Đọc sách không chỉ đơn thuần là một hình thức để tiếp cận thông tin, mà còn là một trong những hoạt động văn hóa, được gọi là văn hóa đọc. Là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta với tri thức, sách vở. Tuy nhiên, văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự bùng nổ thông tin - với sự xuất hiện của các loại hình đa phương tiện.
Sách không còn giữ vị trí độc tôn
Trước khi có các thiết bị nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Thế nhưng giới trẻ ngày nay có vẻ thờ ơ, lãnh cảm với văn hóa đọc sách. Phải chăng họ nghĩ với những thông tin hiện đại họ không cần tới sách nữa?
Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã có một lần nêu câu hỏi: “Thế kỷ XXI liệu có cần đến thơ nữa không? Đến văn hóa đọc nữa không?”. Và ông tự trả lời rằng: “Có, dù cho ca nhạc trữ tình có làm được ít phần việc của thơ ca thì thơ ca vẫn sẽ mãi mãi được người đời ưa chuộng”. Còn đối với văn hóa đọc thì ông khẳng định: “Bản thân hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại lâu bền”.
Văn hóa đọc đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn. Khác với vài chục năm về trước, thị trường sách hiện nay vô cùng phong phú về nội dung cũng như hình thức. Giới trẻ ngay nay lười đọc hay họ không biết chọn sách? Có những bạn chạy theo phong trào để đọc sách. Có một thời gian những cuốn sách như “Mãi mãi tuổi 20”, “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” làm mưa, làm gió trên thị trường sách. Rồi có khi họ đọc theo mốt: “Thế giới phẳng” là tên một cuốn sách rất thành công của nhà kinh tế- xã hội học Thomas Friedman. Cuốn sách trình bày những quan điểm mới lạ đối với bạn đọc trong nước về xu thế toàn cầu hóa, “Thế giới phẳng” không phải là một cuốn sách dễ đọc, phần lớn người đọc không hiểu hết tư tưởng của tác giả. Thế là dù không thích, không hiểu nhưng các bạn trẻ vẫn chạy đi mua những cuốn sách mà mọi người vẫn đọc để mình không trở thành người lạc hậu. Đó là chưa kể tới việc hiện nay thị trường sách vô cùng phong phú về nội dung và hình thức, có nhiều sách được coi là “sách đen” vẫn được giới trẻ truyền tay nhau đọc hăng say. Thật đáng lo ngại! Rồi có những bạn trẻ lại cho ràng đọc sách là lạc hậu- Đây là thời đại công nghệ thông tin thì phải lên mạng đọc vừa nhanh, vừa dễ, vừa đỡ tốn kém.
Thay vào việc ra các hiệu sách để mua sách chuyên ngành, các cuốn sách về văn hóa- giáo dục…đa số bạn trẻ dành thời gian lướt facebook, tìm kiếm thông tin, đọc sách trực tuyến. Họ sẵn sàng bỏ hàng giờ đồng hồ để ngồi bên chiếc máy tính đọc hàng chục, hàng trăm những mẩu truyện sến súa.
Một thực trạng đáng báo động, đó là việc các bạn trẻ đang phụ thuộc quá nhiều vào các loại hình truyền thông. Thay vì việc lên thư viện tìm sách tham khảo, nhiều bạn sinh viên mang máy tính xách tay lên thư viện ngồi tra cứu bằng các công cụ trên mạng xã hội. Hiện nay khi mà nhà hàng, quán cà phê, karaoke, vũ trường mọc lên ngày càng nhiều, thu hút bạn trẻ đến thưởng ngoạn thì thư viện, hiệu sách lại vắng bóng, làm cho văn hóa đọc bị giới trẻ lãng quên.
Là nhân viên bán hàng tại một hiệu sách trên đường Láng, chị Thu Hà (SN 1988) cho biết: “Bản thân tôi bán hàng tại hiệu sách này cũng được hơn 2 năm, lượng sách rất phong phú nhưng lượng tiêu thụ rất hạn chế. Nhiều bạn trẻ vào hiệu sách, nhưng mục đích chính lại là mua các đồ dùng cá nhân chứ không phải mua sách”. Có lẽ, đây cũng chính là một phần lí do khiến gian hàng bày bán sách ngày càng thu hẹp. Trong khi ngày càng có thêm nhiều quầy hóa mĩ phẩm mọc lên tại các hiệu sách. Những cuốn sách điện tử đang được thay cho những cuốn sách giấy, chính vì vậy văn hóa đọc cũng không còn giữ được nét nguyên sơ.
