Nếu chúng ta có một cái nhìn đầy đủ không chỉ qua một vài hình ảnh, tin bài được lặp đi lặp lại, đánh tráo sự thật; suy xét vấn đề một cách toàn diện, xem xét mọi thông tin ở góc nhìn phản biện của một sinh viên Luật trên cơ sở theo dõi và nắm bắt những chỉ đạo và hành động quyết liệt, có trình tự từ Trung ương đến địa phương như đã nêu ở trên thì niềm tin của chúng ta sẽ lại được đặt đúng chỗ của nó – một vị trí trang trọng trước ngực trái.
Từ tháng 4 năm 2016, sự quan tâm của chúng ta không chỉ dành cho một sự kiện trọng đại của đất nước sẽ diễn ra vào ngày 22 tháng 5 sắp tới – ngày cử tri cả nước tham gia bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 mà còn dành riêng một góc lớn thời gian cho một chuỗi những sự kiện được bắt nguồn và đang diễn ra ở miền Trung. Đó có lẽ là thói quen chung của mỗi người dân Việt Nam khi miền Trung đối mặt với khó khăn, là những ánh mắt đồng cảm và sẻ chia để cùng hướng về một miền khi đồng bào mình đang phải nặng gánh một nỗi lo về những mất mát, về những điều “bất thường” liên tiếp xảy ra. Cá chết. Cá chết liên tục và cá chết bất thường.
Sơ lược tình hình.
Ngày 6/4/2016, người dân phát hiện cá chết, tôm, nghêu chết bất thường ở các vùng ven biển và các lồng tại tại vùng biển Vũng Áng – tỉnh Hà Tĩnh. Đến ngày 10/4/2016, cá chết xuất hiện ở vùng biển thuộc hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Riêng tại Quảng Trị, nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao liên tục chết và trôi dạt vào bờ. Năm ngày sau (15/4/2016), hiện tượng cá chết lan sang vùng biển thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đến ngày 29/4/2016, cá chết dạt vào bờ biển thuộc quận Liên Chiểu – thành phố Đà Nẵng. Sang đầu tháng 5, các tỉnh Thừa Thiên – Huế (xã Hải Dương, thị trấn Thuận An, Phú Vang), Quảng Bình (xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch) tiếp tục ghi nhận hiện tượng cá chết hàng loạt, dạt vào bờ, trong đó, có gần ba tấn cá nuôi lồng và cá tự nhiên chết dạt vào bờ.
Niềm tin của chúng ta đang đặt vào đâu?
Kể từ khi vụ việc xảy ra, Chính phủ, các Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương đã có những động thái tích cực và những biện pháp cần thiết để vào cuộc xác định nguyên nhân hải sản chết bất thường. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ, đồng hành, đảm bảo ổn định đời sống của người dân các vùng có thiệt hại, tìm kiếm một câu trả lời thoả đáng cho dư luận, cho những người Việt Nam đang gửi gắm tấm lòng ở miền Trung. Một điều chắc chắn rằng chúng ta đáng rất nóng lòng chờ đợi kết quả kết luận về nguyên nhân hải sản chết. Tuy nhiên, bằng việc chờ đợi một câu trả lời trung thực, khách quan, chính xác và trách nhiệm như đã đề cập ở trên thì vấn đề thời gian là điều kiện thật sự cần thiết. Chúng ta sẽ chờ! Niềm tin của chúng ta đã đang và sẽ đặt vào những hành động thiết thực các cơ quan Nhà nước, từ người đứng đầu Chính phủ cho đến chính quyền địa phương các cấp. Hơn nữa, niềm tin của chúng ta phải đặt vào chính trong niềm tin nội tại đã được định hình bấy lâu nay. Tin vào niềm tin của chính mình dành cho đất nước, cho bộ máy công quyền từ trước đến nay.
Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Trung ương.
