Nhằm phát huy tinh thần học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên, vào lúc 08h00 ngày 14/10/2020, tại Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, cơ sở Nguyễn Tất Thành, Ngày hội Nghiên cứu Khoa học lần thứ XXV năm học 2020 – 2021 đã được tổ chức trong không khí sôi động, với sự hưởng ứng của đông đảo các bạn sinh viên.

Đến với Ngày hội nghiên cứu khoa học năm nay, các Ulawers đã được hòa mình vào nhiều hoạt động thú vị, bổ ích như: Triển lãm trưng bày sản phẩm nghiên cứu khoa học; Lễ vinh danh, trao giải cho các nhóm tác giả có thành tích cao trong phong trào nghiên cứu khoa học năm học 2019 – 2020; Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề NCKH ở khu vực riêng của từng khoa. Đặc biệt, trong khuôn khổ ngày hội, 08 nhóm tác giả có đề tài xuất sắc hơn cả do Hội đồng nghiệm thu bình chọn đã được vinh dự trao tặng giải Nhất, cụ thể:

- Lĩnh vực Luật Thương mại: Pháp luật về ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin trong kết nối dịch vụ vận tải;

- Lĩnh vực Luật Dân sự: Trách nhiệm dân sự do xâm phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh theo pháp luật Việt Nam;

- Lĩnh vực Luật Quốc tế: Công nhận và cho thi hành thỏa thuận hòa giải thành trong thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế - Một số kiến nghị cho Việt Nam;

- Lĩnh vực Luật Hình sự: Chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi theo Luật Thi hành án hình sự;

- Lĩnh vực Luật Hành chính – Nhà nước: Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

- Lĩnh vực Quản trị: Các yếu tố ảnh hương đến hành vi sử dụng thanh toán di động (Mobile payment) của sinh viên tại TP. Hồ Chí Minh;

- Lĩnh vực Khoa học cơ bản: Những hạn chế trong hoạt động xây dựng hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam hiện nay – Nhìn dưới góc độ Triết học;

- Lĩnh vực Ngoại ngữ pháp lý: Exploring the legal content of “Twelve angry men” (1957) through an analysis of its literary elements (Tìm hiểu những nội dung pháp lý của “Mười hai người đàn ông giận dữ” (1957) qua việc phân tích yếu tố văn học của bộ phim).

 

Năm nay, tại khu vực triển lãm của Ngày hội, các bạn sinh viên một lần nữa được chiêm ngưỡng những thông tin, hình ảnh về các đề tài đạt giải cao, có đóng góp nổi bật cho công tác nghiên cứu khoa học trong thời gian vừa qua. Không khí tại các khu trưng bày luôn náo nhiệt, sôi nổi không chỉ bởi các câu chuyện xoay quanh những công trình đạt giải, mà còn là sự bàn luận, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm say mê của các nhóm tác giả đang thực hiện công trình nghiên cứu mới, nhằm chuẩn bị cho mình một nền tảng tốt nhất để bước vào chặng đua cam go phía trước.

Bên cạnh đó, hoạt động trao đổi về đề tài nghiên cứu tại các khoa cũng diễn ra vô cùng hào hứng, với nhiều câu hỏi đa dạng, hóc búa được đặt ra từ khán giả tham dự. Không chỉ tiếp nhận nhiều kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học hiệu quả, Ulawers còn được các thầy cô giảng viên – những người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu cũng như hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài truyền động lực, giữ lửa đam mê trong quá trình hoàn thiện sản phẩm. Ngoài ra, đây còn là dịp để các bạn sinh viên lắng nghe chia sẻ chân thành, hữu ích từ các nhóm tác giả có đề tài đạt giải cao, qua đó tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị chu đáo cho hoạt động nghiên cứu sắp tới.

