Với mong muốn đánh giá năng lực, kiểm tra kiến thức cũng như nâng cao kỹ năng của đội ngũ Bí thư Chi đoàn, đồng thời tạo điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác giữa các đơn vị với nhau, vào lúc 18h00 ngày 14/04/2021 tại Hội trường C302, cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Luật TP. HCM, vòng Chung kết cuộc thi “Bí thư Chi đoàn giỏi 2021” đã chính thức diễn ra. Đây không chỉ là một sân chơi lành mạnh cho các bạn sinh viên thể hiện năng lực quản lý, lãnh đạo của mình, mà còn là cơ hội để cho Đoàn trường tiếp thu những ý tưởng mới mẻ, độc đáo nhằm tìm ra giải pháp xây dựng tổ chức và phát triển phong trào Đoàn - Hội tốt nhất trong thời gian sắp tới.
Đến dự chương trình, Ban tổ chức hân hạnh được đón tiếp khách mời:
- Về phía Ban Giám khảo:
ThS. Dương Trọng Phúc - UV BCH Thành Đoàn, Phó Hiệu trưởng trường Đoàn Lý Tự Trọng;
ThS. Nguyễn Trung Dương - Phó Bí thư Đoàn trường;
Đ/c Trần Nhật Anh - UVBTV, Chánh Văn phòng Đoàn trường;
- Về phía Nhà trường:
TS. Võ Trung Tín - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai - Môi trường, Nguyên Bí thư Đoàn trường;
Và đặc biệt là sự góp mặt của các Bí thư Đoàn khoa, anh chị UV BCH, nguyên UV BCH Đoàn trường các thời kỳ cùng toàn thể các bạn đoàn viên, sinh viên.
Vòng một mang tên “Bí thư chi đoàn tài năng” đã khởi động chặng đua đêm Chung kết đầy sôi nổi. Với hình thức tự chọn, mỗi thí sinh đã trình bày về quá trình làm Đoàn, hành trình cuộc thi và kế hoạch chương trình của mình trong 5’. Bằng sự sáng tạo, trí thông minh, TOP 4 đã có màn thể hiện mãn nhãn, nổi bật được phong cách, cá tính cũng như khả năng lãnh đạo của mình. Nếu Ngọc Diệp mượn lời bài hát “Sống như những đóa hoa” để thể hiện khát vọng được cống hiến của bản thân, thì Tú Nguyên lại chứng tỏ được năng lực lãnh đạo cùng quyết tâm cống hiến trong màu áo xanh. Cũng không thể không nhắc đến thí sinh Thế Thế với phần thi vô cùng sáng tạo, lôi cuốn hay một Ngọc Khương cùng màn thể hiện đầy nhiệt huyết qua bài hát “Lá cờ” truyền cảm hứng tới mọi người.
Vòng 2 tiếp tục được mở ra với tên gọi "Bí thư chi đoàn thông thái". Thông qua hình thức "Cờ tỷ phú", mỗi thí sinh sẽ lần lượt thảy xúc xắc để trả lời các câu hỏi tương ứng với số bước mà thí sinh sẽ đi được trên bàn cờ. Những câu hỏi mà Ban Tổ chức đưa ra xoay quanh nhiều đề tài quen thuộc như Luật Thanh niên, Điều lệ Đoàn, v.v. giúp TOP 4 thể hiện được vốn kiến thức và trí nhớ của mình khi đứng tại sân khấu đêm Chung kết. Các thí sinh đã vận dụng tối đa khả năng để đem về cho mình những điểm số đầy ấn tượng.
Chặng đua khép lại Chung kết được mang tên "Bí thư chi đoàn bản lĩnh". Ở lượt thi thứ nhất, 2 bạn đã tiến hành bốc thăm để vào vai trả lời và phản biện trước ý nghĩa của hình ảnh mà Ban Tổ chức đưa ra. Với nội dung chính xoay quanh vấn đề sống ảo và ô môi trường, Thế Thế và Ngọc Diệp đều có phần thể hiện thuyết phục trước Ban Giám khảo, nhận về nhiều phản hồi tích cực. Sang lượt thi thứ hai, 2 thí nghiệm tiếp tục được thử thách bằng những tình huống bất ngờ xảy ra trong thực tiễn tổ chức hoạt động Đoàn, phong trào thanh niên, đòi hỏi khả năng giải quyết khéo léo, phản ứng nhanh của các hoạt động Bí thư chi đoàn. Bằng cách vận dụng các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của mình, TOP 2 đã thể hiện quan điểm một cách tự tin, hoàn thành vòng thi và khép lại đêm Chung kết.
Trải qua 3 vòng thi cùng với sự chấm điểm công tâm của Ban Giám khảo, người chiến thắng chung cuộc của "Bí thư chi đoàn giỏi 2021" đã gọi tên bạn là Trịnh Ngọc Diệp. Cùng với các giải thưởng khác như sau:
- Giải Nhất: Trịnh Ngọc Diệp
- Giải Nhì: Nguyễn Thế Thế
- Giải Ba: Mai Ngọc Khương
- Giải Khuyến: Nguyễn Tú Nguyên.
- Giải phụ "Kế hoạch triển vọng nhất": Trịnh Ngọc Diệp
Cuộc thi “Bí thư chi đoàn giỏi 2021” đã diễn ra thành công tốt đẹp, là tiền đề vững chắc cho các sân chơi tiếp theo về Đoàn, Hội trong tương lai được tổ chức và lan rộng. Hy vọng rằng, các Bí thư chi đoàn đã trang bị cho mình thêm nhiều hành trang, kiến thức vững chắc; sẵn sàng trí - lực - tâm để đóng góp hết mình, cống hiến hết sức vào công cuộc xây dựng tổ chức Đoàn trường nói riêng và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nói chung ngày vững mạnh, đi lên.
Nội dung: Sơn Giang, Ninh Giang, Hương Giang, Diễm Kiều, Phúc Huy
Hình ảnh: Phương Thảo, Nam Long
Ban Truyền thông Đoàn trường
Write comment (0 Comments)
Nhằm đẩy mạnh phong trào học viên, sinh viên và cán bộ giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu khoa học; phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nhu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay, vào lúc 13h30 ngày 14/04/2021, tại Hội trường A1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành, Hội nghị Khoa học trẻ lần 1 năm 2021 với chủ đề: “Những điểm mới của Luật thanh niên năm 2020” đã được tổ chức bởi Đoàn trường ĐH Luật TP. HCM. Bên cạnh đó, Hội nghị đã tạo lập môi trường để giảng viên, học viên, sinh viên Nhà trường cùng giao lưu, chia sẻ những kết quả nghiên cứu và trao đổi về các vấn đề học thuật với nhau.
Đến với Hội nghị Khoa học trẻ Hội nghị Khoa học trẻ lần 1 năm học 2021, Ban tổ chức hân hạnh đón tiếp sự hiện diện của quý vị đại biểu:
- Về phía Thành Đoàn TP. HCM:
+ Đ/c Nguyễn Đăng Khoa - Uỷ viên Ban thường vụ Thành Đoàn, Bí thư Đoàn khối Dân chính Đảng TP. HCM;
+ Đ/c Tô Minh Hiếu - Cán bộ Ban Thanh niên trường học Thành Đoàn;
+ Đ/c Trần Lê Hồng Long - Cán bộ Trung tâm hỗ trợ HSSV TP. HCM (SAC);
+ Đ/c Lê Đức Quy - Cán bộ Ban Tuyên giáo Thành Đoàn;
+ Đ/c Trần Ngọc Chí - Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận Đoàn 1
- Về phía Nhà trường:
+TS. Lê Thị Thúy Hương - Đảng ủy viên, Chủ tịch công đoàn, Trưởng phỏng quản lý NCKH & HTQT;
+TS. Võ Trung Tín - Trưởng bộ môn Luật đất đai - môi trường Khoa Luật thương mại, Nguyên Bí thư Đoàn trường;
- Về phía Đoàn trường ĐH Luật TP. HCM:
+ThS. Nguyễn Trung Dương - Phó Bí thư Đoàn trường;
+ThS. Nguyễn Đào Phương Thúy - Phó Bí thư trường;
+TS. Nguyễn Thái Cường - Uỷ viên Ban chấp hành Trường;
Cùng với sự có mặt của Cán bộ, giảng viên trẻ đang làm việc, giảng dạy tại trường và các bạn Đoàn viên, sinh viên.