Ngày 25/4/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân hản sản chết. Cụ thể, Thủ tướng giao cho các Bộ Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách việc tìm kiếm nguyên nhân; giao cho UBND tỉnh Hà tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế rà soát, thống kê thiệt hại của các hộ nuôi trồng thuỷ hải sản, nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, các trường hợp bị thiệt hại lớn để đề xuất Chính phủ có phương án hỗ trợ, không được để ngư dân thiếu đói do phải ngừng đánh bắt thuỷ hải sản. Tiếp đó, ngày 29/4/2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo UBND các tỉnh có thiệt hại “không để bất cứ tàu thuyền nào của ngư dân có hải sản mà không tiêu thụ được”, đồng thời lập ngay đường dây nóng để nắm bắt tình hình. Đến ngày 01/5/2016, làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa khẳng định: “Dù bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật đều phải làm rõ trên cơ sở khoa học, không ai được bao che”, “Cần có kết luận cụ thể vì đây là nguyện vọng của nhân dân nhưng phải chặt chẽ, khoa học”. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ còn chỉ đạo thực hiện việc (1) rà soát tất cả các cơ sở sản xuất có xả thải, (2) tiến hành khôi phục, ổn định sản xuất, (3) hỗ trợ bằng gạo, tiền, lãi suất vay ngân hàng cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ có trách nhiệm đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành vào cuộc. Ngày 28/4/2016, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp (Formosa) với khẳng định sẽ làm rõ nguyên nhân dẫn đến hải sản chết hàng loạt và đề nghị có biện pháp giám sát kịp thời hệ thống xả thải của Formosa. Đến ngày 3/5/2016, theo đề nghị của Bộ Bộ Tài Nguyên – Môi trường, một nhóm chuyên gia bao gồm các nhà khoa học đến từ các nước Mỹ, Đức, Nhật Bản, Israel cùng với một số nhà khoa học trong nước bắt tay vào việc kiểm định độc lập, đồng thời đánh giá kết quả của các đoàn kiểm tra liên ngành vừa được thành lập. Ngày 4/5/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường ký Quyết định về việc kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị đang hoạt động tại Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh – tỉnh Hà Tĩnh) (2)[i]. Sau khi có kết quả ban đầu, từ ngày 11/5/2016, Đoàn Kiểm tra liên ngành đã tiếp tục làm việc, lấy mẫu và kiểm tra, đối chiếu số liệu, làm rõ một số vấn đề tại Formosa. Kết thúc quá trình kiểm tra sẽ thông tin cụ thể để người dân được rõ.
Tại các tỉnh có thiệt hại.
Ngay sau sự việc xảy ra, Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh cũng đã vào cuộc, đồng hành, hỗ trợ người dân bị thiệt hại đồng thời tham gia cùng các bộ, ngành tìm kiếm nguyên nhân cá chết. Tại Hà Tĩnh, sau khi xác định chất lượng các mẫu hải sản, nước biển được kiểm nghiệm đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn thì tính đến ngày 8/5/2016 đã có tổng cộng 2.663/37.50 tàu ra khơi đánh bắt thuỷ hải sản (khoảng 71%). Tại Quảng Bình, mặc dù bị thiệt hại khá lớn (khoảng 115 tỷ đồng) nhugn7 với sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương, tính đến ngày 8/5/2016, đã có gần 550 tấn hải sản khai thác xa bờ được cấp giấy chứng nhận an toàn và tiêu thụ hết. Hoạt động kinh doanh, đánh bắt thuỷ hải sản của ngư dân đã bước đầu ổn định trở lại. Tại Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, các hoạt động hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại đang được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao. Theo đó, UBND các tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan tằng cường kiểm tra, quan trắc môi trường biển, đánh giá mức độ an toàn của thuỷ hải sản và công bố cho người dân biết.
Chúng ta có thể thấy rằng ngư dân, đồng bào ở các tỉnh có thiệt hại họ không đơn độc trong hành trình tìm nguyên nhân hải sản chết. Họ cũng không phải đau đáu vì sự gián đoạn của những chuyến tàu xa khơi hay thiếu đói. Nước biển đã, đang và sẽ được kiểm nghiệm về mức độ an toàn. Ngư dân đã có thể tiếp tục hoạt động đánh bắt, kinh doanh như bình thường. Hải sản vào bờ sẽ được kiểm nghiệm, chứng nhận và được tiêu thụ. Quan trọng hơn cả, niềm tin vào một bộ máy đang hoạt động hiệu quả để tìm nguyên nhân, giải quyết tình hình đang được thực hiện ráo riết, khẩn trương và có trách nhiệm. Chúng ta có thể khẳng định điều đó, bất chấp những luận điệu xuyên tạc, những kết luận vô căn cứ của các tổ chức, cá nhân trên các diễn đàn của mạng xã hội.