Chia sẻ về những giá trị cốt lõi mà sinh viên nhận được khi thực hiện đề tài, PGS. TS. Lê Minh Hùng – Trưởng bộ môn Luật Dân sự nhấn mạnh: “Nghiên cứu khoa học sẽ giúp các bạn sinh viên thay đổi tư tưởng, nhận thức, phát triển tư duy pháp lý, tạo bản lĩnh để vượt qua thử thách, đồng thời giúp cho người nghiên cứu có sự chuẩn bị cần thiết khi phát triển nghề nghiệp trong tương lai.” Bàn về vấn đề trên, ThS. Lê Nhật Bảo – Bí thư Đoàn khoa Luật Thương mại cũng có đôi lời nhắn gửi đến sinh viên: “Các bạn hãy mạnh dạn lựa chọn cho bản thân đề tài nghiên cứu mà mình đam mê. Không nhất thiết đó phải là công trình xuất sắc nhất, nhưng các bạn hãy làm cho nó trở thành công trình mà bạn tâm đắc nhất.”

 

Ngày hội Nghiên cứu Khoa học Sinh viên lần thứ XXIV năm học 2020 – 2021 đã khép lại thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các bạn sinh viên. Đây là dấu hiệu đáng mừng về mức độ lan rộng và tính hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học - hoạt động nổi bật, thường niên, mang đặc thù riêng của Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh. Hy vọng thông qua hoạt động bổ ích này, các bạn sinh viên đã tích góp cho mình được những hành trang vững chắc, để sẵn sàng tham gia nghiên cứu và gặt hái thành công.

Nội dung: Ninh Giang, Hương Giang, Hồng Đào

Hình ảnh: Mạnh Hiếu, Anh Dũng, Thanh Trúc, Thanh Trà, Hoàng Anh

Ban Truyền thông Đoàn trường

Write comment (0 Comments)

Vào lúc 18h00 ngày 13/10/2020 tại Hội trường A1002, trường ĐH Luật TP. HCM, cơ sở Nguyễn Tất Thành, buổi tọa đàm Legal Talk 02 với chủ đề “Giao lưu tác giả và tác phẩm - Các chủ đề trong bối cảnh thương mại quốc tế đương đại” đã diễn ra trong không khí sôi động, nhận được sự thu hút, hưởng ứng từ đông đảo các bạn sinh viên. Với mục đích giúp khán giả tiếp cận gần hơn thực tiễn về thương mại quốc tế hiện nay, toạ đàm đem đến cái nhìn tổng quan, thực tiễn đồng thời tạo cơ hội để sinh viên giao lưu, chia sẻ cùng khách mời chuyên gia; thông qua đó gặt hái nhiều kiến thức bổ ích và sở hữu cho mình nguồn tài liệu nghiên cứu đầy giá trị.

 

Đến với buổi tọa đàm, Ban Tổ chức hân hạnh được đón tiếp sự hiện diện của quý vị khách mời, đồng thời là diễn giả - tác giả:

+ PGS. TS. Trần Việt Dũng – Trưởng khoa Luật Quốc tế trường ĐH. Luật TP. HCM, Chủ biên cuốn sách “Giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế - Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn trong bối cảnh hội nhập”;

+ PGS. TS. Trần Thị Thùy Dương & ThS. NCS. Nguyễn Thị Thu Thảo - Đồng tác giả của sách “Tìm hiểu Luật WTO qua một số vụ kiện về các biện pháp kiểm dịch Động – Thực vật”;

+ ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy và ThS. Ngô Nguyễn Thảo Vy - Đồng tác giả cuốn sách “Đọc hiểu CISG qua thực tiễn giải quyết các tranh chấp tiêu biểu”;

+ ThS. Vũ Ngọc Nam – Trưởng phòng Kiểm tra văn bản Sở Tư Pháp TP. HCM;

+ Anh Nguyễn Vinh – Chuyên viên xuất nhập khẩu tập đoàn Tôn Nam Kim.

Cùng sự có mặt của toàn thể các bạn Đoàn viên, sinh viên trường ĐH. Luật TP. HCM tại hội trường A1002.

