Vào lúc 18h00 ngày 13/10/2020 tại Hội trường A1002, trường ĐH Luật TP. HCM, cơ sở Nguyễn Tất Thành, buổi tọa đàm Legal Talk 02 với chủ đề “Giao lưu tác giả và tác phẩm - Các chủ đề trong bối cảnh thương mại quốc tế đương đại” đã diễn ra trong không khí sôi động, nhận được sự thu hút, hưởng ứng từ đông đảo các bạn sinh viên. Với mục đích giúp khán giả tiếp cận gần hơn thực tiễn về thương mại quốc tế hiện nay, toạ đàm đem đến cái nhìn tổng quan, thực tiễn đồng thời tạo cơ hội để sinh viên giao lưu, chia sẻ cùng khách mời chuyên gia; thông qua đó gặt hái nhiều kiến thức bổ ích và sở hữu cho mình nguồn tài liệu nghiên cứu đầy giá trị.
Đến với buổi tọa đàm, Ban Tổ chức hân hạnh được đón tiếp sự hiện diện của quý vị khách mời, đồng thời là diễn giả - tác giả:
+ PGS. TS. Trần Việt Dũng – Trưởng khoa Luật Quốc tế trường ĐH. Luật TP. HCM, Chủ biên cuốn sách “Giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế - Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn trong bối cảnh hội nhập”;
+ PGS. TS. Trần Thị Thùy Dương & ThS. NCS. Nguyễn Thị Thu Thảo - Đồng tác giả của sách “Tìm hiểu Luật WTO qua một số vụ kiện về các biện pháp kiểm dịch Động – Thực vật”;
+ ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy và ThS. Ngô Nguyễn Thảo Vy - Đồng tác giả cuốn sách “Đọc hiểu CISG qua thực tiễn giải quyết các tranh chấp tiêu biểu”;
+ ThS. Vũ Ngọc Nam – Trưởng phòng Kiểm tra văn bản Sở Tư Pháp TP. HCM;
+ Anh Nguyễn Vinh – Chuyên viên xuất nhập khẩu tập đoàn Tôn Nam Kim.
Cùng sự có mặt của toàn thể các bạn Đoàn viên, sinh viên trường ĐH. Luật TP. HCM tại hội trường A1002.
Mở đầu chương trình, PGS. TS. Trần Việt Dũng đã có phần chia sẻ quan điểm cá nhân về vấn đề cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc. Thầy khẳng định: "Cuộc chiến này thực sự rất khốc liệt”, đồng thời tiến hành phân tích, bình luận cụ thể; giải đáp thắc mắc về sự ảnh hưởng của cuộc chiến này đến Việt Nam. Cũng theo Phó Giáo sư, sự ảnh hưởng của cuộc chiến này đến Việt Nam là khó tránh khỏi, và chúng ta phải chấp nhận và tìm ra giải pháp cho những thách thức trước mắt. Tiếp lời của PGS. TS. Trần Việt Dũng, ThS. Vũ Ngọc Nam cho rằng, ở góc độ cơ quan nhà nước, điều tiên quyết là các nhà chức trách, nhà làm luật phải đảm bảo những cam kết mà Việt Nam tham gia đã được rà soát, xử lý, điều chỉnh một cách hợp lý. Với kinh nghiệm tư vấn tại Công ty XNK Tôn Nam Kim, anh Nguyễn Vinh tiếp tục nêu ra các vấn đề về phòng vệ thương mại như: thuế quan, thuế phòng vệ thương mại, thực tiễn giải quyết tranh chấp và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam,... Qua đó, anh Vinh nhấn mạnh: “Hiện nay, vấn đề phòng vệ thương mại tuy còn khá mới nhưng cũng đón nhận được rất nhiều sự quan tâm, trở thành cơ hội tìm kiếm việc làm cho các bạn trẻ”.
Trong khuôn khổ toạ đàm, vấn đề về bảo hộ thương mại và tự do thương mại cũng được đặt ra và phân tích sâu bởi các vị khách mời. Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS. Trần Việt Dũng nêu ra hai học thuyết thương mại phổ biến cùng các nguyên tắc của WTO và ngoại lệ đặt ra. Đồng thời, thầy còn đề cập đến thay đổi quan điểm trong từng giai đoạn phát triển thương mại; đặc biệt là sự thay đổi của thị trường thương mại tại Mỹ và Trung Quốc. Đối với ThS. Vũ Ngọc Nam, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải tối đa hoá cơ hội để tự do hoá lẫn bảo hộ phù hợp cho doanh nghiệp trong nước. Đây là vấn đề phức tạp, phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của cơ quan Nhà nước nhằm đảm bảo chúng ta không bị phụ thuộc vào quốc gia khác. Anh Nguyễn Vinh tiếp tục đặt vấn đề bảo hộ vào những tình huống cụ thể, khẳng định cần có sự hài hoà để vừa bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của doanh nghiệp trong nước, vừa không ảnh hưởng đến chính trị và thương mại giữa ta với các quốc gia khác. ThS. NCS. Nguyễn Thị Thu Thảo lại đi vào phân tích cụ thể vấn đề ở biện pháp Kiểm dịch động thực vật. Cô tán thành rằng xu hướng tự do và bảo hộ phải đi chung với nhau, đồng thời khẳng định áp dụng biện pháp phi thuế quan đang là xu thế mới trong bối cảnh thương mại quốc tế hiện nay.
Tiếp nối chương trình, ThS. Ngô Nguyễn Thảo Vy và ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy đã có đôi lời chia sẻ về vấn đề nóng hổi trong bối cảnh hiện nay, khi toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi Covid - 19: Việc ký kết hợp đồng thương mại và trách nhiệm hợp đồng. ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy lần lượt bày tỏ quan điểm về trách nhiệm của các bên khi ký kết hợp đồng mà quá trình thực hiện phát sinh dịch Covid; luật áp dụng trong ký kết và phát sinh trách nhiệm hợp đồng; sự ảnh hưởng của dịch Covid đến việc thực hiện trách nhiệm hợp đồng; khả năng kiểm soát của thương nhân đối với trở ngại mà Covid - 19 gây ra. Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế, thầy cũng đưa ra dự đoán về sự kéo dài những tác động mà đại dịch Covid gây ra. Về vấn đề này, ThS. Ngô Nguyễn Thảo Vy chia sẻ thêm góc nhìn về các điều khoản miễn trừ trách nhiệm trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, đặc biệt là khi hàng hoá bị trả lại vì chất lượng không đạt yêu cầu do ảnh hưởng của Covid - 19. Các góc nhìn khác nhau của hai vị diễn giả khi tiếp cận vấn đề đã giúp sinh viên hiểu hơn về việc ký kết hợp đồng thương mại, nhất là trách nhiệm hợp đồng khi có bệnh dịch xảy ra.
Không khí cuối buổi toạ đàm càng trở nên sôi nổi khi phần giao lưu tác giả - tác phẩm và giải đáp thắc mắc khán giả được bắt đầu. Các diễn giả tài ba đã lần lượt giới thiệu những tác phẩm do mình dày công biên soạn, về những vấn đề nổi bật liên quan đến lĩnh vực Luật Thương mại quốc tế như: giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, thực tiễn giải quyết tranh chấp CISG, thực tiễn giải quyết các vụ kiện WTO liên quan đến biện pháp kiểm dịch Động - Thực vật. Ngay sau đó, khán giả cũng được diễn giả giải đáp trực tiếp những thắc mắc liên quan đến chủ đề toạ đàm. Các câu hỏi xoay quanh các vấn đề như: ý nghĩa, tác động của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đến nền kinh tế thời Covid - 19; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta trong bối cảnh hội nhập, giao lưu kinh tế khu vực và thế giới. Phần giải đáp sâu sắc, bao quát từ các khách mời đã giúp khán giả có cái nhìn khách quan, đa chiều hơn về vấn đề mà mình còn băn khoăn.