Trước thông tin về tình hình cá chết tại các tỉnh miền Trung, Đảng uỷ - Ban Giám hiệu Nhà trường đã nhanh chóng tìm hiểu, nắm bắt tình hình của sinh viên các gia đình tại các tỉnh có thiệt hại thông qua buổi đối thoại trực tiếp với Ban Giám hiệu vào ngày 05/5/2016. Tại buổi gặp gỡ, GS.TS Mai Hồng Quỳ đã khẳng định: trong thời gian tới, các đơn vị chức năng như Phòng Công tác chính trị - sinh viên, Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp & Hỗ trợ sinh viên, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trường, sẽ tiến hành, khảo sát nắm bắt những thiệt hại mà gia đình các sinh viên gặp phải để có chính sách hỗ trợ kịp thời như miễn giảm học phí cho sinh viên ngay trong năm học cũng như nghiên cứu triển khai thành lập và tổ chức vận động quỹ hỗ trợ đột xuất cho chính sinh viên và gia đình sinh viên bị ảnh hưởng tại các địa phương. Theo đó, Quỹ hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi các vấn đề thiên tai, sự kiện đột xuất đã được hình thành với nguồn kinh phí ban đầu là 150.000.000 đồng được trích từ nguồn quỹ học bổng do các tổ chức, cá nhân, cựu sinh viên đóng góp trong đợt hoạt động kỷ niệm 20 năm thành lập Trường cùng với số tiền ủng hộ 50.000.000 đồng từ Chủ tịch Nước Trần đại Quang trong chuyến thăm và làm việc tại Trường vào ngày 11/5/2016. Có thể nói, đây là một trong những động thái tích cực, một sự khẳng định chắc chắn về sự đồng hành và hỗ trợ kịp thời cho đồng bào miền Trung mà trực tiếp là những người sinh viên ở các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do hải sản chết đang học tập tại Trường.
Sinh viên Luật - chúng ta sẽ làm gì?
Trước dư luận đa chiều cùng với những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, chúng ta đang bị bội thực với những tin tức về cá. Nhiều hơn nữa là những bài viết, bình luận mang tính chất kích động, lôi kéo người dân tham gia vào các cuộc “tuần hành ôn hoà” bằng những quan điểm thiếu chính xác, phản ánh một cách tiêu cực, sai sự thật về những sự kiện đang diễn ra có liên quan đến việc hải sản chết bất thường. Chúng ta lại quay lại đặt vấn đề ở chỗ niềm tin của chúng ta vào các cơ quan Nhà nước. Nếu chúng ta có một cái nhìn đầy đủ không chỉ qua một vài hình ảnh, tin bài được lặp đi lặp lại, đánh tráo sự thật; suy xét vấn đề một cách toàn diện, xem xét mọi thông tin ở góc nhìn phản biện của một sinh viên Luật trên cơ sở theo dõi và nắm bắt những chỉ đạo và hành động quyết liệt, có trình tự từ Trung ương đến địa phương như đã nêu ở trên thì niềm tin của chúng ta sẽ lại được đặt đúng chỗ của nó – một vị trí trang trọng trước ngực trái. Rộng hơn đó là sự tin tưởng bằng một trái tim chung một nhịp đập với đồng bào gặp hoạn nạn như chúng ta đã khẳng định lâu nay hay bằng “một lòng yêu nước nồng nàn” như Bác Hồ đã nhắn nhủ.
Tỉnh táo trong mọi tình huống và trấn tĩnh mình trước những lời “kêu gọi” xuống đường là điều cần thiết ngay lúc này. Bởi lẽ những luật gia của tương lai vẫn luôn cần phải ý thức được vai trò của mình để nhận thức và áp dụng một cách hiệu quả hệ thống kiến thức chuyên ngành đã được chuyển tải từ giảng đường, để lựa chọn những hành động thông minh, đúng nghĩa và chính nghĩa. Từ đó, một mặt phản biện có tư duy, logic, đúng pháp luật về những hành vi xuyên tạc, sách nhiễu, sai sự thật, hướng dư luận đến sự thật khách quan, những quá trình hoàn thiện, những chỉ đạo khẩn trương, nghiêm túc đang được thực hiện trong cuộc sống của chúng ta. Mặt khác, đồng hành và đồng lòng cùng với ngư dân miền Trung bằng bằng lòng yêu nước trong sáng, bằng sự tận tâm với sứ mệnh của một tri thức có trách nhiệm với thời đại./.
[i]Quyết định số 976/QĐ-BTNMT. Thành phần Đoàn Kiểm tra bao gồm các Bộ: Quốc phòng, Công an, Khoa học và công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, một số cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh có hải sản chết,...
LÂM TRỌNG KHA