 

Mở đầu chương trình, PGS. TS. Trần Việt Dũng đã có phần chia sẻ quan điểm cá nhân về vấn đề cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc. Thầy khẳng định: "Cuộc chiến này thực sự rất khốc liệt”, đồng thời tiến hành phân tích, bình luận cụ thể; giải đáp thắc mắc về sự ảnh hưởng của cuộc chiến này đến Việt Nam. Cũng theo Phó Giáo sư, sự ảnh hưởng của cuộc chiến này đến Việt Nam là khó tránh khỏi, và chúng ta phải chấp nhận và tìm ra giải pháp cho những thách thức trước mắt. Tiếp lời của PGS. TS. Trần Việt Dũng, ThS. Vũ Ngọc Nam cho rằng, ở góc độ cơ quan nhà nước, điều tiên quyết là các nhà chức trách, nhà làm luật phải đảm bảo những cam kết mà Việt Nam tham gia đã được rà soát, xử lý, điều chỉnh một cách hợp lý. Với kinh nghiệm tư vấn tại Công ty XNK Tôn Nam Kim, anh Nguyễn Vinh tiếp tục nêu ra các vấn đề về phòng vệ thương mại như: thuế quan, thuế phòng vệ thương mại, thực tiễn giải quyết tranh chấp và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam,... Qua đó, anh Vinh nhấn mạnh: “Hiện nay, vấn đề phòng vệ thương mại tuy còn khá mới nhưng cũng đón nhận được rất nhiều sự quan tâm, trở thành cơ hội tìm kiếm việc làm cho các bạn trẻ”.

Trong khuôn khổ toạ đàm, vấn đề về bảo hộ thương mại và tự do thương mại cũng được đặt ra và phân tích sâu bởi các vị khách mời. Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS. Trần Việt Dũng nêu ra hai học thuyết thương mại phổ biến cùng các nguyên tắc của WTO và ngoại lệ đặt ra. Đồng thời, thầy còn đề cập đến thay đổi quan điểm trong từng giai đoạn phát triển thương mại; đặc biệt là sự thay đổi của thị trường thương mại tại Mỹ và Trung Quốc. Đối với ThS. Vũ Ngọc Nam, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải tối đa hoá cơ hội để tự do hoá lẫn bảo hộ phù hợp cho doanh nghiệp trong nước. Đây là vấn đề phức tạp, phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của cơ quan Nhà nước nhằm đảm bảo chúng ta không bị phụ thuộc vào quốc gia khác. Anh Nguyễn Vinh tiếp tục đặt vấn đề bảo hộ vào những tình huống cụ thể, khẳng định cần có sự hài hoà để vừa bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của doanh nghiệp trong nước, vừa không ảnh hưởng đến chính trị và thương mại giữa ta với các quốc gia khác. ThS. NCS. Nguyễn Thị Thu Thảo lại đi vào phân tích cụ thể vấn đề ở biện pháp Kiểm dịch động thực vật. Cô tán thành rằng xu hướng tự do và bảo hộ phải đi chung với nhau, đồng thời khẳng định áp dụng biện pháp phi thuế quan đang là xu thế mới trong bối cảnh thương mại quốc tế hiện nay.

 

Tiếp nối chương trình, ThS. Ngô Nguyễn Thảo Vy và ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy đã có đôi lời chia sẻ về vấn đề nóng hổi trong bối cảnh hiện nay, khi toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi Covid - 19: Việc ký kết hợp đồng thương mại và trách nhiệm hợp đồng. ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy lần lượt bày tỏ quan điểm về trách nhiệm của các bên khi ký kết hợp đồng mà quá trình thực hiện phát sinh dịch Covid; luật áp dụng trong ký kết và phát sinh trách nhiệm hợp đồng; sự ảnh hưởng của dịch Covid đến việc thực hiện trách nhiệm hợp đồng; khả năng kiểm soát của thương nhân đối với trở ngại mà Covid - 19 gây ra. Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế, thầy cũng đưa ra dự đoán về sự kéo dài những tác động mà đại dịch Covid gây ra. Về vấn đề này, ThS. Ngô Nguyễn Thảo Vy chia sẻ thêm góc nhìn về các điều khoản miễn trừ trách nhiệm trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, đặc biệt là khi hàng hoá bị trả lại vì chất lượng không đạt yêu cầu do ảnh hưởng của Covid - 19. Các góc nhìn khác nhau của hai vị diễn giả khi tiếp cận vấn đề đã giúp sinh viên hiểu hơn về việc ký kết hợp đồng thương mại, nhất là trách nhiệm hợp đồng khi có bệnh dịch xảy ra.

