Tự nhận mình là một người không có nhiều kinh nghiệm trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, Thầy Võ Tấn Đào – Bí thư Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước nhiệm kì 2017 – 2019 vẫn mang trong mình một tinh thần dám dấn thân, dám thử thách, không ngại khó khăn khi bắt đầu với cương vị mới này. Mong muốn tổ chức được các hoạt động thực sự ý nghĩa và thiết thực cho sinh viên, Thầy luôn cố gắng dung hòa giữa công việc giảng dạy và công tác Đoàn, để có thể sát cánh với sinh viên của mình trong mọi chương trình, hoạt động.

THÔNG TIN

Đồng chí Võ Tấn Đào

Chức vụ: Bí thư Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Giảng viên khoa Luật Hành chính – Nhà nước.

Châm ngôn sống: Sống thành thực.

Sở thích: Đọc sách và được ăn ngon

- Cơ duyên nào đã đưa Thầy gắn bó với công tác Đoàn và phong trào thanh niên?

Thực ra, trước đây Thầy không tham gia hoạt động Đoàn nhiều. Khi lên Đại học, Thầy có duyên trở thành lớp trưởng của lớp HC35.1. Thời gian đầu lớp trưởng sẽ nắm luôn công tác của Bí thư nên với cương vị đó, Thầy cũng có nhiều cơ hội để tiếp xúc với công tác Đoàn. Nhưng phải chia sẻ thật lòng là Thầy chỉ làm được khoảng một năm rưỡi thì không làm nữa vì Thầy thấy rằng mình không thể điều hòa được giữa công tác Đoàn, công việc của lớp và việc học của Thầy. Khi Thầy về làm Giảng viên của khoa Luật Hành chính – Nhà nước, cơ duyên thế nào lại được các thầy cô Lãnh đạo khoa đề xuất vào vị trí dẫn dắt Đoàn khoa nhiệm kỳ này. Lúc đó, Thầy chỉ nghĩ rằng mình còn trẻ thì cứ dấn thân làm, mình cứ thử, làm được tới đâu hay tới đó và đã nhận lời.

- Trong quá trình hoạt động Thầy có những kỉ niệm nào đáng nhớ?

Như đã chia sẻ thì Thầy không hoạt động Đoàn nhiều, các hoạt động của Thầy chủ yếu là hỗ trợ đồng chí Bí thư và gắn liền với lớp. Thời gian đáng nhớ nhất là khi còn hoạt động ở Đoàn khoa, Thầy hay bị gọi đi múa (cười). Cho đến hiện tại khi Thầy lên làm Bí thư rồi, anh Nguyên Phó Bí thư Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước ngày xưa tập múa cho Thầy giờ vẫn hỗ trợ Thầy, vẫn là biên đạo chính cho Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước.

- Điều gì giúp thầy gắn bó và giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với công tác Đoàn?

Khác với một số Thầy Cô trước đây đã từng làm công tác Đoàn rồi, đã có sự nhiệt huyết nhất định, Thầy chưa hoạt động nhiều nên điều giúp thầy giữ được lửa nhiệt huyết là khi mình tổ chức các chương trình mà nhận được những phản hồi tốt từ sinh viên, mình thấy chương trình đó có ý nghĩa và thiết thực.

- Hình tượng của một người Cán bộ Đoàn trong mắt Thầy là như thế nào?

Thầy thấy để là một người Cán bộ Đoàn thì người đó phải thật sự giỏi. Vì ngày xưa Thầy không thể dung hòa được mọi công việc, nên Thầy rất tin tưởng và ngưỡng mộ những hình mẫu người Cán bộ Đoàn. Những bạn đã dám dấn thân vào hoạt động Đoàn là những người có nhiều kinh nghiệm cũng như rất nhiệt huyết. Họ dung hòa được việc học, việc hoạt động Đoàn và đôi khi còn cả việc yêu đương nữa (cười).

- Thầy có thể chia sẻ về cảm xúc của mình khi vừa chính thức đảm nhận chức vụ Bí thư Đoàn khoa trong nhiệm kỳ 2017 – 2019?

