Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 trong suốt thời gian qua, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành hỗ trợ chi phí kết nối Internet để học tập trực tuyến cho toàn bộ sinh viên, học viên các hệ, bậc đào tạo của Trường; cũng như hỗ trợ sinh viên khó khăn do dịch Covid 19 với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến toàn bộ các hoạt động của đời sống kinh tế, xã hội ở nước ta nói chung và ảnh hưởng đến ngành giáo dục nói riêng. Trước tình hình đó, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo việc truyền đạt và tiếp thu kiến thức luôn được xuyên suốt, có chất lượng qua hình thức E-learning và sử dụng tối đa kho dữ liệu bài giảng điện tử của Nhà trường. Đồng thời, Nhà trường cũng liên tục có các hoạt động hỗ trợ người học về phương pháp học tập E-learning hiệu quả.

Chiều ngày 17/4/2020, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã có thông báo quyết định áp dụng chính sách hỗ trợ người học của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid – 19, cụ thể:

1. Hỗ trợ chi phí kết nối Internet để học tập trực tuyến với số tiền 200.000 đồng tất cả người học các khóa, hệ đào tạo. Người học sẽ được nhận kinh phí hỗ trợ trực tiếp thông qua Lớp trưởng sau khi đi học tập trung lại tại Trường.

2. Hỗ trợ sinh viên các khóa Đại học Chính quy văn bằng 1 có gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt do tác động của dịch Covid-19. Mức hỗ trợ từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng tùy từng trường hợp cụ thể. Mức hỗ trợ này trừ các sinh viên đã được miễn giảm học phí theo quy định, sinh viên đã được nhận học bổng “Thắp sáng ước mơ” học kỳ 2 năm học 2020 – 2021 và các đối tượng đã được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Hoàng Hải, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết Nhà trường dành ra khoản 5 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ sinh viên để chi hỗ trợ cho các đối tượng trên. Đồng thời, cũng sẽ dành một khoản chi phí để hỗ trợ cán bộ, giảng viên trong mùa dịch covid 19 này.

Đồng thời, ông cũng cho biết thêm để đảm bảo hoạt động truyền đạt và tiếp thu kiến thức được xuyên suốt trong đợt dịch Covid 19, Nhà trường đã triển khai mạnh mẽ việc giảng dạy trực tuyến bằng hệ thống cơ sở dữ liệu E-learning. Các khối lượng giảng dạy học tập, chất lượng đào tạo và chuẩn đầu ra đối với từng môn học/học phần vẫn được Nhà trường đảm bảo như khi tổ chức dạy học trực tiếp trên lớp học và Nhà trường sẽ không tổ chức học bù hoặc học lại; nhưng khi sinh viên trở lại Trường học tập trung, Nhà trường sẽ bố trí một số ca học/buổi học để giảng viên hệ thống lại kiến thức và giải đáp thắc mắc trước khi sinh viên thi kết thúc học phần. Số lượng ca/buổi để giảng viên hệ thống lại kiến thức và giải đáp thắc mắc của mỗi học phần tùy thuộc vào số tín chỉ/ đơn vị học trình của học phần và thời gian mà Nhà trường đã tổ chức học E-learning.

Link đính kèm: Thông báo về việc triển khai chính sách hỗ trợ người học của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh do tác động của dịch Covid - 19. 

 

Ban Truyền thông Ulaw

 
Write comment (0 Comments)

Trong thời gian gần đây, vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương. Trước tình hình ấy, hưởng ứng “Lễ phát động nhân dân thành phố chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn” của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) TP. HCM, vào sáng ngày 08/04/2020, Đoàn - Hội sinh viên trường Đại học Luật TP. HCM đã đại diện trao số tiền quyên góp 30 triệu đồng.