 

Không khí cuối buổi toạ đàm càng trở nên sôi nổi khi phần giao lưu tác giả - tác phẩm và giải đáp thắc mắc khán giả được bắt đầu. Các diễn giả tài ba đã lần lượt giới thiệu những tác phẩm do mình dày công biên soạn, về những vấn đề nổi bật liên quan đến lĩnh vực Luật Thương mại quốc tế như: giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, thực tiễn giải quyết tranh chấp CISG, thực tiễn giải quyết các vụ kiện WTO liên quan đến biện pháp kiểm dịch Động - Thực vật. Ngay sau đó, khán giả cũng được diễn giả giải đáp trực tiếp những thắc mắc liên quan đến chủ đề toạ đàm. Các câu hỏi xoay quanh các vấn đề như: ý nghĩa, tác động của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đến nền kinh tế thời Covid - 19; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta trong bối cảnh hội nhập, giao lưu kinh tế khu vực và thế giới. Phần giải đáp sâu sắc, bao quát từ các khách mời đã giúp khán giả có cái nhìn khách quan, đa chiều hơn về vấn đề mà mình còn băn khoăn.



 
 
Hình ảnh: Anh Dũng, Thanh Hòa, Hoàng Long,
Thanh Trà, Anh Thy
Nội dung: Sơn Giang, Hạnh Nguyên, Hồng Đào
Ban Truyền thông Đoàn trường
Write comment (0 Comments)

Vào lúc 18h00 ngày 08 tháng 10 năm 2020, tại Hội trường A1002, Trường ĐH Luật TP. HCM, cơ sở Nguyễn Tất Thành, Hội nghị Giao ban cơ sở quý IV năm 2020 đã được tổ chức nhằm đánh giá kết quả hoạt động của năm học vừa qua, đồng thời triển khai các công tác Đoàn - Hội trọng điểm trong thời gian tới.

 

Hội nghị vinh dự có sự góp mặt của: ThS. Nguyễn Thành Bá Đại – Bí thư Đoàn trường; ThS. Nguyễn Trung Dương – Phó Bí thư Đoàn trường; ThS. Nguyễn Đào Phương Thúy – Phó Bí thư Đoàn trường; Đ/c Trần Nhật Anh – Chánh Văn phòng Đoàn trường – Ủy viên Ban thường vụ Đoàn trường; Đ/c Trần Minh Sơn – Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường – Chủ tịch Hội sinh viên trường. Cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Đoàn trường - Hội Sinh viên trường; Ban Chấp hành Đoàn khoa và Đoàn CTTĐTĐB; Ban Chấp hành Liên Chi hội; Bí thư các Chi đoàn cơ quan; Chủ nhiệm/Phó Chủ nhiệm các CLB trực thuộc Đoàn trường và Hội Sinh viên trường.

Sau phần khai mạc hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Đoàn trường, đồng chí Trần Minh Sơn - Uỷ viên Ban Thường vụ Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên trường công bố quyết định bổ nhiệm chức danh Chánh Văn phòng Đoàn trường nhiệm kỳ 2019-2022 đối với đồng chí Trần Nhật Anh.