Mở đầu chương trình, TS. Lê Thị Thúy Hương - Trưởng phòng quản lý NCKH & HTQT đã có đôi lời chia sẻ về Hội nghị khoa học trẻ 2021 - diễn đàn trẻ để các sinh viên, giảng viên giao lưu trong nghiên cứu khoa học. Cô bày tỏ mong muốn rằng Hội nghị sẽ kích thích được sự tham gia của các bạn trẻ trong việc chia sẻ, thảo luận những vấn đề liên quan đến nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, TS. còn hy vọng rằng: “Diễn đàn sẽ là buổi khởi đầu tốt đẹp, tiền đề để những buổi hội nghị tiếp theo có được quy mô lớn hơn và đón nhận sự hưởng ứng của đông đảo các sinh viên.”.
Tiếp nối Hội nghị, ThS. Nguyễn Đào Phương Thuý một lần nữa khẳng định mục đích chương trình cũng như đề cập đến 6 chủ đề trọng điểm sẽ được thảo luận trong buổi Hội thảo về Luật thanh niên, bao gồm:
Trách nhiệm của thanh niên trong bối cảnh hội nhập quốc tế;
Nội dung quản lý Nhà nước về thanh niên;
Đối thoại với thanh niên;
Quy định về tháng thanh niên;
Nghiên cứu khoa học;
Chính sách khởi nghiệp dành cho sinh viên.
Bài tham luận đầu tiên được trình bày tại Hội nghị mang tên: “Trách nhiệm của thanh niên trong Luật thanh niên 2020 trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, do nhóm tác giả TS. Nguyễn Thái Cường và bạn Trần Thị Thu Thuỷ trình bày. Qua nghiên cứu trách nhiệm của thanh niên được quy định tại Chương 2 Luật Thanh niên 2020, bài tham luận đã làm sáng tỏ trách nhiệm của thanh niên trong quy định của luật nói chung và trong bối cảnh hội nhập quốc tế nói riêng. Do đó, mỗi thanh niên cần phải tích cực, chủ động và có định hướng đúng đắn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, nhóm tác giả còn đưa ra một số kiến nghị góp phần đưa luật Thanh niên vào thực tiễn một cách hiệu quả. TS. Nguyễn Thái Cường mong muốn rằng thông qua bài tham luận này, các Ulawers sẽ hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình, định hướng tốt cho bản thân trong tương lai.
Tiếp đến là bài tham luận do nhóm tác giả gồm ThS. Đặng Phước Thông, Trà Thảo Vân Linh, Nguyễn Phan Khánh Châu, Ngô Thị Thảo Vân mang đến: “Nội dung quản lý nhà nước về thanh niên theo luật thanh niên năm 2020 - Đánh giá thực trạng ở các địa phương và kiến nghị hoàn thiện”. Ngoài việc phân tích, nhận xét về 8 nội dung quản lý Nhà nước về thanh niên theo Điều 36 Luật Thanh niên năm 2020, nhóm tác giả còn nghiên cứu thực trạng thể chế hoá nội dung này ở 63 tỉnh thành theo Luật Thanh niên 2005, đối chiếu luật hiện hành để đưa ra đề xuất để hoàn thiện quy định pháp luật. Trên cơ sở đó, TS. Lê Thị Thuý Hương đề nghị ở phần thảo luận sẽ có sự tham luận về thực trạng quản lý của trường ĐH Luật TP. HCM đối với thanh niên, cụ thể là sinh viên Nhà trường.
Bàn về vấn đề “Đối thoại với thanh niên” theo Luật thanh niên 2020, nhóm tham luận số 03 dưới sự đại diện của bạn Nguyễn Phạm Khánh Trân đã có phần giải thích cụ thể về thuật ngữ “đối thoại”. Đồng thời, nhóm tác giả còn đưa ra nhiều minh chứng thể hiện được thách thức mà mỗi thanh niên phải đối mặt; yêu cầu thế hệ trẻ trau dồi kỹ năng “đối thoại” trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm phục vụ cho sự phát triển của nước nhà.