Trước đó, được sự chấp thuận của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường, từ ngày 24/03/2020 đến ngày 31/03/2020, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động “Ngày làm việc tốt Ulaw”, Đoàn - Hội sinh viên trường Đại học Luật TP. HCM đã kêu gọi các Đoàn viên, sinh viên đóng góp ủng hộ những địa phương đang gánh chịu hạn hán, mặn xâm nhập sâu tại khu vực ĐBSCL. Phong trào nhận được sự hưởng ứng vô cùng tích cực, thu về tổng số tiền 30 triệu đồng. Trong đó, đoàn viên, sinh viên Trường Đại học Luật TP. HCM đóng góp 22 triệu đồng thông qua tài khoản của Đoàn trường; 8 triệu đồng trích từ nguồn kinh phí hoạt động của Đoàn trường - Hội sinh viên trường. 

Vào sáng ngày 08/04/2020, đồng chí Trần Nhật Anh - Uỷ viên Ban Thường vụ Đoàn trường, Chủ tịch HSV trường đã đại diện Ban Thường vụ Đoàn trường, Ban Thư ký HSV trường Đại học Luật TP. HCM tiến hành trao số tiền ủng hộ nêu trên cho UBMTTQVN TP. HCM. Trước những đóng góp của Đoàn - Hội sinh viên trường nói riêng và Nhà trường nói chung, bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM dành lời cảm ơn sâu sắc đến các bạn Đoàn viên, sinh viên có tấm lòng hảo tâm, biết giúp đỡ, sẻ chia. Đồng thời, bà Tô Thị Bích Châu cũng hỏi thăm tình hình về việc học tập của sinh viên và chính sách hỗ trợ sinh viên khó khăn của trường trong mùa dịch bệnh này. Sự đoàn kết, giúp đỡ của nhân dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung sẽ phần nào cải thiện tình trạng thiếu nước ngọt trên diện rộng tại các địa phương trong khu vực ĐBSCL, khắc phục ảnh hưởng nghiêm trọng của hạn mặn đến sản xuất cũng như đời sống dân sinh.

Hy vọng rằng, bên cạnh mục tiêu hỗ trợ cho đồng bào ĐBSCL chống hạn mặn, việc làm ý nghĩa của các bạn Đoàn viên, sinh viên Trường Đại học Luật TP. HCM sẽ còn góp phần lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, hết mình vì cộng đồng của thế hệ thanh niên Việt Nam. 

Nội dung: Sơn Giang

Hình ảnh: Lê Phạm Nam Long

Retouch: Nhật Minh

 

Ban Truyền thông Đoàn trường

Write comment (0 Comments)

Những ngày qua, bên cạnh thông tin và tình hình diễn biến phức tạp về dịch bệnh thì dân tình càng hoang mang hơn về các fakenews, các tin đồn thất thiệt. Hậu quả của những thông tin này rõ ràng có thể thấy được đó là việc gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng, mất trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng đến công cuộc chung của cả xã hội. Trong khi các y bác sĩ và ngành y tế đang ra sức phòng chống dịch bệnh thì có một nghe được tin mật tung tin đồn "nhảm", không đúng sự thật hoặc chưa được kiểm chứng. Đáng buồn là tin xấu thường được nghe, được tin nhiều hơn các thông tin chính thống. Tuy nhiên, tung tin giả hay fakenews thì có vi phạm pháp luật không và có thể bị xử phạt như thế nào?

1. Cơ sở pháp lý

Vấn đề tung tin giả mạng, sai sự thật đầu tiên được xem xét theo quy định Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Như vậy từ góc độ Hiến pháp và quyền con người thì chúng ta được pháp luật bảo vệ về vấn đề này, do đó, khi có cá nhân hoặc pháp nhân nào vi phạm đến quyền này của công dân thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Hình sự 2015, Luật An ninh mạng 2018 cũng có những quy định về vấn đề này:

- Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân;

- Điều 8 của Luật An ninh mạng 2018 cũng nghiêm cấm các hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.;

- Điều 26 của Luật An ninh mạng 2018 quy định rõ: Trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin có nội dung quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật An ninh mạng 2018 và các thông tin khác có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia;

Mới đây, ngày 03/02/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa ký ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (CNTT) và giao dịch điện tử. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2020.

Như vậy, hệ thống pháp luật Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý cho các hành vi tung tin giả.