Thư viện sách miễn phí - vẫn không thu hút được giới trẻ
Bookbox - thư viện sách mini miễn phí cho người thích đọc sách đang ngày càng phát triển ở ba miền Bắc - Trung - Nam. Nhưng nó chỉ phục vụ lượng độc giả yêu sách thực sự, nếu không từng mua sách về đọc, bạn sẽ chẳng có thể đổi được một cuốn sách miễn phí nào trong đó cả. Bởi nguyên tắc duy trì hộp sách là: “Tất cả mọi người đều có thể lấy sách từ hộp về đọc, với điều kiện họ phải thay vào đó một cuốn sách khác”. Không những thế, có thời gian ở Đà Nẵng hộp đựng sách miễn phí bị ăn cắp, điều này càng khiến chúng ta trăn trở hơn về việc giới trẻ “hờ hững” với việc giữ gìn sách- tri thức của nhân loại.
Đối với những bạn trẻ có niềm đam mê đọc sách thực sự thì sách vẫn luôn là một “báu vật”, họ vẫn có thể dành thời gian đi chơi để lựa chọn cho mình những cuốn sách bổ ích. Có thể dành dụm tiền mua quà ăn vặt để mua cho bằng được một cuốn sách mình thích.
Thùy Linh, sinh viên Đại học Luật Hà Nội chia sẻ: “Hằng tuần mình đều lên hiệu sách ở Bờ Hồ, Tràng Thi để lựa chọn sách. Mình thấy đa số các bạn trẻ toàn đến đó chơi, chụp ảnh… Không phải vì không có tiền để mua sách, mà vì bản thân các bạn trẻ ngày nay thích công nghệ, lúc nào cũng thích nhanh mà không chịu nghiền ngẫm mọi vấn đề”.
Hằng năm, Nhà nước cung cấp rất nhiều sách, báo cho các thư viện miễn phí tại các địa phương. Tuy nhiên, việc sử dụng hiệu quả các thư viện ấy vẫn còn là một bài toán khó. Bởi lượng sách nhiều, nhưng lượng độc giả ít thì hoạt động của thư viện cũng sẽ không đạt được mục đích, ý nghĩa của nó.
Cô Thu Hằng - giáo viên dạy Văn Trường THPT Văn Giang (Hưng Yên) tâm sự: “Thư viện trường rất nhiều sách, báo đọc miễn phí, nhưng tôi hiếm khi thấy các em lên mượn bao giờ. Sách hay cứ ở yên một chỗ, rồi cũ đi mà vẫn chưa có ai đọc. Có lẽ đây là nguyên nhân dẫn đến vốn từ trong các bài viết văn của các em rất hạn chế. Đặc biệt, nhiều em do sử dụng mạng xã hội quá nhiều, đến nỗi mà các chữ viết bị thay đổi, viết tắt không thể dịch được. Tôi rất buồn và luôn trăn trở về văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay”.
Liệu có thể nâng cao được văn hóa đọc trong giới trẻ?
Hiện nay, rất nhiều trang mạng đã đánh vào kinh tế, yêu cầu người dùng trả phí. Rất ít trang mạng cho phép độc giả đọc, tải miễn phí, trừ những trang web tự do, không được kiểm duyệt chặt chẽ. Chính vì vậy, để có được các bài giảng điện tử, các cuốn sách hay trực tuyến, độc giả vẫn phải bỏ một số tiền để mua thẻ thành viên. Giá trị của nó nhiều khi còn đắt đỏ hơn một cuốn sách đang bán ngoài thị trường, cách viết đôi khi cũng kém hấp dẫn hơn những tác phẩm đã được in ấn.
Khi xã hội phát triển cao hơn, con người có thể đọc sách trong thư viện điện tử hay qua mạng Internet, thì vẫn chắc chắn một điều là: sách vẫn không hề mất đi giá trị văn hoá truyền thống lâu đời vốn có của nó. Cái cảm giác khi ta được lật từng trang sách, tờ báo, tạp chí vẫn còn tươi nguyên mùi mực in và thơm tho mùi giấy với những trang trí, hoạ tiết đẹp đẽ - chứ không phải căng mắt ra để đọc chúng trên các trang màn hình máy tính - có lẽ mãi mãi vẫn là một điều thú vị vô cùng. Đúng như Ths. Nguyễn Hữu Giới đã viết: “Sách và văn hoá đọc lo mà không lo trước sự bùng nổ và lấn át mạnh mẽ của phương tiện nghe nhìn hôm nay, mà chỉ là vấn đề tương hợp và tương tác giữa đặc trưng các loại hình với những nhu cầu thực tế luôn luôn biến động và phát triển trong xã hội”.
Ngày hội sách và văn hóa đọc diễn ra trên cả nước, ngày hội trao đổi sách tại các trường đại học, thư viện sách lưu động hi vọng sẽ là những liệu pháp hiệu quả giúp giới trẻ quan tâm nhiều hơn nữa đến sách và văn hóa đọc. Ðã đến lúc cần định hướng cho người đọc nói chung và bạn đọc trẻ nói riêng, việc đọc sách không phải là theo trào lưu, mà còn giúp nâng cao nhận thức, tích lũy tri thức.
Sưu tầm