Nhóm tham luận số 04 mang đến Hội nghị bài tham luận xoay quanh vấn đề “Quy định về tháng thanh niên” theo Luật thanh niên sửa đổi bổ sung 2020. Đối với nhóm tác giả, việc bổ sung tháng thanh niên được xem là cần thiết để lan tỏa hoạt động của thế hệ áo xanh đến với cộng đồng, xã hội. Đây còn là cơ sở, tiền đề để các bạn trẻ nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của bản thân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Trong khuôn khổ Hội nghị, nhóm tác giả Trần Thị Thương, Lê Thị Hoài Linh và ThS. Đặng Phước Thông đã trình bày về vấn đề “Thể chế hoá điểm mới về thanh niên nghiên cứu khoa học trong luật thanh niên 2020 ở các tỉnh thành và cơ sở giáo dục". Xoay quanh hai vấn đề chính là nền tảng xuất phát nghiên cứu và thực trạng tại cơ sở giáo dục ở ba miền trên cả nước, nhóm đã đi sâu vào thực tiễn để nêu lên những hiện trạng còn tồn tại, tạo rào cản cho việc nghiên cứu khoa học ở đại bộ phận sinh viên. Từ đó, nhóm cũng đưa ra một số kiến nghị nhằm sửa đổi, nâng cấp và bổ sung để hoàn thiện Luật Thanh niên 2020.
Nối tiếp chủ đề thể chế hoá, nhóm tác giả Đinh Quốc Khánh, Nguyễn Mai Phương và ThS. Lê Minh Nhựt đã đem đến tham luận mang tên: “Thể chế hoá chính sách khởi nghiệp thanh niên qua mô hình quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo". Để các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, nhóm đã giới thiệu, nêu rõ đặc điểm, thực trạng và những nguyên nhân gây hạn chế quỹ đầu tư. Ba nguyên nhân chính được đưa ra là: khung pháp lý chưa chặt chẽ, thủ tục chưa rõ ràng; thiếu các nhân tố thu hút đầu từ và năng lực của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn hạn chế. Đồng thời, những ví dụ thực tế cùng giải pháp cụ thể để khắc phục vấn đề nêu trên cũng đã được nhóm tác giả đề cập tại cuối bài tham luận.
Về phần cuối chương trình, Hội nghị đã đón nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất đối với văn bản hướng dẫn thi hành luật thanh niên như: tạo nhiều sân chơi, tọa đàm để Luật Thanh niên đi vào cuộc sống; bổ sung thêm biện pháp chế tài rõ ràng; đặt Luật Thanh niên trong mối tương quan với những luật khác… Bên cạnh đó, TS. Võ Trung Tín cũng đưa ra nhận xét và bổ sung thêm những vấn đề xoay quanh các bài tham luận. Vấn đề rào cản trong nghiên cứu khoa học tiếp tục được đưa ra để thảo luận và nhận về nhiều chia sẻ, đóng góp đến từ sinh viên, giảng viên Nhà trường.
Hội nghị Khoa học trẻ lần 1 năm 2021 với chủ đề: “Những điểm mới của Luật thanh niên năm 2020” đã chính thức khép lại và thành công đạt được những mục tiêu đề ra. Hy vọng rằng thông qua hoạt động bổ ích này, các bạn sinh viên sẽ tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm viết bài nghiên cứu khoa học, đồng thời hiểu sâu sắc cũng như có cái nhìn đa chiều về Luật Thanh niên 2020.
Nội dung: Ánh Nguyệt, Hương Giang, Thanh Tú, Phúc Huy
Hình ảnh: Mạnh Hiếu, Thanh Thanh
Ban Truyền Thông Đoàn trường
Write comment (0 Comments)Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống và 25 năm ngày mang tên Trường ĐH Luật TP. HCM cùng với sự kiện chào mừng 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, vào lúc 7h30 tại trường Đại học Luật TP. HCM, cơ sở Bình Triệu, chương trình "Ngày hội sinh viên Luật với An toàn giao thông, tập huấn kiến thức an toàn giao thông và kỹ năng lái xe an toàn 2021" đã được tổ chức, thu hút nhiều sinh viên tham gia. Hoạt động ý nghĩa này không chỉ đem đến cho các bạn sinh viên kiến thức, kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông mà còn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mỗi sinh viên, thực hiện "Phong cách sinh viên Luật đi đầu trong việc chấp hành và tôn trọng pháp luật".
Đến tham dự chương trình, Ban tổ chức hân hạnh được đón tiếp các quý vị đại biểu:
Về phía Đoàn trường:
+ ThS. Nguyễn Trung Dương - Phó Bí thư Đoàn trường.
Về phía đại diện Honda Phát Tiến: Anh Vũ Trần Tuấn Huy.
Mở đầu chương trình, dưới sự dẫn dắt của anh Vũ Trần Tuấn Huy, phần tập huấn kiến thức lái xe an toàn đã diễn ra ở giảng đường D501 trong bầu không khí sôi động. Anh đã mang đến cho sinh viên nhiều kiến thức hữu ích và cách nhận biết cùng kỹ năng phải xử lý khi gặp một số tình huống trọng điểm. Theo anh Huy, việc kiểm tra xe trước khi khởi động; tư thế ngồi xe đúng chuẩn và cách để thắng xe khẩn cấp là những vấn đề đáng lưu ý nhất khi điều khiển phương tiện giao thông. Anh Huy chia chia sẻ: “Tư thế ngồi xe sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của bạn sau này nên cần phải hình thành tư thế ngồi đúng, chuẩn ngay từ bây giờ.” Về cuối buổi tập huấn, các bạn sinh viên còn có cơ hội được giải đáp những thắc mắc liên quan và nhận nhiều phần quà từ nhà tài trợ.
Tiếp theo, dưới sự hướng dẫn của hướng dẫn viên, các bạn sinh viên lần lượt được thực hành những kỹ năng lái xe như cua vòng đúng cách, chạy thăng bằng trên ván hẹp và phanh khẩn cấp. Bên cạnh đó, chương trình còn tổ chức hoạt động thay nhớt miễn phí cho sinh viên thực hiện theo hướng dẫn của Honda Phát Tiến và tham quan trưng bày các loại xe mới cũng như các phụ tùng của Honda.
Chương trình "Ngày hội sinh viên Luật với An toàn giao thông, tập huấn kiến thức an toàn giao thông và kỹ năng lái xe an toàn 2021" đã đem đến cho các Ulawers những trải nghiệm thực tế vô cùng bổ ích về các kỹ năng khi tham gia giao thông. Qua buổi tập huấn này, mong rằng các sinh viên đã có đủ kiến thức và kỹ năng để nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông, bảo vệ tốt bản thân trước nguy cơ tai nạn khi đang điều khiển phương tiện lưu thông trên đường phố.
Nội dung: Diễm Kiều, Thanh Tú
Hình ảnh: Mạnh Hiếu, Phương Thảo, Thúy Hiền, Uyển Nhi
Ban Truyền thông Đoàn trường
Write comment (0 Comments)
Vào lúc 08h00 ngày 10/04/2021, tại trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, cơ sở Bình Triệu, vòng Sơ loại cuộc thi “Ulaw Can Cook 2021” đã được tổ chức, đánh dấu sự khởi đầu của chương trình nấu ăn lần đầu tiên xuất hiện tại Ulaw. Đây không chỉ là một sân chơi bổ ích để các bạn sinh viên trổ tài bếp núc, mà còn là cơ hội giúp Ulawer “vừa học vừa chơi” sau nhiều giờ lên lớp căng thẳng, cũng như được thỏa sức sáng tạo với niềm đam mê nấu nướng.
Cuộc thi hân hạnh chào đón sự hiện diện của quý khách mời đồng thời là Ban giám khảo vòng Sơ loại:
- Chef Nguyễn Hồng Phúc - Đầu bếp nhà hàng Sol Kitchen.
Cùng với 33 thí sinh tham dự vòng Sơ loại cuộc thi “Ulaw Can Cook 2021”.
Tại vòng loại lần này, mỗi thí sinh sẽ tự mình chuẩn bị, sơ chế nguyên liệu tại nhà và thực hiện món ăn của mình tại khu vực thi trong 45 phút. Sau khi hoàn tất, mỗi bạn sẽ có 01 phút trình bày cách thực hiện cũng như ý nghĩa món ăn. TOP 12 thí sinh có phần thể hiện xuất sắc nhất sẽ vinh dự bước tiếp vào vòng Bán kết. Trên cơ sở đó, 33 thí sinh được chia ra thành ba chặng, lần lượt vào vai một đầu bếp không chuyên đầy tâm huyết.
Xuyên suốt quá trình nấu nướng, giám khảo Hồng Phúc đã theo dõi sát sao quy trình chế biến của thí sinh, đồng thời đưa ra những lời khuyên giúp các Ulawers hoàn thành phần thi một cách tốt nhất. Những món ăn dân giã đến sang trọng, từ trời Ta đến trời Tây được các thí sinh dày công chuẩn bị khiến Chef Phúc vô cùng ấn tượng. 33 món ăn là 33 màu sắc, 33 câu chuyện, 33 cá tính khác nhau. Tất cả đều được giám khảo nhận xét, đánh giá theo một cách công tâm, đưa ra nhiều lưu ý cũng như tips thú vị giúp Ulawers cải thiện chất lượng món về sau.
Sau khoảng thời gian xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng, 12 ”đầu bếp” làm ra món ăn tròn vị nhất được Chef Phúc xướng tên và trao tặng chiếc tạp giề danh giá của cuộc thi. Xin chúc mừng 12 gương mặt:
1 / Bùi Ngọc Thu Thảo - SBD 25
2 / Nguyễn Cảnh Phương Nam - SBD 13
3 / Đồng Thị Phương - SBD 20
4 / Nguyễn Hoài Linh - SBD 2
5 / Nguyễn Văn Thuật - SBD 23
6 / Nguyễn Ngọc Bảo Lâm - SBD 9
7 / Nguyễn Trịnh Thảo Vy - SBD 27
8 / Nguyễn Trọng Thức - SBD 7
9 / Phan Thị Hồng Ân - SBD 6
10 / Trương Quốc Khánh - SBD 14
11 / Trần Thu Thiện - SBD 1
12 / Ng Đặng Minh Trang - SBD 5
Xin được nồng nhiệt chúc mừng TOP 12 xuất sắc của chúng ta!
Chặng đường tìm kiếm ngôi vị quán quân của cuộc thi đang dần tiến đến hồi gay cấn nhất. Sắp tới đây, TOP 12 sẽ trải qua nhiều thử thách cam go hơn tại vòng Bán kết. Tấm vé bước tiếp vào chặng cuối đường đua “Ulaw Can Cook 2021” sẽ thuộc về ai? Hãy cùng chờ đợi câu trả lời trong tuần tiếp theo của cuộc thi nhé!
Nội dung: Sơn Giang, Hương Giang
Hình ảnh: Hoàng Anh, Thanh Thanh
Ban Truyền thông Đoàn trường
Write comment (0 Comments)
Vào lúc 18h00 ngày 08/04/2021 tại Hội trường C302, trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cơ sở Nguyễn Tất Thành, buổi tọa đàm Legal Talk 02 với chủ đề “Thời cơ và thách thức của nghề luật sư” đã diễn ra trong không khí sôi nổi, hứng khởi cùng với sự tham gia đông đảo của các bạn sinh viên. Đây không chỉ là chương trình giúp Ulawers có cơ hội giao lưu, học hỏi mà còn giải đáp được những thắc mắc, băn khoăn của sinh viên trong hành trình trở thành một luật sư tương lai.
Đến với buổi tọa đàm, Ban Tổ chức hân hạnh được đón tiếp sự hiện diện của quý khách mời:
Về phía khách mời:
TS. Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch liên đoàn Luật sư Việt Nam;
LS. Trần Anh Đức - Luật sư thành viên Công ty Luật Allen & Overy;
LS. Lê Văn Nam - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước;
LS. Lê Hồng Nguyên - Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.
Về phía Đoàn trường:
Đ/c Nguyễn Đào Phương Thúy - Phó Bí thư Đoàn trường.
Và toàn thể các bạn sinh viên Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh.
Đến với buổi toạ đàm Legal Talk 2, các bạn sinh viên đã được lắng nghe những chia sẻ đầy bổ ích từ ông Trần Anh Đức, Luật sư Thành viên Công ty Luật Allen & Overy và ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch liên đoàn Luật sư Việt Nam về nghề luật sư ở Việt Nam cũng như trên thế giới hiện nay. Với kinh nghiệm nhiều năm hành nghề, ông Đỗ Ngọc Thịnh phổ biến đến Ulawers về lịch sử phát triển nghề luật sư ở Việt Nam, từng giai đoạn hình thành gắn liền với lịch sử thăng trầm của đất nước. Nghề luật sư hiện nay, theo cái nhìn của ông, là một đội ngũ chuyên nghiệp, ra đời và phát triển trong một nền kinh tế thị trường, gắn liền với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó ông Đỗ Ngọc Thịnh cũng chia sẻ cho các sinh viên những điều cần làm để tận dụng cơ hội trong ngành luật. Đặc biệt, luật sư lưu ý Ulawers nên nắm bắt sự phát triển của kinh tế - xã hội, bởi nó là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nghề. Đặc biệt, sự nỗ lực của đội ngũ luật sư luôn cần thiết để xác định thương hiệu, xây dựng uy tín trong khách hàng và xã hội. Đồng quan điểm trên, ông Trần Anh Đức cho rằng cơ hội cho sinh viên mới ra trường là vô hạn, chỉ cần bạn có năng lực, dám làm, dám chịu trách nhiệm với khách hàng. Nhu cầu nghề nghiệp rất dồi dào, nhưng có thực hiện được hay không sẽ do chính mỗi người nắm bắt và tận dụng.
Đến với vấn đề khó khăn và thách thức, luật sư Đỗ Ngọc Thịnh đã chỉ rõ những trở ngại mà mỗi luật sư gặp phải trong quá trình hành nghề. Hiện nay, số lượng luật sư rất ít, ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ cung cấp pháp lý của người dân và xã hội. Đồng thời, sự phát triển cũng như chất lượng đội ngũ còn chưa đồng đều. Việc tìm hiểu pháp lý thông qua hệ thống mạng cũng ảnh hưởng đến dịch vụ cung cấp pháp lý của nghề luật sư. Bên cạnh đó, ông Trần Anh Đức cũng nhấn mạnh việc tích lũy kinh nghiệm của một luật sư còn khá hạn chế, dẫn đến không đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng.
Ngoài ra, hai vị khách mời còn giúp các bạn sinh viên có một cái nhìn tổng quan hơn về xu thế hội nhập toàn cầu của nghề luật sư trong thời đại công nghệ 4.0, cũng như định hướng phát triển cho tương lai. Về xu thế hội nhập, luật sư Trần Anh Đức lưu ý rằng nhu cầu của con người đối với các dịch vụ pháp lý ngày càng nhiều. Bởi vậy mà sự ra đời của trí tuệ nhân tạo hỗ trợ ta là cần thiết, song lại làm thu hẹp đi cơ hội nghề nghiệp của các luật sư cấp thấp. Cùng vấn đề này, luật sư Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh sự chuyển đổi, thay đổi cùng với cách mạng 4.0, thông qua sự phát triển của công nghệ, đã giúp nhiều bước trong dịch vụ pháp lý được thực hiện trực tuyến - nhanh gọn và tiết kiệm thời gian hơn. Trên cơ sở đó, hai khách mời đồng tình rằng luật sư Việt Nam cần có sự cố gắng, nỗ lực hơn trong việc phát triển trình độ bản thân để cạnh tranh với các luật sư nước ngoài.
Phần cuối chương trình là chuyên mục giao lưu, giải đáp thắc mắc và đưa ra lời khuyên bổ ích cho các bạn sinh viên. Ulawers đã đặt ra những câu hỏi xoay quanh nhiều vấn đề như thời gian cần thiết để trở thành luật sư, trải nghiệm thực tế trong nghề, những khó khăn khi hành nghề,.... Sự chi tiết, sâu sắc là những yếu tố mà hai vị luật sư đặt vào từng câu trả lời. Bên cạnh đó, hai khách mời cũng đưa lời khuyên bổ ích cho ai muốn gia nhập thị trường pháp lý: tích cực bổ sung, nắm bắt kiến thức chuyên ngành một cách vững chắc thông qua sách vở, học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các luật sư đi trước; chú trọng kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng trình bày tư duy pháp lý. Luật sư hy vọng bạn sinh nào có đam mê với nghề sẽ nỗ lực theo đuổi ước mơ đó, vì “luật sư là một nghề chân chính, tồn tại để đem lại công bằng cho xã hội”.
Buổi tọa đàm khép lại thành công tốt đẹp với những chia sẻ, lời khuyên chân thành từ 02 vị luật sư giàu kinh nghiệm, đem lại những trải nghiệm đáng giá cho các bạn sinh viên. Mong rằng qua buổi tọa đàm này, Ulawers sẽ hiểu thêm về nghề luật sư, cũng như biết nhiều kiến thức, thông tin bổ ích giúp bản thân định hướng học tập và phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Nội dung: Diễm Kiều, Phúc Huy, Ánh Nguyệt
Hình ảnh: Hoàng Anh, Kim Duyên, Thanh Thanh, Thanh Trà
Ban Truyền thông Đoàn trường
Write comment (0 Comments)
Đơn vị chủ quản: Đoàn Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Cơ sở 1: Phòng A308 - số 02 Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh
Cơ sở 2: Phòng E102 - số 123 Quốc lộ 13, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh