BCH Đoàn trường, BCH Hội sinh viên trường chia sẻ tâm tư, tình cảm, sự lo lắng của các bạn, đặc biệt là các bạn có gia đình bị ảnh hưởng trước những sự cố môi trường vừa qua. Thiết nghĩ các bạn sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM hãy chung sức bảo vệ môi trường không chỉ bằng trái tim mà cả sự thông thái, tỉnh táo của một con người có trách nhiệm trước các vấn đề môi trường quốc gia và toàn cầu.
Trong khoảng thời gian từ 06/4/2016 đến 04/5/2016, hiện tượng cá chết hàng loạt và bất thường xảy ra tại các tỉnh ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên- Huế. Đây là sự cố môi trường nghiêm trọng, diễn ra trên phạm vi rộng, không chỉ ảnh hưởng kinh tế của ngư dân trong khu vực mà tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế- xã hội của cả nước. Là con dân đất Việt, bất cứ ai trong chúng ta đều chung tâm trạng lo lắng, hoang mang khi môi trường biển bị đe dọa và phẫn nộ với thủ phạm gây ra hiện tượng trên. Đó là tâm trạng chung của một công dân có trách nhiệm đối với đất nước, là tình cảm của một con người đối với thiên nhiên. Tuy nhiên, sự lo lắng, phẫn nộ, bức xúc không thể lấn át lý trí. Hơn lúc nào hết, trước sự kiện như vậy, chúng ta cần phải hành động sáng suốt, đoàn kết và càng không nên để người khác lợi dụng.
Nhận thức tầm quan trọng của sự kiện và thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, ngay khi có thông tin và báo cáo, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh khẩn trương làm rõ nguyên nhân và triển khai kịp thời các biện pháp khắc phục hậu quả và hỗ trợ ngư dân.
Ý thức đuợc trách nhiệm truớc nhân dân và xã hội, các cơ quan Bộ Tài nguyên & Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam… đã nhanh chóng thành lập Hội đồng chuyên gia KH&CN Quốc gia, mời các nhà khoa học Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Israel… tham gia nghiên cứu, khảo sát, điều tra để có kết luận chính xác, khách quan và khoa học nhất về nguyên nhân sự cố, mức độ ảnh hưởng và giải pháp khắc phục.
Quan điểm và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ kiên quyết và rõ ràng. Tại buổi làm việc vào ngày 01/5/2016 với lãnh đạo các địa phương bị ảnh hưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Dù bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật đều phải điều tra làm rõ trên cơ sở khoa học, không ai được bao che”, “Xác định đến cùng thủ phạm chính là gì trên tinh thần khách quan, trung thực, thận trọng và khẩn trương”…
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 772 ngày 09/5/2016 của về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế bị ảnh hưởng, bảo đảm các chính sách hỗ trợ đến được với người dân kịp thời, đúng quy định, đúng đối tượng, nhằm ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã đồng loạt thực hiện các biện pháp kịp thời và thiết thực nhằm hỗ trợ vật chất, bù đắp những thiệt hại, động viên, thăm hỏi bà con bị tác động bởi sự kiện.
Cũng chính những ngày qua, tiếp nối truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân từ mọi miền đất nước đã hỗ trợ san sẻ cùng bà con ngư dân miền Trung để giảm thiểu những mất mát, thiệt hại về vật chất; tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần bà con bị thiệt hại. Đây là những hành động thiết thực, thấm đượm tình người và rất đáng trân trọng.
Trong khi đó, lợi dụng sự hoang mang, lo lắng, tâm lý bức xúc, nóng ruột của của người dân, dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường, hỗ trợ ngư dân… một số cá nhân đã bóp méo thông tin, tổ chức kêu gọi người dân tuần hành, dàn dựng, khiêu khích các lực lượng chức năng, gây rối... để phục vụ các mưu đồ riêng của họ. Hành động xuống đường biểu tình, phản đốikhông là hành động bảo vệ môi trường hữu hiệu trong bối cảnh hiện nay mà đôi khi có thể gây ô nhiễm “môi trường kinh doanh” và bất ổn xã hội. Chắc hẳn các bạn không quên sự kiện ngày 13-14/5/2014.Lợi dụng việc tuần hành phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhóm các đối tượng quá khích đập phá, hủy hoại tài sản các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM. Hậu quả của hành động đó không chỉ gây tổn hại về vật chất mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư, làm xấu xí hình ảnh người Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Là một sinh viên luật, thay vì xuống đường tuần hành, các bạn đang có đủ cơ hội và điều kiện để thể hiện lòng yêu nước, yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Thiết nghĩ, chúng ta hãy bắt đầu từ công việc cụ thể, nhỏ bé nhưng thiết thực nhất là tích lũy kiến thức pháp luật bảo vệ môi trường. Kiến thức đó cần được lan tỏa trong bạn bè, gia đình và cộng đồng để góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn. Sau khi ra trường, kiến thức đó sẽ hữu ích trong việc ngăn chặn và chế tài các hành vi xâm hại môi trường. Bất kỳ một kết luận về sự cố môi trường hoặc kết luận về hành vi vi phạm pháp luật môi trường đều phải dựa trên chứng cứ, kết quả điều tra giám định độc lập, kết quả thực nghiệm hiện trường… Là một sinh viên luật, các bạn không thể hành động theo cảm tính, nóng vội mà phải căn cứ vào các luận điểm và luận cứ pháp lý.
Là một công dân có trách nhiệm, hành động bảo vệ môi trường, bảo vệ ngư dân thiết thực nhất là mỗi chúng ta dành những động viên, chia sẻ cùng bà con ngư dân, với các bạn trong lớp, trường có gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường này. Ngoài ra các hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường đang chờ đón các bạn.
BCH Đoàn trường, BCH Hội sinh viên trường chia sẻ tâm tư, tình cảm, sự lo lắng của các bạn, đặc biệt là các bạn có gia đình bị ảnh hưởng trước những sự cố môi trường vừa qua. Thiết nghĩ các bạn sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM hãy chung sức bảo vệ môi trường không chỉ bằng trái tim mà cả sự thông thái, tỉnh táo của một con người có trách nhiệm trước các vấn đề môi trường quốc gia và toàn cầu.
TRẦN ÁNH (Theo BCH Đoàn trường - BCH Hội sinh viên)
Write comment (0 Comments)Vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 19 tháng 5 năm 2016 hội trường D101 tràn ngập sắc xanh màu áo thanh niên chào mừng “Lễ tổng kết 5 năm thực hiện chỉ thị 03-CT/TW của bộ chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lễ tuyên dương gương thanh niên tiên tiến, tập thể tiên tiến làm theo lời Bác năm học 2015-2016”.
Lễ tổng kết vinh dự đón tiếp sự hiện diện của quý vị đại biểu:
- Đ/c Bùi Việt Hà – Cán bộ Ban Thanh niên – Trường học Thành Đoàn;
- Thạc sĩ Phạm Duy Quang – Đảng Ủy viên – Chủ tịch Công Đoàn – Trưởng Phòng Đào tạo không chính quy;
- Đ/c Trần Ngọc Lan Trang – Đảng Ủy viên – Bí thư Đoàn trường;
- Đ/c Nguyễn Thành Bá Đại – Phó Bí thư Thường trực Đoàn trường;
Cùng với sự góp mặt các lãnh đạo Đoàn khoa, Liên chi Đoàn cơ quan, Đoàn các chương trình đào tạo đặc biệt và các bạn đoàn viên sinh viên.
Thực hiện chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp thu đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đ/c Trần Ngọc Lan Trang đã khẳng định đã lồng ghép các tư tưởng mang tính định hướng cao. Đoàn trường, Hội sinh viên trường đã đạt được những thành tích hiệu quả tiêu biểu là Phong cách sinh viên Luật tác động vào ý thức của mỗi đoàn viên, sinh viên.
Đ/c Trần Ngọc Lan Trang lên phát biểu
Đ/c Đỗ Huỳnh Ngọc Điệp thay mặt BCH Đoàn trường thông qua quyết định khen thưởng và biểu dương 03 tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chỉ thị 03-CT/TW gồm: Đoàn khoa Quản trị, Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Đoàn khoa Luật Thương mại.
03 tập thể có thành tích xuất sắc thực hiện chỉ thị 03-CT/TW
Đ/c Nguyễn Minh Hiếu làm không khí hội trường trở nên hào hứng khi tiếp tục vinh danh 93 cá nhân đạt danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cùng với 04 tập thể tiên tiến làm theo lời Bác Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh 2016.