2. Xử phạt như thế nào?

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm,hành vi tung tin giả sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

+ Điều 589 đến Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thì cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu đính chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại;

+ Điều 156 BLHS 2015 quy định có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội Vu khống. Ngoài ra, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm;

+ Điều 9 Luật an ninh mạng 2018 quy định “Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”;

+ Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (CNTT) và giao dịch điện tử quy định hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm có cảnh cáo và phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung khác. Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả. Đồng thời, Điều 101 Nghị định cũng quy định rõ mức phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội hay cung cấp các ấn phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ, chưa được phép lưu hành; ... và quy định mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời quy định sử dụng các biện phép khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định.

Mạng là ảo nhưng trách nhiệm là thật, việc tung tin thất thiệt, sai sự thật gây hoang mang là hành vi vi phạm pháp luật. Hãy ý thức hơn văn minh hơn có trách nhiệm hơn với mỗi hành vi của mình.

Bài viết mang tính chất tổng hợp các quy phạm pháp luật.

Write comment (0 Comments)

Hằng năm, mỗi khi đến dịp Tết đến xuân về cũng là lúc sinh viên trường ĐH Luật TP. HCM rộn ràng với đêm văn nghệ “Ở đây có Tết”. Là một phần trong chương trình “Xuân kết nối - Tết sẻ chia”, hoạt động thường niên này đã diễn ra vào lúc 18h00 ngày 09/01/2020 tại cơ sở Bình Triệu. Đây không chỉ là đơn thuần là một đêm văn nghệ mà hơn hết còn là một sân chơi giải trí sau mùa thi căng thẳng, nơi giao lưu tâm tình giữa các bạn sinh viên trước thềm năm mới. 

 

Chương trình vinh dự nhận được tài trợ từ Ngân hàng TMCP Tiên Phong TP Bank và Công ty Cổ phần Nhựa Minh Hùng. Đêm văn nghệ cũng hân hạnh tiếp đón sự hiện diện của:

+ Về phía khách mời:

- Anh Châu Tiến Lộc - Cán bộ Ban Tuyên giáo Thành Đoàn;

- Tiến sĩ Võ Trung Tín - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai và Môi trường - Nguyên Bí thư Đoàn trường.

+ Về phía đại diện trường:

- Th.S Nguyễn Thành Bá Đại - Bí thư Đoàn trường;

- Th.S Nguyễn Trung Dương - Phó Bí thư Đoàn trường;

- Đ/c Trần Nhật Anh - Chủ tịch Hội Sinh viên trường.

Và đặc biệt là sự có mặt của đông đảo các bạn sinh viên trường ĐH Luật TP. HCM.

Ngay từ những giây phút đầu tiên, sân trường Bình Triệu đã trở nên nóng hơn bao giờ hết với màn kêu lô tô hội chợ - một tiết mục mới mẻ và vui nhộn do chính các bạn sinh viên “chủ trì”. Tiếp tục chương trình, không khí tiếp tục được khuấy động với tiết mục nhảy “Tết đến thật rồi” từ CLB Hip Hop Dance và ca khúc “Hạnh phúc xuân ngời” do ca sĩ Hoàng Long cùng ban nhạc thể hiện.

Không những thế, các bạn sinh viên còn có cơ hội được nghe về những phong tục ngày Tết tại Lào cùng ca khúc vui tươi từ bạn du học sinh Yoyo. Dù đã xa quê hương đến sinh sống và học tập tại Việt Nam suốt 04 năm qua nhưng mỗi dịp xuân sang Yoyo đều trở về Lào để đón những cái Tết ấm áp, an lành bên gia đình, người thân. 

Bên cạnh việc thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc, trò chơi Thử tài đoán mứt và các đồ vật đặc trưng ngày Tết cổ truyền đã gợi đến sinh viên không khí những buổi quây quần, sum họp gia đình cuối năm. Cảm xúc giản dị nhưng rất đỗi thân thương ấy một lần nữa được khắc họa đậm nét qua ca khúc “Tết đong đầy” do các bạn sinh viên trường ĐH Luật TP. HCM trình bày.

Sau tiết mục múa “Hoa cỏ mùa xuân” vô cùng đặc sắc từ Đoàn khoa Quản trị, các bạn sinh viên đã có dịp chia sẻ về những dự định trong năm mới, trải lòng về những nỗi niềm khi xa quê cũng như niềm ao ước được trở về nhà đón Tết. Cảm giác nôn nao ấy càng dâng lên hơn nữa với bài hát “Đi để trở về 2 - Chuyến đi của năm” do ca sĩ Hoàng Long cùng ban nhạc thể hiện.

Trong khuôn khổ chương trình “Xuân kết nối - Tết sẻ chia”, 30 phần quà Tết đã được trao tặng đến các bạn sinh viên với mong muốn hỗ trợ các bạn một cái Tết đầm ấm, trọn vẹn hơn. Bên cạnh đó, khán giả tại đêm văn nghệ còn được thưởng thức những món ăn ngày Tết như bánh chưng, hạt dưa, hạt hướng dương, kẹo mứt..., nhận được những bao lì xì từ chương trình và cùng trao nhau những lời chúc tốt lành cho năm mới. 

Chương trình khép lại với tiết mục “Đi để trở về - Tết về sớm nhé” qua phần thể hiện của nữ ca sĩ vô cùng đáng yêu Vũ Thị Châu. Đặc biệt tại bản mash up Tết, các bạn sinh viên đã “cháy” hết mình trong không khí “bùng nổ” của đêm văn nghệ, những ngọn đèn flash lung linh đã khiến một góc trời tại sân trường cơ sở Bình Triệu trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết.

“Ở đây có Tết”, đúng với tên gọi của nó, đêm văn nghệ đầy ý nghĩa này đã thật sự mang Tết đến với sinh viên trường ĐH Luật TP. HCM. Hy vọng trong năm Canh Tý, mọi điều tốt đẹp, an lành và hạnh phúc sẽ đến với tất cả chúng ta.

 

Nội dung: Ngọc Ngân, Ninh Giang, Sơn Giang

Hình ảnh: Anh Dũng, Hoàng Long, 

Mỹ Tiên, Hoàng Anh, Thanh Trà 

Ban Truyền thông Đoàn trường

Write comment (0 Comments)

Trong suốt 2 tháng vừa qua, toàn thể cán bộ Đoàn nói riêng và sinh viên trường ĐH Luật TP. HCM nói chung đều phấn khởi mong đợi, hòa mình vào không khí chào mừng một trong những sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất – Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐH Luật TP. HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2019 – 2022. Đại hội đã khởi đầu bằng nỗ lực của nhiều thế hệ áo xanh, khép lại bằng thành công của một chương trình hoàn thiện về cả nội dung lẫn hình thức.

“KHAI HỎA” THUẬN LỢI VỚI 7 ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN CƠ SỞ

Nhằm thực hiện Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hướng dẫn của Ban Thường vụ Đoàn trường Đại học Luật TP.HCM, được sự chấp thuận của Ban Thường vụ Đoàn trường và Chi ủy – Lãnh đạo khoa, Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của các Đoàn cơ sở đã lần lượt diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 04/05/2019 đến ngày 07/09/2019. 7 Đại hội ghi nhận sự tham dự của tổng cộng 552 đại biểu chính thức, đại diện cho 6764 Đoàn viên thuộc 7 Đoàn cơ sở, bao gồm Đoàn khoa Luật Thương mại, Luật Quốc tế, Luật Hành chính – nhà nước, Luật Hình sự, Luật Dân sự, Đoàn khoa Quản trị và Đoàn CCTĐTĐB.

Với tinh thần chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới, cũng như hướng về Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐH Luật TP. HCM lần thứ X, 7 Đại hội Đoàn cơ sở đã triển khai đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần IX nhiệm kỳ 2017 – 2019; xác định mục tiêu, nhiệm vụ của công tác Đoàn, phong trào thanh niên trong giai đoạn mới; bầu cử Ban Chấp hành Đoàn khoa, Đoàn CCTĐTĐB nhiệm kỳ 2019 – 2022. Thông qua bài phát biểu chỉ đạo Đại hội đến từ các đại biểu đại diện Đoàn trường và Chi ủy Khoa, 7 Đoàn cơ sở còn thu về nhiều nhận xét, đánh giá khách quan, cũng như định hướng hoạt động hiệu quả cho tương lai. ️

Bằng những nỗ lực và cố gắng không ngừng trong công tác chuẩn bị và tổ chức, các Đại hội Đại biểu Đoàn cơ sở đều khép lại tốt đẹp, đạt được mục tiêu mà kế hoạch đề ra. Đây không chỉ là bước khởi đầu thuận lợi cho hành trình mới của 7 Đoàn khoa, Đoàn CCTĐTĐB, mà còn là bước đệm để Đoàn trường có thêm động lực, kinh nghiệm tổ chức một Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐH Luật TP. HCM lần thứ X hoàn thiện, thành công!

CÔNG TÁC CHUẨN BỊ CHUYÊN NGHIỆP VÀ TÂM HUYẾT

Giữ vai trò một sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất của Đoàn trường ĐH Luật TP. HCM, Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐH Luật TP. HCM lần thứ X được đầu tư kỹ càng ngay từ những công đoạn đầu tiên. Không chỉ chú trọng chuẩn bị từ hình thức đến nội dung chương trình, vấn đề nhân sự cho nhiệm kỳ mới cũng trở thành mối quan tâm hàng đầu mà Đoàn trường tích cực hoàn thiện.

 

Trước thềm khai mạc sự kiện, Đoàn trường đã tiến hành tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội, buổi gặp mặt Ứng cử viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ X (2019 – 2022) và buổi gặp mặt giữa Ban Thường vụ Đoàn trường với các đại biểu chính thức. Thông qua đó, những vấn đề cần thiết liên quan đến công tác nhân sự, tổ chức Đại hội được phổ biến cụ thể, kịp thời đến các cá nhân, tổ chức liên quan. Bên cạnh đó, các cán bộ Đoàn cũng tích cực đóng góp ý kiến, đề xuất thay đổi giúp hoàn thiện khâu chuẩn bị cho sự kiện lớn này.

 

Trong 02 tuần chuẩn bị cuối cùng, mọi công tác liên quan đến Đại hội đều được đẩy nhanh tiến độ và gấp rút thực hiện. Không khí chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐH Luật TP. HCM lần thứ X trở nên nóng hơn bao giờ hết, với nhiều hình ảnh truyền thông phủ sóng rộng rãi, tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng Đoàn viên, thanh niên nhà trường nói riêng và thành phố nói chung.

TỰ HÀO HOÀN THIỆN MỘT ĐẠI HỘI THÀNH CÔNG

Sau thời gian dài chờ đợi cùng với công tác chuẩn bị đầy tâm huyết, Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐH Luật TP. HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2019 – 2022 chính thức khai mạc phiên thứ nhất vào buổi chiều ngày 01/12/2019, tại Hội trường C302, cơ sở Nguyễn Tất Thành, với sự tham dự của nhiều đại biểu khách mời đến từ Thành Đoàn, Đảng ủy – Ban Giám hiệu Nhà trường, các đơn vị bạn và đặc biệt là 200 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 7000 đoàn viên của trường. Chương trình diễn ra nghiêm túc, suôn sẻ trong hai phiên làm việc, chiều ngày 01/12/2019 và sáng ngày 02/12/2019.

 

Trong khuôn khổ làm việc của phiên thứ nhất, ThS. Nguyễn Thành Bá Đại – Bí thư Đoàn trường đã có bài diễn văn khai mạc, đồng thời thay mặt Đoàn chủ tịch trình bày Báo cáo tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh niên nhiệm kỳ IX (2017 – 2019). Ngay sau đó, ThS. Nguyễn Trung Dương – Phó Bí thư Đoàn trường tiếp tục trình bày tóm tắt dự thảo Phương hướng công tác Đoàn và phong trào thanh niên nhiệm kỳ X (2019 – 2022). Đại hội cũng tiến hành chia thành 4 tổ thảo luận, cùng nhau bàn bạc, đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo văn kiện.

 

Được xem là mục tiêu đặc biệt quan trọng, phần bầu cử Ban Chấp hành Đoàn trường nhiệm kỳ X (2019 – 2022) đã diễn ra một cách nghiêm túc, công bằng, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc đề ra. Nhận được sự tín nhiệm cao từ tập thể đại biểu, 23 trong số 27 ứng cử viên chính thức trở thành Uỷ viên Ban Chấp hành - một phần của bộ máy lãnh đạo Đoàn trường nhiệm kỳ mới (có danh sách kèm theo).

 

Tiếp nối thành công của phiên 1, tại phiên làm việc tiếp theo, với phần trình bày của ThS. Nguyễn Trung Dương, Đại hội tiến hành thông qua báo cáo kết quả làm việc buổi đầu và kết quả biểu quyết các chỉ tiêu Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường ĐH Luật TP. HCM lần thứ X (nhiệm kỳ 2019 – 2022). Đồng thời, Đại hội cũng giới thiệu hai bài tham luận mang tên “Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cho Thanh Thiếu niên – Thực tiễn từ Đoàn trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh” (do ThS. Nguyễn Đào Phương Thúy –  Phó Bí thư Đoàn trường nhiệm kỳ IX cùng Đ/c Nguyễn Vĩnh Kha – UV BCH Đoàn trường nhiệm kỳ IX trình bày) và “Mô hình khuyến khích khởi nghiệp và đồng hành cùng sinh viên trường ĐH Luật TP. HCM trong khởi nghiệp” (do Đ/c Nguyễn Ánh Linh – Phó Bí thư Đoàn khoa Quản trị trình bày). Tiếp sau đó, ThS. Nguyễn Trung Dương đã thay mặt Đoàn trường phát động cuộc vận động “Sinh viên Luật bảo vệ môi trường, nói không với đồ dùng nhựa sử dụng một lần”.

 

Trong khuôn khổ chương trình, Ban Chấp hành Đoàn trường nhiệm kỳ X đã chính thức ra mắt toàn thể Đại hội. Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành thống nhất lựa chọn ThS. Nguyễn Thành Bá Đại cho vị trí Bí thư Đoàn trường; ThS. Nguyễn Trung Dương và ThS. Nguyễn Đào Phương Thuý cho vị trí Phó Bí thư Đoàn trường. Nhân sự cho Ban Thường vụ Đoàn trường và Uỷ ban Kiểm tra cũng đã được bầu ra trong hội nghị nêu trên. (Có danh sách đính kèm)

 

Bên cạnh phần phát biểu chỉ đạo của cán bộ Thành Đoàn (phiên 1) và PGS. TS. Trần Hoàng Hải – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường (phiên 2), Đoàn trường vinh dự nhận được bức trướng do Đảng ủy – BGH Nhà trường trao tặng, ghi nhận những thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Mặt khác, để ghi nhận những đóng góp, cống hiến to lớn của các cán bộ áo xanh Trường ĐH Luật TP. HCM, Thành Đoàn đã trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc ở nhiệm kỳ IX. (Có danh sách đính kèm)

 

Sau khi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Luật TP. HCM lần thứ X chính thức được thông qua, Đại hội đã kết thúc trọn vẹn, khép lại một nhiệm kỳ IX rực rỡ và mở ra chương mới sáng lạng trong nhiệm kỳ 2019 – 2022 sắp tới. Sự thành công của Đại hội là không chỉ là lời khẳng định mạnh mẽ về năng lực, nỗ lực, tiềm lực của đội ngũ cán bộ Đoàn trường nhiệm kỳ X, mà còn là tiền đề để tổ chức tiếp tục phát triển và hoàn thiện mình, tiến xa hơn nữa trong chặng đường hoạt động phía trước.

 

 

Link đính kèm: Kết quả bầu cử các chức danh Đoàn trường nhiệm kỳ X (2019 - 2022)

Chi tiết bài viết: Tổng kết phiên 1; Tổng kết phiên 2Clip toàn cảnh Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐH Luật TP. HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2019 - 2022

 

Nội dung: Sơn Giang, Hương Giang 

Hình ảnh: Ban Truyền thông Đoàn trường 

Ban Truyền thông Đoàn trường

Write comment (0 Comments)

Tags