Cũng tại hội nghị, ThS. Nguyễn Thành Bá Đại - Bí thư Đoàn trường đã triển khai những hoạt động trọng điểm sẽ diễn ra trong học kỳ mới; đồng thời tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm cho các chương trình được tổ chức trước đó. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Hội Sinh viên cùng các Ban, Bộ phận Đoàn trường cũng lần lượt thông tin đến hội nghị kế hoạch công tác cùng điểm mới, điểm thay đổi cần lưu ý trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, các cán bộ Đoàn - Hội cũng đã thẳng thắn đặt vấn đề, đưa ra những kiến nghị liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho Đoàn viên thanh niên; củng cố ý thức Phong cách Sinh viên Luật; tổ chức hoạt động phong trào, tình nguyện,... nhằm đưa ra những giải pháp hữu ích, ngày một nâng cao chất lượng thực hiện công tác Đoàn - Hội.

Hội nghị đã diễn ra hiệu quả, ghi nhận được những ý kiến đóng góp, xây dựng tích cực, từ đó tạo cơ sở để củng cố và phát huy hơn nữa hoạt động Đoàn - Hội năm học 2020 - 2021. Hy vọng với khởi đầu thuận lợi này, tổ chức Đoàn - Hội Trường ĐH Luật TP. HCM sẽ ngày càng phát triển và gặt hái thêm nhiều thành tích rực rỡ trong tương lai.

 

Nội dung: Ngọc Ngân, Thanh Thảo, Hương Giang

Hình ảnh: Mạnh Hiếu, Phương Thảo,

Mỹ Tiên, Thanh Trà, Hoàng Anh 

Ban Truyền thông Đoàn trường

Write comment (0 Comments)

Nhằm mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác Đoàn, kịp thời nắm bắt, chấn chỉnh những sai sót, hạn chế của các cấp trong tổ chức triển khai và thực hiện những nội dung chỉ đạo, chủ trương của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành Đoàn; đồng thời chủ động ngăn ngừa và đấu tranh, xử lý nghiêm minh đối với những biểu hiện, hành vi tiêu cực, trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vào chiều ngày 24/8/2020, tại phòng họp A905 trường Đại học Luật TP. HCM, Hội nghị kiểm tra công tác Đoàn và phong trào Thanh niên năm học 2019 - 2020 đã diễn ra với tinh thần làm việc nghiêm túc, hiệu quả.

Hình ảnh có thể có: 14 người, trong nhà

Buổi Hội nghị có sự tham dự của:

- PGS.TS. Bùi Xuân Hải - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường;

- ThS. Nguyễn Thành Bá Đại – Đảng Ủy viên, Bí thư Đoàn trường;

- ThS. Nguyễn Trung Dương – Phó Bí thư Đoàn trường;

- TS. Nguyễn Minh Đạt – Bí thư Đoàn khoa Quản trị;

- ThS. Lê Trần Quốc Công – Bí thư Đoàn Khoa Luật Quốc tế.

Cùng các ủy viên của Ban thường vụ Đoàn trường và đại diện một số chi đoàn được mời tham dự. Hội nghị cũng đón tiếp Đoàn kiểm tra số 3, thuộc Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang ngồi và trong nhà, văn bản cho biết 'HANH PHO'

Hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang ngồi

Mở đầu, đại diện phía Đoàn kiểm tra số 3 trình bày một số vấn đề về cách thức làm việc và kiểm tra, cũng như nêu những điểm mới trong công tác kiểm tra, đánh giá trong năm nay. Đoàn kiểm tra số 3 nêu nhận xét, kiến nghị, đồng thời đặt các câu hỏi trực tiếp về bản báo cáo và các hoạt động trong năm học vừa qua diễn ra tại đơn vị.

Hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi, bàn và trong nhà

Về mảng giáo dục, Đoàn kiểm tra nêu các quan điểm nhằm thể hiện các chuyên đề Thanh niên và chuyên đề Cán bộ Đoàn trong báo cáo, giải pháp nhân rộng gương điển hình, về văn hóa đọc, văn hóa thường thức tại cơ sở Đoàn, cũng như những khó khăn đã gặp phải trong việc đăng tin từ cấp thành về đơn vị, hay các hoạt động về tuyên truyền pháp luật.

Về các hoạt động phong trào, mảng công tác – chỉ đạo – phối hợp trong năm học vừa qua, Đoàn kiểm tra đặt ra các câu hỏi về sự chuẩn bị, triển khai, tổ chức cùng với tính hiệu quả của các hoạt động phòng chống ma túy tại cấp cơ sở và việc triển khai Cổng thông tin sáng tạo, cũng như cuộc thi học thuật “Tôi là công dân Tp. Hồ Chí Minh”. Ngoài ra, Đoàn kiểm tra cũng dành sự quan tâm đối với công tác quản lý, tổ chức diễn ra ở cấp Chi đoàn, Đoàn khoa, xoay quanh các hoạt động phong trào, các buổi sinh hoạt Chi đoàn, công tác đánh giá, phân loại trong tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

Hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi và trong nhà

Về nội dung báo cáo từ phía Đoàn trường, phía đại diện Thành Đoàn nêu lên những đề xuất với đơn vị về việc rà soát lại các nội dung cho sát với yêu cầu kiểm tra, báo cáo về việc triển khai các hoạt động trong năm qua cũng như về hiệu quả của các mô hình, giải pháp khi áp dụng vào thực tế. Các đại diện phía Ban Thường vụ Đoàn trường lần lượt giải đáp các thắc mắc của phía Đoàn kiểm tra. Do vấn đề khách quan, phần lớn các hoạt động đã không thể diễn ra theo như dự kiến ban đầu vì gặp phải những khó khăn của tình hình dịch bệnh Covid - 19, tuy nhiên phía Đoàn Trường khẳng định rằng nhưng công tác Đoàn trường trong năm học qua cũng đã đạt được nhiều chỉ tiêu đề ra.

Hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang ngồi và mọi người đang đứng

Sau phần trình bày của đại diện Ban thường vụ Đoàn Trường, PGS.TS. Bùi Xuân Hải có những chia sẻ về công tác Đoàn - Hội trong thời gian qua, khẳng định rằng Đảng Ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn quan tâm cũng như hỗ trợ tối đa các hoạt động của Đoàn trường và Hội Sinh viên. Đồng chí đánh giá cao nỗ lực hoạt động của Đoàn trường trong năm học vừa qua mặc dù tình hình dịch bệnh lan rộng và diễn biến phức tạp. Tuy vẫn còn những chỉ tiêu chưa thể đạt được, song trong các hoạt động giáo dục, chính trị, tư tưởng, phong trào, cũng như tổ chức xây dựng Đoàn, Hội sinh viên, Đoàn và Hội Sinh Viên Trường đều đã có những thành tích nhất định. Đồng chí cũng nhấn mạnh rằng, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh không thể hoàn thành sứ mệnh chính trị, đào tạo giảng dạy của mình nếu như không có sự hỗ trợ tích cực của Đoàn Trường.

Hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang ngồi, bàn và trong nhà

Phía Đoàn kiểm tra số 3 nêu đề xuất về việc rà soát lại những nội dung còn hạn chế, khuyến khích tiếp tục tập trung vào mảng giáo dục, tổ chức các hoạt động văn hóa thường thức theo các phương thức, hình thức mới sáng tạo. Cùng với đó, Đoàn kiểm tra đề nghị xem xét thực hiện các bài khảo sát Đoàn viên thường niên, tiến hành xây dựng được những quy chế đánh giá chất lượng cán bộ Đoàn, cũng như tổ chức, thực hiện các hoạt động, hoàn thành các chỉ tiêu được đề ra.

Hội nghị kết thúc lúc 16h45 cùng ngày.

 

Nội dung và hình ảnh: Ban Truyền thông Ulaw

Write comment (0 Comments)

Trong 02 ngày 18-19/07/2020, tại Trường Đại học Luật TP. HCM, cơ sở Nguyễn Tất Thành, nhằm báo cáo, tổng kết công tác tổ chức và hoạt động Đoàn trong năm học 2019 – 2020, đồng thời đánh giá khách quan những ưu điểm, nhược điểm đồng thời đưa ra định hướng hoạt động phù hợp với chặng đường sắp tới của các Đoàn khoa, Hội nghị kiểm tra cơ sở Đoàn đã diễn ra trong không khí khẩn trương, nghiên túc, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Hội nghị cũng thành công nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các bạn sinh viên, tạo tiền đề cho sự phát triển hơn nữa công tác Đoàn ở năm học mới.

Ban kiểm tra Đoàn trường gồm 03 đoàn kiểm tra, cụ thể:

+ Đoàn 1: Do ThS. Nguyễn Thành Bá Đại – Bí thư Đoàn trường làm Trưởng đoàn; kiểm tra Đoàn khoa Luật Hình sự, Đoàn Các Chương trình Đào tạo Đặc biệt, Đoàn khoa Luật Dân sự;

+ Đoàn 2: Do ThS. Nguyễn Trung Dương – Phó Bí thư Đoàn trường làm Trưởng đoàn; kiểm tra Đoàn khoa Luật Thương mại, Đoàn khoa Luật Hành chính – Nhà nước;

+ Đoàn 3: Do ThS. Nguyễn Đào Phương Thúy – Phó Bí thư Đoàn trường làm Trưởng đoàn; kiểm tra Đoàn khoa Quản trị, Đoàn khoa Luật Quốc tế.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các Đoàn cơ sở đã tiến hành báo cáo tình hình hoạt động trong thời gian vừa qua, với trọng tâm là những hoạt động phong trào, công trình thanh niên, sinh hoạt tư tưởng, chính trị ở cấp Chi đoàn. Trong tình hình đại dịch Covid-19, các Đoàn cơ sở đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, nắm bắt tình hình của từng bạn sinh viên, cũng như gặp không ít bất cập khi tổ chức chương trình. Tuy nhiên, nhờ vào sự hỗ trợ từ phía Đoàn trường cũng như sự hợp tác giữa các đơn vị với nhau, rất nhiều cuộc thi online đã được tổ chức thành công, đa dạng cả hình thức lẫn nội dung dự thi, phần nào đáp ứng được nhu cầu của Đoàn viên, thanh niên Nhà trường. Có thể nói, thành tích đáng khích lệ này chính là một trong những điểm sáng của công tác Đoàn năm học vừa qua.

Bên cạnh phần báo cáo từ các Đoàn cơ sở, 03 Trưởng đoàn cũng đã có những nhận xét thẳng thắng, phân tích từng mặt ưu điểm, nhược điểm của quá trình thực hiện công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Đây sẽ là nguồn để các đơn vị rút kinh nghiệm, kịp thời sửa đổi, bổ sung, đề ra giải pháp khắc phục cùng phương hướng hoạt động phù hợp, tối ưu hơn; nâng cao hiệu quả công tác về sau.

Tại Hội nghị lần này, các Trưởng đoàn còn kịp thời giải đáp những thắc mắc của các bạn sinh viên xoay quanh các chương trình, hoạt động phong trào, học thuật do Đoàn trường tổ chức. Trên cơ sở những thông tin, ý kiến đóng góp nhận được, đại diện Đoàn trường và Đoàn cơ sở đã cùng nhau đưa ra những kiến nghị, ý tưởng thiết thực, nhằm hoàn thiện và đưa công tác Đoàn đến gần hơn với tập thể Đoàn viên, sinh viên Trường ĐH Luật TP. HCM.

Sau 02 ngày làm việc nghiêm túc, Hội nghị đã diễn ra thành công tốt đẹp, nhận được nhiều ý kiến đóng góp hữu ích, mang tính xây dựng cao. Sự thành công của Hội nghị sẽ là tiền đề để Ban Chấp hành Đoàn trường nói riêng và các Đoàn cơ sở nói chung cùng nhau củng cố vững chắc công tác Đoàn và phong trào thanh niên, khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm để đạt được những thành tích tốt nhất trong năm học sắp tới.

 

Nội dung: Ninh Giang, Hồng Đào

Hình ảnh: Mạnh Hiếu, Thanh Hòa

Phương Thảo, Yến Nhi 

Ban Truyền thông Đoàn trường

Write comment (0 Comments)

Tags