Một vài hình ảnh về cá nhân đạt danh hiệu TNTT và 04 tập thể tiên tiến làm theo lời Bác
“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” - Câu hát được vang lên trong hòa ca của 93 thanh niên tiên tiến như lời hứa khát vọng của tuổi trẻ trường Đại học Luật nói riêng và của tuổi trẻ cả nước nói chung sẽ góp phần dựng xây tương lai đất nước tươi đẹp, và lời hứa đó sẽ sống mãi trong trái tim mỗi thế hệ thanh niên Việt Nam mang trên mình sắc xanh tuổi trẻ.
93 thanh niên tiên tiến thể hiện bài hát “Khúc hát tuổi trẻ”
Write comment (0 Comments)Sáng ngày 19/5/2016, Trường Đại học Luật TP. HCM tiến hành Lễ trao bằng Tiến sỹ, Thạc sỹ và tổng kết công tác đào tạo sau đại học năm 2016 tại Hội trường C302 cơ sở Nguyễn Tất Thành.
Tham dự buổi lễ có đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, cùng đoàn công tác của Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Trần Văn Rón - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, cùng lãnh đạo các ban ngành của tỉnh Vĩnh Long. Về phía trường Đại học Luật TP. HCM, có NGƯT.GS.TS Mai Hồng Quỳ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường cùng các Phó hiệu trưởng, các cán bộ chủ chốt, giảng viên, học viên và các tân Tiến sỹ, Thạc sỹ.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước - Đặng Thị Ngọc Thịnh thể hiện sự vui mừng khi đến thăm Trường Đại học Luật TP. HCM, đồng thời biểu dương những kết quả mà Nhà trường đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong công tác đào tạo Cán bộ pháp luật cho các tỉnh thuộc khu vực phía Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Bên cạnh đó, Đồng chí Phó chủ tịch nước cũng đã trao quà lưu niệm cho lãnh đạo Nhà trường, tặng Quỹ hỗ trợ sinh viên 50 triệu đồng, cũng như chúc mừng và chung vui với các tân Tiến sỹ, Thạc sỹ tại buổi lễ.
Thay mặt tập thể cán bộ giảng viên nhà trường, NGƯT.GS.TS. Mai Hồng Quỳ cảm ơn sự quan tâm, thăm hỏi, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cũng như Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trong thời gian vừa qua. Đồng thời, khẳng định Nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển về mọi mặt để khẳng định vai trò là trung tâm đào tạo cán bộ pháp lý lớn nhất ở khu vực phía Nam, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cũng như nâng cao trình độ về pháp luật cho đội ngũ cán bộ trong bộ máy hành chính các cấp.
Đồng thời, tại buổi lễ Phó Chủ tịch nước và NGƯT. GS. TS. Mai Hồng Quỳ cũng đã tiến hành trao bằng cho cho các tân Tiến sĩ và Thạc sỹ của Nhà trường.
Dưới đây là một số hình ảnh về buổi lễ:
Write comment (1 Comment)
Nếu chúng ta có một cái nhìn đầy đủ không chỉ qua một vài hình ảnh, tin bài được lặp đi lặp lại, đánh tráo sự thật; suy xét vấn đề một cách toàn diện, xem xét mọi thông tin ở góc nhìn phản biện của một sinh viên Luật trên cơ sở theo dõi và nắm bắt những chỉ đạo và hành động quyết liệt, có trình tự từ Trung ương đến địa phương như đã nêu ở trên thì niềm tin của chúng ta sẽ lại được đặt đúng chỗ của nó – một vị trí trang trọng trước ngực trái.
Từ tháng 4 năm 2016, sự quan tâm của chúng ta không chỉ dành cho một sự kiện trọng đại của đất nước sẽ diễn ra vào ngày 22 tháng 5 sắp tới – ngày cử tri cả nước tham gia bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 mà còn dành riêng một góc lớn thời gian cho một chuỗi những sự kiện được bắt nguồn và đang diễn ra ở miền Trung. Đó có lẽ là thói quen chung của mỗi người dân Việt Nam khi miền Trung đối mặt với khó khăn, là những ánh mắt đồng cảm và sẻ chia để cùng hướng về một miền khi đồng bào mình đang phải nặng gánh một nỗi lo về những mất mát, về những điều “bất thường” liên tiếp xảy ra. Cá chết. Cá chết liên tục và cá chết bất thường.