Cảm xúc thì phức tạp lắm, nhưng cảm xúc bao trùm nhất là áp lực. Vì Thầy rút khỏi công tác Đoàn rất sớm nên không có nhiều kinh nghiệm cũng như hơi thiếu khả năng ăn nói. Hơn nữa, đây là một công việc cần nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và chưa kể là còn có sự kỳ vọng từ phía Lãnh đạo khoa. Có thể mình trẻ, mình nhiệt huyết, nhưng để lãnh đạo cả một tập thể lớn như vậy thì không phải là dễ dàng. Cũng vì mình còn trẻ nên lời nói của mình có ít trọng lượng. Tuy nhiên, đan xen với đó còn là niềm vui, vui vì nhận được sự tín nhiệm của các Thầy Cô, các đồng nghiệp và cả các bạn sinh viên nữa.

- Thầy có nhận định thế nào về những thuận lợi và thách thức của bản thân ở cương vị mới?

Về thuận lợi, Thầy nghĩ rằng mình còn trẻ thì sẽ sẵn sàng dấn thân, dễ hòa nhập với các bạn. Ngoài ra, Thầy còn có sức mạnh tập thể. Các Thầy Cô trong khoa Luật Hành chính – Nhà nước có truyền thống rất ủng hộ công tác Đoàn, luôn tâm niệm rằng công tác Đoàn gắn liền với công tác của Khoa, nên khi gặp khó khăn Thầy luôn nhận được sự hỗ trợ của các Thầy Cô cũng như Ban Chấp hành.

Còn về khó khăn, như Thầy đã nói, Thầy không có nhiều kinh nghiệm về hoạt động Đoàn trong khi Ban Chấp hành hiện tại đã rất dày dặn kinh nghiệm nên đôi khi ý kiến, quyết định của Thầy các bạn sẽ không đồng ý. Vì vậy, Thầy luôn cố gắng lắng nghe để dung hòa giữa ý kiến của hai bên. Hơn nữa, Thầy là một giảng viên trẻ, nên với yêu cầu anh văn của Nhà trường, rồi viết luận văn Thạc sĩ, hoàn thành giáo án giảng dạy nên khoảng thời gian này, việc sắp xếp giữa hai công việc cũng là một khó khăn của Thầy.

 

“Nhiệm vụ trước mắt là làm sao nối tiếp được truyền thống đó, tiếp tục phát huy những điều mà người đi trước đã làm được.”

 

- Thầy có đánh giá gì về hoạt động của Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước trong thời gian vừa qua?

Ngày xưa Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước là một Đoàn khoa rất thành công, có thể xuất phát từ nhiều yếu tố như con người, thời điểm,… nên đã tổ chức được nhiều hoạt động gắn với sinh viên, mang đậm dấu ấn của Đoàn khoa. Do đó, nhiệm vụ của Thầy trước mắt là làm sao nối tiếp được truyền thống đó, tiếp tục phát huy những điều mà người đi trước đã làm được.

 - Trong Tháng Thanh niên vừa qua, Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước đã tổ chức những chương trình nổi bật nào?

Ngoài Đại hội Đoàn khoa, Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước đã tái khởi động chương trình “Ngày hội đổi sách”. Theo cảm nhận của Thầy, chương trình này rất thiết thực cho sinh viên và đã diễn ra khá thành công. Thầy rất vui vì chương trình được các bạn sinh viên đón nhận.

- Đâu là nét đặc trưng và thế mạnh của Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước? Trong thời gian tới, Thầy cũng như Ban Chấp hành mới đã có những định hướng gì để phát huy những đặc trưng và thế mạnh đó?

Theo quan điểm của Thầy, sinh viên khoa Luật Hành chính – Nhà nước thường định hướng vào làm trong cơ quan Nhà nước nên các chương trình học thuật thường tập trung gắn liền với bộ máy Nhà nước như “Nếu tôi là Đại biểu của dân”, “Tọa đàm phát triển Đảng”,… Đây là những chương trình mang nhiều màu sắc chính trị, cũng chính là nét đặc thù của khoa Luật Hành chính – Nhà nước.

Trong thời gian tới, Thầy sẽ cố gắng tạo nên những chương trình mang tính gắn liền hỗ trợ lập thân, lập nghiệp hơn, với nhu cầu của sinh viên hơn chẳng hạn như một chương trình tạo cơ hội cho sinh viên đến các cơ quan Nhà nước để thực tập một thời gian. Nhưng đó mới chỉ là ý tưởng thôi, Thầy vẫn đang suy nghĩ thêm, vì việc liên hệ trực tiếp các cơ quan Nhà nước để thực tập rồi báo cáo kết quả thực sự cần một thời gian chuẩn bị tương đối dài.

- Với tư cách một người Bí thư, Thầy đã xác định cho mình những trọng tâm hành động gì trong nhiệm kỳ mới này?

Ở tư cách một người lãnh đạo, theo quan điểm của Thầy, hiện nay công tác Đoàn đôi lúc hơi dàn trải, dẫn đến thực trạng sinh viên tham gia không chỉ vì yêu thích, mà còn vì điểm rèn luyện. Cho nên, Thầy muốn Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước sẽ không tổ chức quá nhiều chương trình mà chỉ tổ chức những chương trình thật sự thành công, gắn liền với lợi ích, quyền lợi của sinh viên và mang màu sắc riêng của Đoàn khoa, ghi được dấu ấn trong lòng sinh viên.

- Thầy có đánh giá gì về đội ngũ Ban Chấp hành sẽ hỗ trợ Thầy trong nhiệm kỳ mới này?

Thầy còn trẻ lại là một người mới nên đôi khi sẽ có những vấn đề Thầy và các bạn không đồng tình. Nhưng tổng hòa chung, Thầy thấy Ban Chấp hành hiện nay cũng khá đoàn kết và làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay bên cạnh công tác Đoàn thì nhiều các bạn cũng rất bận với công việc học tập nên Thầy rất thông cảm với các bạn. Theo quan niệm của riêng bản thân Thầy, Thầy luôn đồng ý cho những bạn năm ba được rút. Còn bạn nào vẫn tâm huyết và dung hòa được thì vẫn có thể tiếp tục.

Trong nhiệm kỳ này, Thầy sẽ cố gắng để các buổi họp của Ban Chấp hành diễn ra một cách hiệu quả hơn vì có một thực trạng là mỗi khi vắng mặt Bí thư các bạn lại có xu hướng hơi lơ là, công việc giải quyết không được triệt để. Thầy muốn một khi đã tập trung cho công việc thì các bạn phải làm hết sức.

 

“Thầy hi vọng khi Thầy lên làm Bí thư, các chương trình của Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước sẽ được mọi người nhớ đến.”

 

- Thầy có những kỳ vọng gì về Đoàn khoa trong nhiệm kỳ mà mình dẫn dắt?

Thầy hy vọng Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước sẽ có một dấu ấn riêng và tiếp tục phát huy được truyền thống của những người tiền nhiệm đi trước. Ngoài ra, Thầy hy vọng khi Thầy làm Bí thư các chương trình của Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước sẽ được mọi người nhớ đến. Thầy còn trẻ, Thầy sẽ cố gắng hết mình, tối thiểu nhất là để sinh viên khoa Luật Hành chính – Nhà nước biết đến các chương trình của Đoàn khoa cũng như Bí thư Đoàn khoa mình là ai (cười).

- Thầy có kỳ vọng gì về Đoàn trường Đại học Luật TP. HCM trong nhiệm kỳ mới?

Thầy tin tưởng rằng trong tương lai hoặc trong thời gian gần, Đoàn trường sẽ tiếp bước truyền thống từ trước tới nay vì Đoàn trường mình vốn đã rất mạnh. Đồng thời, Thầy hy vọng Đoàn trường mỗi thời kỳ sẽ có một màu sắc riêng, sẽ khởi sắc và sẽ phát triển hơn nữa.

- Trong không khí chào đón Đại hội Đại biểu Đoàn trường nhiệm kỳ 2017 – 2019, Thầy có lời chúc gì muốn nhắn gửi tới Đại hội?

Thầy chúc Đại hội sẽ diễn ra thành công tốt đẹp. Điều quan trọng nhất là lựa chọn được những con người có thể dẫn dắt các Đoàn cơ sở để Đoàn trường thực sự vững mạnh và phát triển.

Xin cảm ơn Thầy. Chúc Thầy thật nhiều sức khỏe và thành công.

 

Nội dung và hình ảnh: Ban Truyền thông Đoàn trường

Tags