tiêu tan đi.”

     

    - Trong quá trình hoạt động, Cô nghĩ điều gì đã giúp cho bản thân luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết?

    Cái giữ được cho Cô ngọn lửa nhiệt huyết cũng chính là điều thuận lợi lớn nhất của Cô hiện giờ. Đó chính là sự hỗ trợ từ phía Lãnh đạo khoa, các Thầy Cô rất bận, nhưng không ngần ngại hỗ trợ và luôn chủ động quan tâm thấu đáo, kịp thời làm Cô cảm thấy được an ủi rất nhiều. Bên cạnh đó, sinh viên khoa Luật Hình sự nói chung, đặc biệt là các bạn trong Ban Chấp hành nói riêng - những bạn trực tiếp sát cánh với Cô trong công việc Đoàn - cũng là một nguồn cổ vũ rất lớn. Cô vui khi các bạn cảm thấy hài lòng với thành quả của mình. Và khi các bạn buồn vì các bạn làm chưa tốt, Cô lại cảm thấy mình cần có trách nhiệm để dẫn dắt cho các lứa đàn em không gặp phải những lỗi lầm tương tự nữa. Thực sự, khi những chương trình của Đoàn khoa Luật Hình sự được tổ chức thành công, chỉ cần nhìn các bạn sinh viên hớn hở trong một giây phút đó thôi thì những mệt nhọc hay những bực bội trước đó cũng tự nhiên tiêu tan đi. Đó chính là những điều giúp Cô giữ được sự nhiệt huyết trong quá trình làm việc của mình.

     

    - Cô có cảm xúc như thế nào khi chính thức đảm nhận cương vị Bí thư Đoàn khoa Luật Hình sự nhiệm kỳ 2017 - 2019?

    Phải nói là khi nghe kết quả bầu chọn thì Cô vừa xúc động vừa tự hào. Xúc động vì cuối cùng mình cũng được tham gia vào công việc mà mình vốn nghĩ là đẹp và có ý nghĩa, được sát cánh với các em trong các hoạt động vì lợi ích tập thể, vì cộng đồng. Còn tự hào là bởi vì Cô đã được Lãnh đạo khoa tin tưởng giao trọng trách dẫn dắt các em, và hơn nữa Cô được chính các em bầu chọn với một tỉ lệ cũng khá cao.

     

    - Cô nhận định thế nào về những thách thức cũng như thuận lợi của bản thân mình ở cương vị là Bí thư Đoàn khoa trong nhiệm kì mới này?

    Thách thức thì có lẽ rất nhiều và thách thức lớn nhất trước mắt là Cô không hề có kinh nghiệm thực tiễn gì về công tác Đoàn cả. Thật sự khi nói đến hoạt động Đoàn của cấp khoa, cấp trường, Cô nhận thấy quy mô tổ chức rất lớn, rất bài bản và chuyên nghiệp. Các em cũng rất giỏi, đôi khi Cô cảm thấy hổ thẹn về năng lực Đoàn của mình. Vậy nên Cô phải học hỏi từ đồng nghiệp và cả từ chính các em. Nhưng cơ hội thì cũng rất to lớn. Cô có được sự hậu thuẫn rất tích cực từ Lãnh đạo khoa, các Giảng viên trong khoa Luật Hình sự cũng như một Ban Chấp hành khá năng động, chân thành và có chí cầu tiến cũng như một lực lượng cộng tác viên đông đảo cùng các thành viên của các Câu lạc bộ - đội – nhóm. Tất cả các bạn đều rất nhiệt tình, sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ Cô không quản ngại nắng mưa. Cô cho rằng đây mới là yếu tố quyết định, còn những thách thức chủ yếu là do bản thân mình thôi và Cô nghĩ mình sẽ vượt qua được.

     

    - Cô có đánh giá gì về hoạt động của Đoàn khoa Luật Hình sự trong nhiệm kỳ vừa qua?

    Hoạt động của Đoàn khoa Luật Hình sự trong nhiệm kỳ vừa rồi có nhiều tiến bộ, mặc dù Đoàn khoa vốn không phải là một Đoàn khoa mạnh và đi đầu trong các hoạt động Đoàn. Nhưng với những nỗ lực Cô được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm trong thời gian vừa qua thì sự cố gắng của tất cả mọi người đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Dù vẫn còn những mặt hạn chế về yếu tố con người và năng lực nhưng mọi người cũng đang trên đà hoàn thiện dần dần. Bản thân Cô khi tiếp nhận công tác của nhiệm kỳ mới, Cô cảm thấy có nhiều hứa hẹn và Cô tin rằng Đoàn khoa sẽ ngày càng phát triển hơn.

     

    - Theo Cô, đâu là thế mạnh và đặc trưng của Đoàn khoa Luật Hình sự?

    Thực ra Cô không nghĩ rằng thế mạnh của khoa Luật Hình sự thì chỉ có khoa Luật Hình sự mới có nhưng để xác định được những thế mạnh mà mình có thể dựa vào đó làm chiến lược phát triển thì Cô nghĩ rằng sinh viên khoa Luật Hình sự có sự đoàn kết, chân thành và tinh thần cầu tiến. Tinh thần đoàn kết sẽ gắn kết yêu thương, vì việc của mình có thể liên đới đến tập thể nên mình làm cái gì cũng sẽ có sự cân nhắc. Còn đối với sự chân thành, khi làm việc xuất phát từ tình cảm, sự chân thành đó sẽ làm toát lên ý nghĩa của các hoạt động cũng như bản chất của công tác Đoàn. Sự cầu tiến thì làm cho mình giảm cái tôi xuống để đối mặt với những gì chưa tốt, hoàn thiện bản thân ngày càng phát triển hơn.

     

    “Đoàn khoa có thể không phải là nơi giải đáp mọi khúc mắc cho sinh viên nhưng Cô hy vọng nó sẽ là nơi thực sự đáng tin cậy cho các bạn.”

     

    - Với tư cách của một người Bí thư, Cô đã xác định cho mình những trọng tâm hành động gì trong nhiệm kỳ mới?

    Phải thừa nhận rằng sinh viên khoa Luật Hình sự khá thụ động, bản thân các bạn cũng hơi khép kín, có thể là do đặc tính của từng chuyên ngành. Cho nên, các bạn ít tham gia vào những hoạt động mang tính chất xã hội. Vì vậy, Cô sẽ định hướng để xây dựng những chương trình gần gũi và phù hợp với đặc tính của sinh viên khoa Luật Hình sự để các bạn thấy nó nằm trong khả năng của mình và dễ dàng tham gia. Đồng thời khi tham gia các bạn cũng phải cảm thấy thật sự vui vẻ, bổ ích, thiết thực cho bản thân. Bên cạnh đó, Đoàn khoa có thể không phải là nơi giải đáp mọi khúc mắc cho sinh viên nhưng Cô hy vọng nó sẽ là nơi thực sự đáng tin cậy cho các bạn.

    “Cô không muốn một nỗi buồn nào vương lại, và muốn các bạn sống đúng nghĩa là một Cán bộ Đoàn, đúng nghĩa với hoạt động của thanh niên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.”

     

    - Cô có kì vọng gì về Đoàn khoa Luật Hình sự trong nhiệm kỳ mà mình dẫn dắt?

    Đứng ở cương vị Bí thư Đoàn khoa Luật Hình sự, Cô kì vọng hoàn thành tốt vai trò là cầu nối cho sinh viên khoa Luật Hình sự với phong trào thanh niên cũng như tạo được một sân chơi đúng nghĩa để cho sinh viên khoa Luật Hình sự thỏa sức tham gia, thỏa sức bộc lộ cá tính của bản thân mình, làm cho sinh viên thấy phong trào Đoàn thực sự có ý nghĩa.

    Còn đứng ở cương vị một người chị đối với những người em của mình. Cô mong muốn Ban chấp hành cũng như những cộng tác viên trong nhiệm kỳ mới sẽ làm việc hết sức mình, thật sự nhiệt tình và cảm thấy hài lòng với công việc. Cô muốn rằng sau một quãng thời gian cống hiến, các bạn cảm thấy mình đã có một khoảng thời gian thật bổ ích. Cô không muốn một nỗi buồn nào vương lại, và muốn các bạn sống đúng nghĩa là một Cán bộ Đoàn, đúng nghĩa với hoạt động của thanh niên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

     

    - Vậy về phía Đoàn trường ĐH Luật TP. HCM, Cô có kì vọng gì về Đoàn trường trong nhiệm kỳ 2017 – 2019?

    Thật ra Cô không dám nói là kì vọng đâu, vì từ trước đến giờ trong mắt Cô, Đoàn trường đã thể hiện tốt vai trò là đàn anh, là “cây cao bóng cả”, thực sự là lãnh đạo sáng suốt và tận tụy. Cô chỉ hy vọng qua nhiệm kỳ mới, Đoàn trường vẫn sẽ tiếp tục thể hiện được vai trò của mình để các Đoàn khoa có thể phát huy hết năng lực và chung quy lại tất cả đều hướng về lợi ích của sinh viên.

     

    - Trong không khí chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn trường nhiệm kỳ 2017 – 2019, Cô có lời chúc nào muốn nhắn gửi tới Đại hội không?

    Đối với Đại hội Đoàn trường, Cô muốn nhắn gửi rằng Đoàn khoa Luật Hình sự sẽ phụng sự Đoàn trường theo tiêu chí tận tâm và tận lực. Kính chúc Đại hội Đoàn trường nhiệm kỳ 2017 – 2019 diễn ra thành công tốt đẹp.

    Xin cảm ơn Cô. Chúc Cô thật nhiều sức khỏe và thành công.

     

    Nội dung và hình ảnh: Ban Truyền thông Đoàn trường

     

     

     

    Read More

  • [GƯƠNG MẶT THÁNG 3] NGƯỜI BÍ THƯ ĐOÀN CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ĐẶC BIỆT – HOẠT ĐỘNG ĐOÀN PHẢI SONG HÀNH VỚI NIỀM YÊU THÍCH VÀ MỘT CÁI TÂM TRONG SÁNG

    Là một người đã tham gia công tác Đoàn và phong trào thanh niên từ những ngày còn trẻ, Bí thư Đoàn các Chương trình Đào tạo Đặc biệt nhiệm kì 2017 – 2019 – Thầy Nguyễn Trung Dương với quan niệm sống hết mình, sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng trải nghiệm, Thầy đã có những chia sẻ thú vị về quá trình hoạt động của mình trong suốt thời gian qua cũng như chặng đường phía trước.

    THÔNG TIN

    Đồng chí Nguyễn Trung Dương

    Chức vụ: Bí thư Đoàn các Chương trình Đào tạo Đặc biệt, Giảng viên khoa Luật Thương mại

    Châm ngôn sống: “Sống thì phải hết mình”

    Sở thích: đọc sách, đọc văn, nghe nhạc, nấu ăn

     

    - Cơ duyên nào đã đưa Thầy gắn bó với công tác Đoàn và phong trào thanh niên?

    Mình bắt đầu tham gia công tác Đoàn và phong trào thanh niên là vào năm 2012. Lúc ấy, chị Chủ tịch Hội Sinh viên trường đã động viên mình tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh”. Sau khi trở về từ “Mùa hè xanh”, suy nghĩ của mình về mọi thứ xung quanh đều thay đổi, kể cả về công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Trước thời điểm đó, mình tham gia công tác Đoàn rất tùy hứng, chưa thật sự nghiêm túc. Nhưng về sau, mình đã có một cái nhìn rất khác, có lẽ là nghiêm túc hơn về việc tham gia phong trào Đoàn.

     

    “Tâm huyết sẽ là thứ cuối cùng giữ chân các bạn trong suốt cuộc hành trình.”

     

    - Trong suốt quá trình hoạt động, điều gì giúp Thầy luôn giữ cho mình ngọn lửa nhiệt huyết?

    Tham gia công tác Đoàn trước hết phải là vì niềm yêu thích, vì tâm huyết mà không vì mục đích nào khác. Khi mình đã sẵn sàng nhận công việc nào đó thì phải thực sự bỏ công bỏ sức ngay cả vì những việc nhỏ nhất. Tâm huyết sẽ là thứ cuối cùng giữ chân các bạn trong suốt cuộc hành trình.

     

    “Khi bạn là sinh viên mà không tham gia bất kỳ hoạt động nào trong trường thì xem như bạn đã mất đi một nửa tuổi trẻ.”

     

    - Có nhận xét rằng các bạn sinh viên bây giờ ngày càng ít mặn mà hơn với công tác Đoàn, Thầy có suy nghĩ gì về điều này?

    Mỗi người sẽ có những quan điểm sống khác nhau, có người thích tham gia, có người lại không thích cũng vì những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Nhưng theo quan niệm của mình, khi bạn là sinh viên mà không tham gia bất kỳ hoạt động nào trong trường thì xem như bạn đã mất đi một nửa tuổi trẻ.

    - Thầy có thể chia sẻ về cảm xúc của mình khi vừa chính thức đảm nhận chức vụ Bí thư Đoàn các Chương trình Đào tạo Đặc biệt trong nhiệm kỳ 2017 – 2019?

    Đầu tiên mình hơi bất ngờ, sau đó mình cảm thấy vui. Nhưng xen lẫn với đó là sự áp lực bởi vì công việc giảng dạy thuộc chuyên ngành của mình cũng khá vất vả, lại bận rộn với nhiều thứ khác trong cuộc sống. Bên cạnh đó, khi nhận một công việc thì đi theo đó luôn là trách nhiệm nên ít nhiều gì mình cũng cảm thấy khá áp lực. Tuy nhiên, mình sẽ cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ và không làm phụ lòng những ai đã tin tưởng giao cho mình trọng trách này.

     

    “Người khác làm được thì mình cũng làm được.”

     

    - Thầy có nhận định thế nào về những thuận lợi và thách thức của bản thân ở cương vị mới?

    Với một người tham gia công tác Đoàn từ trước như mình, luôn làm việc trong tâm thế sẵn sàng dấn thân, mình xem đó như một ưu điểm cho chính bản thân mình. Còn về thách thức, mình cảm thấy khá khó khăn trong việc phân bổ thời gian để vừa làm việc, vừa tham gia công tác Đoàn. Luôn tâm niệm: “Người khác làm được thì mình cũng làm được” chính là động lực giúp mình vượt qua những trở ngại trong quá trình làm việc.

     

    “… khi bạn tham gia công tác Đoàn vì một cái tâm trong sáng thì tự khắc những điều mình làm sẽ được ghi nhận.”

     

    - Hình tượng một người Cán bộ Đoàn trong mắt Thầy là như thế nào?

    Mình thấy người Cán bộ Đoàn trước hết phải có tâm. Bởi lẽ, mặc dù tham gia công tác Đoàn là không ai bắt buộc mình cả, mình thích thì mình tham gia, nhưng khi đã tham gia rồi thì phải hết mình, phải có tâm với nó. Mình cho rằng khi bạn tham gia công tác Đoàn vì một cái tâm trong sáng thì tự khắc những điều mình làm sẽ được ghi nhận.

    - Thầy có đánh giá gì về hoạt động của Đoàn khoa trong thời gian vừa qua?

    Nhìn chung, những nhiệm kỳ trước đã khắc phục được phần nào những hạn chế của Đoàn khoa và các hoạt động đã đi vào nề nếp. Tuy nhiên, mình cảm nhận vẫn chưa phát huy hết khả năng của các bạn trong Ban Chấp hành nói riêng và các bạn trong Đoàn khoa nói chung.

    - Với tư cách một người Bí thư, Thầy đã xác định cho mình những trọng tâm hành động gì trong nhiệm kỳ mới này?

    Đối với mình, điều quan trọng nhất là tạo ra sự đoàn kết trong nội bộ Ban Chấp hành. Các bạn sinh viên trong các Chương trình Đào tạo Đặc biệt đều là những người rất tài năng nhưng khó làm việc chung với nhau vì sự cá tính cũng như cái tôi của các bạn. Vì vậy, mình sẽ cố gắng làm cho các bạn hiểu nhau hơn, làm việc chung tốt hơn. Song song với quá trình dung hòa, mình sẽ nỗ lực đưa Đoàn khoa đi vào nề nếp, ổn định, làm việc trơn tru và mượt mà hơn. Đó là mong muốn của mình trong nhiệm kỳ sắp tới.

    - Đâu là nét đặc trưng và thế mạnh của Đoàn các Chương trình Đào tạo Đặc biệt? Trong thời gian tới, Thầy cũng như Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới đã có những định hướng gì để phát huy những đặc trưng và thế mạnh đó?

    Đội ngũ Ban Chấp hành trẻ và nhiệt huyết là một trong những thế mạnh của Đoàn khoa. Ngoài ra, những bạn trong Đoàn Các chương trình Đào tạo Đặc biệt có ưu thế về ngoại ngữ nên rất thuận lợi trong các chương trình về mảng này. Tuy nhiên, lịch học của các bạn lại rất dày nên thời gian tham gia các chương trình cũng sẽ ít lại, không sôi nổi bằng các Đoàn khoa khác.

    Với những thế mạnh cũng như những hạn chế nêu trên, mình đã đề ra vài phương hướng, kế hoạch cho nhiệm kỳ sắp tới. Mình sẽ thực hiện những định hướng này trong các chương trình ngay vào tháng sau. Mình hy vọng các chương trình đó sẽ là dấu ấn khởi đầu cho nhiệm kỳ của mình. Về việc khắc phục những hạn chế thì mình cũng đang cố gắng tạo mối liên hệ với các bạn trong các chi đoàn, đặc biệt là các bạn sinh viên K41.

    - Thầy có những kỳ vọng gì về Đoàn các Chương trình Đào tạo Đặc biệt trong nhiệm kỳ mà mình dẫn dắt?

    Mục tiêu đầu tiên của mình là cố gắng tạo ra những dấu ấn tốt đẹp nhất để các bạn Đoàn viên có thể ghi nhận những chương trình của Đoàn các Chương trình Đào tạo Đặc biệt trong nhiệm kỳ này. Bên cạnh đó, mình hy vọng Đoàn khoa sẽ thăng hạng trong bảng xếp hạng các Đoàn khoa và trong tương lai có thể giành được lá cờ đầu trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở Trường.

    - Thầy có kỳ vọng gì về Đoàn trường Đại học Luật TP. HCM trong nhiệm kỳ mới?

    Mình hy vọng Đoàn trường trong nhiệm kỳ mới sẽ là tập hợp của những người thật sự tâm huyết với công tác Đoàn, có năng lực cũng như tố chất. Và mình cũng hy vọng các công tác sau này của Đoàn trường triển khai xuống nên có một khoảng thời gian nhất định, hợp lý để các Đoàn khoa chuẩn bị tốt hơn.

    - Trong không khí chào đón Đại hội Đại biểu Đoàn trường nhiệm kỳ 2017 – 2019, Thầy có lời chúc gì nhắn gửi tới Đại hội?

    Chúc cho Đại hội sẽ sáng suốt, công minh để chọn ra những người xứng đáng, những người thật sự tâm huyết, có năng lực trong công tác Đoàn để Ban Chấp hành  trong nhiệm kỳ mới sẽ càng làm tốt hơn công việc của mình.

    Xin cảm ơn Thầy. Chúc Thầy nhiều sức khỏe và thành công.

     

    Nội dung và hình ảnh: Ban Truyền thông Đoàn trường

      

     

     

    Read More

  • [GƯƠNG MẶT THÁNG 3] NGƯỜI BÍ THƯ ĐOÀN KHOA LUẬT DÂN SỰ VÀ QUAN NIỆM SỐNG “THUYỀN ĐẾN ĐẦU CẦU ẮT SẼ THẲNG”

    Từ cái duyên gặp gỡ và gắn bó với công tác Đoàn như thể gặp phải “tiếng sét ái tình”, nên một người nghĩ mình không phù hợp đến cuối cùng lại có thể vì công tác mà lăn xả trên mọi mặt trận. Dù áp lực, mệt mỏi, thế nhưng ở vị trí là người đứng đầu, bản thân luôn tự nhủ là phải mạnh mẽ để làm điểm tựa tinh thần cho Ban chấp hành và các cộng tác viên, giữ cho mình được sự lạc quan và tìm niềm vui từ chính công tác Đoàn, đó là những gì Thầy đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục trên cương vị của một người Bí thư.

    THÔNG TIN:

    Đồng chí Huỳnh Quang Thuận

    Chức vụ: Bí thư Đoàn khoa Luật Dân sự, Giảng viên môn Luật Tố tụng Dân sự - Khoa Luật Dân sự.

    Châm ngôn sống: “Thuyền đến đầu cầu ắt sẽ thẳng”

    Sở thích: Đọc sách, đọc truyện, ca hát,… 

    - “Thuyền đến đầu cầu ắt sẽ thẳng” – Câu châm ngôn sống này có ý nghĩa gì thưa Thầy?

    Đây là một trong những câu mà hồi nhỏ xem phim, nghe được và bản thân mình rất thích! Hình như là phim Mạnh Lệ Quân, cũng lâu lắm rồi. Ý nghĩa của nó chính là mọi chuyện rồi cũng có cách giải quyết!

     

    “Đi cùng với nó, giống như là việc chúng ta… gặp tiếng sét ái tình vậy đó!”

     

    - Trước đây lúc học cấp 3 hay Đại học, Thầy có tham gia công tác Đoàn không? Cơ duyên nào đã đưa Thầy đến với công tác Đoàn như hiện tại?

    Hồi Đại học mình cũng có tham gia nhưng chỉ ở lớp thôi, cũng từng giữ chức vụ Phó Bí thư chi Đoàn. Hoạt động phong trào hồi đó cũng khá hạn chế, không được nhiều như bây giờ. Mỗi khoa chỉ có một chương trình trong năm, còn chủ yếu vẫn là các chi Đoàn tự tổ chức sinh hoạt với nhau, đi tình nguyện hay đi chơi nhỏ nhỏ trong thành phố.

    Nói về cơ duyên, thật ra mình là sinh viên xuất thân từ khoa Thương Mại, chứ không phải Dân sự. Sau khi về trường thì mới được phân vào đây. Tính ra thì hoạt động trong khoa cũng không được bao lâu, vậy nên cơ duyên đến với Đoàn khoa Luật Dân sự thực chất là “dòng đời xô đẩy”. Chính xác ban đầu là tham gia theo sự chỉ đạo của cấp trên nhưng mà càng ngày khi đã đi cùng với nó rồi, thì giống như là việc chúng ta... gặp tiếng sét ái tình vậy đó! Bởi vì lượng công việc vốn đã rất nhiều, nay lại gánh vác thêm lượng công việc của Đoàn khoa nữa, quỹ thời gian đã ít nay còn ít hơn. Cảm giác ban đầu là không tự nguyện lắm đâu, tuy nhiên khi tham gia thì mình lại nhận được rất nhiều tình cảm và có lẽ là cũng từ những tình cảm đó mà có thể gắn kết được như vậy. Tham gia công tác cùng Đoàn khoa lần đầu tiên là vào năm 2014 và đã đi cùng nhau được tới giờ rồi, từ lúc chưa có chức danh gì đến lúc trở thành Bí thư như bây giờ.

    - Gắn bó nhiều là vậy, Thầy có thể chia sẻ một vài kỉ niệm đáng nhớ trong lúc tham gia hoạt động ở Đoàn khoa không?

    Kỉ niệm đáng nhớ thì nhiều lắm! Ngoài việc “lăn lộn” cùng các bạn trong những ngày chương trình diễn ra thì còn “lăn lộn, lầy lội” hậu chương trình nữa. Đã cùng các bạn trải qua những giây phút rất vui vẻ, nhiều lúc là ăn ngủ ngay tại sân khấu để chuẩn bị chương trình cùng nhau. Chương trình mà khiến mình nhớ và có nhiều kỉ niệm nhất từ đó tới giờ chính là “Đấu trí dân Luật 2016”. Bên cạnh “Ngày hát đôi” thì đây là chương trình truyền thống của Đoàn khoa mà mình nằm trong Ban tổ chức, cùng kề vai sát cánh và sâu sát với các bạn trong mọi vấn đề. Từ kinh phí, kỹ thuật, âm thanh... gần như đều gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với phương châm là “Thuyền đến đầu cầu ắt sẽ thẳng”, khó cỡ nào rồi cũng được giải quyết. Điều làm mình quý và nhớ nhất chính là những con người làm nên chương trình đó. Sau khi “Đấu trí dân Luật 2016” diễn ra thì Ban chấp hành cũng có một buổi họp mặt, liên hoan nho nhỏ. Đây cũng là chương trình cuối cùng mà đội ngũ Ban chấp hành cũ, có thể gọi là “F2” - đời thứ hai của nhiệm kì 2014 – 2017 tham gia tổ chức. Đang liên hoan thì các bạn ôm nhau khóc, ôm cả mình khóc quá trời, bao nhiêu cảm xúc tuôn trào ra hết. Bởi là chương trình cuối, mà cũng gặp rất nhiều khó khăn, bao nhiêu tâm huyết mình bỏ ra lại cảm thấy chương trình chưa thành công, chưa tương xứng với công sức mình nên mọi người lúc đó không kìm nén được. Rất trân trọng những tình cảm đó.

    - Qua những trải nghiệm của bản thân thì trong mắt Thầy, hình ảnh người Cán bộ Đoàn hiện lên như thế nào?

    Hình ảnh người Cán bộ Đoàn với mình thì đơn giản lắm! Quan trọng nhất về người Cán bộ Đoàn khi mình nghĩ đến đó chính là cái tâm - là cái tâm đối với hoạt động Đoàn. Còn về năng lực, trình độ, về những kỹ năng khác thì chúng ta có thể tập luyện, nâng cao qua thời gian được. Nhưng riêng với cái tâm thì chỉ có thể bắt nguồn từ chính bản thân mỗi người thôi.

    - Thầy có cảm xúc gì khi chính thức đảm nhiệm vị trí Bí thư Đoàn khoa Luật Dân sự nhiệm kỳ mới?

    Bất ngờ thì không bất ngờ rồi! Vui thì có chứ, hãnh diện vì giờ mình ở vị trí cũng gọi là to to, quản lý cũng đông đông... nên cũng tự hào! (cười) Bên cạnh đó thì cảm giác phải đối diện với mệt mỏi cũng nhiều lên vì bản thân mình giờ phải có trách nhiệm hơn với vị trí hiện tại. Lúc trước, tham gia đơn giản với tư cách hỗ trợ các bạn thôi, nhưng giờ thì mình đã là đầu tàu rồi, trở thành chỗ dựa của Ban chấp hành, của cộng tác viên. Nói chung là cảm xúc đan xen lẫn lộn, và chỉ biết cố gắng hết sức cho nhiệm kỳ tới thôi!

    - Thầy đánh giá sao về đội ngũ Ban chấp hành hiện tại - những gương mặt sẽ gắn bó mật thiết với mình trong thời gian hoạt động sắp tới?

    Đội ngũ Ban chấp hành của mình hiện tại chỉ toàn năm nhất, năm hai thôi, rất trẻ so với mặt bằng chung giữa các Đoàn khoa. Thật sự các bạn cũng còn mới nên chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, các bạn luôn cho thấy được sự cố gắng của mình để hỗ trợ công tác của Đoàn khoa cũng như chủ động học hỏi. Dù còn nhiều thiếu sót và chưa hoàn thiện, nhưng điều này tương lai có thể thay đổi được, không ai có thể vừa mới bước vào đã giỏi liền được mà! Chỉ cần nỗ lực hết sức là tốt rồi, kết quả ra sao tùy vào quan điểm của mỗi người. Nhiều khi làm chương trình đến 1, 2 giờ sáng rồi còn phải đi học, làm những công việc khác, rồi trong quá trình làm gặp nhiều khó khăn, đôi khi các bạn cũng than thở là “Thầy ơi em mệt quá!”. Nhưng mình là đầu tàu mà, mình phải lắng nghe và cố gắng dung hòa làm sao cho các bạn giữ được trạng thái và tinh thần tốt nhất có thể để tiếp tục làm việc.

    - Thầy nhận định như thế nào về thách thức cũng như cơ hội của Đoàn khoa Luật Dân sự trong nhiệm kỳ mới?

    Thách thức và khó khăn đầu tiên, cũng là lớn nhất có lẽ là đội ngũ Ban chấp hành còn quá trẻ, kỹ năng cũng như khả năng để thực hiện công việc chưa bằng những anh chị đi trước. Nhưng đó cũng là một thuận lợi, vì trẻ nên các bạn cho thấy rất rõ nhiệt huyết của mình. Điều đó cũng phần nào bù đắp được để giải quyết những khó khăn ban đầu từng chút một. Cái gì cũng phải đương đầu thì mới tìm được cách giải quyết, chứ chỉ ngồi để nói thì cũng không biết sắp tới sẽ có những khó khăn gì và mình có cách để xoay sở hay không.

     

    “…là làm vì sự tự nguyện, làm để tìm nguồn vui cho bản thân mình.”

     

    - Còn về bản thân, Thầy có nhận định gì về những cơ hội cũng như thách thức mà mình phải đảm đương khi ở cương vị mới này?

    Thuận lợi với mình cho tới thời điểm hiện tại thì là một đội ngũ Ban chấp hành rất đoàn kết và yêu thương nhau. Phương châm trong nhiệm kỳ mà mình muốn hướng tới đó là làm vì sự tự nguyện, làm để tìm nguồn vui cho bản thân mình. Nhìn thấy các bạn nhiệt huyết, năng nổ như vậy, cảm thấy rất yên tâm và có niềm tin. Còn về thách thức thì như đã chia sẻ, khó khăn sắp tới còn rất nhiều mà kinh nghiệm thì ít, trong giai đoạn chuyển giao này cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Các bạn Ban chấp hành mới năm nhất, năm hai cũng chưa thể quản lý được các anh chị năm ba, năm tư nên vẫn còn nhiều bất cập. Nhưng đã nói rồi, khó khăn thì mình giải quyết từ từ, không vấn đề gì hết!

    - Thầy có định hướng gì về hoạt động sắp tới của Đoàn khoa, góp phần giải quyết những thách thức nói trên của Đoàn khoa cũng như của bản thân?

    Trước mắt, sau Đại hội, mình cũng có những cuộc họp riêng với Ban chấp hành, định hướng cho mỗi bạn đều đảm nhận một vai trò riêng trong những mảng hoạt động của Đoàn khoa. Từ đó, các bạn sẽ tự trau dồi kinh nghiệm cho mình bằng cách chủ động học hỏi kinh nghiệm từ các ban, bộ phận của Đoàn trường, của các anh chị đi trước, tổ chức giao lưu giữa các thế hệ cũ - mới để truyền đạt kinh nghiệm hoạt động cho nhau... Nhưng để tiến bộ nhiều nhất thì các bạn phải làm! Đoàn khoa sẽ cố gắng tổ chức các chương trình từ nhỏ đến lớn, để các bạn tự thân vận động, xoay sở rồi rút kinh nghiệm dần.

    Còn về các chương trình thì bên cạnh “Ngày hát đôi” “Đấu trí dân Luật” là những chương trình truyền thống thì Đoàn khoa sẽ cố gắng tổ chức thêm các chương trình về thể thao, học thuật, những cuộc thi viết bài, thi ảnh trong nội bộ Đoàn khoa,... Còn cụ thể như thế nào thì Ban chấp hành vẫn đang trong quá trình xây dựng ý tưởng.

     

    “Phải là người mạnh mẽ nhất trong Ban chấp hành, bởi vì mình là người đứng đầu.”

     

    - Tham gia tổ chức nhiều chương trình hoạt động như vậy có khiến Thầy cảm thấy mệt mỏi hay áp lực? Làm thế nào để Thầy giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với công tác Đoàn?

    Áp lực thì chắc chắn là có rồi! Không những áp lực về thời gian thực hiện các chương trình, mà còn áp lực từ phía Đoàn trường, lãnh đạo cấp trên khi phải báo cáo tình hình hoạt động và còn nhiều mặt, vấn đề khác nữa. Nhưng đối với mình, hoạt động áp lực thì áp lực, mà vui thì cũng vui lắm, mình lấy cái vui mình bù cho cái áp lực vậy thôi.

    Còn về giữ lửa trong hoạt động Đoàn, thật ra mình không thích dùng từ lửa lắm, bởi lửa cháy rồi nó sẽ tàn. Mình làm Đoàn thứ nhất là vì trách nhiệm, thứ hai là mình tìm nguồn vui từ những việc mình làm. Trách nhiệm thì một khi đã ở vị trí đó rồi, mình không thể nào rũ bỏ được. Những khi mệt mỏi, nản chí, các bạn trong Ban chấp hành, các cộng tác viên chính là người tiếp tinh thần và động lực cho mình. Nhìn mấy đứa nhỏ cứ chạy lăng xăng, tất bật lo chuyện này chuyện kia, cũng bỏ nhiều thời gian, lo lắng chạy cho kịp tiến độ, điều đó làm cho mình cảm giác mình phải là người mạnh mẽ nhất trong Ban chấp hành, bởi vì mình là người đứng đầu. Đó là điều thúc đẩy mình lúc nào cũng phải cố gắng thể hiện tất cả nhiệt huyết ra, phải tỏ ra là mình không mệt, mình thật mạnh mẽ.

     

    “Giữ vững truyền thống - Tạo dựng dấu ấn của Ban chấp hành mới - Gắn kết với các chi Đoàn!”

     

    - Với tư cách là một người Bí thư, Thầy đã xác định cho mình những trọng tâm hành động gì trong nhiệm kỳ mới?

    Mục tiêu trong nhiệm kì tới của mình đầu tiên là phải giữ vững được những chương trình truyền thống của Đoàn khoa - những chương trình đã làm nên thương hiệu và là tâm huyết của người đi trước để lại. Bên cạnh đó, cố gắng tạo ra những chương trình mới. Năm nay thì tạm thời chưa nhưng năm sau sẽ cố gắng tạo dựng những chương trình mang dấu ấn của Ban chấp hành nhiệm kỳ này. Đó chỉ là suy nghĩ đang nung nấu thôi, còn để thực hiện thì cần thời gian mới có thể hoàn thiện được. Đồng thời, cố gắng tạo sự gắn kết giữa Ban chấp hành với các chi Đoàn bằng cách khảo sát mong muốn của các bạn. Các bạn kỳ vọng điều gì ở Ban chấp hành thì sẽ cố gắng tổ chức các chương trình phù hợp cho các bạn.

    - Thầy có những kỳ vọng gì về Đoàn trường ĐH Luật TP. HCM trong nhiệm kỳ 2017 - 2019?

    Những kỳ vọng về phía Đoàn trường thì nhiều lắm, bao la luôn! Hy vọng trong nhiệm kỳ mới Đoàn trường sẽ tiếp tục hỗ trợ và hỗ trợ nhiều hơn nữa các chương trình, hoạt động của Đoàn khoa. Bởi vì Đoàn cơ sở có hoạt động tốt thì Đoàn trường mới vững mạnh được.

    - Trong không khí chào đón Đại hội Đại biểu Đoàn trường nhiệm kỳ 2017 – 2019, Thầy có lời chúc gì muốn nhắn gửi tới Đại hội?

    Lời chúc duy nhất mình muốn nhắn gửi đó là chúc Đại hội diễn ra thành công tốt đẹp. Chúc Đại hội sẽ chọn ra được những gương mặt Ban chấp hành sáng giá, có tâm, có tầm để dẫn dắt phong trào, hoạt động của Đoàn trường đi lên, có sức ảnh hưởng nhiều hơn với Thành Đoàn, sánh vai với các trường bạn. Đoàn khoa cũng sẽ cố gắng hỗ trợ Đoàn trường trong các công tác, giúp Đại hội diễn ra thành công tốt đẹp!

    Xin cám ơn Thầy và chúc Thầy thật nhiều sức khỏe và thành công.  

     

    Nội dung và hình ảnh: Ban Truyền thông Đoàn trường

    Read More

  • [GƯƠNG MẶT THÁNG 3] NGƯỜI BÍ THƯ ĐOÀN KHOA QUẢN TRỊ - ĐẰNG SAU THÁCH THỨC LÀ NIỀM TIN VÀ NHỮNG HOÀI BÃO LỚN

    Bí thư Đoàn khoa Quản trị - Thầy Nguyễn Minh Đạt tâm niệm rằng: Khi bạn sống trong tâm thế ngày mai như là một sự kết thúc, thì bạn sẽ cố gắng dồn hết tất cả sức trẻ và năng lượng cho hiện tại. Chúng tôi, cũng như Thầy trông đợi vào một nhiệm kỳ mới của Đoàn khoa Quản trị với những con người sống hết mình như vậy, cho những câu chuyện truyền cảm hứng tiếp theo, cho những bước tiến không ngừng.

    THÔNG TIN:

    Đồng chí Nguyễn Minh Đạt

    Chức vụ: Bí thư Đoàn khoa Quản trị, Giảng viên Khoa Quản trị

    Châm ngôn sống: “Sống như thể ngày mai là tận thế”

    Sở thích: ăn uống, đi dạo…

     

    - Cơ duyên nào đã đưa Thầy gắn bó với công tác Đoàn và phong trào thanh niên? 

    Nếu nói về quá trình hoạt động Đoàn thì Thầy cũng công tác chưa nhiều. Bởi vì khi vừa đủ tuổi Đoàn thì Thầy đã đi du học và cũng mới về trường công tác được một năm rưỡi nay. Đối với Thầy, đến với công tác Đoàn là một cái duyên. Thầy vào Đoàn khá trễ và trước đây chỉ công tác ở Đoàn phường, mà đúng hơn là tham gia hỗ trợ tổ chức một số chương trình thôi. Khi nhận công tác Đoàn ở trường ta, Thầy vừa cảm thấy thích thú vừa hình thành một nỗi lo. Người mới thì sẽ kế thừa rồi phát triển, tự hỏi không biết khi mình kế thừa rồi thì có phát triển được không (cười), nhất là sau khi nhìn Thầy Tín đã làm rất tốt trong nhiệm kỳ trước.

    - Thầy có thể chia sẻ về cảm xúc của mình khi vừa chính thức đảm nhận chức vụ Bí thư Đoàn khoa Quản trị nhiệm kỳ 2017 – 2019?

    Cảm xúc của Thầy là một sự pha trộn giữa vui, lo lắng, háo hức và… sợ hãi. Tuy nhiên, khi nhìn thấy nhân sự của Ban chấp hành mới thì Thầy cũng khá an tâm. Các bạn là những con người mới nhưng các bạn cho Thầy thấy được sự nhiệt huyết và các bạn chịu nhận công việc. Còn sợ là sợ chúng nó quá mệt, lo cho chúng nó không theo nỗi quá trình hoạt động.

     

    “Người Cán bộ Đoàn không cần quá nghiêm túc mà phải biết linh hoạt, sâu sát. Bởi vì, Cán bộ Đoàn làm việc với chính các bạn sinh viên, là những người trẻ, nên cần phải có tinh thần học hỏi, chứ không áp đặt.”

     

    - Hình tượng một người Cán bộ Đoàn trong mắt Thầy là như thế nào?

    Về hình tượng của một người Cán bộ Đoàn, sau khi tiếp xúc nhiều, Thầy cho rằng người Cán bộ Đoàn không cần quá nghiêm túc mà phải biết linh hoạt, sâu sát. Bởi vì Cán bộ Đoàn làm việc với chính các bạn sinh viên, là những người trẻ, nên cần phải có tinh thần học hỏi, chứ không áp đặt. Không những thế, các bạn phải có sự trao đổi kiến thức với nhau và cố gắng hòa hợp. Nếu như Thầy có thể dạy cho các bạn được gì, các bạn cũng có thể chia sẻ cho Thầy những điều mà Thầy chưa biết. 

     

    “… những quyết định của các bạn phải là những quyết định thật quyết đoán, không hối hận dù kết quả có như thế nào.”

     

    - Vậy theo Thầy, đâu là những phẩm chất cần có của người Cán bộ Đoàn?

    Yêu cầu đầu tiên của một người Cán bộ Đoàn là phải có tư tưởng chính trị vững vàng và xác định rõ đúng - sai trong mọi sự việc. Đặc biệt, Thầy cho rằng những quyết định của các bạn phải là những quyết định thật quyết đoán, không hối hận dù kết quả có như thế nào. Thay vì rút kinh nghiệm và sửa sai, các bạn lại hối hận, trách móc nhau về những điều mà mình đã làm thì sẽ không bao giờ tiến bộ được. Các bạn sai thì lấy nó như kinh nghiệm và các bạn sửa.

    - Thầy có nhận định thế nào về những thuận lợi và thách thức của bản thân ở cương vị mới?

    Thuận lợi của Thầy là có những bạn theo sau rất năng động, mỗi bạn có những ưu điểm riêng. Tuy Ban chấp hành còn rất mới nhưng các bạn luôn chịu học hỏi và sẵn sàng đảm nhận công việc bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, so với các Thầy Cô khác, Thầy tương đối trẻ và sự trẻ đó cũng là một thuận lợi cho Thầy. Là một người làm kinh tế và lại đi du học nữa, Thầy rất thoải mái và không áp đặt đối với các bạn trong Ban chấp hành. Khi tổ chức các chương trình, Thầy không đè nặng tâm lý là các bạn phải làm thành công 100%. Đôi lúc sẽ có những sai sót, vấp váp nhưng mọi người sẽ cùng nhau ngồi lại rút kinh nghiệm và sửa sai cho các chương trình sau.

    Nói về thách thức, trẻ cũng là một trong những khó khăn lớn cho Thầy khi Thầy không có nhiều kinh nghiệm trong công tác Đoàn. Bên cạnh đó, vì là một người thích tự do, tất nhiên là tự do trong khuôn khổ (cười) nên Thầy gặp đôi chút khó khăn trong công việc hành chính, giấy tờ. Hay để đứng trước một Đại hội để phát biểu, mặc dù khi nhìn xuống Thầy biết rõ những người bạn tham dự cũng chỉ là những sinh viên của mình nhưng không khí Đại hội lại làm Thầy thấy hơi bị khớp, bị sượng. Tính Thầy lại không muốn chuẩn bị gì trước hết, tâm thế phải thật thoải mái. Đó là cùng vì mình chưa có quen và đó là một khó khăn mà Thầy phải sớm khắc phục. 

     

    “Điều đầu tiên phải là sự tin tưởng vào Ban chấp hành của mình, phải tin tưởng là mọi người làm được.”

     

    - Trong suốt quá trình hoạt động, điều gì giúp Thầy luôn giữ cho mình ngọn lửa nhiệt huyết?

    Điều đầu tiên phải là sự tin tưởng vào Ban chấp hành của mình, phải tin tưởng là mọi người làm được. Nếu có thất bại thì mình cũng không dè bỉu, đổ lỗi cho nhau mà phải ngồi lại với nhau để rút kinh nghiệm, để giữ được động lực mà làm tiếp. Các bạn trong Ban chấp hành cũng một phần giúp Thầy giữ được nhiệt huyết. Thầy rất thích những người trẻ bởi vì họ rất năng động. Giờ mình 24, 25 tuổi cũng xem là già rồi (cười). Ban chấp hành của Thầy luôn rất hào hứng, có tâm lý rất vững trước các ý kiến trái chiều, khiến Thầy thật sự an tâm.

    - Theo Thầy, đâu là nét đặc trưng và thế mạnh của Đoàn khoa Quản trị? 

    Một đội ngũ nhân sự rất năng động và rất nhiệt tình là một thế mạnh của Đoàn khoa Quản trị. Không những thế, các bạn làm việc với nhau luôn có sự gắn bó chặt chẽ và đầy tình cảm trong công việc. 

    - Với tư cách một người Bí thư, Thầy đã xác định cho mình những trọng tâm hành động gì trong nhiệm kỳ mới?

    Về bản thân, Thầy sẽ cố gắng sâu sát hơn và nắm bắt được tâm lý của các bạn sinh viên nhiều hơn. Về việc tổ chức các chương trình, đối với những chương trình điểm của Đoàn khoa, được Đoàn trường đặt hàng cho Đoàn khoa thì mình sẽ làm một cách bài bản và định hướng cố gắng tổ chức cấp liên trường. Tổ chức với quy mô lớn như vậy để chứng minh rằng mình tuy nhỏ nhưng mà có võ (cười). Và thật ra, đây chính là cơ hội tốt để sinh viên trường mình học tập và cọ sát với các trường bạn. Như cuộc thi “Phong cách cán bộ Đoàn” năm nay tổ chức cấp liên trường cũng xuất phát từ ý tưởng của “Nhà quản trị tương lai” đã từng rất thành công. Từ cuộc thi này mới thấy các bạn làm Đoàn ở trường khác có những sáng tạo rất hay, dù cho đất diễn có lẽ là chưa đủ. Chúng ta học được rất nhiều từ ý tưởng sáng tạo hay cách các bạn làm việc. Thầy quan niệm rằng chúng ta cứ chơi chung với nhau thì như ở trong ao làng, rốt cuộc lại không hiểu được bên ngoài có gì. Dấu ấn trong nhiệm kỳ này hiện tại là “Phong cách cán bộ Đoàn”. Ngoài ra, còn có chương trình về khởi nghiệp đang được lên ý tưởng, với mong muốn giúp các bạn có thể nhận thức rõ hơn về khởi nghiệp, khởi nghiệp khác gì so với lập nghiệp. Cuối cùng, bởi vì mọi hoạt động đều cần đến kinh phí nên cũng cần phải chú ý điều chỉnh sao cho hợp lý. 

     

    “Đối với những chương trình có quy mô lớn, Thầy kỳ vọng sẽ để lại được tiếng vang, không chỉ trong trường mà còn vang xa hơn nữa.”

     

    - Thầy có những kỳ vọng gì về Đoàn khoa trong nhiệm kỳ mà mình dẫn dắt?

    Thầy mong muốn các bạn trong Ban chấp hành luôn cân đối về tài chính trong việc tổ chức chương trình. Đối với những chương trình có quy mô lớn, Thầy kỳ vọng sẽ để lại được tiếng vang, không chỉ trong trường mà còn vang xa hơn nữa. Bên cạnh đó, cũng mong muốn các bạn có thể cọ xát nhiều hơn với các trường khác để tiếp thu thêm những cái mới, cái hay. Điều cuối cùng, Thầy hy vọng các bạn hãy đóng góp nhiều ý kiến, nhiều ý tưởng sáng tạo hơn nữa giúp cho các chương trình ngày càng hay hơn, hấp dẫn hơn.

    - Thầy có những kỳ vọng gì về Đoàn trường Đại học Luật TP. HCM trong nhiệm kỳ mới?

    Thầy mong đội ngũ nhân sự mới của Đoàn trường nhận nhiệm vụ sau Đại hội sẽ năng động và luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết đối với công tác. Bên cạnh đó, mong Đoàn trường có thể chủ động sắp xếp các kế hoạch hợp lý hơn, thông tin sớm hơn để các Đoàn khoa dễ dàng truyền tải và thực hiện tốt hơn.

    - Trong không khí chào đón Đại hội Đại biểu Đoàn trường nhiệm kỳ 2017 – 2019, Thầy có lời chúc gì muốn nhắn gửi tới Đại hội?

    Thầy chỉ muốn chúc rất ngắn gọn, chúc cho Đại hội diễn ra thành công tốt đẹp và sẽ bầu ra được những con người sáng giá nhất dẫn dắt Đoàn trường trong nhiệm kỳ mới.

    Xin cám ơn Thầy. Chúc Thầy thật nhiều sức khỏe và thành công.

     

    Nội dung và hình ảnh: Ban Truyền thông Đoàn trường

    Read More

  • [GƯƠNG MẶT THÁNG 3] THẦY VÕ TẤN ĐÀO – DÁM DẤN THÂN ĐỂ SỐNG HẾT MÌNH VỚI TUỔI TRẺ

    Tự nhận mình là một người không có nhiều kinh nghiệm trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, Thầy Võ Tấn Đào – Bí thư Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước nhiệm kì 2017 – 2019 vẫn mang trong mình một tinh thần dám dấn thân, dám thử thách, không ngại khó khăn khi bắt đầu với cương vị mới này. Mong muốn tổ chức được các hoạt động thực sự ý nghĩa và thiết thực cho sinh viên, Thầy luôn cố gắng dung hòa giữa công việc giảng dạy và công tác Đoàn, để có thể sát cánh với sinh viên của mình trong mọi chương trình, hoạt động.

    THÔNG TIN

    Đồng chí Võ Tấn Đào

    Chức vụ: Bí thư Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Giảng viên khoa Luật Hành chính – Nhà nước.

    Châm ngôn sống: Sống thành thực.

    Sở thích: Đọc sách và được ăn ngon

    - Cơ duyên nào đã đưa Thầy gắn bó với công tác Đoàn và phong trào thanh niên?

    Thực ra, trước đây Thầy không tham gia hoạt động Đoàn nhiều. Khi lên Đại học, Thầy có duyên trở thành lớp trưởng của lớp HC35.1. Thời gian đầu lớp trưởng sẽ nắm luôn công tác của Bí thư nên với cương vị đó, Thầy cũng có nhiều cơ hội để tiếp xúc với công tác Đoàn. Nhưng phải chia sẻ thật lòng là Thầy chỉ làm được khoảng một năm rưỡi thì không làm nữa vì Thầy thấy rằng mình không thể điều hòa được giữa công tác Đoàn, công việc của lớp và việc học của Thầy. Khi Thầy về làm Giảng viên của khoa Luật Hành chính – Nhà nước, cơ duyên thế nào lại được các thầy cô Lãnh đạo khoa đề xuất vào vị trí dẫn dắt Đoàn khoa nhiệm kỳ này. Lúc đó, Thầy chỉ nghĩ rằng mình còn trẻ thì cứ dấn thân làm, mình cứ thử, làm được tới đâu hay tới đó và đã nhận lời.

    - Trong quá trình hoạt động Thầy có những kỉ niệm nào đáng nhớ?

    Như đã chia sẻ thì Thầy không hoạt động Đoàn nhiều, các hoạt động của Thầy chủ yếu là hỗ trợ đồng chí Bí thư và gắn liền với lớp. Thời gian đáng nhớ nhất là khi còn hoạt động ở Đoàn khoa, Thầy hay bị gọi đi múa (cười). Cho đến hiện tại khi Thầy lên làm Bí thư rồi, anh Nguyên Phó Bí thư Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước ngày xưa tập múa cho Thầy giờ vẫn hỗ trợ Thầy, vẫn là biên đạo chính cho Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước.

    - Điều gì giúp thầy gắn bó và giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với công tác Đoàn?

    Khác với một số Thầy Cô trước đây đã từng làm công tác Đoàn rồi, đã có sự nhiệt huyết nhất định, Thầy chưa hoạt động nhiều nên điều giúp thầy giữ được lửa nhiệt huyết là khi mình tổ chức các chương trình mà nhận được những phản hồi tốt từ sinh viên, mình thấy chương trình đó có ý nghĩa và thiết thực.

    - Hình tượng của một người Cán bộ Đoàn trong mắt Thầy là như thế nào?

    Thầy thấy để là một người Cán bộ Đoàn thì người đó phải thật sự giỏi. Vì ngày xưa Thầy không thể dung hòa được mọi công việc, nên Thầy rất tin tưởng và ngưỡng mộ những hình mẫu người Cán bộ Đoàn. Những bạn đã dám dấn thân vào hoạt động Đoàn là những người có nhiều kinh nghiệm cũng như rất nhiệt huyết. Họ dung hòa được việc học, việc hoạt động Đoàn và đôi khi còn cả việc yêu đương nữa (cười).

    - Thầy có thể chia sẻ về cảm xúc của mình khi vừa chính thức đảm nhận chức vụ Bí thư Đoàn khoa trong nhiệm kỳ 2017 – 2019?

    Cảm xúc thì phức tạp lắm, nhưng cảm xúc bao trùm nhất là áp lực. Vì Thầy rút khỏi công tác Đoàn rất sớm nên không có nhiều kinh nghiệm cũng như hơi thiếu khả năng ăn nói. Hơn nữa, đây là một công việc cần nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và chưa kể là còn có sự kỳ vọng từ phía Lãnh đạo khoa. Có thể mình trẻ, mình nhiệt huyết, nhưng để lãnh đạo cả một tập thể lớn như vậy thì không phải là dễ dàng. Cũng vì mình còn trẻ nên lời nói của mình có ít trọng lượng. Tuy nhiên, đan xen với đó còn là niềm vui, vui vì nhận được sự tín nhiệm của các Thầy Cô, các đồng nghiệp và cả các bạn sinh viên nữa.

    - Thầy có nhận định thế nào về những thuận lợi và thách thức của bản thân ở cương vị mới?

    Về thuận lợi, Thầy nghĩ rằng mình còn trẻ thì sẽ sẵn sàng dấn thân, dễ hòa nhập với các bạn. Ngoài ra, Thầy còn có sức mạnh tập thể. Các Thầy Cô trong khoa Luật Hành chính – Nhà nước có truyền thống rất ủng hộ công tác Đoàn, luôn tâm niệm rằng công tác Đoàn gắn liền với công tác của Khoa, nên khi gặp khó khăn Thầy luôn nhận được sự hỗ trợ của các Thầy Cô cũng như Ban Chấp hành.

    Còn về khó khăn, như Thầy đã nói, Thầy không có nhiều kinh nghiệm về hoạt động Đoàn trong khi Ban Chấp hành hiện tại đã rất dày dặn kinh nghiệm nên đôi khi ý kiến, quyết định của Thầy các bạn sẽ không đồng ý. Vì vậy, Thầy luôn cố gắng lắng nghe để dung hòa giữa ý kiến của hai bên. Hơn nữa, Thầy là một giảng viên trẻ, nên với yêu cầu anh văn của Nhà trường, rồi viết luận văn Thạc sĩ, hoàn thành giáo án giảng dạy nên khoảng thời gian này, việc sắp xếp giữa hai công việc cũng là một khó khăn của Thầy.

     

    “Nhiệm vụ trước mắt là làm sao nối tiếp được truyền thống đó, tiếp tục phát huy những điều mà người đi trước đã làm được.”

     

    - Thầy có đánh giá gì về hoạt động của Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước trong thời gian vừa qua?

    Ngày xưa Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước là một Đoàn khoa rất thành công, có thể xuất phát từ nhiều yếu tố như con người, thời điểm,… nên đã tổ chức được nhiều hoạt động gắn với sinh viên, mang đậm dấu ấn của Đoàn khoa. Do đó, nhiệm vụ của Thầy trước mắt là làm sao nối tiếp được truyền thống đó, tiếp tục phát huy những điều mà người đi trước đã làm được.

     - Trong Tháng Thanh niên vừa qua, Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước đã tổ chức những chương trình nổi bật nào?

    Ngoài Đại hội Đoàn khoa, Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước đã tái khởi động chương trình “Ngày hội đổi sách”. Theo cảm nhận của Thầy, chương trình này rất thiết thực cho sinh viên và đã diễn ra khá thành công. Thầy rất vui vì chương trình được các bạn sinh viên đón nhận.

    - Đâu là nét đặc trưng và thế mạnh của Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước? Trong thời gian tới, Thầy cũng như Ban Chấp hành mới đã có những định hướng gì để phát huy những đặc trưng và thế mạnh đó?

    Theo quan điểm của Thầy, sinh viên khoa Luật Hành chính – Nhà nước thường định hướng vào làm trong cơ quan Nhà nước nên các chương trình học thuật thường tập trung gắn liền với bộ máy Nhà nước như “Nếu tôi là Đại biểu của dân”, “Tọa đàm phát triển Đảng”,… Đây là những chương trình mang nhiều màu sắc chính trị, cũng chính là nét đặc thù của khoa Luật Hành chính – Nhà nước.

    Trong thời gian tới, Thầy sẽ cố gắng tạo nên những chương trình mang tính gắn liền hỗ trợ lập thân, lập nghiệp hơn, với nhu cầu của sinh viên hơn chẳng hạn như một chương trình tạo cơ hội cho sinh viên đến các cơ quan Nhà nước để thực tập một thời gian. Nhưng đó mới chỉ là ý tưởng thôi, Thầy vẫn đang suy nghĩ thêm, vì việc liên hệ trực tiếp các cơ quan Nhà nước để thực tập rồi báo cáo kết quả thực sự cần một thời gian chuẩn bị tương đối dài.

    - Với tư cách một người Bí thư, Thầy đã xác định cho mình những trọng tâm hành động gì trong nhiệm kỳ mới này?

    Ở tư cách một người lãnh đạo, theo quan điểm của Thầy, hiện nay công tác Đoàn đôi lúc hơi dàn trải, dẫn đến thực trạng sinh viên tham gia không chỉ vì yêu thích, mà còn vì điểm rèn luyện. Cho nên, Thầy muốn Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước sẽ không tổ chức quá nhiều chương trình mà chỉ tổ chức những chương trình thật sự thành công, gắn liền với lợi ích, quyền lợi của sinh viên và mang màu sắc riêng của Đoàn khoa, ghi được dấu ấn trong lòng sinh viên.

    - Thầy có đánh giá gì về đội ngũ Ban Chấp hành sẽ hỗ trợ Thầy trong nhiệm kỳ mới này?

    Thầy còn trẻ lại là một người mới nên đôi khi sẽ có những vấn đề Thầy và các bạn không đồng tình. Nhưng tổng hòa chung, Thầy thấy Ban Chấp hành hiện nay cũng khá đoàn kết và làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay bên cạnh công tác Đoàn thì nhiều các bạn cũng rất bận với công việc học tập nên Thầy rất thông cảm với các bạn. Theo quan niệm của riêng bản thân Thầy, Thầy luôn đồng ý cho những bạn năm ba được rút. Còn bạn nào vẫn tâm huyết và dung hòa được thì vẫn có thể tiếp tục.

    Trong nhiệm kỳ này, Thầy sẽ cố gắng để các buổi họp của Ban Chấp hành diễn ra một cách hiệu quả hơn vì có một thực trạng là mỗi khi vắng mặt Bí thư các bạn lại có xu hướng hơi lơ là, công việc giải quyết không được triệt để. Thầy muốn một khi đã tập trung cho công việc thì các bạn phải làm hết sức.

     

    “Thầy hi vọng khi Thầy lên làm Bí thư, các chương trình của Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước sẽ được mọi người nhớ đến.”

     

    - Thầy có những kỳ vọng gì về Đoàn khoa trong nhiệm kỳ mà mình dẫn dắt?

    Thầy hy vọng Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước sẽ có một dấu ấn riêng và tiếp tục phát huy được truyền thống của những người tiền nhiệm đi trước. Ngoài ra, Thầy hy vọng khi Thầy làm Bí thư các chương trình của Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước sẽ được mọi người nhớ đến. Thầy còn trẻ, Thầy sẽ cố gắng hết mình, tối thiểu nhất là để sinh viên khoa Luật Hành chính – Nhà nước biết đến các chương trình của Đoàn khoa cũng như Bí thư Đoàn khoa mình là ai (cười).

    - Thầy có kỳ vọng gì về Đoàn trường Đại học Luật TP. HCM trong nhiệm kỳ mới?

    Thầy tin tưởng rằng trong tương lai hoặc trong thời gian gần, Đoàn trường sẽ tiếp bước truyền thống từ trước tới nay vì Đoàn trường mình vốn đã rất mạnh. Đồng thời, Thầy hy vọng Đoàn trường mỗi thời kỳ sẽ có một màu sắc riêng, sẽ khởi sắc và sẽ phát triển hơn nữa.

    - Trong không khí chào đón Đại hội Đại biểu Đoàn trường nhiệm kỳ 2017 – 2019, Thầy có lời chúc gì muốn nhắn gửi tới Đại hội?

    Thầy chúc Đại hội sẽ diễn ra thành công tốt đẹp. Điều quan trọng nhất là lựa chọn được những con người có thể dẫn dắt các Đoàn cơ sở để Đoàn trường thực sự vững mạnh và phát triển.

    Xin cảm ơn Thầy. Chúc Thầy thật nhiều sức khỏe và thành công.

     

    Nội dung và hình ảnh: Ban Truyền thông Đoàn trường

    Read More

Tags