Sơ lược tình hình.
Ngày 6/4/2016, người dân phát hiện cá chết, tôm, nghêu chết bất thường ở các vùng ven biển và các lồng tại tại vùng biển Vũng Áng – tỉnh Hà Tĩnh. Đến ngày 10/4/2016, cá chết xuất hiện ở vùng biển thuộc hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Riêng tại Quảng Trị, nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao liên tục chết và trôi dạt vào bờ. Năm ngày sau (15/4/2016), hiện tượng cá chết lan sang vùng biển thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đến ngày 29/4/2016, cá chết dạt vào bờ biển thuộc quận Liên Chiểu – thành phố Đà Nẵng. Sang đầu tháng 5, các tỉnh Thừa Thiên – Huế (xã Hải Dương, thị trấn Thuận An, Phú Vang), Quảng Bình (xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch) tiếp tục ghi nhận hiện tượng cá chết hàng loạt, dạt vào bờ, trong đó, có gần ba tấn cá nuôi lồng và cá tự nhiên chết dạt vào bờ.
Niềm tin của chúng ta đang đặt vào đâu?
Kể từ khi vụ việc xảy ra, Chính phủ, các Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương đã có những động thái tích cực và những biện pháp cần thiết để vào cuộc xác định nguyên nhân hải sản chết bất thường. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ, đồng hành, đảm bảo ổn định đời sống của người dân các vùng có thiệt hại, tìm kiếm một câu trả lời thoả đáng cho dư luận, cho những người Việt Nam đang gửi gắm tấm lòng ở miền Trung. Một điều chắc chắn rằng chúng ta đáng rất nóng lòng chờ đợi kết quả kết luận về nguyên nhân hải sản chết. Tuy nhiên, bằng việc chờ đợi một câu trả lời trung thực, khách quan, chính xác và trách nhiệm như đã đề cập ở trên thì vấn đề thời gian là điều kiện thật sự cần thiết. Chúng ta sẽ chờ! Niềm tin của chúng ta đã đang và sẽ đặt vào những hành động thiết thực các cơ quan Nhà nước, từ người đứng đầu Chính phủ cho đến chính quyền địa phương các cấp. Hơn nữa, niềm tin của chúng ta phải đặt vào chính trong niềm tin nội tại đã được định hình bấy lâu nay. Tin vào niềm tin của chính mình dành cho đất nước, cho bộ máy công quyền từ trước đến nay.
Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Trung ương.
Ngày 25/4/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân hản sản chết. Cụ thể, Thủ tướng giao cho các Bộ Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách việc tìm kiếm nguyên nhân; giao cho UBND tỉnh Hà tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế rà soát, thống kê thiệt hại của các hộ nuôi trồng thuỷ hải sản, nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, các trường hợp bị thiệt hại lớn để đề xuất Chính phủ có phương án hỗ trợ, không được để ngư dân thiếu đói do phải ngừng đánh bắt thuỷ hải sản. Tiếp đó, ngày 29/4/2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo UBND các tỉnh có thiệt hại “không để bất cứ tàu thuyền nào của ngư dân có hải sản mà không tiêu thụ được”, đồng thời lập ngay đường dây nóng để nắm bắt tình hình. Đến ngày 01/5/2016, làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa khẳng định: “Dù bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật đều phải làm rõ trên cơ sở khoa học, không ai được bao che”, “Cần có kết luận cụ thể vì đây là nguyện vọng của nhân dân nhưng phải chặt chẽ, khoa học”. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ còn chỉ đạo thực hiện việc (1) rà soát tất cả các cơ sở sản xuất có xả thải, (2) tiến hành khôi phục, ổn định sản xuất, (3) hỗ trợ bằng gạo, tiền, lãi suất vay ngân hàng cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ có trách nhiệm đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành vào cuộc. Ngày 28/4/2016, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp (Formosa) với khẳng định sẽ làm rõ nguyên nhân dẫn đến hải sản chết hàng loạt và đề nghị có biện pháp giám sát kịp thời hệ thống xả thải của Formosa. Đến ngày 3/5/2016, theo đề nghị của Bộ Bộ Tài Nguyên – Môi trường, một nhóm chuyên gia bao gồm các nhà khoa học đến từ các nước Mỹ, Đức, Nhật Bản, Israel cùng với một số nhà khoa học trong nước bắt tay vào việc kiểm định độc lập, đồng thời đánh giá kết quả của các đoàn kiểm tra liên ngành vừa được thành lập. Ngày 4/5/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường ký Quyết định về việc kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị đang hoạt động tại Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh – tỉnh Hà Tĩnh) (2)[i]. Sau khi có kết quả ban đầu, từ ngày 11/5/2016, Đoàn Kiểm tra liên ngành đã tiếp tục làm việc, lấy mẫu và kiểm tra, đối chiếu số liệu, làm rõ một số vấn đề tại Formosa. Kết thúc quá trình kiểm tra sẽ thông tin cụ thể để người dân được rõ.
Tại các tỉnh có thiệt hại.
Ngay sau sự việc xảy ra, Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh cũng đã vào cuộc, đồng hành, hỗ trợ người dân bị thiệt hại đồng thời tham gia cùng các bộ, ngành tìm kiếm nguyên nhân cá chết. Tại Hà Tĩnh, sau khi xác định chất lượng các mẫu hải sản, nước biển được kiểm nghiệm đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn thì tính đến ngày 8/5/2016 đã có tổng cộng 2.663/37.50 tàu ra khơi đánh bắt thuỷ hải sản (khoảng 71%). Tại Quảng Bình, mặc dù bị thiệt hại khá lớn (khoảng 115 tỷ đồng) nhugn7 với sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương, tính đến ngày 8/5/2016, đã có gần 550 tấn hải sản khai thác xa bờ được cấp giấy chứng nhận an toàn và tiêu thụ hết. Hoạt động kinh doanh, đánh bắt thuỷ hải sản của ngư dân đã bước đầu ổn định trở lại. Tại Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, các hoạt động hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại đang được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao. Theo đó, UBND các tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan tằng cường kiểm tra, quan trắc môi trường biển, đánh giá mức độ an toàn của thuỷ hải sản và công bố cho người dân biết.
Chúng ta có thể thấy rằng ngư dân, đồng bào ở các tỉnh có thiệt hại họ không đơn độc trong hành trình tìm nguyên nhân hải sản chết. Họ cũng không phải đau đáu vì sự gián đoạn của những chuyến tàu xa khơi hay thiếu đói. Nước biển đã, đang và sẽ được kiểm nghiệm về mức độ an toàn. Ngư dân đã có thể tiếp tục hoạt động đánh bắt, kinh doanh như bình thường. Hải sản vào bờ sẽ được kiểm nghiệm, chứng nhận và được tiêu thụ. Quan trọng hơn cả, niềm tin vào một bộ máy đang hoạt động hiệu quả để tìm nguyên nhân, giải quyết tình hình đang được thực hiện ráo riết, khẩn trương và có trách nhiệm. Chúng ta có thể khẳng định điều đó, bất chấp những luận điệu xuyên tạc, những kết luận vô căn cứ của các tổ chức, cá nhân trên các diễn đàn của mạng xã hội.
Trước thông tin về tình hình cá chết tại các tỉnh miền Trung, Đảng uỷ - Ban Giám hiệu Nhà trường đã nhanh chóng tìm hiểu, nắm bắt tình hình của sinh viên các gia đình tại các tỉnh có thiệt hại thông qua buổi đối thoại trực tiếp với Ban Giám hiệu vào ngày 05/5/2016. Tại buổi gặp gỡ, GS.TS Mai Hồng Quỳ đã khẳng định: trong thời gian tới, các đơn vị chức năng như Phòng Công tác chính trị - sinh viên, Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp & Hỗ trợ sinh viên, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trường, sẽ tiến hành, khảo sát nắm bắt những thiệt hại mà gia đình các sinh viên gặp phải để có chính sách hỗ trợ kịp thời như miễn giảm học phí cho sinh viên ngay trong năm học cũng như nghiên cứu triển khai thành lập và tổ chức vận động quỹ hỗ trợ đột xuất cho chính sinh viên và gia đình sinh viên bị ảnh hưởng tại các địa phương. Theo đó, Quỹ hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi các vấn đề thiên tai, sự kiện đột xuất đã được hình thành với nguồn kinh phí ban đầu là 150.000.000 đồng được trích từ nguồn quỹ học bổng do các tổ chức, cá nhân, cựu sinh viên đóng góp trong đợt hoạt động kỷ niệm 20 năm thành lập Trường cùng với số tiền ủng hộ 50.000.000 đồng từ Chủ tịch Nước Trần đại Quang trong chuyến thăm và làm việc tại Trường vào ngày 11/5/2016. Có thể nói, đây là một trong những động thái tích cực, một sự khẳng định chắc chắn về sự đồng hành và hỗ trợ kịp thời cho đồng bào miền Trung mà trực tiếp là những người sinh viên ở các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do hải sản chết đang học tập tại Trường.
Sinh viên Luật - chúng ta sẽ làm gì?
Trước dư luận đa chiều cùng với những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, chúng ta đang bị bội thực với những tin tức về cá. Nhiều hơn nữa là những bài viết, bình luận mang tính chất kích động, lôi kéo người dân tham gia vào các cuộc “tuần hành ôn hoà” bằng những quan điểm thiếu chính xác, phản ánh một cách tiêu cực, sai sự thật về những sự kiện đang diễn ra có liên quan đến việc hải sản chết bất thường. Chúng ta lại quay lại đặt vấn đề ở chỗ niềm tin của chúng ta vào các cơ quan Nhà nước. Nếu chúng ta có một cái nhìn đầy đủ không chỉ qua một vài hình ảnh, tin bài được lặp đi lặp lại, đánh tráo sự thật; suy xét vấn đề một cách toàn diện, xem xét mọi thông tin ở góc nhìn phản biện của một sinh viên Luật trên cơ sở theo dõi và nắm bắt những chỉ đạo và hành động quyết liệt, có trình tự từ Trung ương đến địa phương như đã nêu ở trên thì niềm tin của chúng ta sẽ lại được đặt đúng chỗ của nó – một vị trí trang trọng trước ngực trái. Rộng hơn đó là sự tin tưởng bằng một trái tim chung một nhịp đập với đồng bào gặp hoạn nạn như chúng ta đã khẳng định lâu nay hay bằng “một lòng yêu nước nồng nàn” như Bác Hồ đã nhắn nhủ.
Tỉnh táo trong mọi tình huống và trấn tĩnh mình trước những lời “kêu gọi” xuống đường là điều cần thiết ngay lúc này. Bởi lẽ những luật gia của tương lai vẫn luôn cần phải ý thức được vai trò của mình để nhận thức và áp dụng một cách hiệu quả hệ thống kiến thức chuyên ngành đã được chuyển tải từ giảng đường, để lựa chọn những hành động thông minh, đúng nghĩa và chính nghĩa. Từ đó, một mặt phản biện có tư duy, logic, đúng pháp luật về những hành vi xuyên tạc, sách nhiễu, sai sự thật, hướng dư luận đến sự thật khách quan, những quá trình hoàn thiện, những chỉ đạo khẩn trương, nghiêm túc đang được thực hiện trong cuộc sống của chúng ta. Mặt khác, đồng hành và đồng lòng cùng với ngư dân miền Trung bằng bằng lòng yêu nước trong sáng, bằng sự tận tâm với sứ mệnh của một tri thức có trách nhiệm với thời đại./.
[i]Quyết định số 976/QĐ-BTNMT. Thành phần Đoàn Kiểm tra bao gồm các Bộ: Quốc phòng, Công an, Khoa học và công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, một số cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh có hải sản chết,...
LÂM TRỌNG KHA
Write comment (0 Comments)Trong khuôn khổ các hoạt động tiếp xúc cử tri tại thành phố HCM để chuẩn bị bầu cử Đại biểu quốc hội khóa 14, chiều ngày 11/5/2016, đồng chí Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Luật TP.HCM. Nhà trường đã tổ chức buổi đón tiếp Chủ tịch nước trang trọng với sự có mặt của NGƯT.GS.TS. Mai Hồng Qùy – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, cùng tập thể Đảng ủy, Ban giám hiệu, BCH Công đoàn, BCH Đoàn TNCSHCM, một số GV, cán bộ chủ chốt, học viên và sinh viên của Trường.
GS. TS. Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng Nhà trường thay mặt cán bộ, giảng viên Nhà trường báo cáo với Chủ tịch nước
Thay mặt Trường Đại học Luật TP.HCM, GS.TS. Mai Hồng Quỳ đã báo cáo với Chủ tịch nước về tình hình đội ngũ CBGV, về hoạt động đào tạo, NCKH và xây dựng cơ sở vật chất của Nhà trường. Hiệu trưởng Nhà trường cũng trình bày với Chủ tịch nước về kết quả trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cán bộ pháp luật có chất lượng cho các tỉnh phía Nam, đặc biệt là cho các tỉnh miền Tây Nam bộ và Tây Nguyên; về các hoạt động NCKH phục vụ công tác lập pháp của Quốc hội và cải cách tư pháp, về việc tổ chức thành công các hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông. Tại buổi làm việc, GS.TS. Mai Hồng Qùy cũng báo cáo với Chủ tịch nước Trần Đại Quang về tinh thần tích cực chuẩn bị tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới của CBGV, sinh viên, học viên Trường ĐH Luật TP.HCM; về sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà trường đối với các SV của các tỉnh ven biển miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng cá chết đang học tập tại Trường.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu với cán bộ, giảng viên Nhà trường
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thể hiện sự vui mừng khi đến thăm Trường ĐH Luật TP.HCM và biểu dương những kết quả đạt được trên các mặt công tác của Nhà trường. Chủ tịch nước đánh giá cao những đóng góp của Trường trong việc tổ chức thành công các hội thảo quốc tế về Biển Đông, góp phần thể hiện tiếng nói khách quan của các nhà khoa học, của các chuyên gia trong nước và quốc tế về vấn đề Biển Đông. Đồng chí Trần Đại Quang bày tỏ sự vui mừng với những kết quả đạt được và đánh giá cao vai trò của Trường ĐH Luật TP.HCM trong công tác đào tạo cán bộ pháp luật cho các tỉnh phía Nam. Chủ tịch nước mong muốn giảng viên Nhà trường đóng góp nhiều hơn nữa trong công tác lập pháp, tham gia xây dựng và đề xuất các dự án luật; lưu ý Nhà trường phải tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ pháp luật có trình độ cao, giỏi ngoại ngữ để có thể tham gia tích cực vào các cơ chế tài phán quốc tế, phục vụ công cuộc hội nhập. Với tư cách là Chủ tịch nước, giáo sư tiến sĩ luật học, đồng chí Trần Đại Quang cho rằng đất nước ta đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN cho nên việc tìm hiểu học tập kinh nghiệm nước ngoài là rất cần thiết, nhưng cũng phải chú ý đến hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam khi tiếp thu học hỏi từ pháp luật nước ngoài trong công tác lập pháp. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng biểu dương tinh thần chuẩn bị tích cực tham gia bầu cử đại biểu QH khóa 14 và HĐND sắp tới của CBGV, HVSV Nhà trường. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tặng cho Trường 50.000.000đ để chuyển vào Quỹ học bổng khuyến học và hỗ trợ cho sinh viên ở các vùng khó khăn.
Chủ tịch nước tặng quà cho Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Thay mặt tập thể CBGV của Trường ĐH Luật TP.HCM, GS.TS. Mai Hồng Qùy cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Chủ tịch nước, cũng đồng thời cũng là Trưởng ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đối với Nhà trường. Đồng chí Hiệu trưởng xin tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước và hứa sẽ cùng tập thể Đảng ủy, BGH, CBGV nhà trường thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Chủ tịch nước đã đặt ra trong buổi gặp và quyết tâm xây dựng Trường ĐH Luật TP.HCM xứng đáng là Trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, góp phần thực hiện thành công Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.
Chủ tịch nước chụp ảnh lưu niệm với Ban giám hiệu, giảng viên, sinh viên Trường
Nội dung: BAN BIÊN TẬP WEBSITE
Hình ảnh: HIỆP TRẦN
Write comment (0 Comments)Đơn vị chủ quản: Đoàn Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Cơ sở 1: Phòng A308 - số 02 Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh
Cơ sở 2: Phòng E102 - số 123 Quốc lộ 13, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh